|
Anh Bằng(5.5.1926 - 12.11.2015) | Cao Xuân Huy(.9.1947 - 12.11.2010) | Trần Thái Đỉnh(14.11.1922 - 12.11.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Ông-Lâm-Café (Lương Xuân Đoàn)
• Dạo Ấy Ở Đầu Phố Hàng Vôi (Dương Tường)
Mỹ Thuật và văn học luôn luôn có một sự gắn bó mật thiết. Với những trào lưu văn học nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, chúng ta thấy rất rõ điều ấy: Đó là một sự phát triển song song và cùng lúc trên cả hai lãnh vực văn học và mỹ thuật, trong cách nhìn, quan niệm, và đường lối thể hiện. Tuy nhiên, văn học đã phát triển dễ dàng hơn mỹ thuật, bởi vì văn học được phổ biến và chia sẻ nhiều hơn. Một bài thơ, truyện ngắn, truyện dài, một tập luận thuyết văn học vẫn phổ cập hơn một bức tranh, một pho tượng. Chữ viết và những trang sách vốn đã quen thuộc với mọi người, càng lại dễ dàng đi đến khắp nơi với những ấn bản hằng hà sa số, chứ không phải chỉ là những bản duy nhất như là những sản phẩm nghệ thuật tạo hình. Hơn thế nữa, mỹ thuật, nhất là mỹ thuật hiện đại, đến với người thưởng ngoạn, phổ cập được với mọi người, còn do trình độ thưởng lãm. Mà trình độ thưởng lãm thì phần nào cũng là sản phẩm của dân trí và giáo dục trong môi trường văn hóa và xã hội.
Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại đến với công chúng không phải dễ dàng. Chúng ta còn phải mất rất nhiều thời gian và có lẽ phải có một chính sách về văn hóa và giáo dục trên bình diện quốc gia để tiến hành việc này. Tạm thời, trong lúc chờ đợi, chúng ta cần có những người thích mỹ thuật, lưu tâm đến mỹ thuật, góp phần giúp cho nền mỹ thuật tồn tại và phát triển. Nói một cách cụ thể, chúng ta cần có những người biết thưởng thức, biết chơi tranh, biết giữ gìn và sưu tập các tác phẩm mỹ thuật. Những nhà sưu tập mỹ thuật Việt Nam, theo chỗ chúng tôi biết, rất ít ỏi, đếm chưa quá mười đầu ngón tay. Trong tình cảnh như vậy, Ông Lâm Café ở Hà Nội thực là một hiện tượng kỳ lạ. Trong khung cảnh nghèo nàn mà văn vật của Hà Nội suốt mấy chục năm qua, một chủ quán café tầm thường, không biết cái đẹp ở đâu, mà chỉ vì lòng quý trọng đời sống tinh thần, quý trọng văn nghệ sĩ, quý trọng cái đẹp có thể là mơ hồ, mà đã trở thành người cưu mang và là một nhà sưu tập mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam.
Thật là may mắn cho đất nước có một ông Lâm, đã giữ gìn lại được biết bao di vật văn hóa nghệ thuật quý giá. Nhắc đến ông Lâm, chúng ta cũng nên nhớ đến nhà sưu tập Đức Minh. Ở Hà Nội thời kỳ 1954-1975, trong một tình cảnh hết sức gay gắt của bầu khí chiến tranh và chính trị đóng kín, nhà sưu tập Đức Minh, một nhà tư sản "dân tộc", vẫn tiếp tục sưu tập và giữ gìn những mỹ thuật phẩm cổ cũng như những tác phẩm mới của các họa sĩ đương thời. Đức Minh có một bộ sưu tập vô giá và ông muốn tặng toàn bộ sưu tập này cho nhà nước để lập một nhà bảo tàng, chỉ với một điều kiện: gọi tên nhà bảo tàng này là Bảo Tàng Đức Minh, nhưng nhà nước Việt Nam đã không chấp nhận, nên bộ sưu tập ấy sau khi ông Đức Minh qua đời cũng đã mất mát dần. Đó là một điều thật đáng tiếc chỉ vì quyết định hẹp hòi của những người có trách nhiệm. Trở lại với Ông-Lâm-Café, dưới đây là ghi nhận ngắn của họa sĩ Lương Xuân Đoàn về nhà sưu tập mỹ thuật Lâm-Café, bài viết từ mùa Xuân Canh Ngọ, 1990, in trên tạp chí Đất Mới, xuất bản ở Canada, số 9, bộ 2, tháng 9, năm 1990.
H.H.U.
Tính đến năm Canh Ngọ 1990 này, quán Cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân - Hà Nội đã vào tuổi 40. Còn ông chủ quán, ông Nguyễn Văn Lâm, người cầm tinh Canh Ngọ 1930 cũng trôn 60 tuổi. Tuổi 40 của một quán café nổi tiếng ở Hà Nội xem chừng thật hiếm có một quán thứ hai nào sánh được. Lại thêm ông chủ quán, một trong những nhà sưu tập nghệ thuật đầu tiên của nước ta, người bạn tận tụy, chân thành nhất mực của giới văn nghệ sĩ Hà Nội.
Là mệnh, mà cũng là duyên trời đặt cái con người bé nhỏ, xấu xí mà tinh nhanh, tốt tính kia đã vài chục năm nay chỉ chăm chỉ đi lễ chùa, chép kinh Phật và lẳng lặng làm bổn phận của một người bảo trợ nghệ thuật. Nghệ sĩ mấy ai giàu. Ông Lâm thì cũng không giàu hơn họ bao nhiêu, nhưng ông vẫn có cách để giúp đỡ họ một cách kín đáo và tế nhị.
Có sống qua những thập kỷ 50-60 của văn nghệ Việt Nam, mới thấm thía, cảm thông với những nghệ sĩ tài hoa bị quên khuất. Nhưng cũng may lắm thay là sự đơn độc. Nghệ thuật thăng hoa từ đó. Hội họa Việt Nam còn cho tới thập kỷ này không thể quên Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... của một thời kỳ đẹp đẽ nghệ thuật vì nghệ thuật, trong trẻo ấn tượng cua nghệ thuật Tây Phương hòa nhập hồn nhiên vào hội họa Đông phương, cũng không thể quên thập kỷ 80 dồn dập những biến động quan trọng trong kinh tế, chính trị, nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới. Ở thập kỷ ấy, người Hà Nội sẽ không bao giờ quên được những triển lãm hội họa đặc sắc được công bố lần đầu tiên của các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái sau hơn 30 năm âm thầm trong ánh sáng của nội giới mà sáng tạo nghệ thuật. Và cùng với họ, những bộ sưu tập các tác phẩm hội họa của ông chủ quán Cà phê Lâm đã được trưng bày, được đón nhận sau nhiều năm tháng khốn khó, thăng trầm.
Không phải bỗng dưng mà một ngày tháng tư vừa qua, nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng con trai Lưu Trọng Văn đã đến thăm lại người xưa, quán cũ để thốt lên rằng: Công việc anh Lâm làm trong mây chục năm nay thật là vô giá. Anh chị em văn nghệ sĩ không bao giờ quên tên anh, trong đó có tôi.
Quả vậy, nhìn ông mấy ai biết ông là nhà sưu tập nghệ thuật hiếm hoi của Hà Nội. Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, ngay từ những năm 60 đã viết như thế này:
Ông Lâm là người trông có vẻ như không có gì đến nghệ thuật và văn học. Nhưng có gặp ông, thấy công phu sưu tập của ông tôi mới rõ. Phải say sưa lắm mới làm được.
Còn nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao, nhân đọc mấy lời khen tặng của bạn hữu về bức chân dung vẽ ông Lâm, đã nói thật lòng:
Nếu như người ta yêu nhau thì nhìn đôi mắt, anh Lâm lại là người kém mắt. Người kém mắt lại yêu hội họa. Tôi yêu người kém mắt ấy mà vẽ tặng.
Thật cảm động khi đọc lại những dòng chữ của Nguyễn Sáng viết vào một ngày tháng 10 cách đây 25 năm trong cuốn sổ nhỏ lưu giữ các bút tích của văn nghệ sĩ mà ông Lâm vẫn trân trọng giữ gìn mấy chục năm nay:
Làm nghệ thuật gọi là tạo hình phải khiêm tốn và lịch sự tế thị đến mức rất thật thà mới thấy mình có phải là mình không. Kể ra anh Lâm cà phê thì ngon và hợp thời "ba hào" nhưng rất lạ, anh lại quý và yêu anh em văn nghệ. Văn nghệ sĩ có phải là con người chỉ sống ở những chân trời là chân trời nên mới quý anh.
Phó chủ tịch quốc hội Trần Độ, trong buổi tiếp xúc lần đầu tiên cũng đã tâm tình: Tôi đến đây gặp một kho tàng nghệ thuật và di sản văn hóa quý báu, gặp một tâm hồn yêu nghệ thuật đến đỉnh cao.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau lần ghé thăm ông Lâm hồi tháng 10 năm ngoái, đã viết:
Quán Cà phê Lâm gắn bó với nhiềlu người Hà Nội một thời. Nhiều người Hà Nội cũng gắn bó với quán Cà phê Lâm một thời. Tôi có dịp may ký tên ở đây cùng nhiều người. Tôi cám ơn tạo hóa và số phận.
Ở cái địa chỉ văn hóa mới được lưu giữ, gọi tên này của Hà Nội, tôi nghe có ai đó thốt lên: Anh Lâm có nhiều tranh đẹp, sách hay, đồ cổ quý. Anh giữ cho anh ư? - Không. Đễ lại cho con anh? - Cũng chẳng phải. Có chăng anh giữ lại cho đời, gửi lại tấm lòng trân trọng của anh với Nghệ thuật và Văn học.
Giờ đây, ra vào cái quán cà phê thân thuộc này cũng chẳng còn bao nhiêu người nghệ sĩ tài danh thuở trước. Họ đã lần lượt theo nhau đi, những Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Đoàn Phú Tứ... Đến với ông Lâm bây giờ, bên cạnh các nghệ sĩ cao niên, là những người trẻ tuổi hơn. Và ông đã đón họ trong những hồi ức vừa trẻ trung, vừa xa xót về cái thuở đã xưa nhiều đắng chát, buồn phiền hơn là niềm vui để mừng cho sự tự do tìm thấy mình trong nghệ thuật của giới nghệ sĩ bây giờ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, ông Lâm cà phê, ông cà phê Lâm 40 năm làm sưu tập, tạo nên một rừng sách hiếm quý, một kho cổ vật độc bản và hàng trăm tác phẩm hội họa vô giá, cũng chỉ nuôi một cái chí bền rằng mãi mãi, quán cà phê này là trường đại học của tôi. Ở ông, cầu học luôn luôn là để tu thân chứ không vì danh vọng. Thờ Phật, yêu tranh được mấy người (Phụng Phật, ái họa bằng trung thiểu). Câu thơ bạn hiền ghi tặng ông chẳng thể nào là đôi nét ngẫu hứng vô tình.
Vào thập niên này tôi cầu chúc cho ước nguyện của ông sẽ sớm trở thành một nét đẹp văn hóa đầu tiên của năm 2000: Bảo tàng nghệ thuật tư nhân mang tên Nguyễn Văn Lâm. Lúc ấy, vẫn nền xưa, phố cũ, nhưng tòa nhà ba tầng sang trọng trong sự giản dị ấy vẫn có riêng một tầng trệt để ghi dấu quán cà phê xưa. Ở đó, cà phê ngon nổi tiếng đã có tuổi 50 vẫn tiếp tục nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức và những công chúng sành điệu của Hà Nội. Ở đó, ông chủ quán đáng kính dày tâm đức vẫn thờ Phật, yêu tranh. Vẫn lặng lẽ và hào hiệp như thuở nào, vẫn đón nhận thêm vào Bộ sưu tập Nghệ thuật quý giá những tác phẩm sẽ làm ngạc nhiên mọi người trong những năm 2000 đầu tiên.
Lương Xuân Đoàn
Hà Nội, tháng 4-1990
Bài viết bên trên của Lương Xuân Đoàn đã giúp chúng ta biết nhiều về Ông-Lâm-Café . Nhưng để sống được những hồi tưởng về bầu khí Hà Nội thời trước cùng với quán café Lâm, chúng ta cần đọc lại mấy dòng phác vẽ rất linh hoạt dưới đây, Dạo ấy, ở đầu phố Hàngng Vôi, của nhà thơ Dương Tường, cũng là một dịch giả cự phách của Hà Nội. Bài viết ngắn này in trên tạp chí Mỹ Thuật, số 1, xuất bản ở Sài Gòn, năm 1991.
H.H.U.
Calif. 8-2000
Đó là những năm 55-56 ít lâu sau khi giải phóng thủ đô Hà Nội, hồi đó chúng tôi thường gặp gỡ uống cà phê tại một quán ở đầu phố Hàng Vôi. Gọi là quán, nhưng thật ra đó chỉ là một dãy bàn kê ngay trên hè đường sát bức tường một công sở. Chủ quán ông Nguyễn Văn Lâm là một người nhỏ bé, mắt kèm nhèm, hấp him, bọn tôi thường gọi là Lâm khói, hoặc thân mật suồng sã hơn, Lâm toét.
Khách quen gồm nhiều loại: cán bộ công nhân, viên chức, buôn bán, lái xe... nhưng được chủ nhân đặc biệt ưu đãi là văn nghệ sĩ và nhà báo. Thường xuyên có mặt ở đây là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Văn Cao, Nguyễn Tuân... Cái thuở hàn vi ấy, một tách cà phê sáng kèm theo suất bánh mì ốplết, hay cặp chả đối với chúng tôi, đã là một sinh hoạt khó duy trì được hàng ngày. Nhưng ông Lâm, vị mạnh thường quân của chúng tôi, có một chế độ thanh toán đặc biệt đối với văn nghệ sĩ, nhất là giới hội họa. Trừ những bận có tiền trả ngay - không thường xuyên lắm - bọn tôi được quyền tự "ghi sổ". Sổ đây không phải bằng giấy, mà là bức tường kề ngay đó. Bằng một mẫu bút chì, hoặc một cái đinh, thậm chí một que sắt, bọn tôi ghi tên mình trên tường, mỗi lần thiếu tiền, tự giác vạch một vạch - cứ năm lần thành một đơn vị, tượng trưng bằng một hình vuông có đường chéo góc. Ông Lâm không bao giờ nhắc, cũng chẳng bao giờ ngó đến "sổ" ghi nợ. Theo trí nhớ không đảm bảo chính xác lắm của tôi thì "sổ" của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái là nặng nhất. Thỉnh thoảng thấy dãy hình vuông với đường chéo góc của mình đã khá dài mà chưa có một khoản thu nhập nào để thanh toán, họ đem đến một bức tranh để tặng chủ quán và "sổ" được cạo đi để mấy hôm sau, lại bắt đầu một "sổ" mới. Hồi đó, việc bán tranh đối với họa sĩ Hà Nội là một khái niệm cực kỳ trừu tượng. Người ta vẽ chỉ để thỏa mãn riêng mình hoặc tặng bạn bè, nếu không kể đến việc phục vụ yêu cầu chính trị và thời sự, cho nên việc tặng tranh ông Lâm là điều rất tự nhiên.
Quán cà phê đầu phố Hàng Vôi ấy do vậy về một mặt nào, có một cái gì gợi nhớ đến quán La Rotonde ở Paris thuở hàn vi của những Picasso, Matisse, Apollinaire...
Khởi nguyên bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm là thế. Lâm khói không phải vốn dĩ đã là nhà sưu tầm, nhưng trong khung canh ấy, không khí ấy, trong những quan hệ ấy, ý thức sưu tầm đã hình thành nơi ông. Và ông trở thành một trong những nhà sưu tầm độc đáo nhất của nước ta.
Trong bộ sưu tập của ông, có mặt hầu hết những nhân vật hội họa nổi bật của Việt Nam: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân...
Và tất cả đã nhóm lên từ cái quán cóc đầu phố Hàng Vôi ấy.
Dương Tường
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
• Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |