|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh
Trong các sách vở, báo chí Anh Mỹ ngày nay viết về Trung Quốc, các tên người, tên đất, tên thời đại, tên tác phẩm văn học, vân vân, thường được viết bằng mẫu tự La Mã, ghi theo lối phát âm Quan Thoại. Ba lối viết được nhiều người biết đến là Yale, Wade-Giles, và Pinyin. Trong khoảng hai chục năm nay lối viết Pinyin (“phanh âm”) là lối phổ cập hơn cả và cũng được dùng rất nhiều trong các tài liệu dạy tiếng Quan Thoại cho người phương Tây. Pinyin đã thay thế Wade-Giles, nhưng lối viết Wade-Giles vẫn còn được thấy trong những tài liệu xuất bản trước năm 1979. Một điều thiếu nhất quán của Wade-Giles là đôi khi nó phản ánh lối phát âm Quảng Đông (thay vì Quan Thoại) cho các địa danh. Và lối viết Yale người ta chỉ còn thấy dùng trong các tài liệu giáo khoa về Hoa ngữ do Đại Học Yale chủ trương.
Là người Việt, chúng ta quá quen thuộc với lối phát âm Hán Việt của những tên người, tên đất, tên tác phẩm Trung Quốc đó. Nào là Tào Tháo, nào là Thôi Hộ, nào là Tứ Xuyên, nào là Tây Sương Ký, vân vân, nghe chẳng mấy lạ tai vì chúng ta đã biết ít nhiều chi tiết về những từ ngữ đó. Nhưng khi thấy những từ ngữ đó được viết theo lối Pinyin thành ra “Cao Cao, Cui Hu, Sichuan, Xi Xiang Ji” trong các bài viết bằng Anh ngữ thì chúng ta thật bối rối, thật lạc lõng, không còn biết đâu mà mò! Đã nhiều lần tôi phải vò tai bứt tóc vì vấn đề này khi đọc tuần báo Time, nguyệt san National Geographic, hoặc các tài liệu giáo khoa viết bằng tiếng Anh. Mới đây tôi có đọc cuốn sách mang tên “Literature and the Arts” do nhà xuất bản Foreign Languages Press tại Bắc Kinh phát hành năm 1983. Vừa mở cuốn sách nho nhỏ này ra là chới với ngay rồi: trong trang 1 có đại danh “Qu Yuan” mà tôi chịu chết không đoán ra được là ai! Tra cứu một hồi lâu mới biết đó chính là cụ Khuất Nguyên 屈元 (cô thần nước Sở, tác giả bài phú trữ tình “Ly Tao 籬骚”lẫy lừng, người mà cả nước Tàu nhớ đến trong dịp Tết Đoan Ngọ hàng ngàn năm nay). Thú thực, cái việc tra cứu này quá nhiêu khê. Tôi phải dùng hai cuốn tự điển, đó là “ABC Chinese-English Dictionary” của Đại Học Hawaii (do John DeFrancis chủ xướng, xuất bản năm 1996) và “Hán-Việt Tự Điển” của Trần Trọng San và Trần Trọng Tuyên (xuất bản tại Canada năm 1997).
Cuốn thứ nhất dùng “Pinyin” để xếp thứ tự các mục từ tiếng Tàu, và bên cạnh các mục từ Pinyin là các chữ Hán tương đương cùng với những giải thích bằng tiếng Anh. Tôi phải chép xuống những chữ Hán ấy (có chữ thì đọc được, có chữ thì không), và những chữ không đọc được tôi phải cầu cứu đến cuốn Trần Trọng San, dùng cách tra chữ theo các “bộ thủ” rất là mất công. Trong trường hợp hai chữ Hán của Qu Yuan thì chữ thứ nhất tôi phải tra (bộ “thi” 尸 nằm trên chữ “xuất” 出, tức là chữ “khuất” 屈), chữ thứ hai (“nguyên” 元) tôi đọc được. Công việc tra cứu này còn rắc rối hơn nữa mỗi khi cuốn tự điển Pinyin dùng chữ Hán viết kiểu “giản thể” đứng bên cạnh mục từ Pinyin! Trong trường hợp này, tôi lại phải mò ra lối viết “phồn thể” của các chữ Hán “giản thể” ấy rồi mới tra trong tự điển Hán-Việt Trần Trọng San được! Đó là trường hợp đại danh “Si Ma Qian” (Tư Mã Thiên, sử gia vĩ đại), trong đó hai chữ “Mã Thiên” được tự điển Pinyin viết bằng “giản thể.”
Tôi coi tiến trình tự học chữ Hán đòi hỏi nhiều kiên trì kiểu này là một cuộc “khổ tu” cho một người hiếu kỳ về văn tự và ngôn ngữ. May thay, cuộc “khổ tu” của tôi kể từ nay đã bớt “khổ” đi nhiều rồi, vì tôi đã có thêm trong tay một vũ khí vô cùng lợi hại. Đó là cuốn “Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc” (với 2 phiên âm Pin-Yin và Wade-Giles) mà Bác Sĩ Hoàng Xuân Chỉnh đã dầy công biên soạn trong mười năm qua.
Như đang bị hạn hán mà được trận mưa rào, tôi mang cuốn Từ Điển này ra dùng liền và thấy ngay tính chất thực dụng và giá trị biên khảo của nó. Hai đại danh tôi nói ở trên (“Qu Yuan” và “Si Ma Qian”) được tôi chiếu cố trước tiên (vì tên hai cụ này đã làm tôi mất nhiều thì giờ trước đây). Cả hai cụ được tác giả HXC minh danh bằng lối phát âm Hán Việt và cho độc giả những nét chính yếu về cuộc đời, cụ Khuất Nguyên nơi trang 357 và cụ Tư Mã Thiên nơi trang 396. Mục từ “Qu Yuan” (trang 357) viết lối Pinyin được kèm thêm lối viết Wade-Giles là “Ch’u Yuan”, hai chữ Hán “Khuất Nguyên” rất rõ nét, và tên vị danh nhân này viết bằng tiếng Việt “Khuất Nguyên”. Soạn giả HXC cho người đọc một tóm lược tiểu sử làm nổi bật những điều nên biết về nhân vật này, qua một lối viết thật trong sáng và chân phương như sau:
“Tự là Bình, là người trong hoàng tộc nước Sở, sinh vào khoảng 340-278 trước CN, làm quan tới chức Tam Lư Đại Phu cho Sở Hoài Vương. Ông đa tài, vừa có khả năng về chính trị và văn học, vừa biết ứng đối với các chư hầu. Thoạt đầu, được vua rất thương yêu, sau bị Thượng quan đại phu ghen tài, vu khống nói xấu ông nhiều điều. Vua nghe lời gièm pha, buộc ông phải rời kinh đô Ai Hĩnh (ở huyện Gia Lăng, tỉnh Hồ Bắc ngày nay). Ông bị đày ra Giang Nam, phía nam sông Dương Tử. Năm 278 trước CN, tướng Tần là Bạch Khởi đánh chiếm Ai Hĩnh, khai quật phần mộ tổ tiên vua Sở. Lúc bấy giờ Khuất Nguyên đã 62 tuổi sau 20 năm lưu đày. Ông rất phẫn uất trước cảnh quốc phá gia vong làm ra bài “Hoài Sa” (ôm cát), rồi đi đến sông Mịch La (xin xem Mi Luo) tự trầm vào ngày 5 tháng 5. Đời sau, vào ngày này, gọi là Tết Đoan Ngọ, dân Trung Quốc có tục bơi thuyền ném cơm xuống sông để điếu vị cô thần nước Sở.
Khuất Nguyên để lại nhiều tác phẩm, trong đó đáng kể nhất là “Ly Tao” (xin xem Li Sao) và “Cửu Chương” (xin xem Jiu Zhang).”
Nếu người đọc có thì giờ để đọc thêm những mục “xin xem” trong cuốn sách này như tác giả đề nghị thì kiến thức tổng quát về Khuất Nguyên sẽ gia tăng bội phần. Tôi phải trích dẫn nguyên mục từ này để quý độc giả thấy được công lao biên khảo rất nghiêm túc của tác giả HXC. Và còn có biết bao mục từ khác, nào là “Jiang Qing” (Giang Thanh, vợ của Mao Chủ Tịch); nào là “Jiang Ze Min” (Giang Trạch Dân, Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ 1996 đến nay); nào là “Xi Xiang Ji” (Tây Sương Ký, câu chuyện tình bất hủ giữa Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh); nào là “Tian Shan” (Thiên Sơn, dẫy núi cao ở Tân Cương, bốn mùa tuyết phủ trên đỉnh nên còn gọi là Tuyết Sơn). Tất cả đều được trình bầy ngắn gọn, trong sáng, và giúp người tra cứu có được những nét chính yếu về các mục từ liên hệ. Người đọc có thể mở cuốn sách ra ở bất cứ trang nào và sẽ tìm thấy ở đó những điều rất đáng biết đến. Nội dung phong phú, hấp dẫn, và chan chứa tình người của cuốn sách cũng biến nó thành một vườn hoa thơm ngát cho những ai yêu chuộng văn học Trung Quốc, một nền văn học có nhiều liên hệ với văn học chúng ta.
Cuốn Từ Điển này cũng rất dễ dùng cho người tra cứu, vì sự trình bầy sáng sủa và nhất quán của nó. Rất hữu ích là các “Bảng Đối Chiếu Pinyin và Wade-Giles” (trang 23-27), “Bản đồ Trung Quốc” với các địa danh quan yếu (trang 28-29), “Bảng Các Triều Đại Chính” (trang 30-31), “Bảng Đối Chiếu Việt Ngữ – Pinyin” (trang 689-718), và nhất là phần “Index” (trang 655-688) liệt kê các mục từ Pinyin cùng số trang trong đó chúng xuất hiện. Và giữa các trang 609 và 647 là một số bảng liệt kê đặc biệt (gồm ba lối viết Pinyin, Hán tự, và Hán Việt) các nhân danh, địa danh, đáng kể nhất là các nhân vật chính trong Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du Ký, và Hồng Lâu Mộng. Một điểm son lớn nữa của tác phẩm này là trong hơn 700 trang sách, với nhiều lối văn tự khác nhau, tôi thấy rất ít những lỗi ấn loát. Có chăng thì cũng chỉ là những lỗi đánh máy nho nhỏ, chẳng hạn như trong mục từ Ruan Hui (Nguyễn Huệ) trang 363, trong đó tên vua Quang Trung viết sai thành Quan Trung, hoặc trong bài thơ “Cẩm Sắt” (trang 248) câu đầu “Cẩm Sắt vô đoan ngũ thập huyền” viết sai thành “Cẩm Sắt võ đoan ngũ thập huyền.”
Bác Sĩ Hoàng Xuân Chỉnh đã thành công trong mục đích “giúp các bạn hiếu học đỡ mất thì giờ tra cứu tìm hiểu mỗi khi gặp tên người, tên đất, tên tác phẩm Trung Quốc trong các sách của Tây phương” với cuốn “Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc” mà ông đã biên soạn công phu trong mười năm qua.
[GS Đàm Trung Pháp • Texas Woman’s University • 2001]
- Đọc 'Tình Thơm Mấy Nhánh' Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Điểm sách: Một Thời Áo Trận của Đỗ Văn Phúc Đàm Trung Pháp Điểm sách
- Bài Thơ Tết Cuối Đời Của Vũ Hoàng Chương Đàm Trung Pháp Nhận định
- Bài Thơ Xuân Nhuốm Màu Xung Khắc Văn Hóa Đàm Trung Pháp Nhận định
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Tháng 12, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Nov 1, 2020 - Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- Lá thư chủ biên Ấn Bản Sept 15, 2020 Tập San Việt Học Đàm Trung Pháp Giới thiệu
- “Nước non ta, ai ngăn trở ta về …” (Lý Đông A, 1943) Đàm Trung Pháp Nhận định
- Tâm huyết Tản Đà trong “Thề non nước” Đàm Trung Pháp Nhận định
- Hiệu Lực Của Ví Von Trong Thi Ca Đàm Trung Pháp Nhận định
• Từ Điển Nhân Danh Địa Danh & Tác Phẩm VHNT Trung Quốc -Hoàng Xuân Chỉnh (Đàm Trung Pháp)
• Tự Điển Thành Ngữ Hán-Việt Cố Sự (Mai Loan)
- Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh và “Từ Điển Hán Việt Thành Ngữ Cố Sự” (Lương Thư Trung)
- Thăm hỏi và trao đổi cùng Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh (Lương Thư Trung)