1. Head_

    Hùng Lân

    (23.6.1922 - 17.9.1986)

    Lê Thương

    (8.1.1913 - 17.9.1996)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Sự Mê Hoặc Của Truyền Thống Với Bảng Màu Lương Văn Tỷ (Huỳnh Hữu Ủy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      17-09-2014 | HỘI HỌA

      Sự Mê Hoặc Của Truyền Thống Với Bảng Màu Lương Văn Tỷ

        HUỲNH HỮU ỦY
      Share File.php Share File
          

       

      Họa sĩ Lương Văn Tỷ - Tri Ân Cuộc Đời (Dân Huỳnh/Người Việt)
      Họa sĩ Lương Văn Tỷ muốn tặng tranh cho bảo tàng viện (Hà Giang/Người Việt)

      Mới đây, tháng Chạp của mùa Lễ hội, Lương Văn Tỷ đã bày một cuộc triển lãm hết sức đáng chú ý ở Quận Cam. Bất ngờ và đáng chú ý vì sự lặng lẽ của anh trong hoạt động tạo hình, rồi bất thần anh bày ra một thế giới dù quen thuộc mà lại đầy huyễn hoặc độ rất lạ lùng.


      Để dẫn nhập vào thế giới ấy, tôi đã có mấy lời giới thiệu in trong vựng tập cuộc triển lãm, xin trích lại dưới đây. Với bài viết này, tôi cũng muốn nói thêm đôi điều cho rõ hơn về trường hợp Lương Văn Tỷ.

      Hồn Nghệ Thuật và Căn Rễ Đất Nước



      Vựng tập triển lãm Lương Văn Tỷ, Gallery Người Việt, tháng 12-2005.

      Nghệ thuật hiện đại đã mở ra nhiều chân trời mới cho người nghệ sĩ, nhưng tình cảnh của chúng ta vẫn có một điều gì đó rất riêng biệt của chính chúng ta. Nhìn ngược lại quá khứ một chút, với dấu mốc ra đời của Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm l925, kỹ thuật mới dường như đã là một đôi cánh vạn năng nâng bổng các tầng lớp nghệ sĩ mới của chúng ta, đến độ gây nên cảm giác là chúng ta đã cắt đứt hẳn với truyền thống. Nhưng thực sự ra nó chỉ là vấn đề kỷ thuật, từ kỹ thuật sơn dầu, cho đến một bút pháp ấn tượng và hậu ấn tượng, cho đến lối vẽ hàn lâm dựa vào cơ thể học, hoặc viễn cận, hoặc sáng-tối.


      Tầng lớp nghệ sĩ mới với những khám phá về kỹ thuật đã tạo nên được một nền nghệ thuật mới vô cùng rực rỡ, với những Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Lê Yên, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Văn Cao... Nhưng cái hồn nghệ thuật, cái tinh túy nghệ thuật của họ vẫn là cảm hứng bắt nguồn từ căn rễ sâu xa của đất nước và dân tộc. Cái mê hoặc của Nguyễn Gia trí, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn chính là cái đẹp mê hoặc của một đất nước truyền thống lung linh rất kỳ ảo.


      Chúng ta cần công nhiên bày tỏ lòng biết ơn đối với Victor Tardieu, người nghệ sĩ của nước Pháp có tấm lòng rất đặc biệt đối với nền văn hóa của chúng ta, đã đặt nền tảng phát triển cho Trường Mỹ Thuật Đông Dương cách đây đúng 80 năm, rồi một khuôn mặt cũng hết sức đáng chú ý là Joseph Inguimberty đã đẩy mạnh sự phát triển này đến chỗ rất rưc rỡ.


      Trong một bối cảnh như vậy, thực là dễ hiểu khi Lê Phổ vào thời kỳ còn rất trẻ ở Trường Mỹ Thuật Hà Nội, nơi một bức tranh vừa mới vẽ xong, bạn thân của ông là thi sĩ Jean Tardieu, con trai của họa sĩ Victor Tardieu, đã cho là mang quá nhiều hơi hướm của Gauguin, vậy mà về sau chúng ta thấy rõ là ông đã xóa hết tất cả dấu vết ấy.



      Phù Điêu Mã Phu
      (cement đắp trên bảng gỗ)

      Nghệ sĩ Việt-Nam bây giờ tứ tán khắp thế giới. Nền nghệ thuật hiện đại không là cấm ky đốí với bất kỳ ai. Chúng ta có những họa sĩ phiêu lưu đến những chân trời cùng cực của sự lạ lùng, thử nghiệm và thử thách với tất cả mọi ngôn ngữ, ký hiệu, bút pháp. Nhưng vấn đề sau cùng anh phải đối đầu vẫn là điểm anh đến, là bước chân anh dừng lại, là tác phẩm anh hoàn tất.


      Chẳng có thể chỉ nói một cách trừu tượng rằng sống với nghệ thuật là đi tìm, đi tìm, và đi tìm. Mà phải nói một cách cụ thể, đi tìm và tìm được điều gì, và cái đẹp là điều còn đọng lại trên tác phẩm anh mang tặng cho cuộc đời.


      Cái đẹp vũ trụ mênh mông ấy, anh có thể phiêu lưu hay điềm đạm khám phá, tìm kiếm. Nhưng tiên quyết là anh phải sống với con đường của anh, với định mệnh nghệ thuật của đời anh. Có như vậy anh mới xây dựng được thế giới của mình. Tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc, và thưởng ngoạn công trình nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ, và một trong những bảng màu mang lại cho tôi nhiều bất ngờ, cảm kích và thấy hạnh phúc chính là bảng màu rực rỡ mà trầm lắng của Lương Văn Tỷ. Anh có dịp đi nhiều, đi khắp thế giới, viếng thăm vô số phòng bày tranh và nhiều nhà bảo tàng trên khắp thế giới, chiêm nghiệm nhiều nền nghệ thuật khác nhau, nhưng nghệ thuật của anh vẫn là cái kỳ ảo anh tìm thấy trong căn rễ của đất nước mình, của thần thánh, tổ tiên, của truyền thống linh thiên sâu xa mà anh đã bước vào từ nửa thế kỷ trước. Ngày nay, anh vẫn tiếp tục bước đi trên con đường ấy, chỉ là làm cho hoàn thiện hơn, cho đẹp hơn, sâu sắc hơn, hay đằm thắm hơn mà thôi. (1)

      *


      Lương Văn Tỷ sinh năm 1932 ở Sàigòn. Từ thiếu thời rất thích hội họa nên đã tự mày mò vẽ lấy một mình, thường là vẽ theo lối truyền thần, sau đó xin học thêm ở xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Văn Long (2), Thịnh Del, rồi thường tiếp xúc với Văn Đen mà Lương Văn Tỷ vừa xem là thầy vừa xem như bạn trong nghề hội họa. Thời kỳ gần gũi và chơi thân với Văn Đen đã để lại nhiều dấu ấn của thủ pháp sơn dầu Văn Đen trên tranh Lương Văn Tỷ sau này. (3)


      Trong một bài viết gần đây của họa sĩ Mai Lân, để góp vài hoài niệm về Văn Đen trong tập sách Văn Đen Và Các Tác Phẩm Hội Họa do Hoàng Kế Phúc thực hiện năm 1997 (4), Mai Lân có nhắc đến Trường Hội Họa và Điêu Khắc Thế Hệ do ông sáng lập đầu thập niên 60 ở Sài gòn. Mai Lân cũng nhớ đến ba người học viên đặc sắc của trường này vào giai đoạn ấy: Cù Nguyễn, Nghiêu Đề, Lương Văn Tỷ (5). Trường Thế Hệ, ngoài Mai Lân, còn có họa sĩ Thịnh Del tức Nguyễn Văn Thịnh và Đỗ Đình Hiệp (6) giúp Mai Lân để hướng dẫn học viên các lớp sáng, chiều, tối, và cuối tuần. Như vậy, mặc dù không được đào tạo từ một trường ốc chính quy là Cao Đẳng Mỹ Thuật, Lương Văn Tỷ cũng có theo học ở một trường mỹ thuật tư, nghĩa là cũng đã nắm được một số phương pháp và cách thức cơ bản mà một họa sĩ chuyên nghiệp cần thiết phải thủ đắc.


      Lương Văn Tỷ liên tiếp trong ba năm 1961, 1962 và 1963 đã liên tục đoạt huy chương đồng từ Triển lãm Mùa Xuân hàng năm, là giải thưởng lớn và quan trọng nhất của miền Nam Việt-Nam lúc bấy giờ. Một sự kiện nữa cũng đáng kể là Lương Văn Tỷ đã đạt được bằng danh dự trong cuộc Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế tại Sàigòn năm 1962, cùng với vài họa sĩ khác như Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước... giữa 18 nghệ sĩ Việt-Nam được hội đồng quốc gia tuyển chọn để tham dự cuộc triển lãm. Đây là một cuộc triển lãm có tầm cỡ thế giới, với sự tham dự của 21 quốc gia đến từ khắp năm châu, là một nỗ lực rất lớn của chính phủ Nam Việt-Nam để đưa đất nước gặp gỡ và đối thoại với toàn thể địa cầu qua con đường nghệ thuật. Ngoài những họa sĩ nhận được bằng danh dự, có lẽ cũng nên biết thêm là về bộ môn điêu khắc, nhà điêu khắc trẻ tài năng Lê Ngọc Huệ đang giảng dạy điêu khắc ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế đã đạt được huy chương bạc với tác phẩm Trụ Hòa Bình (7).


      Bằng danh dự Lương Văn Tỷ nhận được từ cuộc Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế lần thứ I, năm 1962, được ghi dấu ấn và chữ ký của Chủ tịch ban tổ chức Lê Văn Lắm (là Giám đốc Mỹ Thuật Học Vụ Bộ Quốc Gia Giáo Dục), Bộ Trưởng Bộ Đặc Nhiệm Văn Hóa Xã Hội Trương Công Cừu, cùng dấu ấn của Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Gia Giáo Dục.


       

      Phố Vào Thu, acrylic, 2004 (Tranh Lương Văn Tỷ)

      Mặc dù đạt được những thành quả rực rỡ như vậy, không hiểu tại sao Lương Văn Tỷ đã bỏ hẳn công việc hội họa; anh không còn màng đến chuyện vẽ để bắt tay vào hoạt động truyền hình từ nửa sau thập niên 60 cho mãi đến ngày cuối cùng của miền Nam vào tháng 4-1975. Định cư ở Mỹ từ năm 1975, Lương Văn Tỷ lại tiếp tục sinh hoạt trong nghề truyền hình. Cho đến gần đây, ở tuổi nghỉ hưu, vào đầu năm 2000, Lương Văn Tỷ mới cầm cọ vẽ trở lại và đã tức thời mang lại nhiều điều đáng ngạc nhiên, với những bảng màu rất ấm áp, rất mạnh, pha trộn tính cách ấn tượng và biểu tượng, đôi lúc cả tượng trưng, đập mạnh vào thị giác và cảm xúc của người xem tranh. Lương Văn Tỷ thích không khí rêu phong xưa cũ của thời quá khứ xa xôi nên anh vẽ bóng dáng thu vàng với những khu phố cũ, những người chơi đàn của một ban nhạc truyền thống, những con đường và mái nhà cũ kỹ, bên những tàng cây xanh, hàng phượng đỏ, và những chiếc xe kéo, xe thổ mộ. Hà Nội cổ kính cùng Huế thơ mộng và thần bí là đất đai tinh thần mang lại nhiều cảm hứng cho anh. Lương Văn Tỷ ghi chép với phóng bút tài hoa nhiều cảnh tượng mộng ảo bên giòng sông xanh thơm ngát chảy ngang kinh thành Huế, đặc biệt nơi những uốn khúc dưới chân núi Ngọc Trản hay bên đồi Hà Khê, nơi mà trên đỉnh đồi, tháp chuông Linh-Mụ tự từ mấy thế kỷ qua vẫn vang lên tiếng chuông u trầm dội qua thiên nhiên vào lòng người, ngập tràn mùi đạo vị cảnh tỉnh trầm lắng.


      Xem phòng tranh Lương Văn Tỷ vừa bày ở Gallery Người Việt, rồi nhớ lại thời kỳ đầu tiên của anh vào nửa thế kỷ trước ở Sàigòn, chúng ta sẽ dễ nhận ra rằng anh có một cách nhìn rất nhất quán. Gần 50 năm trước, bức Đồ Thế, là một cảm xúc anh gặp được nơi tranh vàng mã, rồi ghi chép lại và biến chuyển thành đường nét tạo hình của minh, Đồ Thế được tặng thưởng huy chương đồng trong cuộc triển lãm Hội Họa Mùa Xuân 1961. Rồi Tam Đa trong cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1962 ở Sàigòn cũng là tiếng nói riêng của anh, gây được nhiều chú ý ở người xem, có thể là đã tạo nên được sự quyến rũ bởi một không khí Phương Đông thần bí với hội đồng chấm giải đến từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả nhiều giám khảo đến từ Tây Phương.


       

      Một Góc Huế Cổ, acrylic (Tranh Lương Văn Tỷ)

      Cũng vào dịp đó Lương Văn Tỷ đã gửi tham dự một tác phẩm khác vẽ cảnh đám cưới cổ truyền mà anh gọi là Cái đẹp thời xa xưa với những nét chấm phá của những vệt sơn đỏ sậm, xanh đại dương, xanh lục, tím than lung linh chồng lên nhau. Marc Planchon, người viết phê bình mỹ thuật của Nhật báo Le Journal d'Extrême - Orient rất thích bức tranh này nên đã mua cho bộ sưu tập riêng của ông, và sau đó, trên tờ nhật báo pháp ngữ quen thuộc ấy của Sàigòn, ông cũng đã phân tích về trường hợp Lương Văn Tỷ, về con đường Lương Văn Tỷ đã trải qua, đã đến với mỹ thuật và đã bước vào cuộc triển lãm Mỹ Thuật Quốc tế 1962 ở Sàigòn như thế nào.


      Lương Văn Tỷ đã tạo được một thế giới đầy gợi cảm của riêng anh, bắt nguồn từ cảm hứng sâu sắc về một cội nguồn truyền thống. Hãy nhớ lại về năm bức tranh Địa Tạng Vương, Đồng Tiền Xưa, Nhân Vật, Quê Nhà, Một Bài Thơ Lương Văn Tỷ gửi tham dự Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân 1964. Đều là những hình ảnh quen thuộc chung quanh cái thế giới linh hoạt Sàigòn - Chợ Lớn ồn ào, tấp nập. Đời sống nhộn nhịp, tất bật hàng ngày có pha trộn một cái gì đó như mù mờ mà linh thiêng. Đó là cái mù mờ phiếm thần di truyền của một tâm hồn Hoa-Việt, trộn lẫn trong một cuộc sống ăm ắp chất thực dụng. Chất liệu tinh thần và kiểu cách sống đó tạo thành cái đẹp nửa minh triết nửa thực tiễn, hòa hợp nhập nhằng giữa đồng tiền xưa và đồng tiền nay, giữa cơm gạo, đèn dầu và ánh sáng lung linh của thần thánh, các vị bồ tát, và ma quỉ. Tâm hồn Hoa-Việt đó có thể đã hiện ra dưới hình ảnh quân bình của một người vai rộng, xương to, bụng lớn, nói cười hỉ hả hoan lạc giữa hội Long-hoa, dưới ánh sáng của một vị Phật Di Lặc khoan dung hiền hòa.


      Một bài thơ có hơi khác một chút, hơi trừu tượng một chút, nhưng cũng là sản phẩm của đời sống chung quanh. Đó là cảm hứng lạ anh tìm thấy từ lối chữ tượng hình Trung Hoa cổ đại. Hình tượng ấy đã là một cô đọng trừu tượng; chỉ cần đặt vào trên một phông màu như thế nào thì tức khắc sẽ tạo nên được cái hấp dẫn của màu và nét.


       

      Lễ Hội Đình Làng (Tranh Lương Văn Tỷ)

      Sau một thời gian dài bỏ đi xa, rời bỏ sơn cọ và palette vẽ, Lương Văn Tỷ bắt tay vẽ lại. Và sau nhiều năm dài gián đoạn như thế, tại sao anh lại đủ sức mang đến một cái đẹp quá vững chắc, kỳ ảo, và hoàn thiện? Có thể nói rằng, bởi vì anh vẫn nuôi dưỡng thế giới tinh thần của mình bên kia cuộc sống đang trôi qua mỗi ngày. Hoặc có thể đó chỉ là hai mặt của một đồng xu, cả mặt này hay mặt kia đều chính là đồng xu đó, nên những điều tưởng như là mâu thuẫn và đối nghịch thì chẳng có gì là mâu thuẫn và đối nghịch chút nào. Chơi cây cảnh, vẽ tranh, làm điêu khắc mà vẫn để nửa phần đời cho việc buôn bán, kinh doanh. Như vậy là anh đã giữ được thiên tính tốt lành, vẫn giữ được ngọn lửa trong lòng mình mà vẫn là một người làm ăn phát đạt.


      Cách đây 50 năm, khi chọn sống đời nghệ thuật, anh đã chọn một con đường, một phong cách, một lối phát biểu. Đó chính là bút pháp, cũng là định mệnh của anh, và từ đó anh xây dựng nên thế giới của mình. Anh đi tìm lại định mệnh của mình mà cũng có thể nói định mệnh đã chọn lựa anh. Như một người đu dây nhào lộn giữa những rối rắm mù mịt của một quá vãng xa xăm. Cái quá vãng mơ hồ ấy đôi lúc lại hiện ra trong những hình ảnh chộp bắt được giữa cuộc đời hiện tại trước mắt.


      Phòng tranh vừa mở cửa của Lương Văn Tỷ tháng vừa qua cho chúng ta thấy là anh vẫn đi tiếp trên con đường anh đã vạch ra, chuyển động theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước truyền thống, của hồn dân tộc, tìm cảm hứng ở những hoài niệm về một thế giới xưa cũ, rêu phong và cổ kính.


      Xem tranh Lương Văn Tỷ, chúng ta mới thấy ra được một điều chủ đạo: đất nước truyền thống vẫn có thể là một sức mạnh đầy chất ảo hoặc quyến rũ để dẫn người nghệ sĩ đi về những chân trời vô cùng của sự sáng tạo.

      Thành phố Vườn,

      Áp Tết Bính Tuất 2006

      Huỳnh Hữu Ủy

      Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại
      VAALA, 2008

      (1) In trong vựng tập triển lãm Đất Nước và Hoài Niệm của Lương Văn Tỷ, Gallery Người Việt, Westminster, California, từ 3-12-2005 đến 11-12-2005.

      (2) Nguyễn Văn Long theo học khóa 5 (1929-1934) Trường Mỹ Thuật Hà Nội, cùng với Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu, Trần Bình Lộc, thường vẽ một cách giàn dị, mộc mạc theo khuynh hướng nhà trường.

      (3)Văn Đen học hội họa ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris những năm 1950- 1952, huy chương vàng Hội Họa Mùa Xuân 1960, giám khảo Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân Giáp Thìn 1964 và có chân trong hội đồng giám khảo quốc gia nhiều năm cho đến 1975.

      (4) Hoàng Phúc Kế, Văn Đen Và Các Tác phẩm Hội Họa, giới thiệu sưu tập tranh của Văn Đen và một số bài viết về Văn Đen của Hoàng Phúc kế, E. Heuzé, Mai Lân, Huỳnh Hữu Ủy, Trịnh Cung, Nguyễn Thạch, Hương Quê, Inc., xuất bàn, Fremont, California 1997.

      (5) Cù Nguyễn, Nghiêu Đề, và Lương Văn Tỷ đúng là ba môn sinh đặc sắc của Trường Mỹ Thuật Thế Hệ do Mai Lân sáng lập. Cả ba người đều đã đạt được giải thưởng quốc gia vào thời kỳ đó: Cù Nguyễn, huy chương vàng Hội Họa Mùa Xuân 1961, huy chương đồng Hội Họa Mùa Xuân 1964; Nghiêu Đề, huy chương bạc Hội Họa Mùa Xuân 1961; Lương Văn Tỷ, huy chương đồng Hội Họa Mùa Xuân 1961, 1962, và 1963.

      (6) Đỗ Đình Hiệp tốt nghiệp khóa 8 Trường Mỹ Thuật Hà Nội (1932-1937), là hiệu trưởng Trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa, là thành viên Hội Đồng Văn hóa Giáo Dục thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cụ Mai Thọ Truyền.

      (7) Trụ Hòa Bình, điêu khắc đồng cao hơn lm50, sau khi đạt được huy chương bạc ở Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Sàigòn năm 1972, được đưa về dựng trong khuôn viên Viện Đại Học Sàigòn, nhưng gần đây như Trịnh Cung cho biết, đã bị những người quản lý "hết ý kiến" cho ra một góc sân, ở chung với những thứ vô dụng của một cửa hàng cơm bình dân mà Viện Đại Học Quốc Gia T.P. HCM cho thuê mặt bằng. (C.F Trịnh Cung, Trụ Cột Hòa Bình, một tác phẩm điêu khắc giá trị bị hắt hủi www.talawas.org.)

      Cũng nên biết thêm: điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ sinh năm 1936, cựu sinh viên Trường Mỹ Thuật Montpellier Paris, thường tự cho là đeo đuổi điêu khắc theo khuynh hướng tượng trưng và trừu tượng. Ngoài Trụ Hòa Bình, mấy tác phẩm điển hình khác của ông vẫn thường được nhắc đến: Ngục Tù (thạch cao), Nguyện Cầu (thạch cao), Đức Mẹ Đồng Trinh Và Chúa Hài Đồng (thạch cao), Sự khốn cùng (điêu khắc đá),...


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận

      - Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo

      - Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)

      Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)

      Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)

      Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)

      Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)

      Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)

      Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)