|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tác giả và nhà thơ Bùi Giáng (1975)
(1926 - 7.10.1998)
Mới đó mà chúng ta đã biết nhau trọn một phần tư thế kỷ. Anh vẫn là một hài nhi cố cựu mà tôi đã ngắm nhìn suốt nửa đời mình. Khi còn nhỏ, tôi học đạo trong chùa đã nghe nói về anh, nhất là về những quyển sách Tư Tưởng Hiện Đại của anh. Bạn bè tôi đã đọc ngấu nghiến những quyển sách ấy. Họ xem tư tưởng trong sách anh là nhân sinh quan mẫu mực đối với họ. Lần đầu tiên gặp anh tại Đại Học Vạn Hạnh vào năm 1969, tôi nghĩ anh không giống như hình ảnh mà bao nhiêu người tiếu đàm, tụng tán, chê bai cũng như mến phục. Tôi thấy rằng người ta đã khoái chí vẽ ra một ông Bùi Giáng bằng cảm tính chủ quan của họ.
Sau khi đọc Hoàng Tử Hamlet của Shakespeare do anh dịch, tôi rất ngạc nhiên về văn dịch của anh. Anh đã dịch sát với ngôn ngữ gốc bằng một văn phong thuần túy Việt Nam vô cùng phong phú. Lối hành văn của anh gợi lên trong tôi nhiều ý tưởng thú vị, hào hứng và đầy cảm thức hỷ, nộ, ái, ố theo từng nhân vật trong sách, nhưng cũng đậm đà sắc hương mùi vị quê nhà. Đọc văn dịch của anh, tôi thấy rằng anh đã chuyển dịch cả điệu bộ, khung cảnh và não trạng của những nhân vật Tây Phương vào cảm quan của người Việt Á Đông một cách rất thuận buồm xuôi gió. Điều này cũng đã làm cho tôi nghi ngờ rằng anh dịch rất bay bướm thoát nghĩa. Nhưng khi có dịp đọc nguyên bản ngôn ngữ gốc, tôi giật mình kinh ngạc, vì anh đã dịch sát nghĩa đến nỗi không còn cách nào dịch lại chính xác hơn được; kể cả những lúc anh cao hứng dịch bằng văn vần Lục Bát thi ca. Tất cả những điều này đã cho tôi tìm thấy nơi anh phong cách và tâm hồn của một nghệ sĩ tôn trọng sự thật hết mình. Tiếp theo, tôi đọc các bản dịch của anh từ những tác phẩm ngoại quốc như Nhà Sư Vướng Lụy, Ngộ Nhận, Hòa Âm Điền Giả, Hoàng Tử Bé. Từ đó, tôi men theo giọng văn của anh để tìm kiếm và nhìn ngắm cách điệu múa máy của anh giữa cuộc sống phù du viễn mộng đáng yêu vô lượng vô biên này. Biết bao lần tôi đã nhìn ngắm, lắng nghe những lời ngâm nga, hò hét của anh ngoài đường phố Bình Đông, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Gia Định, Nhà Bè...
Anh sống một mình không vướng bận bạc tiền, danh vọng. Anh đã vui sống hết mình như một đứa trẻ vui chơi. Khi nhảy vào cuộc chơi, anh tham gia nhiệt tình, anh bày tỏ thái độ say sưa, thỏa thích, hào hứng với tất cả con người thật của anh. Lối chơi “cạn chén ly bôi” của anh là cách anh sống để làm thơ và để nhắn nhủ lại với cuộc đời biết bao điều hiển nhiên còn bị xem là bí mật. Anh đã nói với tôi rằng “Thơ Trung Niên thi sĩ mang bản tính du hý của hài nhi và hồng ân Thượng Đế.”
Tôi thấy anh đơn độc ăn mặc tả tơi thất thểu, mang đôi dép trên vai, lạy những em bé, những người cùng khốn ngoài đường. Anh đã đứng dưới ánh mặt trời để đã bái chào những người cùng định thấp bé cơ hàn nhất. Thật ra, anh đã cho tôi biết rằng anh chỉ muốn nói một điều đơn giản: vì những thằng trốn lính ăn trên ngồi tróc, vì những người có thế lực để ôm gái trong hậu liêu, Hài Nhi Bùi Giáng chỉ muốn tỏ thái độ phản đối ôn hòa bằng cách bái chào những con người thấp cổ bé họng vốn bị bỏ quên, và chân lý chỉ được nói ra bởi miệng “người điên khùng rồ dại” mới không bị chà đạp một cách thảm thương. Đó cũng là lý do khiến Bùi Hài Nhi đội lên đầu mấy lớp quần lót phụ nữ để lang thang thất thểu nhảy múa ngoài đường với lòng vui vẻ hân hoan. Anh đã lạy em bé nằm trong nôi, em bé vọc đất, lượm rác trong các con hẻm. Tôi cảm thấy thấm thía cái ý nghĩa chân thành khiêm tốn qua những trò chơi hài nhi vi diệu do anh thực hiện ngoài đường. Anh đã vượt lên trên, vượt ra ngoài cái khuôn khổ đạo lý ước lệ giả hình để sống với mọi người từ đầu con hẻm, ở cuối gầm cầu, bên hè phố... như thơ anh đã viết:
“Anh cứ ngỡ đầu đường thương xó chợ
Nhưng không ngờ xó chợ cũng yêu nhau”...
Khi đã hiểu cách sống và cách đùa của anh, tôi mới thấy rằng dù anh sống như một kẻ cô đơn dưới các góc xó cầu thang ấy, nhưng tâm hồn anh hân hoan hạnh phúc và độ lượng hơn các bậc cao tăng trong thiền đường nghiêm mật. Lang thang trong chốn ấy, đôi khi anh biết nhiều bí mật cười ra nước mắt. Thế mà anh vẫn im lặng vô tư. Anh kính trọng mến yêu gần gũi bất cứ một người cơ hàn nào mà anh gặp ngoài đường. Mỗi khi được nghe một vài tâm sự vui buồn của anh, tôi luôn cảm nhận được sự tin cậy và lòng chân thật đáng quý trong anh. Từ đó tôi hiểu rằng những trò chơi anh tổ chức liên tục ở ngoài đường đều là những tiếng nói vi vu mà anh cần gởi trao cho cuộc sống.
Dù anh bị hất hủi, bị nhạo cười, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh thù giận riêng ai, chẳng những thế, anh vẫn cứ gào kêu thay cho nỗi sầu cố quận. Người ta vui vẻ khi thấy anh cười đùa, người ta cũng hững hờ khi thấy anh khóc giữa đường đi. Nhưng tôi không bao giờ quên một lần anh đã rưng rưng nước mắt khi nhớ đến tình ruột thịt, tình quê hương của chúng ta. Tôi vô cùng cảm kích tấm lòng tin cậy lạ lùng mà anh đã chia sẻ cho tôi. Giọt nước mắt của anh đã làm cho tôi rung động sâu xa và cũng có lần tôi tự lấy làm vinh dự. Tôi lặng yên ngắm nhìn anh gầy guộc, lòng tôi kính mến quý yêu. Anh đã mỉm cười với hai hàng lệ khi mây trời lơ lửng bay qua và run rẩy nói rằng:
“Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt mưa là lệ ở trong mây
Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng biển rộng không bến bờ em ạ.”
“Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong có nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn”
“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”
Tôi ngây ngất đắm đuối nhìn ngắm anh mấy năm liền rồi mới đọc thơ anh. Dù chưa đọc nhiều, nhưng tôi đã nghe thơ anh chia sẻ, ủi an, tâm sự trong hồn mình thật rạt rào với những ngôn từ và âm điệu thi ca tuyệt mỹ. Lắm khi tôi không hiểu anh muốn nói gì, nhưng tôi vẫn bị ngôn ngữ thi ca của anh lôi cuốn. Càng đọc càng thấy thơ anh chứa nhiều ẩn ngữ. Bên dưới những sắc màu vần điệu mênh mông và trò chơi ngôn ngữ trầm phù, anh chôn dấu rất nhiều ẩn ngữ đầy thiền vị vô ngôn. Càng đọc thơ anh, tôi càng thấy sự bí mật trong cách anh sống, cách anh vui, cũng như cách anh giận hờn, phẫn nộ, buồn thương và hạnh phúc trong muôn vàn điệu bộ rất riêng giữa cuộc sống vô cùng chung đụng hẹp hòi.
Những lúc cô đơn mà được gặp anh, tôi cảm thấy mình được sưởi ấm. Những trò chơi của anh đã nói cho tôi biết bao nhiêu điều kỳ thú tuyệt vời. Tôi trộm nghĩ đó là cách anh tìm kiếm và mời gọi chân thành giữa cõi chân phàm trong thời đại mà sự tỉnh táo tư duy của con người đã đánh mất đức hồn nhiên một cách vô thức. Trong thời đại mà tâm tư của nhân loại bị chèn ép đến tận cùng bởi bộ óc đầy logic của họ; anh vẫn sẵn sàng mở lòng mình để giãi bày tâm tình tha thiết ra giữa cuộc phù du, nhằm thức dậy mọi giềng mối ưu tư, để nhảy nhót đi tìm sự đồng cảm của trùng lại hội ngộ sơ nguyên đã trót hẹn hò trong máu thịt giữa một thế giới đáng yêu dẫy đầy lệch lạc nội tâm:
“Xin lời nói ở trên môi
Là lời ở lại bên đời quên nhau
Bụi hồng, ấy của chiêm bao
Thì còn sóng đục chìm vào nước xanh”.
“Mắt em còn lệch dấu bèo
Đầu em huyền tuyết sương vèo vèo bay
Lá cồn thu lạc bao giờ
Hồn trong sóng phượng chia bờ trường giang!”
Nhiều khi anh nằm im một chỗ không nói một lời. Cách im lặng không nói của anh cũng là cách anh nói rất nhiều với cuộc đời:
“Không nói nữa Sài Gòn hay Chợ Lớn
Tuần Sóc Trăng thổi rộng gió Biên Hòa
Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm
Nước một mùa là sóng đục phôi pha.”
Cuộc chơi của anh được bắt đầu mà không định ý, vì ở đó luôn có sẵn ngõ ban sơ kéo dài đến phù du bất tận. Con người nghệ sĩ đi qua, dù muốn hay không muốn, cũng chẳng thế nào tự xóa sạch dự vang sau gót chân mình khi nó đã vọng vào cõi vô thường sinh diệt mà sắc mầu thù tạc dường như vô thủy vô chung. Mỗi lần tâm sự, anh hay nói với tôi câu Kinh Thánh này:
“Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo của sự chết”. (Châm ngôn 14:12).
Anh còn nhắc tôi:
“Mày nên bắt chước con người của cõi Chúng Hương để liệu mồm liệu miệng. Nếu không, mày sẽ bị chúng nó đánh chết trước khi có cơ hội nói ra. Không ai có thể chịu chơi như Chúa Giê-xu được đâu!”,
Quả thật bộ óc con người không đo lường hết được từ sơ nguyên đến viễn tận nên nhiều thế hệ đã tưởng lầm sử lịch là vô thủy vô chung. Khi chân lý đến, phù du biến tan. Và thơ anh đã nói:
“Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Xin chào giữa bước chân ra
Chết từ sơ ngộ mẫu hoa trên ngàn.”
Từ cái ngõ ban sơ ấy, nàng Thơ của anh lúc nào cũng hân hoan bước tới và vẫy tay chào những trang lề sử lịch để hướng về tương lai rạng rỡ và bỏ lại bóng tối quá khứ đằng sau:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
Anh đã gieo vào thế giới một niềm thông cảm qua sự đổi thay từ niệm đến hành trong kiếp người thọ tạo có ý thức, có trí tuệ nhưng chưa hề đạt đến giác ngộ toàn trị như họ từng lầm tưởng. Niềm thông cảm ấy luôn luôn còn trong con trẻ, vắng vẻ nơi người khôn, bồn chồn nơi người khổ, lỗ chỗ nơi người giầu, âu sầu nơi hiu quạnh, giá lạnh trong cô liêu, tiêu điều nơi phố chợ, man rợ giữa thị trường, đong lường trong tâm niệm nên bí hiểm nơi tâm tư để mất cái nhân từ trong tâm trí... Và bước anh đi thiên lý giữa cuộc phiêu bồng, thắp ngọn lửa hồng cho nhân loại thoải mái một nụ cười...
Chiều 30 Tết năm 1974, giữa lúc quê nhà yêu dấu đầy chết chóc bởi chiến tranh, tôi đã mời anh về nhà tôi ăn Tết. Lúc đó tôi sợ nhất là những ngày Tết. Ngày Tết ai nấy đều tất bật. Còn anh, ngày Tết là ngày lang thang bờ bụi nhiều hơn ngày thường. Chúng ta gặp nhau giữa hành lang Đại Học Vạn Hạnh. Mọi người đã vội vã về nhà chuẩn bị một ngày Tết vừa hân hoan vừa lo lắng; để lại hành lang trường đại học một cõi vắng vẻ rộng thênh... Một mình anh thản nhiên cầm trong tay sợi dây thừng, dắt theo một bầy chó chín con xếp hàng vừa đi vừa múa hát, rồi bỗng dưng anh yên lặng. Sự yên lặng chuyển động thành hàng dọc, dẫn đầu là anh, tiếp theo là bầy chó ngoan ngoãn bước đi. Thoạt nhìn rất buồn cười, nhưng khi ngắm kỹ, lòng tôi dâng lên một niềm yêu mến, kính trọng lẫn bùi ngùi. Tối hôm đó tôi ghi lại vài câu thơ tả cảnh để tặng anh trong khi bầy chó thân yêu của anh đã đại tiểu tiện tùm lum ngõ trước, phía sau, trong và ngoài ngôi nhà lá Tân Thuận:
Chó con, chó mẹ, chó choai
Xếp hàng yên lặng theo Hài Nhi đi
Chó vàng vá, chó đen sì
Một đàn con chó bước đi bùi ngùi.
Đường trần mấy nẻo tới lui
Chó con chó mẹ ngọt bùi theo nhau...
Không âm, không vị, không màu
Không gian tuyệt điểm ưu sầu hư không
Loài khuyển mã trung thành rất mực
Khác loài người lấy thực làm ngoa
Dựng đài đúc tượng kiêu sa
Lấy ngoa làm thực xây tòa hư vinh
Vô tri tượng điếc tiền đình
Ngồi im che dấu nhân tình hổ người
Loài khuyển mã, giống đười ươi
Chuồng sắt cao giá bởi người văn minh
Chó mang bản tính trung thành
Con người phản chủ gian manh khó lường!
Hài Nhi thấy chó thì thương
Người ta thấy chó nhớ vườn lá mơ...
Em đi còn một vần thơ
Tay nâng lời mẹ bên bờ nôi ru
Thưa anh, tôi thích con chó vì cái bản năng trung thành của nó, cái mà anh bảo rằng “chó của tao là những con chó quí, Chúa hay Phật đi ngang qua đây mà thấy chúng đều đem lòng thương mến cảm phục vì cái tính trung thành bất di bất dịch của nó”. Có lẽ đây là “lộ ngữ” chàm goàm nhất của anh! Dù biết rõ cuộc đời đầy phản trắc, nhưng anh vẫn hạnh phúc khi còn một bầy chó chung thủy hiền lành. Còn tôi bơ vơ lạc lõng nhiều khi tôi thèm thuồng vứt bỏ tất cả để được vui với đàn chó như anh. Thật đáng hổ thẹn, vì tôi chưa bao giờ sống tự do như anh được.
Trước 1975, khi mời anh về nhà tôi ăn Tết bên bờ sông Tân Thuận, Nhà Bè, thật sự lúc ấy tôi vô cùng cảm kích vì anh nhận lời mời của tôi không một chút đắn đo. Ai biết lòng tôi sung sướng tới mức nào, vì cảm thấy mình mời anh Bùi Giáng như mời chính bản thân mình tham gia vài ngày Tết để khỏi bị cảm giác cô đơn, lẻ loi, ngơ ngác giữa quê hương đầy dẫy hận thù ngang trái. Kể từ đó, anh đã vui sống trong nhà tôi như một người thầy, người bạn, người anh. Anh cũng một thành viên của gia đình kỳ cục: Ông nội là một nhà thơ điên, người cha là một người vừa tu vừa tục, mẹ là một người khách ngoại quốc (Tiên sư Erika Kosse, người Úc) chứ không phải là người vợ của chủ nhà! Anh luôn luôn là ông nội tuyệt vời. Anh đã cảm thông nỗi khổ tâm của nương tử Âu Châu nên bằng lòng để tôi bỏ tám con chó vào một cái bao, chở thẳng lên đường Hàm Nghi tặng các nhà buôn loài vật. Anh năn nỉ chừa lại cho mình một con chó mầu đen tuyền có “đôi mắt vô lượng”. Anh nói: “Tao phải khóc nếu xa con chó này. Con chó này cũng sẽ khóc khi nó xa tao”.
Khi ấy anh mới 50 tuổi, răng rụng móm mém trong câu nói, tiếng cười; còn tôi 30 tuổi mới vào đời khờ khạo, vụng về, ngu ngơ sau 15 năm mặc chiếc áo ca-sa. Kể từ đó tôi biết làm thơ. Anh là nguồn thi hứng không hề cạn trong tôi. Anh khuyến khích tôi làm thơ như một người thầy động viên đứa học trò. Sự gần gũi của chúng tôi đã làm cho đời tôi vui lên một cách đặc biệt. Qua anh, tôi được biết thêm nhiều bạn bè trong giới văn nghệ. Tôi được hiểu nỗi buồn im lặng của anh trên "thị trường thi ca nghệ thuật văn chương” của Việt Nam hồi đó cũng như bây giờ. Hai đứa con của tôi đã được gần gũi nô đùa với anh trong những ngày thơ ấu tuyệt vời của chúng. Sau ngày đất nước bị nhuộm đỏ, chúng tôi bị chia ly suốt mấy năm liền. Tôi bị tù, anh từng bị bắt mấy phen. Mùa thu 1979 anh đã tìm thăm tôi trên Chợ Lớn. Anh lạy đứa con trai tôi khi nó chưa đầy 4 tháng tuổi. Một thời gian sau tôi mới hiểu ý nghĩa của hành động lạy trẻ con do anh sáng chế để vừa chọc ghẹo vừa an ủi tôi; và nhờ đó, tôi hiểu sâu sắc hơn tại sao anh tự nhận mình là một Hài Nhi. Anh đọc thấu nỗi bị quan tuyệt vọng của tôi nên đã đem lời Chúa Jesus Christ nói cho tôi nghe: “Nước thiên đàng thuộc về những người giống như con trẻ”. Lần đầu tiên tôi nghe theo lời khuyên “Hãy đọc Kinh Thánh” nơi cửa miệng anh. Nhờ đọc Kinh Thánh mà cuộc đời tôi hôm nay hoàn toàn thay đổi.
Anh vẫn tiếp tục chơi đùa như điên như dại; có lúc quá ham chơi, anh đã rơi vào những cuộc đảo điên nguy hiểm giữa mộng và thật; anh đã cận kề với cái chết trong tay người cộng sản, nhưng rồi anh đã tìm ra lối thoát bằng những sáng mến bất ngờ và những trò chơi cười bể bụng để tiếp tục được sống giữa đường tơ kẽ tóc éo le.
Đã đến lúc tôi cảm thấy thân thế chúng tôi sắp trôi về với cát bụi. Hôm nay anh còn sống, người ta bạc đãi anh, người ta ăn cắp thơ của anh, người ta rình mò từng cử chỉ của anh, nghe lén từng lời nói của anh, quan sát bầu không khí bạn bè chung quanh anh... Nhưng khi anh nhắm mắt ra đi, hàng ngàn người sẽ ca ngợi anh. Họ sẽ tổ chức đình đám và viết bài tôn vinh anh với đủ hình thức nghi lễ tôn giáo, văn hóa chính trị, truyền thống đầy giả danh giả nghĩa... Người ta sẽ chất lên thi hài tro bụi của anh những thứ, mà khi còn sống, anh đã xa lánh ngàn trùng! Và dĩ nhiên bên cạnh những trò lừa dối đó vẫn có hàng vạn người bình dị sẽ tiễn đưa anh với lòng đơn sơ mộc mạc chân thành.
Hôm nay tôi lại đọc thơ anh, bỗng dưng nước mắt chảy theo lời anh thổ lộ. Anh bày tỏ lòng chung thủy cùng sự yếu đuối thường tình của mình trước những ba chìm bảy nổ chín lênh đênh:
“Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là ủy mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh”
Vâng, anh vẫn là một con người từng yếu đuối và cũng biết tủi thân. Những giọt nước mắt từ con tim khi mình đang thức cũng là những rung động rạt rào khi mình thư thái nghỉ yên, phải không anh? Tôi muốn nói đến giấc ngủ bây giờ và giấc ngủ chia tay mà chính anh đã từng quyến luyến bịn rịn:
"......
Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương meo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi.
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhè nhẹ
Vào trong mơ em mộng rất êm đềm”
Anh cũng đã nói:
“Con có nghĩ: ắt là phải thế
Một đôi lần con ghì xiết hai tay
Nàng thơ đẹp của trần gian ứa lệ
Bảo con rằng: hãy nhớ lấy phút giây”
Anh vẫn thiết tha yêu từng giây phút sống, nhưng không biết mai này ai dám sống như anh, một cuộc sống mà tự nó đã lột trần tất cả cao siêu, thấp hèn kín dấu ra giữa thanh thiên bạch nhật; để ngắm xem và cô đọng lại với một tình yêu tha thiết, chân thành đến nỗi lăn lóc khóc cười thù tạc với cả có cây, rơm rác, châu chấu, chuồn chuồn... Sau mỗi ngày trở về nằm gọn trong giấc chiêm bao và hét hò đùa giỡn cả trong giấc ngủ.
Cái cao siêu khó nhìn thấy đã đành, nhưng cái chân thật lại khó nhìn thấy hơn nữa. Trong anh, tôi được nhìn thấy cao siêu và chân thật ngay cả khi anh sống những cái tầm thường điên dại, hung hăng, tự nhiên tự tại. Anh đã sống một cách hồn hậu lạ lùng! Ai mà biết được trong những trò chơi say mê hồn hậu ấy, anh vẫn miệt mài nhắn gởi đến những thế hệ mai sau:
“Em về mấu thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang.”
Đúng là Hài Nhi thi sĩ còn nặng lòng, lo lắng, gùn ghè, hạn hỏi đến cả mai sau. Thi sĩ e rằng tiếng dội của ngọn lá rơi trong sương mù có thể làm sai lạc sứ điệp của nàng Thơ và mầu trăng nguyên thủy. Phải chăng thi sĩ sợ mai sau không mấy ai còn nhớ đến tình yêu và sự bạc đãi của thế hệ hôm nay. Dù lòng người ta là đối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa; ai có thể biết được? (Giê-rê-mi 17:9). Nhưng loài người là loài thiêng liêng đáng yêu đáng quý vô lượng vô biên. Dù loài khuyển mã trung thành đến mấy, chúng không thể nào đáng quý như loài người. Cũng không phải vì sự dối trá của loài người mà họ phải đầu thai thành loài chó, hay loài chó đầu thai thành loài người như quan niệm thế gian. Con chó có bản năng trung thành nhưng không có trí khôn, không tính toán như con người. Loài chó không tạo ra tính trung thành của nó, cũng như loài người không tạo ra trí khôn và sự ngu dại của mình. Tất cả đã có sẵn nhưng riêng loài người chúng ta có tự do luyện tập, trau dồi và chọn lựa.
Hôm nay còn sống lây lất, có lẽ thi sĩ thấy cuộc đời tiến nhanh quá khiến ánh trăng không còn chạy theo kịp nữa, nhất là khói từ trong các ống bô phun ra ngày càng nhiều khiến cho đôi mắt của thế hệ tiếp theo bị mù lòa từng ngày một. Bụi khói máy móc đã làm tổn thương mầu xanh của lá, ánh sáng của trăng. Phải chăng thi sĩ thà chết với ánh trăng vẫn hạnh phúc hơn là sống trong bụi văn minh kỹ thuật? Dù quen say đắm cuộc đời năm lần bảy lượt, anh vẫn chung thuỷ với chị Hằng, và với nàng Thơ như màu hoa chung thủy dưới ánh nắng mặt trời. Anh chung thuỷ với tình đời trăm mối tơ vương, tứ đảo tam điên triền miên lận đận, đáng giận đáng thương, đáng nhường, đáng lánh, đáng quạnh đáng vui, đáng bùi ngùi như anh... Bùi Giáng. Anh đã viết:
Tôi có một tình yêu thứ nhất
Thứ hai, ba, bốn, chín lại thêm mười
Bờ tang hải biển dâu xua lật úp
Bến phiêu bồng tôi lật đật theo đuôi”
“Sáng nay bao tử mơ mòng
Cà phê bên nớ, cháo lòng bên ni”
Tình yêu của anh thật là ngộ nghĩnh, khoan dung, không ghen tuông, không oán giận, không ích kỷ mà rất chịu chơi. Anh yêu cả người tốt lẫn người xấu. Anh yêu ngọn lá, yêu giọt sương, yêu ly cà phê, yêu tô phở tái, yêu cốc rượu đế, yêu đĩa lòng heo, yêu dấu bèo sông nước, yêu mỗi bước chân theo, yêu kiếp nghèo góc chợ, yêu của nợ lon ton, yêu trẻ con ú nụ, yêu lụ khụ hài nhi, yêu tình si luống cuống, yêu cà cuống chuồn chuồn, yêu nỗi buồn châu chấu, yêu tình bậu bất trung, yêu cả con vi trùng bé nhỏ. Anh yêu với tất cả con tim nóng hổi của mình, anh từ bỏ cái khôn ngoan lừa lọc để chọn cái si tình ngây dại:
“Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong
.........
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi.
.........
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si cho sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em
..........
Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi
Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”.
Tôi chưa từng thấy một vị tu hành thánh thiện nào dám sống chân thật như Bùi Giáng. Tôi chưa thấy ai dám chơi hết mình với cả cái cùi bắp, gié vụn như anh. Ấy thế mà tôi đã tìm thấy trong anh một con người dấn thân, chân thành, và tự do nhất. Anh đã thể hiện chân tình những gì của chính anh giữa thế giới anh được sống. Thái độ sống tự do tự tại của anh đã lôi cuốn tôi từ một kẻ chán đời trở nên say sưa vui sống như một kẻ nghiện sống giữa thế giới ta bà điên đảo này.
- Bùi Giáng Qua Cái Nhìn Của Nguyễn Huệ Nhật Nguyễn Huệ Nhật Tạp luận
• Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Vài Liên Tưởng Phân Tâm Học Qua Thơ Bùi Giáng (Hoàng Dung)
• Viết về Thi nhân Bùi Giáng (Vũ Ký)
• Bùi Giáng Qua Cái Nhìn Của Nguyễn Huệ Nhật (Nguyễn Huệ Nhật)
• Những buổi chiều nghệ thuật (Viên Linh)
• Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng (Mai Thảo)
• Viết vào Bùi Giáng mong manh... (Đỗ Quyên)
• Bùi Giáng, Càng điên, càng tỉnh; càng già, càng lãng mạn (Nguyễn Hưng Quốc)
• Bùi Giáng và nỗi lòng Tô Vũ (Phạm Xuân Đài)
• Bùi Giáng: Trung Niên Thi Sĩ (T. V. Phê)
• Những Giai Thoại Về Bùi Tiên Sinh (T. V. Phê)
Talawas (từ 1 - 16) (Nhiều tác giả)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Thân Phận Của Hồ Xuân Hương (Bùi Giáng)
• Đi Vào Cõi Thơ Hoài Khanh (Bùi Giáng)
• Phụng Hiến (Hồng Vân ngâm) (Bùi Giáng)
- Thi Ca Tư tưởng (Đi Vào Cõi Thơ II)
Thơ Bùi Giáng trên mạng:
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |