|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Trúc Khê
(1901 - 1947)
Nhà văn Trúc Khê, tên thật là Ngô Văn Triện, sinh ngày 22.5.1901, tại làng Thị Cấm, xã Phương Canh, Hoài Đức, Hà Đông; nay đã được sát nhập vào Hà Nội, huyện Từ Liêm.
Ông học chữ Hán từ cụ thân sinh, sau theo học trường công Pháp Việt hàng tổng. Năm 1928, Trúc Khê gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học.
Năm 1929, ông bị Pháp bắt, xử án hai năm tù treo và năm năm cấm cố ở ngay quê nhà. Khi bước vào nghiệp văn chương, năm 1928, ông nổi tiếng ngay với tác phẩm Hồn Quê, mà ngay trang đầu, có lời tự ngôn: “Nước non lận đận hồn quê, nghiên bút lần khân nghiệp cũ.”.
Ông mất sớm, vào năm 1947, khi mới 46 tuổi. Việt Minh tiếp thu Hà Nội năm 1954, đã không nhắc nhở gì đến Trúc Khê, cũng như đối với Tự Lực Văn Đoàn. Hà Nội, năm 1994, họ xuất bản Bộ Từ điển Văn Học gồm hai tập, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội, đã không có tên nhà văn Trúc Khê.
Trúc Khê là một nhà văn tiền chiến, và Miền Nam Việt Nam mới trân quí những tác phẩm của ông. Miền Nam mới giữ gìn, phổ biến, yêu chuộng văn tài ông. Miền Bắc muốn bôi xóa tên tuổi ông, điều đó không có gì lạ, bởi vì ông là một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Trúc Khê không đứng trong hàng ngũ Việt Minh!
Chúng tôi trân quí cuốn “NGUYỄN TRÃI” của TRÚC KHÊ, và nay muốn giới thiệu với độc giả bốn phương.
Quẻ PHONG, đọc đầy đủ là Lôi Hỏa Phong, quẻ số 55 trong Kinh Dịch. Cuốn “NGUYỄN TRÃI” của tác giả Trúc Khê Ngô Văn Triện, bản mới do Institut De L’Asie Du Sud-Est xuất bản, 1987, Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm đề tựa. Chúng tôi đọc quẻ Phong, rồi đọc “Nguyễn Trãi,” rồi đọc trở đi trở lại, càng thấy dùng quẻ Phong để hiểu thêm về nhân vật Nguyễn Trãi, một anh hùng của dân tộc Việt Nam. Nhân đó, hiểu thêm về giá trị cuốn sách của nhà văn Trúc Khê. Trong bài đề tựa, Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm viết: “Năm 1941, Trúc Khê có viết cuốn Nguyễn Trãi, cho in vào tủ sách Tao Đàn (Tân Dân, Hà Nội). Nội dung trình bầy theo quan niệm riêng của tác giả. Định chân giá trị sách này thế nào, quyền ấy xin nhường những nhà phê bình chân chính.”.
Nay, chúng tôi đọc sách này, nhưng xin phép được thưa trước rằng chúng tôi không phải là nhà phê bình văn học, nên không dám định chân giá trị sách này, mà chúng tôi chỉ là một người đọc, từ đó có một vài suy nghĩ, mạo muội trình bầy mà thôi. Bởi chưng chúng tôi rất trân quí cuốn “Nguyễn Trãi” của tác giả Trúc Khê Ngô Văn Triện, một nhà văn tiền chiến có tài năng, không thể để vùi quên.
Quẻ Phong với hình ảnh mặt trời đứng giữa trời soi sáng khắp muôn nơi:
Thượng lôi, hạ hỏa, nên đọc tên quẻ là Lôi Hỏa Phong. Mặt trời tỏa sức sáng, đó là tượng biểu trưng thời thịnh lớn. Sáng suốt hành động làm được việc lớn. Thoán từ của Văn Vương: “Phong hanh, vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung.” ( Tạm dịch; Thịnh lớn, hanh thông, bậc vương giả tới nơi, đừng lo, mặt trời đứng giữa trời). Mặt trời ở giữa trời thì sức sáng của nó có thể soi dọi được khắp nơi. Đó là lúc mặt trời ở vị trí cao nhất. Biểu diễn thời thịnh cực. Tại sao Thoán từ lại viết “vật ưu” là đừng lo? Thịnh cực mà lo chi nữa? Không hẳn. Bởi vì “nhật trung tắc trắc” (mặt trời ở giữa thì xế). Cực thịnh ắt bắt đầu suy. Đó chỉ là luật của Tạo Hóa “Thiên định dinh hư” (trời đất đầy vơi). Cổ nhân có hàm ý răn bậc vương giả đang ở thời thịnh lớn hãy chiêm ngắm mặt trời ở giữa trời, mà suy nghĩ. Nhà triết học Thiệu Khang Tiết nói: “Uống rượu chỉ nên đến lúc hơi say mà không nên để thành say quá, ngắm hoa chỉ nên xem vừa lúc mới nở, không nên để đến lúc tàn tạ.”.
Luận hình ảnh mặt trời đứng giữa trời soi sáng khắp muôn nơi vào trường hợp Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy có thể ví Nguyễn Trãi khi được thăng chức Quan Phục Hầu năm 1428 có thể coi như là đỉnh cao của ông rồi:
“Nguyễn Trãi phù vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế nhà Lê, ban đầu lĩnh chức Hàn Lâm Thừa Chỉ Học Sĩ. Đến năm Đinh Mùi (1427), được gia thăng Triều Liệt đại phu, Nhập Nội Hành Khiển, Lại Bộ Thượng Thư, kiêm quản công việc Viện Khu Mật.
Năm Thuận Thiên nguyên niên (1428), sau khi đại định, Thái Tổ luận công hành thưởng, phong Nguyễn Trãi tước Quan Phục Hầu, ban cho quốc tính, vì thế trong các sử sách, thường có chép là Lê Trãi. Hoàng Lê dựng nghiệp, sau một thời gian mấy mươi năm trong nước loạn ly, kỷ cương đổ nát, nên bấy giờ nào định lại pháp chế, nào đặt ra điển lễ, rất nhiều công việc. Mà sắp đặt những công việc ấy, Nguyễn Trãi chính là một nhân vật trọng yếu trên chỗ miếu đường.” (Nguyễn Trãi, Trúc Khê Ngô Văn Triện, trang 95).
Trước đó, Nguyễn Trãi đã theo phò Lê Lợi suốt mười năm (1418- 1428) thời kháng Minh, ông đã chứng tỏ ông là một nhà chính trị và quân sự có tài. Nay, đất nước mới thu hồi độc lập, ông lại chứng tỏ là một nhà cai trị có tài trong mười năm kế tiếp (1428-1438).
Đến năm Thiệu Bình thứ 5 (1438),
“Ông nhìn quanh mình, thấy chính nhân quân tử vắng thưa, mà bọn gian hoạt là bè đảng của gian thần Lê Sát ngày xưa lại được tin dùng, nghĩ chi bằng công thành thân thoái là hơn, để khỏi chuốc vào mình những cái tai vạ bất trắc. Chí nguyện bình sinh của ông là gì? Là trả được gia-thù, rửa được quốc-sỉ, giải thoát được cho giống nòi ra khỏi vòng nước lửa của quân Ngô tặc. Nay chí nguyện ấy đã đạt rồi đủ nằm không thẹn chăn, ngồi không thẹn bóng, còn công danh phú quý: chẳng qua như một đám phù vân, có đáng ham luyến làm gì. Nghĩ vậy, ông bèn dâng sớ nói mình già yếu, xin cho được về hưu dưỡng hẳn ở chốn cố sơn. Thái Tông khi ấy vì thiên tính những lời sàm bang, đối với vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi, không còn mến trọng lắm như xưa, nên chỉ nài giữ qua loa rồi cũng y chuẩn.” (Sđd, trang 106).
Thế là Nguyễn Trãi được về ở biệt thự Côn Sơn, hưởng nhàn, nhân đó viết cuốn Gia Huấn Ca, một cuốn sách đầy tính chất giáo dục. Qua đó, chúng tôi có thể nói rằng Nguyễn Trãi còn là một nhà thơ và một nhà giáo dục.
Chúng tôi cho rằng cuộc đời của Nguyễn Trãi khi được phong tước Hầu tới thời điểm về trí sĩ ở Côn Sơn là thời gian “NGHI NHẬT TRUNG” (mặt trời ở giữa trời) trong quẻ PHONG. Thời gian này đã kéo dài tới trên 20 năm. Quá đẹp!!!
Nhưng mặt trời ở đỉnh điểm cao nhất, dẫu nó dừng lại bao lâu, thì cũng phải bắt đầu xế! Khi vua Thái Tông cho vời ông trở lại triều đình, ông đã nhận lời!!! “dù ông chối từ hết sức cũng không được”? (Sđd, trang 107). Trước kia, Nguyễn Trãi đã vin vào lý do mình “già yếu” (sđd, trang 106) để xin về hưu dưỡng, thì bây giờ ông vẫn vin vào lý do ấy mà từ chối, thì nhà vua cũng chẳng thế nào buộc ông!? Nguyễn Trãi đã có tới 20 năm phục vụ nhà Lê, công lớn như núi Lam, chẳng khi nào Thái Tông lại nhẫn tâm buộc tội ông vì ông từ chối trở về chấp chính. Nhưng hẳn là Nguyễn Trãi vẫn còn muốn thi thố tài năng hoặc chưa dứt hẳn danh lợi, nên đã trở về chốn triều đình… để rồi tiếp tục bị ganh ghét, gièm pha trong chốn quan trường ấy, mà dẫn đến hậu quả những kẻ ganh ghét ông kiếm cớ để giết ông!!! Cớ ấy là việc biến ở Lệ Chi Viên, vua Thái Tông băng hà!!! Họ đổ cho ông chủ mưu!!! Dĩ nhiên họ biết không phải ông, cũng không phải do người thiếp Nguyễn Thị Lộ của ông, nhưng họ đang cần một cái cớ để giết ông, để thỏa mãn lòng ganh tị bấy lâu nay! Đó là cơ hội có một không hai của họ! Lại nữa, Nguyễn Thị Anh thù Nguyễn Trãi đã lâu, cũng đang cần một cái cớ để trả thù. Đây chẳng là cơ hội đó sao?!
Than ôi! Nguyễn Trãi, một bậc trí giả như thế mà cũng mắc sai lầm, không nhận ra rằng có thịnh tất có suy, có cực thịnh tất có cực suy!!! Rồng bay cao quá, tất có lúc phải xuống! Rồng bay cao quá mà không biết xuống, không biết lúc nào phải thoái, gọi là “kháng long,” mà đã tới lúc kháng long thì cơ nguy đã bầy ra trước mắt, không tránh được nữa rồi!!! Lão Tử đã viết: “Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi, giàu sang mà tự kiêu là rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo Trời.” Than ôi! Nguyễn Trãi đã quên mất điều này rồi! Nên mới xảy ra cho bản thân cái án tru di!!!
Đại tượng quẻ Phong viết: “Lôi điện giai chí, phong, quân tử dĩ triết ngục trí hình” (tạm dịch: Sấm chớp đều đến, phong, quân tử xem tượng mà soi xét việc hình ngục). Đó là dùng uy quyền và đức minh sáng để soi xét cho sáng tỏ việc hình ngục, tránh oan ức cho người đời, xem sự kiện cặn kẽ như mặt trời ở giữa trời soi sáng khắp muôn nơi. Người quân tử Nguyễn Trãi đã từng sử dụng đức minh sáng để làm giảm nhẹ án cho bẩy tên kẻ cướp tái phạm đều còn trẻ con (tuổi vị thành niên) mà quan Bộ Hình chiếu luật xử vào tội chém tất cả.
Nguyễn Trãi tâu rằng: “Xưa nay pháp luật không bằng nhân nghĩa, lẽ ấy đã rất rõ ràng. Nay một chốc giết đến bẩy người, tưởng không phải là việc thịnh đức. Kinh Thư có nói: “Yên tại chỗ ở của nhà người” (an nhữ chỉ). Sách Truyện (Đại Học) có nói: “Biết chỗ ở rồi sau mới định” (Tri chỉ nhi hậu hữu định). Thần xin trình bầy nghĩa chữ “Ở” để bệ hạ nghe. Ở tức bảo là nên yên tại chỗ mình ở. Như trong cung đó là chỗ yên của bệ hạ, cũng có khi Ngài đi ra ngoài du hành, nhưng không lấy làm yên. Đấng nhân quân đối với nhân nghĩa cũng thế, phải lấy đấy làm chỗ ở yên. Thỉnh thoảng cũng có khi dùng đến uy pháp, nhưng không nên lâu, lại phải trở về với nhân nghĩa. Xin bệ hạ lưu tâm những lời thần nói.” (Sđd, trang 98,99). Án ấy sau phán quyết đem chém hai tên, còn năm tên phát lưu. Đó cũng là nhờ lời nói nhân nghĩa của Nguyễn Trãi phát xuất từ minh trí. Và cũng nhờ minh trí, mà cái án tru di của Nguyễn Trãi, đến đời Quang Thuận thứ 5 (1464), vua xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Ức Trai, truy tặng chức Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, và cho tìm hỏi con cháu sót lại để lục dùng. (sđd, trang 138). Vậy là Nguyễn Trãi, sau khi đã chết và bao nhiêu người thân yêu đã chết theo, mới được rửa nỗi oan nhục, và được vinh thăng tước Bá. Trải hơn 20 năm sau, mới được giải!!!
Quẻ Lôi Hỏa Phong được biểu diễn bằng những vạch âm dương như sau:
___ ___
________
________
___ ___
________
1- SƠ CỬU: Ngộ kỳ phối chủ, tuy tuần vô cữu, vãng hữu thượng. (Tạm dịch: Gặp người chủ hợp với mình, trong tuần không lỗi, tiến có sự yêu chuộng).
Hào sơ thuộc quẻ Ly hỏa, có đức thông sáng, chính ứng với hào Tứ có đức chấn động. Hai đức tính đó có thể kết hợp với nhau nên việc, gọi là “ngộ kỳ phối chủ”. Thông lệ của Dịch, hai hào dương cả thì đẩy nhau, nhưng ở đây là một trường hợp ngoại lệ, một hào dương mang tính chất sáng suốt, một hào dương mang tính chất hành động, hợp tác với nhau là tương thành. Hào sơ tiến lên được hào tứ đón tiếp nên gọi là “vãng hữu thượng”.
Người xưa chia một tháng ra làm ba tuần: từ ngày một đến ngày mười gọi là thượng tuần, tứ ngày mười một đến ngày hai mươi gọi là trung tuần, và những ngày còn lại trong tháng gọi là hạ tuần. Tuy tuần tức là trong tuần hay thượng tuần, trăng còn chưa sáng rõ, diễn ý thời phong còn non yếu chưa thịnh. Công việc hãy còn ở giai đoạn đầu, chưa thành, hào Sơ và hào Tứ đang cùng nhau mưu sự. Tượng giải thích thêm; “Quá tuần tai dã” nghĩa là quá tuần tai ương vậy. Phải chăng kẻ chiếm được hào này nhìn thấy công việc đã thành là bắt đầu xảy ra hung họa!
Cho nên Trương Lương khi thấy sự nghiệp của Lưu Bang đã thành, bèn bỏ mà đi! Phạm Lãi khi thấy nghiệp vương của Câu Tiễn đã nên, cũng bỏ đi để tránh họa! Và quả thật hai người đó đã tránh được họa, những kẻ ở lại như Hàn Tín, Đại phu Chủng đều bị giết!!!
Chúng tôi nhận định rằng hào Sơ này ứng vào Nguyễn Trãi, và hào Tứ ứng vào Lê Lợi tức Lê Thái Tổ sau này. Than ôi, Nguyễn Trãi, sau khi mưu việc đã thành tựu, ngồi lại tới mười năm nữa, thấy chung quanh mình bọn quần thần như Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Sước, v..v.. đều ganh ghét mình, vậy mà ông vẫn còn cố mà ngồi lại, sau mới viện lý già yếu xin về Côn Sơn. Ấy thế mà rồi cũng còn trở lại chốn vương triều!!! Than ôi, “quá tuần tai dã” là thế đó!!! Nguyễn Trãi đã ứng vào hào Sơ quẻ Phong này!
Khi mà Nguyễn Trãi và Lê Lợi gặp nhau, hiểu nhau, thì có khác gì hai hào dương, sơ và tứ của quẻ Phong này, cùng tài năng, hợp tác tương thành: “ Lê Lợi vất gươm xuống, mời Nguyễn Trãi ngồi để hỏi chuyện. Sau khi đã biết Trãi là bậc danh nho, lại thông hiểu cả binh pháp, cũng có chí trừ giặc cứu nước, Lê Lợi mừngrỡ nói:
- Thật là Trời đem đến một tay lương phụ cho ta.
Lê Lợi lại hỏi:
- Vậy hiền sĩ cũng biết cả tính số Thái Ất?
Trãi nói:
- Vâng, Thái Ất Thần Kinh, tôi vẫn đã từng giảng cứu.
- Vậy hiền sĩ thử tính hộ đi, xem đến bao giờ thì chúng ta khởi nghĩa?
- Cứ như tiểu sinh đã tính thì vận số ở vào năm Dậu, cuối năm Dậu và đầu Tuất, chúa công nên khởi nghĩa binh.
Từ đấy, Trãi được trọng đãi lắm…” (Sđd, trang 36).
Lê Lợi coi Nguyễn Trãi như bậc lương phụ, tức là bậc hiền lương phụ mẫu, tức là trọng tài trọng đức của Nguyễn Trãi lắm. Ở trang 38, sách đã dẫn: “Từ khi được Nguyễn Trãi, thấy là người chẳng những có bầu nhiệt huyết, lại lắm mưu nhiều trí, và có một văn tài mẫn tiệp khác thường, Thái Tổ mừng rỡ vô cùng, coi như Cao Tông gặp được Phó Duyệt, Văn Vương gặp được Lã Vọng, ngày đêm chỉ cùng Trãi bàn tính công việc.”
Và hào Tứ dương ứng vào Lê Lợi cũng rất cương cường tài trí, thể hiện qua câu nói bất hủ sau đây: “Đại trượng phu sinh ra ở đời, nên chống nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm về nghìn sau, sao chịu uốn mình đi làm tay sai cho kẻ khác!” (Sđd, trang 39).
Bởi hai nhân vật Nguyễn Trãi và Lê Lợi ứng vào quẻ Phong này, và hai hào Sơ và Tứ, nên sự nghiệp tương thành, đúng theo tinh thần của quẻ!
2- LỤC NHỊ: Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, vãng, đắc nghi tật, hữu phu phát nhược, cát. (Tạm dịch: Màn che bịt kín, giữa ngày thấy sao Bắc Đẩu, bị nghi ngờ, giữ lòng thành cảm hóa, tốt).
Hào lục nhị đắc trung đắc chính, nhưng chính ứng với hào lục ngũ đắc trung nhưng lại bất chính. Vì hào âm ở ngôi vị dương, nên ví như hiền thần gặp ám chúa. Bộ, nghĩa là sự che phủ dầy đặc. Sao Bắc Đẩu chỉ nhìn thấy được khi đêm tối. Vua hôn ám như thế, nên mới nói: “phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu”, nghĩa là màn che bít kín, giữa ngày thấy sao Bắc Đẩu, để nói lên cảnh khó khăn của hào nhị này. Tuy nhiên, hào nhị này cứ kiên trì giữ lòng thành, dẫu có bị vua mờ ám nghi ngờ, ắt rồi cũng cảm hóa được vua. Phải chăng, kẻ hiền tài bị tiểu nhân ám hại, che lấp đi, nên không gặp thời cơ, nhưng cố thủ giữ đạo Trung, rồi cái thực tài ấy cũng có ngày phát ra được, hiển lộ được mà giúp đời.
Chúng tôi có suy nghĩ là hào nhị ở đây ứng vào Nguyễn Trãi, và hào lục ngũ tức ở ngôi vị chí tôn ở đây ứng vào Lê Thái Tông. Lúc này, vua Lê Thái Tổ đã băng hà năm 1433. Lê Lợi ở ngôi vua được sáu năm (1428- 1433), thọ 49 tuổi. Thái Tông lên ngôi kế vị, lúc ấy còn trẻ, nên có quan phụ chính là Đại Tư Đồ Lê Sát. Theo sử gia Trần Trọng Kim: “Lê Sát là một người ít học nhưng vì trước theo vua Lê Thái Tổ lập được công to, quan hàm đến Đại Tư Đồ. Nay làm phụ chính, thường hay cậy quyền, trái phép, làm nhiều điều kiêu hãnh, hễ triều thần ai là người không tòng phục thì tìm cách hãm hại. Vua Thái Tông tuy còn trẻ nhưng vốn có tính thông minh, làm vua được ít lâu thì ra thân chính lấy, rồi giết Lê Sát đi để thu lấy quyền. Song cũng vì ít tuổi mà lại không có người phù tá, cho nên sau thành ra say đắm tửu sắc làm lắm điều không được chính đính.” (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2002, trang 254, 255).
Chính vì Lê Thái Tông say đắm tửu sắc, nên mới gây ra vụ Lệ Chi Viên. Cũng theo Trần Trọng Kim, sách dẫn trên, trang 255: “Tháng bẩy năm Nhâm Tuất (1442), Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh. Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh. Khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu ông ấy là Nguyễn Thị Lộ có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Đi đến huyện Gia Định (nay ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh) thì vua mất. Triều đình đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ.” Vua Thái Tông làm vua được chín năm, thọ được 20 tuổi.
Theo cuốn “Nguyễn Trãi” của Trúc Khê, thì Nguyễn Thị Lộ trước đã được vời vào cung, giao cho việc dạy các cung nhân. Trước khi Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh, Nguyễn Thị Lộ đã về Côn Sơn để chuẩn bị đón rước xa giá:
“Trong năm Thiệu Bình, vua Thái Tông nghe thấy tiếng hay chữ của Nguyễn Thị Lộ, bèn vời vào cung, giao cho việc dạy các cung nhân. Rồi vua mê say về sắc đẹp của nàng, có khi giữ nàng ở luôn trong cung, ngày đêm hầu hạ bên cạnh mình, và phong cho nàng chức Lễ Nghi Nữ Học Sĩ. Từ đấy Nguyễn Thị Lộ ra vào ở nơi cung cấm, cái thì giờ về với Nguyễn Trãi thường khi lại ít hơn thì giờ ở trong cung với vua Thái Tông. Việc đó ở thời xưa vốn chẳng lạ gì. Ở nước Tầu, thuở xưa người ta thường dùng tì thiếp làm món quà trao tặng cho nhau, địa vị người tì thiếp rất là rẻ rung. Ở Tầu như thế, ở nước ta cũng không khỏi cái phong ấy.
Nguyễn Trãi đối với Thị Lộ, tuy không coi khinh rẻ như hạng nữ tỳ có thể dùng để trao tặng, nhưng nay thấy vị thiếu quân đã cử chỉ như vậy, vả thấy Nguyễn Thị Lộ cũng ham vui cùng thiếu quân lắm, ông bèn coi nàng hạ thấp xuống một bực, và nhân thế có thể điềm nhiên trước sự không trong sạch của nàng. Nàng lui tới trong cung, đã từng bàn nói nhiều việc khiến vua phải nghe theo, vì thế mà chẳng khỏi mất lòng với nhiều người khác.
Qua đến năm Đại Bảo thứ ba (1442), mùa thu tháng 7, vua Thái Tông ngự giá đi đông tuần, đến duyệt vũ ở thành Chí Linh. Vì nghĩ xa giá đến đấy, cách với Côn Sơn không bao xa, quan Hành Khiển Nguyễn Trãi bèn đón rước xa giá đến chơi Côn Sơn là nơi biệt thự của mình. Sau khi lưu liên ở đó một ngày, Thái Tông mệnh giá hoàn cung. Bấy giờ Thị Lộ hiện có ở Côn Sơn, vì nàng về đó để chuẩn bị đón rước xa giá đã ít lâu nay, vua truyền nàng theo giá về cung chầu chực.
Ngày mồng 4 tháng 8, xa giá về đến huyện Gia Định (nay là Gia Bình), nhân gặp giời tối, trụ tất lại ở Lệ Chi Viên thuộc làng Đại Lai. Lệ Chi Viên tức là một cái trại vải, nguyên xưa là chốn ly cung của các triều Lý, Trần. Sau một thời kỳ xa vắng, hôm ấy vị hoàng đế trẻ trung lại gặp Lễ Nghi nữ học sĩ, người con gái tươi đẹp như hoa. Bởi thế người ta thấy thâu đêm Thị Lộ được triệu vào bồi rượu và chầu hầu chăn gối luôn trong ngự doanh, thành hoa thược dược đã thấm đượm dồi dào dưới cơn thụy vũ…” (Sđd, trang 110,111 và 112).
Chúng ta thấy rõ một đấng nhân quân hôn ám như thế, ham mê sắc dục, đến độ cướp trắng người tỳ thiếp của quan trong triều… còn chi là tư cách, phẩm chất, giá trị… của kẻ làm vua, đứng đầu trăm họ để dẫn dắt trăm họ tìm cuộc sống an cư lạc nghiệp? Chúng tôi cho rằng bậc nguyên thủ quốc gia, bây giờ gọi là Tổng Thống, Quốc trưởng, Chủ Tịch nước… xưa gọi là Hoàng đế, Vương, Vua… phải là một người thể hiện được tinh hoa của dân tộc mình. Trong khía cạnh hôn nhân, phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ “nhất phu, nhất phụ”, không được phép lăng nhăng tình ái, ép hoa nài liễu. Ở trường hợp Lê Thái Tông thì thật là quá đáng!!!
Vả lại, lúc đó Lê Thái Tông mới là một thiếu quân, trẻ tuổi, mà Nguyễn Thị Lộ cũng còn trẻ tuổi; ông già Nguyễn Trãi trong khía cạnh sinh lý ắt là không thể làm cho Thị Lộ thỏa mãn, nên được thiếu quân chiếu cố, ắt mây mưa phải mặn mòi, nên tác giả Trúc Khê mới hạ bút viết rằng: “thành hoa thược dược đã thấm đượm dồi dào dưới cơn thụy vũ” (sđd, trang 112). Hoa thược dược là một loại hoa sắc hồng đậm thắm, không hương, và càng về chiều 146 tối, cái mầu của nó càng đậm sắc thắm. Trúc Khê mượn hình ảnh hoa thược dược để diễn tả dưới cơn thụy vũ, cơn mây mưa, thật là biểu lộ được hết khía cạnh sinh lý nồng nàn đó của thiếu quân và Thị Lộ. Chúng tôi thiết nghĩ không thể tìm ra ngôn ngữ nào diễn tả được chính xác hơn, sâu sắc hơn và thâm thúy hơn!
Thêm một điểm này, nhân đây, cũng xin viết ra cho trọn suy nghĩ của chúng tôi. Nguyễn Trãi cũng có hai, ba thê thiếp rồi, chứ có phải phòng không gối chiếc gì đâu, ấy vậy mà thấy người kiều nữ tài sắc cũng còn ham mê theo thói đời thường tình, thiết tưởng người như Nguyễn Trãi cần biết dừng lại trước nỗi đam mê này mới phải. Nhưng ông đã không tránh, để dẫn đến thảm họa tru di!!! Âu cũng là tự rước họa vào thân?! Có đáng trách không? Theo chúng tôi nghĩ, là đáng trách!!! Nếu Nguyễn Trãi áp dụng câu nói của Thiệu Khang Tiết: “Ngắm hoa chỉ nên xem lúc vừa mới nở, không nên để đến lúc tàn tạ”, ông ta chẳng nên lấy Thị Lộ về để đặt vào một ngôi thứ phòng mới phải!!! Than ôi, cái hủ tục, cái quan niệm vô cùng sai lạc và lầm lẫn, cần lên án gắt gao: “Thuở xưa người ta thường dùng tỳ thiếp làm món quà trao tặng cho nhau, địa vị người tỳ thiếp rất là rẻ rung” (sđd, trang 110) Trúc Khê đã phê phán, gọi là cái phong ấy!!! Tức là cái cùi hủi ấy!!! “Ở nước ta cũng không khỏi có cái phong ấy” (Sđd, trang 111).
3- CỬU TAM: Phong kỳ bái, nhật trung kiến muội, triết kỳ hữu quăng, vô cữu. (Tạm dịch: Màn che bịt kín mít, giữa ngày thấy đám sao nhỏ, gãy cánh tay phải, không lỗi).
Bái nghĩa như chữ bộ, nhưng nặng nề hơn. Hào tam dương cương đắc chính, chính ứng với hào thượng lục âm nhu hôn ám, nên có tượng bị màn che bịt kín, giữa ngày mà trông thấy đám sao nhỏ như ở ban đêm vậy. Gặp hoàn cảnh này, không thi thố được tài năng, nên ví như gãy cánh tay phải, thành kẻ vô dụng. Đó là thời thế gây ra như vậy, chớ hào tam không có gây nên lỗi gì. Khi Hàn Tín theo phò Hạng Vũ, không được để ý đến nên dẫu có tài vẫn phải làm chức Chấp Kích Lang, tức là một chức vác giáo theo hầu, một chức vị nhỏ bé. Tượng nói rõ: “Bất khả đại sự dã” nghĩa là không thể làm việc lớn được.
Năm 1434, Lê Thái Tổ băng hà. Nguyễn Trãi không ý thức được là thời thế đã biến chuyển? Đấng minh quân Lê Lợi, đã từng nẳm gai nếm mật với Nguyễn Trãi, hiểu rõ tài năng và đạo đức Nguyễn Trãi, nên sau khi thành công mới trọng dụng ông. Nay Lê Lợi ra đi, có khác gì màn che bịt kín, giữa trời ban ngày thì chỉ thấy đám sao nhỏ thôi! Nguyễn Trãi còn được tân quân tin dùng, tin cẩn nữa sao? Không thể tiếp tục làm được việc lớn nữa rồi, tại sao ông vẫn chưa chịu buông bỏ? Thật đáng trách!? Lê Lợi cũng đã từng giết hại công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Phải chăng Nguyễn Trãi không rút lui chỉ vì quá tự tin vào mình chăng? Hai ông này giúp Lê Lợi, đã có công to, chỉ vì sự gièm pha mà đều phải chết oan. Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Nghĩ mà buồn thay cho mấy người công thần đời xưa, chỉ lầm về hai chữ công danh, mà đem tấm lòng son sắt đi phù tá quân vương trong lúc nguy nan, mong được chút hiển vinh để cho thỏa cái chí trượng phu ở đời. Ngờ đâu: chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ nhanh chết rồi, chó săn phải giết; đến khi công việc xong rồi, thì không những là một thân mình cũng không được trọn vẹn mà cả họ hàng thường cũng phải vạ lây. Thế mới biết chỉ có ông Trương Tử Phòng nhà Hán là người kiến cơ hơn cả!” (Việt Nam Sử Lược, trang 254).
Lê Lợi qua đời rồi, Nguyễn Trãi còn làm việc lớn được ru?
4- CỬU TỨ: Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, ngộ kỳ di chủ, cát. (Tạm dịch: Màn che bịt kín, giữa ngày thấy sao Bắc Đẩu, gặp người chủ nhỏ, tốt).
Hào Tứ ở kế cận hào ngũ hôn ám, nên hoàn cảnh cũng tương tự như hào nhị, do vậy có tượng màn che bịt kín, giữa ngày thấy sao Bắc Đẩu như ban đêm. Hào Tứ đành xuống kết hợp với hào Sơ ở dưới, nên mới có tượng gặp người chủ nhỏ được cát. Phải chăng gặp hoàn cảnh như thế này, người thức thời hiểu thế, nên lui về ở ẩn làm việc gì nhỏ thôi, cho qua ngày, giữ thân chờ đợi thời cuộc mới? Hào Tứ dạy như vậy, nhưng mấy ai tỉnh táo mà xử lý cho mình thích đáng? Người ta ở đời, khi gặp cảnh ngộ khó khăn, dễ rơi vào buồn chán, thiếu sáng suốt! Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”, là vì thế? Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng luận thì luận, bàn thì bàn, việc đời xảy ra cho con người, khó mà lường được, khó mà hiểu được, hình như có một ma lực nào đó xúi giục con người đi lạc vào chỗ mê lầm!!!
5 -LỤC NGŨ: Lai chương, hữu khánh, dự, cát. (Tạm dịch: sáng lại, được phúc, vinh dự, tốt).
Hào ngũ âm nhu , nên hôn ám, ở ngôi vị chí tôn khó tự mình giữ vững cơ nghiệp. Cổ nhân khuyên hết lòng với kẻ bầy tôi có tài, tức là khuyên chuyên nhất dùng hào nhị đắc trung đắc chính kia, ắt được hưởng phúc. Đó là sự sáng trở lại: “Lại chương”. Đó là một lời 149 răn vì hào âm ở ngôi vị dương chí tôn là kẻ thiếu tài thiếu đức mà ở ngôi vị cao quá, nếu muốn giữ vững ngôi vị, ắt phải chiêu đãi người hiền tài và mình cũng phải tự biết mình mà sửa chữa cho tốt hơn. Thái Tông có hiểu và thực thi lời răn này không? Tất nhiên là không!!! Cho nên mới cướp tỳ thiếp của bầy tôi!!! Tất nhiên là không, mới đam mê tửu sắc như vậy! Nên không thể vinh dự mà cát tường được! Dễ mấy bậc quân vương thực thi được hào từ này?
6- THƯỢNG LỤC: Phong kỳ ốc, bộ kỳ gia, khuy kỳ bộ, huých kỳ vô nhân, tam tuế bất địch, hung. (Tạm dịch: cất nóc nhà cao lớn, phòng lại thấp hẹp, nhìn vào nhà không thấy người, ba năm không thấy ai, xấu.)
Ốc: nóc nhà, chỉ thời thịnh lớn đã tới chỗ cùng cực, nên biến thoái, mới có tượng làm nóc nhà cao lớn, phòng lại thấp hẹp, tức là chỉ có cái mẽ bề ngoài mà thôi. Ánh sáng của hào tam dương cương chiếu lên không tiếp nhận được, nên nói nhìn vào nhà, không thấy người, ba năm không thấy ai, để diễn tả sự hôn ám cùng cực của hào thượng này. Tượng có lời răn: “Tự tàng dã” nghĩa là tự ẩn mình vậy, tự mình che lấp mình đi, ẩn lánh đi. Chỉ có cách duy nhất đó mới tránh được họa.
Trường hợp Nguyễn Trãi, khi biết mình cần “tự tàng dã” thì đã muộn mất rồi!!! Trúc Khê viết:
“Ức Trai nằm ở trong nhà lao, cửa son cách tuyệt chín trùng, nghĩ không biết cách gì phơi giải oan tình được. Lắng nghe tin tức bên ngoài: bao nhiêu những kẻ ghen ghét, họ đều có ý thêu dệt cho mình vào tội thí nghịch để đưa gia tộc mình đến cái thảm họa tru di. Ông tê tái cả người: Công danh phú quí thật là một giấc mộng Nam Kha. Đến nay chẳng những bừng tỉnh giấc kê vàng, còn sẽ dành lại cho thân gia một cái vạ vô cùng thê thảm! Nếu sớm biết có cái nông nỗi ngày nay, thà sau khi thù nước đã rửa xong, thù nhà đã trả sạch, sớm theo dấu của Trương Tử Phòng đời trước, vào rừng tu đạo, cách tuyệt với thế nhân cho rồi! Chỉ vì mình muốn đem cái học kinh luân khang thế, thi triển ra việc chính trị trong nước, đưa vận nước đến thuở thịnh trị của Đường, Ngu, Tam Đại đời xưa. Song muốn như thế mà mười phần chưa được đôi ba, bởi Quốc quân chưa chịu thực lòng tin theo chính thuật của mình, thường lại lờ mờ hoặc bởi những lời gièm pha của lũ tiểu nhân. Thành ra trải mười mấy năm giời mình chưa lần nào giữ được chính binh vào tay để thi thố mọi điều theo như ý muốn. Lần lữa đến nay bỗng mắc phải cái hung họa đó thật đáng tự thương biết ngần nào!
“Ông lại hồi nghĩ đến sự bạc đãi công thần của các triều đế vương sáng nghiệp xưa nay. Triều Lê bây giờ đối đãi công thần, bạc bẽo có khác gì triều Hán đời xưa! Hán Cao sau khi định xong thiên hạ, nỡ lòng giết chết Hàn Bành (Hàn Tín, Bành Việt). Thì Lê Cao sau khi định xong thiên hạ, cũng nỡ lòng giết hại hai kẻ công thần: Trần Nguyên Hãn và Phạm văn Xảo. Mà chính mình cũng có lần bị bắt bỏ ngục, sau mấy ngày lại được phóng thích. Đáng nhẽ nhìn thấy cái chết của những người bạn tội nghiệp kia, mình nên kiến cơ mà cất cánh bay từ lâu mới phải, nhưng mình lại không thế, mình còn ở lại để chờ đến lượt mình chịu vạ, thật cũng đáng cười mà đáng giận cho mình” (Sđd, trang 115,116 và 117).
Quẻ Phong chỉ thời thịnh lớn, nên có tượng mặt trời ở giữa trời. Nhưng xét đến sáu hào của quẻ, hào nào cũng có khía cạnh xấu. Phải chăng mặt trời đã lên cao đến giữa trời, là mặt trời bắt đầu chuyển về phía tây, để xế bóng? Đầy rồi tất vơi, tức dinh ắt dẫn đến hư, tiêu. Hào thượng này là lúc xế bóng rồi! Cho nên ở thời thịnh lớn, chỉ một sơ sểnh nhỏ là gặp hung họa ngay thôi!!! Và Nguyễn Trãi là một trường hợp điển hình. Phải chăng “Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi” là thế đó? Và nào ai ngờ cuộc hội ngộ lãng mạn với người con gái ở Hồ Tây, với hai bài thơ xướng họa tuyệt vời ấy, lại dẫn đến một kết cuộc bi thảm ghê gớm đến vậy?!!!
Suy nghĩ của chúng tôi về nhân vật kỳ tài Nguyễn Trãi:
Nhà văn Trúc Khê viết cuốn “Nguyễn Trãi” đã dày công khảo cứu tới 16 cuốn sách được liệt kê ở trang cuối cuốn sách, và đã chia đều ra thành 15 chương với các đề mục tổng quát của mỗi chương. Ông viết đầy đủ lắm, đề cập đến cả câu chuyện phong thủy và nghiệp báo (chương 12). Ngoài những suy nghĩ đã trình bầy trên, chúng tôi, sau khi đọc xong tác phẩm này, còn có một số suy nghĩ về nhân vật kỳ tài Nguyễn Trãi, xin trình bầy tiếp sau đây:
1- BÀI BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO CỦA NGUYỄN TRÃI CÓ GIÁ TRỊ NHƯ MỘT BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC TA:
Theo cách nhìn của chúng tôi, lịch sử Việt Nam ta đã có nhiều lần tuyên cáo nền độc lập của mình, dẫu đó không viết rõ ra là một bản tuyên ngôn độc lập theo hình thức bây giờ. Trước hết, bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt khi chống quân Tống để giữ vững giang sơn Tổ quốc, đã làm bài thơ bốn câu:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, trang 112).
Đó chẳng là một bản tuyên ngôn độc lập của nước ta đó sao?
Rồi thứ đến đời nhà Trần, danh tướng Trần Quang Khải đánh đuổi quân nhà Nguyên, khôi phục Thăng Long, đã ngâm một bài thơ rằng:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san”
Dịch nôm:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sứ
Non nước ấy nghìn thu”
(Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, trang 150, 151).
Đó cũng là một bản tuyên ngôn độc lập.
Còn bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi chắc chắn phải là một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầy đủ hơn nhiều so với hai bài thơ trên đây. Bài này làm bằng Hán văn, có ghi trong tập Hoàng Việt Văn Tuyển, sử gia Trần Trọng Kim có chép ra trong cuốn Việt Nam Sử Lược của ông, có phiên âm và dịch nghĩa tiếng Việt . Bản của Trúc Khê, không có phần chữ Hán, chỉ có phiên âm và dịch ra Việt văn. Bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, trước hết, tác giả nhắc lại lịch sử Việt Nam:
“Nước Đại Việt ta. Nền văn hiến cũ”.
Kế đến kể tội quân Minh xâm lược, cai trị nước tarất bạo tàn:
“Đẵn hết trúc Nam Sơn chẳng dễ biên ghi tội ác”.
Kế tiếp diễn tả lại quá trình cuộc kháng Minh thành công. Để sau hết kết luận dõng dạc:
“Xã tắc từ đây sẽ vững yên
Non sông từ đây sẽ đổi mới.
Càn khôn đã bỉ là lại thái
Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong.
Đặng mở nền bình trị muôn năm
Đặng rửa hết thẹn thùng nghìn thuở.”
Quả nhiên là bản Tuyên Ngôn Độc Lập hùng hồn.
2- NGUYỄN TRÃI LÀ MỘT NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ, CAI TRỊ; NHƯNG ÔNG CÒN LÀ MỘT NHÀ GIÁO DỤC QUA “GIA HUẤN CA”.
Sách đã dẫn của Trúc Khê, trang 151: “Ông Hậu Trai họ Nguyễn nói: “Cái học của Nguyễn Trãi ra tự dòng chính, là một người hiền hạnh văn chương tót bực của triều Lê. Xem như những điều nói lấy nhân nghĩa làm chỗ để đứng, lấy hòa bình làm gốc của nhạc, Thái Tông đều khen ngợi, nghe theo và đem thi hành, văn chương chế độ rỡ ràng đanh thép. Không những năm Thiệu Bình, Đại Bảo, trong nước cường thịnh, phương xa sợ uy mến đức, đều vào triều cống để xem cuộc thái bình. Ông Trãi thật đã không phụ với trách vọng của thời bấy giờ.”
Chỉ vài lời phê bình ấy đủ cho mọi người chúng ta rõ rằng Nguyễn Trãi hành động trên nền tảng nhân nghĩa. Thí dụ như ông viết trong thư trả lời Phương Chính, có những câu: “Bảo mày giặc dữ Phương Chính. Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành.” (Sđd, trang 52). Và: “Binh pháp nói rằng: “Bậc nhân giả lấy yếu trị mạnh, bậc nhân giả lấy ít đánh nhiều.” Nay mày muốn đánh nhau thì nên tiến binh vào cùng ta quyết sống mái một keo, đừng nwn6 dùng dằng để khổ cho hai quân nữa.: (Sđd, trang 51,52). Trong thư dụ thành Tam Giang, Nguyễn Trãi viết: “Các tướng sĩ của ta ai cũng đều hăm hở muốn phá vào thành, nhưng ta nghĩ thương số người vô tội ở trong thành, vì các người mà bị vạ lây, tiếng trống nổi lên, ngọc đá không còn phân biệt, bởi vậy viết mấy dòng chữ nầy gửi đến.” (Sđd, trang 66).
Tinh thần nhân nghĩa của Nguyễn Trãi được thể hiện nồng hậu nhất trong tác phẩm “GIA HUẤN CA” của ông. Theo bản vẫn lưu hành, có năm bài: Dạy vợ con, dạy con ở cho có đức, dạy con gái ở có đức hạnh, vợ khuyên chồng, khuyên học trò phải chăm học. Xem như vậy, ngoài tài năng quân sự, chính trị, cai trị, Nguyễn Trãi còn là một nhà giáo dục có lương tâm chân chính.
3- NGUYỄN TRÃI LÀ MỘT TRIẾT GIA QUA BÀI “CÔN SƠN CA”:
Trong khoảng thời gian ngắn về nghỉ ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã sáng tác “Gia Huấn Ca”. Ngoài ra, còn bài “CÔN SƠN CA”, mà theo cái nhìn của chúng tôi, tác giả thể hiện được nhân sinh quan của mình về con người, vạn vật sinh linh, về sự sống và sự chết:
• Nguyễn Trãi yêu thích thiên nhiên yên tĩnh bên ngoài, và bên trong chủ trương sống ngay thẳng đúng tư cách người quân tử:
“Trên đèo có thông
Muôn dặm biếc mông lung
Ta thảnh thơi nằm nghỉ bên trong
Giữa rừng có trúc” (Câu 7 đến câu 10).
• Nguyễn Trãi ưa cảnh nhàn đơn giản đạm bạc:
“Muôn chung chín vạc để làm gì?
Nước lã cơm rau hãy tri túc.” (Câu 15,16).
• Nguyễn Trãi thể hiện nhân sinh quan toàn bộ của ông:
“Người sống trong trăm năm
Khác đâu loài thảo mộc đổi thay nhau
Một tươi một héo thường tiếp tục
Đồi rậm lầu hoa cũng ngẫu nhiên
Chết rồi hỏi ai vinh với nhục?” (Câu 23 đến câu 28).
Chúng tôi cho rằng sống ở trên đời, mỗi người ai cũng phải có một thái độ chính trị dẫu minh thị hoặc không minh thị. Điều đó như một mặc nhiên. Ngoài ra, do hoàn cảnh, dòng sinh mệnh của mỗi người mỗi khác, mà tự tìm ra cách sống cho mình. Cái cách sống ấy phát xuất từ một suy tư và ước vọng nào đó, mà có thể gọi là một triết lý. Triết lý để làm gì? Để sống thôi. Phải, cũng chỉ để sống cho yên thôi! Qua bài “Côn Sơn Ca”, chúng tôi nhìn thấy triết lý của tác giả, có thể được biểu diễn ngắn gọn như sau:
NGƯỜI=THẢO
MộC=TƯƠI=HÉO=SƯỚNG=KHỔ=VINH=NHỤC=SỐ
NG 100 NĂM=CHẾT.
Tư tưởng của Nguyễn Trãi như vậy, chúng tôi hiểu như vậy, chẳng phải là một triết lý đó sao? Nguyễn Trãi là một triết gia nữa vậy!!!
4- NGUYỄN TRÃI ĐÃ ĐỂ LẠI CHO VĂN HỌC TA MỘT DI SẢN VĂN CHƯƠNG QUÝ BÁU:
“Không những thế, tiên sinh còn để lại cho văn đàn ta một cái di sản văn chương rất quý báu, tập “Ức Trai thi văn tập” nó phải là thiên cổ bất hủ ở trong văn học giới nước nhà.” (Sđd, trang 147,148). Thiết nghĩ nhà văn Trúc Khê viết câu này không có gì là quá đáng. Hai bài thơ xướng họa của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, cô bán chiếu tài sắc ở Tây Hồ, có thể nói là một hiện tượng văn học độc đáo. Nguyễn Trãi ướm hỏi:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Nguyễn Thị Lộ liền làm một bài họa trả lời:
“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh tuổi mới trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!”
(Sđd, trang 109).
Cả hai bài thơ xướng họa đều mẫn tiệp! Đều tuyệt tác!
5- NGUYỄN TRÃI LÒNG DẠ SÁNG NHƯ SAO:
Vua Lê Thánh Tông soạn khúc “Quỳnh uyển ca” trong có câu rằng: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” nghĩa là “Ức Trai lòng dạ sáng như sao”. (Sđd, trang 150). Bởi vì Nguyễn Trãi: “Công cao bằng nghìn ngọn núi Lam, phúc dài như một dòng Tô Lịch”. (Sđd, trang 160).
Một đấng quân vương, có thiên tài văn chương, như Lê Thánh Tông, đã nhìn nhận Nguyễn Trãi có công cao như núi Lam, lòng dạ sáng như sao. Điều đó, có thể được coi như kết luận về con người Quan Phục Hầu Nguyễn Trãi.
Để có thể kết thúc bài viết, chúng tôi xin được nhắc lại lời của HOA BẰNG đề tựa cuốn sách của Trúc Khê: “Trúc Khê là một nhà tinh thông Hán học” (Sđd, trang 11). Cuốn “Nguyễn Trãi” của Trúc Khê đương nhiên có chân giá trị, có chỗ đứng trong nền văn học Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, rồi đây, những gì của Trúc Khê hãy trả lại cho Trúc Khê. Tiếc thay, ông mất sớm, năm 1947, khi mới 46 tuổi. Và để hiểu rõ hơn về nhà văn Trúc Khê, chúng tôi xin được kết thúc bài viết này, bằng trích bài Tự Ngôn của ông in ngay ở trang đầu cuốn HỒN QUÊ của ông, xuất bản năm 1928:
“Nước non lận đận hồn quê, nghiên bút lần khan nghiệp cũ. Chao ơi, đường đường tấm thân nam tử, sinh ra ở thế kỷ thứ hai mươi nầy, mà nhất là lại sinh ra làm người nước Việt Nam này, thế mà lại đem thân ẩn náu vào nghề nghiên bút văn chương, nghĩ mình thực cũng đáng tự hổ tự thương cho mình lắm vậy. Nghĩ lại từ khi mình ra góp mặt làm một người trong xã hội, ngày đi tháng chạy, bấm đốt tay đã sấp sỉ tam tuần; trong cái thời kỳ sinh trưởng từng ngót ba mươi năm tới nay, nào nợ nhà nợ nước nợ dân, tưởng cái dài nợ đã đắp cao lên đầy núi. Đối với cái khoản nợ lớn ấy, mình há phải là một giống động vật vô linh tính, tất nhiên là phải nghĩ cách báo đền. Nay cái cách báo đền, xét mình đã vô đức vô tài, biết lấy chi mà báo đền cho được? Âu là đành rở cái nghề mọn văn chương nghiên bút, bàn xuông nói phiếm, viết thành văn, in ra sách, tự biết cũng chưa hẳn đã có bổ ích cho nhân tâm thế vận, nhưng cũng là cái cách “rút ruột con tầm giả nợ dâu” đó thôi. Ấy tập văn “Hồn quê” này ra đời là vì thế đó. Nay tựa.
Hà Nội, ngày mồng 1 tháng 5 năm 1928
Trúc Khê NGÔ VĂN TRIỆN
- Đọc “Cõi Tạm” và “Vẫn Còn Cõi Tạm” của Ngọc Hoài Phương Hoàng Ngọc Hiển Nhận định
- Đọc “Nguyễn Trãi” của Trúc Khê Hoàng Ngọc Hiển Nhận định
- Quán Cà Phê Ngoại Thành Hoàng Ngọc Hiển Truyện ngắn
- Đọc "Truyện Từ Văn" của Trần Hoài Thư Hoàng Ngọc Hiển Nhận định
- Huyền Thoại 'Chắc Cà Đao' Hoàng Ngọc Hiển Truyện ngắn
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |