1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đóa Hồng Trắng Không Gai (Trần Phong Giao) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      07-02-2016 | VĂN HỌC

      Đóa Hồng Trắng Không Gai

        TRẦN PHONG GIAO
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà văn Trần Phong Giao

      Chiều xuống thật chậm ngoài khung cửa kính. Chút nắng hanh vàng còn vương trên ngọn cây bơ cuối vườn, lẫn trong những chùm hoa lợt. Duy bất chợt nhớ lại lời ông cụ chủ vườn, năm nay cây bơ đậu nhiều trái quá, không biết rồi các cành có chịu nổi không, ông nghĩ xem có cách gì đó... Ông cụ thường bỏ lửng câu nói, không phải vì thói quen mà hầu như muốn để gợi cho Duy nối tiếp câu chuyện. Thêm một tuổi nữa phủ chồng lên mái tóc bạc hẳn, ông cụ vẫn còn dáng dấp khỏe mạnh nhưng một thoáng buồn bã đã lập lờ trong thái độ niềm nở, trong những câu chuyện ân cần.


      Dưới thấp, nay dưới bàn viết, mấy luống hồng nở rộ những bông nhiều màu sắc thật lạ. Giữa vườn, cây đào Vân Nam vẫn giữ cái thế rất đẹp nhưng nửa ngọn cây bên trái đã trụi lá, trơ những cành khẳng khiu khô khốc. Ảnh hưởng thuốc khai quang đấy ông Duy ạ, ông cụ đã cố giấu giọng xúc động khi Duy vừa tới, buông vội túi hành trang xuống thềm nhà và đon đả bước ra khu vườn sau nhà, lúc đó Duy như thấy đau nhói trong lồng ngực và khu vườn, khu vườn thường hiện ra trong những giấc mơ chập chờn dưới kia dường như mất hẳn đi vẻ quyến rũ thần kỳ. Duy định tìm một câu gì để nói với ông cụ, nhưng chợt thấy mình như hụt hẫng. Chàng quay lai, ngước nhìn lên những chùm hoa ớt leo trên vách và, may mắn quá, cây lựu mọc phía dưới trĩu đầy bông trái đã cho Duy cơ hội che giấu cơn xúc động nghẹn ngào. Một trái lựu chín nứt vít cong cành cây ẻo lả lúc nào cũng là hình ảnh thân thiết của tuổi thơ chàng. Khu vườn thênh thang bao quanh ngôi nhà tổ phụ, những trái lựu chín rữa trên cành cây mọc sát bên khuôn cửa sổ phòng ngủ những mùa hè xưa cũ đã mất đi, mất hẳn như tuổi thơ êm ả, như phần đất quê hương yêu dấu mà xa vời cách trở.


      Cây mimosa vườn nhà bên không nở một bông, khoảng màu vàng quen thuộc thoáng biến như một trống vắng ngỡ ngàng. Ông cụ nhập ngừng, dường như cây mọc lên cao thì khó trổ hoa, như người, già đi thì ... Tuổi già, bao giờ thì một người bắt đầu bước vào tuổi già? Với một công chức như ông cụ, có lẽ đó là khi về hưu, khi đã hết tuổi lưu dụng, khi không còn ngày ngày hai buổi tới sở làm một số những công việc quen tay, nhàm chán. Nhưng với một người làm nghề viết lách như Duy thì bao giờ tuổi già sẽ thật sư bắt đầu? Khi đầu óc không còn điều khiển nổi ngòi bút? Khi không còn tham dự nổi vào những sinh hoạt luôn luôn đòi hỏi những gì mới mẻ, đổi thay? Làm nghề các ông tóc mau bạc thật đấy, ông cụ đã có lần nói với Duy giọng ngậm ngùi bên ly rượu đào, những trái đào hái ở vườn nhà ủ men trong bình kín phơi sương trong nhiều năm tháng và chỉ đem uống trong những dịp trọng đại.


      Tóc ông thế mà cũng hoa râm rồi, tôi nghĩ âu cũng là cái nghiệp. Cái nghiệp thật đấy ông ạ, như anh Tam trước đây đang vui thú lặn lội trong rùng sâu tìm lan cùng với bọn tôi lại đột ngột bỏ về làm tiếp công việc mà bạn cũ cứ nghĩ là anh đã bỏ hẳn rồi, như anh Văn nữa đấy, cả đời lận đận mưu sinh, về già vẫn không chịu nghỉ ngơi cho khỏe, vẫn đi đây đi đó dạy học, đêm đêm vẫn gắng thức khuya cặm cụi phiên dịch cổ văn, biên khảo sách triết lý. Im lặng hồi lâu rồi rượu khật khừ cất tiếng buồn bã thay lời ông cụ. "triết lý con cừu, văn chương cóc", cái nhàn của tuổi già mình phải biết hưởng nó, phái biết tránh cái nghiệp, ông Duy ạ, không tránh nó thì nó cột chặt tay chân trí óc mình lại.



      Cành và trái lựu
       (Nhà văn Nhất Linh vẽ) (*)

      Cây đào này tôi trồng cốt cho đỡ trống khoảng đất này, như một nét chấm cần thiết trong một bức họa có bố cục vững vàng, nó lớn lên thân cứ ngay đơ, cái giống đào này nó thế đấy, nhưng sang năm, chỉ sang năm thôi, nếu bề trên còn cho tôi được sống, ông Duy tới chơi sẽ thấy cây đào này cũng có thế như cây đào ở vườn sau. Ngày giờ của tuổi già phải được dành cho những công việc chăm chút tỉ mỉ như vây đó. Khách đến chơi, qua đường nhìn vườn khen đẹp, dù thốt ra lời hay chỉ thoáng trong ánh mắt, đó là niềm vui của tuổi già, ít nhất cho những người già được hưởng "đặc huệ" như trong bài báo ông Duy vừa gửi cho. Duy chắc lưỡi như muốn níu kéo chất mật ngọt quyện trong men rượu đang tan dần trên đầu lưỡi, như muốn nói với ông cụ là ít người cầm bút ở nước mình có được tuổi già, nhất là một tuổi già thanh nhàn, nhưng sau một hớp rượu uống tiếp thật vội chàng lại nói chệch đi, cháu ước mau ít năm nữa sẽ thoát được cái nghiệp như cụ vừa nói và sẽ lui về một nơi cô tịch nào đó để vui với cái thanh nhàn mà cụ đang có.


      Sương chiều mong manh lãnh đãng như dâng lên từ lòng đất. Không bao lâu nữa mặt kính sẽ mờ tối, màn sương sẽ dày đặc và bao trùm hẳn cảnh vật bên ngoài. Duy khoác thêm tấm áo choàng mở cửa đi ra phố.


      Quán rượu vắng khách. Tiếng cánh cửa sắt rít lên làm Duy giật mình buông tờ báo xuống. Kim đồng hồ mới chỉ gần 9 giờ. Còn hơn hai tiếng đồng hồ nữa mới giới nghiêm nhưng dáng điệu những người hầu bàn đã tỏ ra cấp bách, ngượng nghịu trong cử chỉ đuổi khách của họ. Vợ chồng người chủ quán tiến đến bên Duy kéo ghế ngồi xuống và ra dấu cho bồi rót thêm rượu. Người chồng nói, cố ra vẻ ân cần, tournée du patron xin mời ông. Người vợ vẻ mặt ủ ê, than thở lợi tức năm nay kém quá, số thu chỉ bằng phân nửa mọi năm, thuế má lại nặng gấp cả chục lần, tối phải đóng cửa sớm vì vắng khách mà cũng vì ngại những ông khách quý ăn uống xong rút một trái lựu đạn giằng mặt trên bàn, trái lựu đạn là dấu hiệu khách đã thanh toán xong tiền ăn rồi đó và chủ quán nên biết điều mà hồi lại số tiền khách trả còn dư, số tiền trả lại đó nhiều ít tùy chủ quán, thực khách vốn hào phóng chỉ xử sự theo đúng luật giang hồ. Người chồng tiếp lời vợ, ở đây khó khăn hơn dưới đó ông ạ, bao nhiêu đất tư ông thấy đấy bị chiếm cứ xây cất bừa bãi, đúng ra việc xây cất ở đây có quy cũ lắm, phải theo đúng đồ án của thị xã, đường nào phải làm nhà cây theo kiểu định sẵn, khu nào được xây cất phố buôn bán, chỗ nào chỉ được phép xây biệt thự, bây giờ ở dưới là trung ương còn dễ chứ ở đây địa phương mạnh tay cũng khó, chắc ông cũng thấy thành phố đã mất đi nhiều vẻ đẹp ngày trước. Duy mỉm cười. Thành phố nào giờ đây chẳng có những khó khăn riêng của nó, những mụn nhọt lở loét phát sinh từ một chứng ung thư hiểm nghèo. Riêng thành phố này, riêng đối với những người mỗi năm một lần tìm đến, trung thành như kẻ hành hương, thành phố này không còn đẹp nữa một khi nó không còn là nơi trú ẩn, - một nơi trú ẩn cuối cùng, tại sao không? Thành phố này tự đánh mất đi tất cả vẻ đẹp thơ mộng của nó bằng những tràng súng nổ vu vơ, những cảnh phố xá vắng tanh vắng ngắt, những tiếng kéo cửa rít lên chát chúa. Đã suốt buổi tối ngồi đây nhìn qua khung cửa kính, Duy không còn gặp những du khách qua lại rộn ràng~ như mấy năm trước cũng mùa này, những cặp trai gái chung một tấm áo choàng dìu nhau đi đạo dưới mưa sương, những chàng trai nhẩn nha đếm bước cổ áo bẻ cao với tẩu hay điếu thuốc ngậm lệch bên khóe miệng, và Duy, chàng hầu như tay tửu đồ duy nhất ngồi cô đơn bên những ly rượu muộn màng.


      Duy khoát tay từ chối lời mời chào đon đả của một bác tài. Lên đây, một trong những sinh thú mình phải tận hưởng là đi bộ. Vượt những con dốc bò lên đổ xuống, dò dẫm trên những phiến đá trơn trượt hay băng ngang những lối mòn khuất khúc đã từ lâu quen thuộc.


      Duy ghé ngang một quán quen thuộc hỏi mua gói xôi. Cả vùng đồi núi bao la giờ này có lẽ chỉ còn nơi đây là còn sinh hoạt, mấy xe mì phở bánh cuốn cháo xôi đều đông khách. Thực khách ai nấy đều lộ vẻ bồn chồn vội vã nhưng vẫn không ồn ào. Những câu nói ngắn gọn chìm nhanh vào khoảng trống vắng lạnh hút. Một người lính lách qua chỗ Duy đứng tới giằng mạnh cái vỏ chai bia xuống mặt bàn, cho nửa lít nếp than đây. Cô nàng lắc mạnh chai rượu, trút sang chai của người lính rồi lật ngược chỗ phân nửa rượu còn lại trong chai chìa ra cho người lính coi. Anh ta gật đầu móc túi lấy tiền trả rồi xách chai rượu leo nhanh lên chiếc quân xa vẫn nổ máy đứng chờ giữa đường. Cô hàng quay vào, gói xôi lạp xưởng của ông đây đợi lâu quá rồi má. Không có tiếng trả lời. Duy bước lui vài bước, tránh chỗ cho đám khách mới đến kéo ghế ngồi vào xe phở kế bên. Hút tàn thêm một điếu thuốc nữa, Duy mới nhận được gói xôi cùng câu xin lỗi lí nhí trong miệng cô gái có đôi mắt thật sắc. Duy nhét gói xôi vào túi áo và thoáng nghe có chút hơi nóng nhẹ lan vào da thịt. Duy bẻ cao cổ áo, bước những bước đều, chậm. Bóng chàng đổ dài xuống con dốc co ro dưới ánh đèn đường vàng vọt.


      Về tới nhà Duy chợt đứng khựng lại. Qua làn kính cửa, bóng ông cụ chủ nhà ngồi thật im, nghiêm trang và thành khẩn bên hang Chúa hài đồng. Cả căn phòng rộng chỉ được soi sáng bằng ánh đèn nhấp nháy của dây bóng nhỏ nhiều màu giăng quanh máng cỏ. Tiếng nhạc Giáng Sinh từ nhà bên vọng sang dường như từ máy truyền hình đài Mỹ, một ban hợp ca nào đó đang hợp xướng một bản thánh ca hùng tráng nhiều bè quấn quýt lấy nhau đưa đẩy lẫn nhau mỗi lúc một lên cao, cao vút.



      Bìa báo Văn Hóa Ngày Nay
      (Nhà văn Nhất Linh vẽ) (*)

      Duy rón rén bước vòng ra phía cửa sau. Chàng tới cái bàn kê trong gian bếp mở gói xôi ra ăn. Từ sáng tới giờ, có lẽ đây là món ăn đầu tiên được lùa vào bao tử Duy. Hãng máy bay dường như đã cố tình quên bữa điểm tâm của chuyến bay sớm và Duy đã ngủ ngon lành qua bữa ăn trưa. Gói xôi tuy kém dẻo cũng đã trở thành quá ngon quá nhỏ. Duy đánh răng rửa mặt thật nhẹ nhàng như e sợ khẽ khua động bầu không khí u trầm thanh khiết của căn nhà đang chìm đắm trong những thanh âm lâng lâng trong vắt. Chàng nhẹ nhàng vào phòng thay quần áo và rót một ly rượu (tôi biết ông kém ngủ, rượu này tôi ép nguyên trái mác-mác, có nhiều chất passiflore, ông dùng thử xem ngủ có ngon không) ngửa cổ nốc một hơi dài. Rồi chàng chui nhanh vào trong lớp chăn dầy, tắt nốt ngọn đèn nhỏ nơi đầu giường. Chút dư vị của ly rượu còn đọng trên đầu lưỡi chua chua và lạt lẽo khiến Duy có cảm tưởng mình vừa uống thuốc. Chàng muốn ra phòng ngoài uống một hơi rượu mạnh cho trôi đi chút dư vị khó chịu đó, nhưng sau rốt chàng vẫn nằm yên trong chăn, không phải vì ngại lạnh nhưng vì e sợ sẽ khua động cơn trầm tư của ông cụ, một sự trầm tư hiển nhiên là thanh thản và biết đâu không ngập tràn hạnh phúc, hạnh phúc như một ân sủng tại sao không? Duy đặt hai tay lên ngực, biết và tin chắc là đêm nay mình sẽ ngủ thật ngon, không cần những viên thuốc màu hồng, không cần men rượu mạnh, không cần tiếng nhạc lu và không cần ngay cả đến những trang sách với những hàng chữ in chạy dài, nối đuôi nhau chạy dài chạy mãi về một nơi nào vô tận.


      Duy thức giấc khi chập chờn thoáng nghe thấy tiếng nước róc rách, tiếng chim chóc truyền trên các cành cây và từ đâu xa, thật xa, có tiếng động cơ rì rào vọng lại. Ánh dạ quang trên kim đồng hồ chỉ 5 giờ 30, đúng giờ chàng thường giật mình thức giấc như mọi ngày dưới kia. Ở đây thì còn quá sớm để tung chăn vùng dậy, quá sớm và quá lạnh, nhưng rồi trằn trọc mãi Duy cũng không tài nào níu kéo được giấc ngủ dở dang. Duy đốt ngọc bạch lạp gắn sẵn trên mặt bàn nhỏ đầu giường. Ánh nến lung linh hư ảo vừa đủ để Duy nằm nghiêng đọc nốt bài báo bỏ dở hồi trưa. Bài báo thuật lại những bí ẩn ở hậu trường chính trị thời Tổng thống Kennedy, một chi tiết trong bài làm Duy tỉnh ngủ hẳn, cái lệnh rút một ngàn cố vấn và binh sĩ Mỹ ra khỏi Việt Nam trước cuối năm 1963, mở đầu cho chính sách tìm cách thoát khỏi cuộc chiến, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ sẽ không thể sử dụng những tiềm năng nguyên tử, trên miền đất Á châu xa vời và quá đông dân số, cái lệnh nghe theo lời khuyên của hai vị danh tướng MacArthur và De Gaulle đã là một trong những nguyên nhân khiến cho Kennedy bị thảm sát tại Taxes.


      Vốc nước táp lên mình lạnh như băng giá (hàn thử biểu dường như xuống tới 5 độ đêm qua) toàn thân Duy run lên. Chàng tắm rủa vội vã, choàng thêm áo ấm, ngồi vào bàn xoa tay nhìn đợi từng giọt cà phê chậm chạp rớt xuống ly. Ngoài vườn chưa có nắng, cửa kính còn ướt đẫm sương khuya. Tiếng chuông nhà thờ từ sườn đồi bên kia vọng tới, tiếng chuông chiêu dương hay chuông tan lễ sớm Duy cũng không rõ nữa, nhưng tiếng chuông gợi Duy nhớ ra bữa nay là sinh nhật một người bạn gái. Năm ngoái, cũng ngày này, Duy đã định leo lên máy bay trực thăng bay ra dự lễ sinh nhật của người bạn đó, nhưng cứ nghĩ đến cái thị trấn duyên hải nhập tràn nắng lửa, chập chùng cát trắng là Duy lại nản. Giờ này không biết cô bạn đang làm gì. Rất có thể nàng đang ngồi cô đơn bên tách cà phê sớm ngoài hiên nhà hàng La Frégate rực rỡ nắng mai ven bờ biển, chuẩn bị cho một ngày chắc chắn là bận rộn. Pha xong tách cà phê, đốt lên điếu thuốc đầu ngày, Duy rút tờ giấy đặt ngay ngắn trước mặt. Duy có ý định gửi tới cô bạn đang hiện ra trong tâm tưởng chàng, thắm thiết và gần gũi, những lời chúc tụng nhiệt thành nhất. Thật chậm chạp, Duy đặt bút viết nắn nót: thân mến. Có tiếng gõ bên ngoài cửa kính. Duy đặt bút đứng lên. Ông cụ chủ nhà đứng dưới mé vườn dùng cán cuốc gõ lên mặt cửa. Ông Duy, xuống đây ông, tiếng gọi lọt qua khe cửa hé mở vội vàng. Duy khoác thêm tấm áo choàng, bước xuống. Nét hớn hở lộ rõ trên khuôn mặt ông cụ. Ông xem, cây cỏ đâu có vô tình, ông lên chơi chẳng phải chỉ mình tôi vui thôi, ông xem, cây hồng này... Duy nhìn theo bàn tay nhăn nheo, một đoá hồng trắng vừa nở, nổi bật giữa những bông hoa khác màu, cùng giống. Duy vui lây niềm vui của ông cụ, ngồi xuống bên gốc hoa. Cây hồng sao lạ quá, toàn thân không một cái gai. Giống lạ này chẳng hiểu ông cụ đã tốn công phu chuốc tận đâu về. Duy thấy xúc động lạ lùng, ngồi nán bên gốc hoa khá lâu cố ý đợi ông già bỏ đi chỗ khác, tránh không để ông trông thấy cặp mắt mờ đục của chàng.


      ... Đêm nay, trên tấm bánh sinh nhật hẳn sẽ có thêm một ngọn nến. Tôi muốn thay thế ngọn nến đó bằng bông hồng trắng không gai vừa nở trong vườn nhà. Nhưng làm thế nào để gửi bông hồng tới.



      Lan Thanh Ngọc
       (Nhà văn Nhất Linh vẽ) (*)

      Lá thư viết dở để trên mặt bàn từ sáng. Cho tới buổi chiều, khi nắng hanh vàng rút dần lên ngọn cây bơ cuối vườn, khi sương chiều như đang chậm chạp toát lên từ lòng đất, Duy đã mấy lần xuống vườn với cây kéo nhỏ trong tay. Duy định cắt bông hồng trắng bỏ vào bao thư nhờ người chuyển tay tới cô bạn nơi xa thay một tặng vật, một lời chúc mừng sinh nhật nàng. Nhưng sao Duy không làm được việc đó. Lưỡi kéo nhập ngừng trên cọng hoa như ngăn Duy đừng làm một việc trẻ con, có ai đó một dịp nào đó đã trách Duy như vậy. Không còn lãng mạn được nữa, Duy bước vào tuổi già rồi sao? Tuổi già rồi sẽ ra sao? Sẽ là những buổi sớm mai lười lĩnh nằm vùi trong chăn nệm? Những buổi trưa bắc ghế ngồi hong nắng ngoài hiên? Những buổi chiều nhẩn nha nhổ cỏ tìm sâu? Những buổi tối khật khừ bên những ly rượu nhạt nhẽo ép từ hoa trái để dỗ dành giấc ngủ, giấc ngủ, ước vọng sau cùng của con người khi không còn được mơ mộng để thoát ly dù trong khoảnh khắc những thực tại phủ phàng, khi bị trói tay xô đẩy tới trước khoảng trống vắng hắt hiu sâu thẳm những mịt mùng bóng tối.


      Duy cúi xuống nhấc túi hành trang, quay lại nắm thật chặt bàn tay ông cụ. Sang năm thế nào ông Duy cũng gắng lên chơi ít ngày đấy nhé. Thưa cụ vâng, cháu còn biết đi đâu nữa nếu không lên đây sống gần cụ ít ngày, Duy bâng khuâng trả lời, không tin hẳn ở điều mình nói.


      Ra tới gần cổng, Duy ngoái cổ nhìn lại. Dưới thấp, bông hồng trắng vẫn còn ẻo lả trên đầu ngọn vươn cao lẻ loi đài các lung linh trong cụm nắng vàng lách qua tàn lá cây đào dọi thẳng xuống. Như một ánh đèn sân khấu, ánh đèn sân khấu năm nào dọi xuống đôi dòng lệ trên gò má nàng ca sĩ về chiều. Như một tiếng hát tạ từ, tiếng hát nghẹn ngào nào đã tắt từ lâu nhưng dư âm còn vang vọng trong hồi tưởng, một hồi tưởng bất chợt thoáng lướt vội vàng.


      Khi ra khỏi cổng nhà, nhét hành trang vào taxi xong, Duy quay lại khép hai cánh cổng nhẹ nhàng cẩn thận. Bất chợt Duy nhận ra đã từ nhiều năm qua đây là lần đầu tiên chàng làm công việc đó. Chậm rãi bước lên xe, Duy dập mạnh cánh cửa xe lại.


      Bánh xe lăn nhanh đẩy xa một ý tưởng bấu chặt lấy tâm trí Duy, ý tưởng về một tuổi già tới sớm. Thành phố lùi dần lại phía sau, cánh rừng thông trải dài trước cửa kính xe. Trong ánh nắng chan hòa, cảnh vật sao như mờ hẳn đi, như bị bọc trong một màn khói sương lãnh đãng vật vờ. Duy buồn bã gở mắt kính ra lau, thầm nhủ, ta bước vào tuổi già thật rồi sao? Tuổi già đến dễ dàng như vậy sao? Như người ta phải thầm đếm những ly rượu đã uống? Cẩn thận rũ một lớp bụi đọng trên thân áo? Nhẹ nhàng khép một cánh cửa lại phía sau lưng? Muôn vàn hình ảnh chập chờn trước mắt giao động trong hồn, tuổi già mới thoáng hiện mà sao đã mông lung và buồn bã lạ, mông lung buồn bã như một tiếng hát lênh đênh ngày một phai tàn những thanh âm réo rắt, như một ráng chiêu mây đỏ ngày một lùi sâu trong sương gió nhập nhòa, hay như một định mệnh, ừ, sao lại không, như một định mệnh khó lòng chối bỏ.


      Trần Phong Giao

      (Tạp chí Tân Văn số 11, Tháng 6-2008)

      Tranh minh họa do Học Xá trích từ sách "Nhất Linh Người Nghệ Sĩ - Người Chiến Sĩ", Nhiều tác giả; Thế Kỷ xuất bản - 2004.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Một Tiếng Thở Dài Trần Phong Giao Hồi ức

      - Thân Phận Thi Phẩm Của Hoài Khanh Trần Phong Giao Nhận định

      - Đóa Hồng Trắng Không Gai Trần Phong Giao Tùy bút

      - Độc giả và những người làm một tạp chí văn chương Trần Phong Giao Thư Ngỏ

      - Nhớ Y Uyên Trần Phong Giao Tạp bút

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Giới thiệu tác phẩm Mắt Ngọc của Dương Thượng Trúc (Điệp Mỹ Linh)

      Chữ Tâm trong văn học Việt (Thái Công Tụng)

      Đọc Thơ Hồ Thanh Nhã: Trân Trọng Với Cuộc Đời (Phan Tấn Hải)

      Trang Thơ (Vương Đức Lệ)

      Những Bài Thơ Trên Giường Bệnh Của Vương Đức Lệ (Hoàng Xuân Trường)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)