|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Một hội viên khác của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam cũng rất đáng quan tâm: Họa Sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh). Có một thời kỳ từ chối nhập ngũ rồi bị bắt đi lính vài năm sau anh đào ngủ, trốn lên sống và làm việc ở một thị trấn Tây nguyên, rồi lại bị bắt đi lao công đào binh. Trong nhiều năm trời hết sức khó khăn như thế, anh vẫn giữ lấy ánh lửa và sức sống của tâm hồn, viết và vẽ rất nhiều, bày tranh được nhiều lần ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Kontum, Sài Gòn. Năm 1971, bày chung tranh với Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, năm 1972 bày chung tranh với Hoàng Đăng Nhuận vừa từ Huế vào. Chính vào kỳ mở cửa phòng tranh La Dolce Vita này từ 9-9-1972 đến 16-9-1972, chúng tôi cũng đã có dịp giới thiệu về Rừng và Hoàng Đăng Nhuận trong một bài viết được trích in lại dưới đây như một tư liệu của sinh hoạt Hội Họa Sài Gòn trước kia.
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA NGHỆ THUẬT
Phòng tranh đã mở cửa, và như thế có lẽ không còn cần thêm lời chú giải nào khác ở đây. Đường nét và màu sắc tự nó đã là lời và tiếng của những nhịp điệu nơi một cuộc trao đổi.
Nếu phải nói một đôi điều, chỉ bởi đơn giản tôi là người chứng trước những cuộc khai phá, đánh đổi bằng đời sống liều lĩnh của hai người bạn thiết, trên những bước chân lang bạt kỳ hồ, mỗi người mỗi cõi, mỗi người một con đường mà bất chấp hết thảy, và chỉ còn là nỗi đam mê trước giá vẽ, chỉ còn là những đau đớn trầm uất hay hoan lạc vui tươi với khúc điệu của sắc màu và đường nét.
Với Rừng, lắm phen tôi đã chứng kiến trên đôi mắt ưu sầu, trên cánh tay cầm cọ run rẩy trước những màu sắc hỗn loạn nơi một phòng vẽ nào đó năm xưa giữa nội thành, một cái nhìn tình tuyền trong suốt vượt qua kỹ thuật nhưng còn đầy uất ức vì phải đặt trước một thế giới chưa được vén màn, là một vũ trụ thẩm thấu nhưng chưa vỡ. Anh quằn quại khi đối diện với tấm màn đen chưa được vén lên một cách linh diệu, vì những trục trặc hay bất trắc nào đó.
Đằng sau thế giới thơ mộng của anh, luôn thoáng hiện một vẻ khổ lụy, những cuộc giao tranh và xung đột đầy đau đớn. Một thế giới mạnh mẽ khởi nên từ chiều sâu thẳm của tâm thức vừa ửng hồng, rạng lên những tia sáng lay động nhưng còn là một cõi hoang tối. Người ta ít gặp thấy ở đây một nụ cười tươi vui hay tiếng hát xanh, mà chỉ tuyền một thứ hung bạo linh thiêng sơ thủy, một sức mạnh hồn hậu của bản năng chế ngự.
Tranh của Rừng đập vào mắt người xem một cách vô cùng dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ của nền tảng nguyên thủy. Những gốc rễ ăn sâu vào trái đất của nhục dục mà đâm chồi, nẩy nụ những cành lá xanh tươi siêu hình, một thế giới hung bạo đến cùng cực, bày ra những âm sắc đầy nhiệt đới tính. Là cái đẹp nơi vẻ sơ khai và dã thú của một thứ nghệ thuật Totémisme, của một thứ điêu khắc da đen, hay gần hơn với một thứ điêu khắc da đỏ.
Bản chất tâm hồn, định mệnh đời sống, và con đường anh chọn lựaa hiện là một cuộc trùng phùng, gặp gỡ đầy tốt đẹp nơi một thành phố miền núi, nơi mà sinh hoạt chung quanh còn nhiều nét thật gần với thế giới sơ khai. Giả như, ấy là một hòa điệu vững chãi của khối thể nơi khuôn mặt người đàn bà thượng du, hay nơi người đàn bà khỏa thân đỏ như đang cưu mang một sức sống khủng khiếp.
Một vẻ nặng nề và trầm uất mà hồn nhiên, như tranh Gauguin hay nơi những trang sách Kâmasutra, hay nơi một đền thờ Ấn Độ Giáo.
Thế giới Hoàng Đăng Nhuận thì khác hẳn. Hết thảy toàn là vẻ trầm tỉnh, e ấp, kín đáo và vô cùng lặng lẽ.
Những ngày còn ở một thị trấn miền Trung, anh đã từ chối hết để chọn một nơi đất hoang cô quạnh trên bờ biển vắng, dựng giá vẽ biệt lập, mỗi ngày sống bằng tiếng động của cát, đá, rêu phong, lá xanh, ánh trăng, tiếng đập cánh của chim, màu sắc óng ả đầy vui tươi của cá vừa kéo lên từ những mẻ lưới, đang ánh lên rực rỡ dưới mặt trời.
Tất cả những chất liệu của anh là ở đó, và tất cả các phương cách tạo hình cũng đã được tìm kiếm, khai phá từ đó. Thanh lọc thế giới không bằng kích thước và cách nhìn cổ điển nữa, tất cả đều được thu nhận qua cánh cửa trực giác và tình cảm, quay mình lại với bên ngoài để chạm cùng vào những sâu thẳm của tâm hồn.
Tất cả đều trở nên như chìm ẩn và mơ hồ. Như những đường nét ẩn hiện hình thể thú vật và người trên các hang động tiền sử tìm thấy ở Lascaux (Dordogne).
Trùm đầy lên một màu thạch thảo xanh xám buồn thảm, những đường nét cảnh vật thật u sầu. Hòa lẫn với men rêu xanh, ánh lên màu đỏ túy hồng hay pha màu hổ phách. Trên những thành đá, bờ tường cũ, giữa lòng thung lũng của gió, những mảnh màu tựa ngọc thạch đã toan hóa được tìm lại dưới cổ mộ. Đậm đà nhất là màu đất nung, và thanh lục, là nền tảng đầu tiên và được chồng lên mãi bao nhiêu màu sắc khác. Tất cả như đều chìm lắng xuống rất trầm mặc và tịch lặng.
Nghệ thuật của anh là một tiếng gọi cô liêu của sự trở về, trên con đường trở về của đá vàng, hoa, chim, lá cây xanh, mặt trời, giữa những căn nhà tịch mịch.
Nhưng suy cho cùng, với phòng tranh này, cũng chừng ấy ý hướng tính của nghệ sĩ, không có gì là quá tương phản. Rừng và Hoàng Đăng Nhuận là những người đang thám hiểm trên một hành trình dài, vào những cõi bờ mới lạ, những nẻo đường mà mỗi người một cách, được khải thị và tiến bước. (*)
Với Hoàng Đăng Nhuận, trong phòng triển lãm này, chúng ta thấy lãng đãng khắp nơi, trên từng mỗi tấm tranh một không khí khá lạ, với kỹ thuật của những tuýp sơn đáng lẽ ra phải hòa với nước để vẽ theo phương pháp màu nước thì anh lại cô đọng chất liệu và tạo nên một cảm giác như tranh sơn dầu. Thực sự thì kỹ thuật này trước đây Lê Văn Tài ở Huế đã nghiên cứu và tìm ra, nhưng về sau này Hoàng Đăng Nhuận góp thêm nhiều công sức để đào sâu hơn nữa. Có lẽ nên nhắc đến tất cả các tấm tranh bày trong lần triển lãm này như một kỷ niệm đáng ghi nhớ: Trang Tử bên dòng sông, Khúc nhạc trên đá vàng, Bầy thú, Người du ca bên bờ thành cổ, Vũ khúc chim, Thiếu nữ, Trăng và chim, Còng trên đá ong. Mặt trời và dòng sông, Ngựa I, Ngựa II, Mặt Trăng, Mặt trời và người đàn bà đãng trí, Còng đỏ, Gà, Nến và hoa, Đêm nâu và tiếng hát xanh, Khỏa thân đá xanh, Những khuôn mặt trên dòng sông, Ghềnh đá hoang, Rừng xám, Thung lũng hoa và ngựa, Chim và tượng đá.
Và ở Rừng thì khác hẳn, tranh của anh rất khốc liệt, dữ dội, một thứ siêu thực của những cơn ác mộng. Ngoài cảm thức bình thường khi đi tìm cái đẹp tinh túy mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có tham vọng vượt thời gian, phải nói rằng Rừng là một trong những họa sĩ dấn thân đầu tiên khi chọn lựa những phát biểu quyết liệt, dứt khoát đối với cuộc chiến tranh đang diễn ra trên đất nước, phát biểu về những tan vỡ của một xã hội đang bị phân hóa trầm trọng do sự hiện diện của quân đội nước ngoài ngày càng có mặt nhiều hơn.
Chúng ta nhớ đến hai tấm tranh mang tính tố cáo khá cao trong kỳ triển lãm riêng của anh ở Phòng Thông Tin Đô Thành năm 1966 do Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức: Bức Vòng hoa chiến thắng vẽ ba người lính, một người đội nón sắt, một người đội mũ nồi đỏ, một đội mũ nồi đen, chiếm lấy toàn bộ bình diện tấm tranh. Ba người lính mang ba vòng hoa chiến thắng mà mỗi vòng hoa được kết bằng những bông hoa kỳ dị, mỗi bông hoa là một đầu lâu con người. Và trên tấm nền tranh nhợt nhạt thiếu sinh khí, gợn lên hai xác chết trần truồng rất bi thảm của hai em bé Việt Nam. Tấm tranh này là một phát biểu rất nhân bản, nhưng về mặt hội họa thì bị rớt vào tình trạng của một thứ văn chương trong hội họa, có lẽ chưa nắm bắt được ngôn ngữ hội họa cho lắm.
Bức Bào thai đen vẽ một bào thai rất lớn choán toàn bộ bức tranh, của một bà mẹ không có đầu, thai nhi là tượng hình của một đứa trẻ sắp sinh, đen kịt, tối tăm, mù mịt. Thai nhi ấy là kết quả của một người cha da đen trong quân đội nước ngoài mà cũng có thể là tượng hình trẻ thơ Việt Nam từ trong trứng nước đã mang đầy mầm mống tối tăm, để chào đời trên một xứ sở đầy tàn ác và tội lỗi của một cuộc chiến tranh bất tận. Bà mẹ không đầu là biểu tượng của những tan rã thời đại, của hiện thực xã hội mà cũng là của siêu hình sự sống.
Khuôn Mặt Đàn Bà Già,
sơn dầu, 1971
Trong kỳ triển lãm năm 1972 với Hoàng Đăng Nhuận, ngôn ngữ của Rừng có thay đổi nhiều nhưng vẫn còn mang nặng hơi hướm của những năm về trước. Khuôn mặt đàn bà già là chân dung bà mẹ Việt Nam mà tan nát và chịu đựng chỉ còn là những nét nhăn hằn sâu, có thể đấy chính là thứ hình bóng của khổ đau đã hóa thạch. Tác phẩm đánh dấu một sự kiên định nhưng cũng là thống khổ của bà mẹ thế kỷ, cần phải lưu giữ khi đi tìm chân dung của thời đại. Hay nơi bức Tĩnh vật chân, vẽ toàn những cơ bắp ngon lành, được treo nhan nhản để bày bán trong một cửa hàng đặc biệt của thời đại. Chúng ta có thể liên tưởng đến ít nhiều về một bức tranh của Chirico trước đây, với những súc vật đã được xẻ thịt và cũng móc lên bằng những móc sắt tương tự...
Để hiểu về Rừng, chúng ta cũng nên biết thêm điều này: dưới bút hiệu Kinh Dương Vương, anh viết khá nhiều thơ, truyện, bút ký mang đầy tính tố cáo như những tấm tranh vừa đề cập, chính vì thế mà Lữ Phương xếp anh vào loại văn học của những tác giả trẻ dám nhìn thẳng vào những đổ nát chung quanh và không chấp nhận cái xã hội gây ra đổ nát đó. Điển hình là bút ký Tân dã thú, anh xây dựng biểu tượng một lão già phù thủy khổng lồ núp dưới những danh từ "Sáng chói lòng nhân đạo và bác ái", để nuôi một thiếu nữ xinh đẹp bằng những thức ăn xa lạ và buộc cô gái phải lấy hắn. Cô gái không bằng lòng nhưng vẫn phải tự nuôi mình bằng những thức ăn ấy để rồi bị hành hạ: Cô tự hành hạ và "a tòng" với sự hành hạ của hắn trước cái nhìn đau xót và bất lực của người mẹ (Văn số 164, 15-10 l971). Bút ký này mang lại cho chúng ta một không khí rất siêu thực trong hội họa, cũng như thế trong tranh anh lại tràn đầy tính biểu tượng của thứ văn chương siêu thực mới, có ít nhiều cái quái dị của Dali, cộng với không khí thơ mộng bay bổng của Chagall được nhìn qua viễn quan của một nghệ sĩ Việt Nam.
Sự Chiến Thắng Của Trí Tuệ,
sơn mài, 1992
Rừng là một họa sĩ có lối suy nghĩ và hành xử rất đặc biệt trong nghệ thuật cũng như trong sinh hoạt xã hội. Anh táo bạo và mang nhiều chất tiền phong trong những phát biểu quyết liệt. Vào các năm 1986, 87, 88, khi tình hình có chiều hướng cởi mở, những phòng tranh của Rừng liên tục mở cửa (mặc dù ngôn ngữ và nội dung của các phòng tranh này đối với giới sinh hoạt văn học-nghệ thuật miền Nam không có gì là mới mẻ lắm, có lẽ chỉ là sự lập lại nhiều điều của Sái Gòn trước thời điểm 1975), nhưng chính những phòng tranh ấy đã có công rất lớn, là những ngòi nổ phát pháo, để rồi tạo nên một sự bùng nổ khắp nơi, khắp nước về những đổi mới tạo hình, cố bắt cho kịp những bước chân nghệ thuật thế giới. Mà trước tiên, chính tự nó là một lời kêu gọi sáng tác tự do, không phải ràng buộc trong những qui phạm của một thứ nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ngặt nghèo và buồn thảm như trước đây nữa, thứ chủ nghĩa đã trói buộc người nghệ sĩ ở miền Bắc đã 30 năm, và ở miền Nam cũng hơn 10 năm rồi.
Phòng tranh bày 38 bức vào tháng 8 năm 1993 ở Sài Gòn cho thấy Rừng vẫn tiếp tục bước đi trong ngôn ngữ riêng biệt của anh. Dưới đây là mấy nhận xét của Nguyễn Trung về phòng tranh này:
Phiêu Du Mộng Tưởng -
Ánh Sáng Và Bóng Tối, sơn màiĐó là một cuộc phiêu du đầy màu sắc, để đi tới một vùng đất mới mà người trong cuộc gọi là cuộc "Phiêu du mộng tưởng - Ánh sáng và bóng tối."
Những cuộc phiêu du trước đây, chắc ai nấy đều còn nhớ, là những chuyến đi làm bằng đam mê và vô vọng. Đó là thế giới của những người đàn bà, của cảnh hỗn mang, của những ham muốn trần tục mà anh đã hoang mang dấn bước vào không định hướng. Những hình thể vội vã, đôi khi sống sượng, đôi khi cho ta một biểu tượng mạnh mẽ đầy biểu cảm nhưng phần đông là mất hút vào quá khứ.
Cuộc phiêu du lần này thì khác hẳn. Cũng như một cái gì mạnh mẽ, đầy biểu cảm, nhưng cũng đầy bình tĩnh và là những cảm xúc tạo hình có chắt lọc. Ba mươi sáu bức tranh mà anh vừa bày hồi tháng 8 vừa qua đã đưa người xem vào một thế giới bất ngờ, đầy màu sắc của mộng tưởng một vùng quê xa xăm nào đó của tiềm thức, của những cơn mộng mị đã lãng quên. Những đường cong lượn phối hợp với những đường thẳng, những hình tròn và vuông, những màu sáng và tối, tất cả những yếu tố tạo hình đối nghịch nhau đã làm thành một hòa điệu mới trong tác phẩm của anh, nơi đó ta vẫn còn cảm nhận được cái ham muốn trần tục bên cạnh vẻ nên thơ của cõi mộng, nỗi khát khao nồng cháy bên cạnh sự thanh thoát của thi ca.
Trong cái nhịp điệu đầy nghịch lý của bóng tối và ánh sáng, của đỏ và đen, của thiện và ác, và cũng từ cuộc phiêu du mộng tưởng của chính anh, xuất hiện một thế giới lạ lùng được nghĩ ra bằng một óc tưởng tượng sáng tạo mạnh mẽ. Và ngay cả cách thể hiện anh cũng đề nghị trước công chúng một hình thức khác hẳn, với chất liệu khác hẳn tuy vẻ bên ngoài vẫn gợi cho ta ấn tượng về kỹ thuật sơn mài truyền thống. Đối với một người nghệ sĩ, điều đáng nói hơn hết là "giàu mộng tưởng", đối với một người nghệ sĩ, điều đáng nói hơn hết cũng là việc vận dụng kỹ thuật một cách thông minh. Đó cũng là phẩm chất của họa sĩ Rừng.
(Nguyễn Trung, Họa sĩ Rừng, một cuộc phiêu du mới. Tạp chí Mỹ Thuật số 10-tháng 11, 1993).
(*) Vựng tập Giới Thiệu Hội Họa Rừng và Hoàng Đăng Nhuận 9.1972, Galerie La Dolce Vita (Khách sạn Continental).
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
• Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |