|
Duy Lam(..1932-4.2.2021) | Nguyễn Vỹ(.0.1910-4.2.1971) |
Đã gần 400 lần 49 ngày, nhưng tôi chưa được cấp giấy “thông quan” để bước qua bờ bên kia. Vì vậy, tôi mãi chìm lún với cảm giác phấp phỏng phập phồng trồi sụt dây máu trong ống thụt bễ lò rèn từ tháng này qua năm khác, đeo bám.
Những lá đơn viết từ mỡ trăn lên mặt lá chuối khô gửi đi hai nơi sẽ quyết định số phận cuối cùng của tôi, kể ra đến hàng chục tấn. Tất thảy đều bặt vô âm tín.
Tôi không buồn, nhưng khá thất vọng về phong cách hành chánh của hai cơ quan tiếp nhận có quyền lực cao nhất này.
Tôi tiếp tục công việc hàng ngày một cách cần mẫn. Mỗi sáng thức dậy, chưa đánh răng rửa mặt, miệng còn hôi ke, liền ngồi ngay trên chạc ba cành cây gạo viết liền hai tờ đơn với ngần ấy nội dung lặp đi lặp lại ngàn lần, như một bản khai lý lịch, rồi tụt xuống, lết tới trước miễu thờ Đầu châm lửa đốt. Tro khói bay lên mang theo niềm hy vọng mãnh liệt lẫn mong manh, rằng Diêm vương và Ngọc hoàng sẽ để mắt tới, sớm có phán quyết cuối cùng: Lên hay Xuống.
Với tôi, lên hay xuống lúc này, nơi nào cũng xong, không thành vấn đề, nhưng hãy thử tưởng tượng, ngày nào như ngày nấy bạn ngồi chờ đợi những điều mỏng hơn sợi tơ trời, giữa ranh giới mơ hồ những hy vọng và thất vọng chen lẫn, sẽ khiến cho những sợi dây thần kinh có thể biến dạng bất kỳ lúc nào. Tôi dám chắc như vậy.
Thực ra thì trước đây, trước khi mắt mắt lìa trần trong tiếng bom đạn gầm rú, với tâm thế không mong đợi, tôi thật sự chưa hề có nỗi sợ hãi xuất hiện trong tâm trí. Tôi là thằng lì đòn trước hòn tên mũi đạn. Tôi chẳng run sợ khi nhìn thấy những vũng máu, những xác chết, những tiếng rên rỉ kêu la than oán, chẳng phải vì tôi can đảm, tính khí hơn người; mà đơn giản, khi ở ngoài chiến trường, tôi phải luôn giữ thái độ cứng rắn của người chỉ huy, không bao giờ tỏ ra mềm yếu trước mọi tình huống, cốt để đánh lừa sự yếu đuối ngủ mê đâu đó trong cơ thể bất ngờ trổi dậy, và hơn hết là để bảo vệ những người lính dưới quyền. Chỉ một lần duy nhất nước mắt tôi chảy dài, ngực tức nghẹn là lúc đối mặt với một cán binh rất trẻ, như một chú học trò hơn là người lính, ruột lòng thòng bên bụng, thều thào “xin các anh cứu tôi. Tôi không muốn đi đánh nhau, không muốn chém giết. Tôi còn có người yêu. Có thể em đã có con với tôi khi tôi nhập ngũ. Tôi không muốn con tôi sinh ra không cha, những đứa trẻ trên đất nước này mất cha. Tôi…”. Anh ta chết sau đó vì vết thương quá nặng. Tôi đã chảy nước mắt không phải vì cái chết của anh ta mà vì câu nói về những đứa trẻ không cha trên đất nước này ngày mỗi nhiều lên, trong lúc chung quanh đạn tiếp tục nổ long trời, bom cày nát từ làng quê, rừng núi xuống thành phố.
(Có người nói, xứ sở này trẻ con không cha là chuyện bình thường, chẳng đáng bận tâm. Bất kỳ sự hy sinh nào cũng có cái giá, nhưng cái giá để xứ sở này tiến lên chốn bồng lai tiên cảnh đại đồng trần giới, thì lấp sông tát biển, đốt trụi núi non… há chẳng phải là vinh quang sao? Sá gì chuyện tồn tại hay không tồn tại của những đứa trẻ hay người cha?).
Đôi lúc, tôi nhớ lại những giọt nước mắt của mình và tự hỏi có phải đó là sự mềm yếu không đúng lúc chăng?
Đó là lần duy nhất.
Và sau này như nước mắt đã khô.
Đêm nay trời trong vắt, đầy sao. Tôi nằm ngửa trên tảng đá doi ra mặt biển. Tảng đá rong rêu và ẩm ướt. Tôi nghe tiếng sóng đập lô xô lên bờ cát. Tôi nhìn thấy những vì sao lấp lánh. Nghe chừng gió mặn luồn trong lồng ngực toang hoác.
Những đốm sáng ở đường chân trời ảo diệu như những đốm lân tinh. Vẫn sóng vẫn gió. Tôi mong đợi những đồng đội, những người thân quen. Chẳng có ai. Hoặc họ đã từ bỏ tôi và ngược lại? Một suy nghĩ thoáng qua mơ hồ, có vẻ thô bỉ về tình cảm.
Nửa khuya, hình như gió trở đầu. Có tiếng đất đá rào rạo. Âm thanh này, theo kinh nghiệm chiến trường, đích thị có những bàn chân dẫm lên, hay ít nhất phải có những tác động khiến chúng lăn cạ vào nhau. Nhưng không có gì cả. Trời vẫn cao vòi vọi, đầy sao, trong vắt. Chỉ có gió là trở đầu.
Rất lâu sau đó, một bóng người lướt qua, chập choạng như con chim bị gãy cánh. Tôi nhỏm dậy. Cái bóng cách tôi chừng năm mét, độc nhất mỗi chiếc quần đùi rách như bị dao băm, dính lủng lẳng vào người, bên hông là chiếc tô đất nung có vẽ hình con gà tía với chiếc mào đỏ chót. Tôi nhận ra ngay anh ta. Bởi vì đó là chiếc tô từ tay hạ sĩ nhất quân y chụp lên đùm ruột lòng thòng, của một cán binh bị trúng đạn khi vượt qua hàng rào phòng thủ, mấy chục năm về trước. Cái bóng lướt qua dăm ba vòng như dò xét, và rồi, anh ta cũng nhận ra tôi.
Tôi vẫy tay như chào. Anh bước tới. Cả hai nhìn nhau hồi lâu rồi nắm tay nhau ngồi xuống tảng đá, ngó ra hướng biển tối đen.
Tôi ngập ngừng một lúc rồi hỏi.
“Bây giờ ông ở đâu, làm gì?
Hắn nhìn tôi với ánh mắt xanh lè, tay vuốt tóc, tay kia đỡ chiếc tô, nói.
“Tôi lau cửa, dọn giường cho một tòa lâu đài rộng mênh mông nhưng hiếm khi có bóng người, hoặc có thì nay khuôn mặt này, mai bộ mặt khác như phường tuồng hát bộ; già trẻ lẫn lộn!
“Ngày nào cũng lau chùi?
“Ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng đôi lúc rổi rảnh, tôi cũng lách qua khe cửa, ra ngoài thở chút khí trời, nhìn những con đường đất, những hàng cây trong nghĩa trang, nhìn những đôi tình nhân hôn nhau trong bóng tối với tâm trạng của kẻ luôn phải cử động hai tay.
“Chán nhỉ?
“Chán. Quá chán. Còn ông, sau khi lính ông bắn vào bụng tôi, ông làm gì, sao lại ngồi đây?
“Cũng như nhau cả thôi. Chúng ta đều có một kiểu chết giống nhau, ngoài mặt trận. Chúng ta, tôi và ông là những kẻ chiến bại mang tới một kiểu chết rất buồn đau cho những bà mẹ và các bà vợ, những đứa con… Mà thôi, nay ông thì có công việc để làm, để tiêu phí thời gian; còn tôi trở thành một thứ vô công rồi nghề. Suốt ngày cứ mỏi mòn chờ đợi!
“Chờ đợi ai, chờ đợi cái gì?
“Tôi đã ngồi viết liên tục hàng tấn lá đơn, liên tục gửi đi nhưng không có hồi báo. Tình cảnh này, nếu như trước kia, rất có thể có nhiều kẻ rút súng tự bắn vào đầu chứ không riêng gì tôi.
“Tôi hỏi ông chờ đợi ai, chờ đợi cái gì chứ không tò mò về tâm trạng buồn vui của ông? Tôi không thích những kẻ tự tử.
“À, xin lỗi. Tôi chờ sự phán xét hoặc được xuống Địa ngục hoặc lên Thiên đàng. Tôi mỏi mệt vì cứ mãi lang bang và thấy trên mặt đất ngày mỗi tàn lụi. Tôi cảm thấy, trên xứ Cà Tong này, mọi con người đều không còn tâm hồn, thiếu hẳn lương tri, đánh mất tính thiện lương. Tâm hồn, lương tri, thiện lương với họ là thứ gì đó quá xa xỉ, vô lối, vô cảm…
“ Những con người ông vừa nói đã đánh mất tâm hồn, lương tri gì gì đó… chính là sản phẩm bị hãm hiếp, bạo dâm, cưỡng dâm hàng loạt. Loại này lại tiếp tục thông dâm với sản phẩm F1 để sinh ra thế hệ F2, F3… Chúng có rất nhiều miệng, vô số tay chân, dạ dày; còn bộ phận sinh dục thì vô thiên lủng… hoàn toàn không có tim. Và khi mà không có tim óc thì chỗ đâu cho cái mà ông gọi là lương tri với tâm hồn chen chân vào? Thời đại này, lương tri, tâm hồn là cái gì đó rất nhảm nhí, vô bổ. Hồi nãy, tôi có nói rằng công việc của tôi là lau cửa, dọn phòng… tuy vậy, thỉnh thoảng tôi còn được đu bám trong cốp xe các công nương, hoàng tử; quí phu nhân cùng các ngài quí tộc tân thời… và nhìn thấy cảnh sống của họ chắc cũng sánh ngang bằng, có khi hơn các vua chúa thời xưa. Họ không ngại bỏ ra hàng túi vàng để mua trinh tiết em nữ sinh. Đám chân dài, hoa hậu sẵn sàng tụt quần để nhét vài ngàn đô vào háng là chuyện rất bình thường như đói phải ăn, khát phải uống. Còn các bà mệnh phụ cũng thế thôi, hàng trăm triệu vất ra chỉ một lần lên giường, như thể vất mớ rác, để tìm cảm giác mới lạ với các trai trẻ là chuyện quý ông không hề bận tâm, bởi quý ông cũng lao vào các cô gái trẻ khát tiền hơn khát nước… Qua lại, đổi chát sòng phẳng!