|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Sau khi đặt nền đô hộ ở Việt Nam, nhìn thấy quá khứ của ta nặng về Hán học, người Pháp muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Để hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ. Do đó, Pháp cấp bách hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục mới phục vụ cho guồng máy cai trị.
Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở trong Nam (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Kể từ khi Nam Kỳ hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp, từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm chạp hơn. Kỳ thi Hương chót ở ngoài Bắc vào năm Ất Mão 1915, ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với kỳ thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình Huế mới bãi bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay Quốc Ngữ. Qua việc sử dụng tiếng Pháp trong việc giảng dạy, Tây học ngày một phát triển dần dà tạo ra lớp trí thức mới trong xã hội.
Từ 1930 các trường cao đẳng, đại học Pháp Việt với những niên khóa liên tiếp sản xuất khá đông đảo giới trí thức mới. Họ không còn là những nhà Nho lỡ thời của giai đoạn trước như Phan Khôi, Tản Đà, Lê Dư, Phan Kế Bính, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phúc, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Ngô Tất Tố, Ngô Văn Triện… Họ là những thanh niên trẻ trung không thấm nhuần hoặc biết rất ít Hán học, nhưng lại thâm nhiễm tư tưởng Tây phương qua giáo dục học đường, sách báo, văn học Pháp, hoặc trực tiếp sống, sinh hoạt, thở hút không khí xã hội một nước văn minh khi du học ngoại quốc. Các nhà trí thức mới ý thức được sự tự do bình đẳng, trên con đường canh tân đất nước họ là những thành phần tiến bộ.
Tự Lực Văn Đoàn ra đời vào thời điểm này đáp ứng đúng lúc nhu cầu của xã hội, đứng lên tấn công vào thành trì luân lý, phong tục, văn hóa cũ để giải quyết băn khoăn về tư tưởng, thỏa mãn khát vọng tình cảm…Về phương diện văn học, cách viết còn nặng phần biền ngẫu của thời Nam Phong Tạp Chí được Tự Lực Văn Đoàn thay thế bằng lối văn mới đơn giản, trong sáng, mạch lạc.
Năm 1930 Nguyễn Tường Tam tốt nghiệp Cử Nhân Khoa Học (Vật Lý) du học ở Pháp về nước với một quan niệm mới về xã hội, văn chương, nghề báo, xuất bản. Năm 1932 chủ trương tờ Phong Hóa (tục bản/đổi mới), và năm sau, thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Tự lực mang ý nghĩa tự lập, tự sức mình gây dựng nên cơ sở báo chí, không dựa vào chính phủ hay một thế lực tài chánh nào để giữ tư cách độc lập. Tự Lực Văn Đoàn có 7 người (thất tinh), thời gian đầu văn đoàn có 6 người là Nhất Linh [04], Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, năm 1938 kết nạp thêm Xuân Diệu. Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay. Tôn chỉ của văn đoàn gồm 10 điều mà chủ đích được thu gọn vào những điểm quan trọng sau:
1. Loại văn: để chống lại giai đoạn trước chuyên về học thuật, dịch thuật, văn đoàn chú trọng đến sáng tác, tự lực mình sáng tạo không đi phiên dịch hay mô phỏng của ngoại quốc.
2. Hình thức: chủ trương viết giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dùng ít chữ Nho để thay đổi lối hành văn còn nặng về biền ngẫu dài lê thê của lớp nhà văn, nhà báo đi trước.
3. Nội dung: một số tư tưởng nòng cốt mà nhà văn, nếu không chuyên chở được trong tác phẩm của mình, cũng không được đi ngược lại gồm có:
– Chống lại Nho giáo vì đã lỗi thời
– Diễn đạt tư tưởng xã hội và chủ nghĩa bình dân để chống lại khuynh hướng quan liêu, phong kiến.
– Đề cao tự do cá nhân, chống lại luân lý gia đình độc đoán.
– Khuyến khích thanh niên yêu đời, vui sống, trẻ trung, mới mẻ, có ý chí phấn đấu để xóa tan già nua, thảm sầu, chán nản, than mây khóc gió của giai đoạn Giọt Mưa Thu, Tuyết Hồng Lệ Sử.
– Diễn tả những vẻ đẹp của đất nước để gợi lòng yêu nước, không vọng ngoại.
– Ứng dụng phương pháp khoa học vào văn chương để đạt được sự rõ ràng, mạch lạc.
Phong Hóa từ số 1 đến 13 do một số giáo sư trường Thăng Long chủ trương, Nguyễn Xuân Mai đứng tên giấy phép, Phạm Hữu Ninh làm quản lý, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), giáo sư Thăng Long là chủ bút. Với tôn chỉ dung hòa “xét trong hai nền văn hóa cái gì tốt đẹp thì thâu góp làm văn hóa của nước nhà” chỉ được dư luận chú ý lúc đầu, sau vì không đem lại điều gì mới mẻ nên đi xuống. Nguyễn Tường Tam thấy cơ hội tốt nên điều đình mua với giá rẻ (mua tên và giấp phép ra báo Phong Hóa), đứng ra làm lại tờ báo. Ngày 22 tháng 09, 1932, Phong Hóa số 14 đổi mới ra mắt độc giả với Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nhị Linh, Đông Sơn.
Chỉ trong vài tháng số in tăng từ 3,000 lên 10,000. Sau số Xuân 1933, thấy được độc giả hoan nghênh nồng nhiệt, Nhất Linh cùng các cộng tác viên thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Phong Hóa số tháng 3, 1933 văn đoàn ra mắt với bản tuyên ngôn ngắn và giới thiệu dấu hiệu của đoàn (logo) là hình con ó bằng mấy nét vẽ kỷ hà.
Tờ Phong Hóa ngay từ khi đổi mới đã như một trái bom nổ ra trong làng báo, mang lại sự trẻ trung, yêu đời bằng tiếng cười cho độc giả xã hội Việt Nam qua lối văn trào phúng, hí họa các nhân vật, tranh hài hước Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh… Phong Hóa đã khéo học hỏi từ các báo Pháp cùng thời như tờ Rire, Canard Enchainé, Gringoire, Marianne trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta. Cái cười chinh phục được độc giả và nhờ đó thực hiện được, dù dưới khía cạnh tiêu cực, việc đả phá những tục lệ cổ hủ, các nhân vật thời danh bằng cách khoác cho họ một biệt danh châm biếm, bằng nét vẽ hài hước. Phong Hóa sau khi đã chế diễu hầu hết các người có tiếng tăm, năm 1935, trong loạt bài hoạt kê Đi Xem Mũ Cánh Chuồn đả kích gay gắt bọn phong kiến quan liêu, nhất là đám quan lại Nam Triều chạy theo Pháp, đụng chạm tới Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu nên bị đóng cửa 3 tháng kể từ ngày 24 tháng 05, 1935 (tháng 6,7,8). Sau khi ra lại được hơn một năm thì bị đóng cửa vĩnh viễn sau số 190 ngày 05 tháng 06, 1936.
Trước khi Phong Hóa bị đóng cửa, tờ Ngày Nay đã có mặt. Vào thời điểm Phong Hóahoạt động được hơn 2 năm, thấy đã gây được ảnh hưởng trong quần chúng, nhóm Tự Lực Văn Đoàn quyết định ra thêm một tờ báo nữa do Nguyễn Tường Cẩm, anh của Nhất Linh đứng tên giấy phép. Ngày Nay ra đời ngày 31 tháng 01, 1935 vẫn theo đuổi tôn chỉ nhìn đời bằng con mắt vui tươi và phấn đấu nhưng thay đổi phương pháp. Ngày Nay loại bỏ mục trào phúng và chuyên về phóng sự điều tra với nhiều hình ảnh có tính cách mỹ thuật giống như các tạp chí ngoại quốc Paris Match, Life… Đây là lối làm báo mới lạ với độc giả thời đó nên được đón nhận nồng nhiệt không kém gì tờPhong Hóa. Tuy nhiên, vì nhân lực giới hạn bị chia sẻ, thêm nữa ấn loát tốn kém nên sau khi ra được 13 số phải tự tạm đình bản để dồn nỗ lực vào tờ Phong Hóa.
Phong Hóa bị đình bản giữa năm 1936, tờ Ngày Nay ra lại với phần trào phúng bị loại bỏ để tránh bị rút giấy phép, chỉ còn 2 phần tiểu thuyết và trông tìm. Nhưng đến cuối năm 1936 vì thời cuộc chính trị sôi nổi, báo cho sống lại phần trào phúng, nhưng giảm bớt mức độ so với Phong Hóa lúc trước, gọi là “Cười Nửa Miệng”. Tờ báo trong những năm từ 1937 đến 1939 là diễn đàn thời sự của cây viết sắc bén Hoàng Đạo đòi hỏi chính quyền bảo hộ Pháp giải quyết các vấn đề tự do nghiệp đoàn, báo chí, đời sống dân quê, công lý…. Trong thời gian này Tự Lực Văn Đoàn cổ động cho sáng kiến Nhà Ánh Sáng của họ (với sự tham gia của kiến trúc sư Võ Đức Diên). Đó là một tổ chức xã hội nhằm giải quyết vấn đề nhà ổ chuột của người nghèo ở thành thị.
Tờ Ngày Nay bị chính quyền Pháp cảnh cáo vì bức tranh hí họa của Nguyễn Gia Trí trên bìa số 144 ra ngày 07 tháng 01, 1939. Đến số 206 ra ngày 06 tháng 04, 1940, báo bị đình bản 1 tháng vì bức biếm họa cũng của Nguyễn Gia Trí. Ba tháng sau, Pháp rút giấp phép, Ngày Nay đình bản vĩnh viễn sau số 224 ra ngày 07 tháng 09, 1940 (trong hồ sơ mật vụ Pháp ở Aix en Provence không thấy nêu rõ lý do).
Lúc đầu một số tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) của Khái Hưng, Vàng và Máu (1934) của Thế Lữ được xuất bản dưới tên An Nam Xuất Bản Cục (Société Anamite d’Edition). Từ 1934 Nhất Linh đổi tên nhà xuất bản của Tự Lực Văn Đoàn là Đời Nay. Sách bán rất chạy (trung bình mỗi cuốn ấn hành 5,000 bản), ngoài tập thơ của Thế Lữ và Tú Mỡ, phần lớn là tiểu thuyết. Lúc đầu chỉ có các tác phẩm trong nhóm, sau xuất bản cả những sách được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn và sách giá trị của các nhà văn bên ngoài như tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, Vũ Trọng Phụng, thơ của Tế Hanh, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương… Để văn phẩm được phổ cập rộng rãi, lúc sau nhà xuất bản Đời Nay cho ra loại Lá Mạ và Nắng Mới phẩm chất kém hơn nhưng phí tổn thấp, bán với giá rẻ nên mỗi lần sách ra đều bán hết ngay.
Ấn phẩm của nhà xuất bản Đời Nay trình bày sáng sủa, mỹ thuật từ trong ruột ra ngoài bìa, khác hẳn với những sách của các nhà xuất bản thương mại trong thời kỳ trước vừa luộm thuộm, vừa cổ lỗ xấu xí. Đời Nay là nhà xuất bản duy nhất chia tiền lời bán sách cho tác giả, đã mở một kỷ nguyên mới và là nhà xuất bản thuần túy văn học đầu tiên ở nước ta. Đến năm 1940, tờ Ngày Nay đóng cửa nhưng nhà xuất bản Đời Nay vẫn tiếp tục hoạt động do Thạch Lam phụ trách, phổ biến các sách của văn đoàn. Đến tháng 07, 1942 Thạch Lam từ trần, Nguyễn Tường Bách, em út trong gia đình Nguyễn Tường, tiếp tục duy trì nhà xuất bản. Từ 1940 nhà Đời Nay xuất bản thơ, tiểu thuyết nhiều hơn trước và thêm loại Sách Hồng cho thiếu nhi. Nhờ vậy có tiền lời chia cho thành viên, tuy thất thường nhưng cũng giúp gia đình họ phần nào trong lúc khó khăn báo bị đóng cửa. Tháng 04, 1945 tập thơ Hoa Niên (tức Nghẹn Ngào) của Tế Hanh là ấn phẩm cuối cùng của nhà xuất bản Đời Nay.
Hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay và các sách của nhà xuất bản Đời Nay đều thuê in ở ngoài, do đó Nhất Linh nghĩ đến chuyện mở nhà in riêng tiết kiệm phí tổn. Để có tiền Tự Lực Văn Đoàn gọi cổ phần, mỗi cổ phần $500. Nhà in Ngày Nay bắt đầu hoạt động từ tháng 5, 1940, có máy in lớn, chữ mới, thợ làm suốt ngày đêm. Báo Ngày Nay bắt đầu in ở nhà in nhà từ số 209 ra ngày 25 tháng 05, 1940. Hoàng Đạo phụ trách nhà in, ngoài báo nhà còn in sách của nhà xuất bản Đời Nay và in thuê lấy lời. Tính đến số báo cuối cùng trước khi bị đóng cửa, tờ Ngày Nay in được ở nhà in nhà tổng cộng 16 số báo. Sau khi bán nhà in năm 1946 mỗi thành viên có cổ phần được chia $6,000.
Các tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn được liệt kê dưới đây là trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1940 (tuy có vài nhan sách xuất bản sau 1940 nhưng các tác phẩm này đã đến với độc giả trên Phong Hóa, Ngày Nay). Những sách xuất bản về sau không góp phần vào ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn.
Nhất Linh:
Truyện dài: Nắng Thu (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Khái Hưng-1934), Đoạn Tuyệt (1936), Lạnh Lùng (1937), Đôi Bạn (1938), Bướm Trắng (1939).
Truyện ngắn: Đời Mưa Gió (viết chung với Khái Hưng – 1934), Tối Tăm (1936), Anh Phải Sống (viết chung với Khái Hưng-1937), Hai Buổi Chiều Vàng (1937).
Khái Hưng:
Truyện dài: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Nhất Linh-1934), Trống Mái (1936), Gia Đình (1938), Thừa Tự (1940), Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1940), Thoát Ly (1940), Hạnh (1940), Những Ngày Vui (1941), Đẹp(1941) Thanh Đức (hay Tội Lỗi, Băn Khoăn -1942), Cái Ve (1944).
Truyện ngắn: Đời Mưa Gió (viết chung với Nhất Linh – 1934), Giọc Đường Gió Bụi(1936), Anh Phải Sống (viết chung với Nhất Linh-1937), Tiếng Suối Reo (1937), Đợi Chờ (1939), Cái Ấm Đất (1940), Đội Mũ Lệch (1941).
Kịch: Tục Lụy (1937), Cóc Tía (1940), Đồng Bệnh (1942).
Loại Sách Hồng: Ông Đồ Bể, Quyển Sách Ước, Cây Tre Trăm Đốt, Bông Cúc Huyền.
Thế Lữ:
Trinh thám: Vàng và Máu (1934), Bên Đường Thiên Lôi (1936), Ba Hồi Kinh Dị (1936),Mai Hương và Lê Phong (1937), Lê Phong Phóng Viên (1937), Đòn Hẹn (1939), Gói Thuốc Lá (1940), Gió Trăng Ngàn (1941), Trại Bồ Tùng Linh (1941),
Tiểu Thuyết: Thoa (1942).
Thơ: Mấy Vần Thơ (1935), Mấy Vần Thơ, tập mới (1941).
Thạch Lam:
Truyện dài: Ngày Mới (1939).
Truyện ngắn: Gió Đầu Mùa (1937), Nắng Trong Vườn (1938), Sợi Tóc (1942).
Tùy Bút: Hà Nội 36 Phố Phường (1942).
Tiểu luận văn học: Theo Giòng (1941).
Loại Sách Hồng (ký Thiện Sĩ): Quyển Sách, Hạt Ngọc, Hai Chị Em, Lên Chùa.
Hoàng Đạo:
Tiểu Luận: Bùn Lầy Nước Đọng (1936), Mười Điều Tâm Niệm (1939).
Phóng Sự: Trước Vành Móng Ngựa (1938).
Truyện Dài: Con Đường Sáng (1940)
Truyện Ngắn: Tiếng Đàn (1941).
Loại Sách Hồng: Con Cá Thần, Lan và Huệ, Con Chim Di Sừng, Sơn Tinh, Lên Cung Trăng.
Tú Mỡ:
Thơ: Giòng Nước Ngược I (1934), II (1941), III (1946).
Xuân Diệu:
Thơ Thơ (1938), Phấn Thông Vàng (1939), Trường Ca (1944), Gửi Hương Cho Gió(1944).
Tuy chỉ hoạt động trong thời gian 8 năm ngắn ngủi nhưng thành tựu của Tự Lực Văn Đoàn thật lớn lao. Với 2 tờ tuần báo và một nhà xuất bản, nhóm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam về cả 2 phương diện tư tưởng và văn học.
- Ảnh hưởng về Tư Tưởng
Chủ truơng bỏ cũ theo mới qua phương tiện tiểu thuyết và trào phúng đã như một cơn lốc thổi vào xã hội Việt Nam trì trệ trước năm 1932. Sau 3 năm Phong Hóa ra đời, các đối tượng mà văn đoàn nhắm vào đều không thể đứng vững. Những sáng tác văn chương thơ, tiểu thuyết đã ngấm sâu vào tâm hồn người đọc làm thay đổi lối suy nghĩ của cả một thế hệ thời đó. Hình ảnh hoạt kê Lý Toét, Xã Xệ, Ban Bạnh phổ cập khắp nước đưa đến sự so sánh nữa quê mùa hủ lậu với văn minh tân tiến, thúc đẩy trút bỏ tập tục cũ để mạnh dạn theo con đường âu hóa, đổi mới và cấp tiến.
- Ảnh hưởng trong lãnh vực Văn Học:
Địa hạt báo chí, xuất bản: văn đoàn đã đem lại tiến bộ cho 2 địa hạt này, thay đổi bộ mặt sách báo từ hình thức đến nội dung.
Về hình thức, với cách trình bày sáng sủa nghệ thuật cộng thêm những nét vẽ tài hoa của các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân, bắt mọi người phải để ý đến cái đẹp. Những nét tranh thiên nhiên lãng mạn, những bóng dáng thiếu nữ thướt tha, mơ mộng trên trang thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh khiến độc giả trở nên nhạy cảm với cái đẹp. Mỹ thuật thay đổi cách sống, con người tiếp xúc với cái đẹp thì cuộc đời thêm thanh lịch.
Về nội dung, hai tờ báo của nhóm đã chuyên chở những bài viết đi vào quần chúng, săn sóc dư luận, đặt ra và tranh đấu giải quyết các vấn đề liên quan đến số đông, bênh vực người cô thế, bài bác bất công, tố cáo những thối nát của chính quyền, lầm than của dân chúng, cổ võ cho việc cải cách xã hội, cổ động cho phong trào truyền bá chữ Quốc Ngữ, là những điều mà báo chí nước ta trước đó chưa làm.
Địa hạt văn chương: tiểu thuyết thuần túy Việt Nam chỉ bắt đầu có với các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Từ 1932 trở về trước đa số là các huyện dịch của ngoại quốc, phần còn lại là mô phỏng của Tây hoặc của Tầu, nếu không mô phỏng cốt truyện thì cũng mô phỏng nhân vật. Ngược lại, các nhân vật và khung cảnh trong truyện ngắn, truyện dài của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam là người và cảnh Việt Nam, rất gần gũi với cuộc sống. Cốt truyện là những chuyện có thể xảy ra chung quanh mọi người ngay ngoài đường phố Hà Nội, trên đê Yên Phụ, hay trong đồn điền trà Phú Thọ, ngay cả tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng cũng rất Việt Nam. Những cái "thật" đó trong tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn hoàn toàn không có trong tiểu thuyết ở thời kỳ trước.
Tự Lực Văn Đoàn xuất phát, lãnh đạo và đưa đến toàn thắng phong trào thơ mới mà người dẫn đầu là Thế Lữ với góp sức tích cực của những nhà thơ tài hoa khác. Đồng thời văn đoàn trở thành trung tâm trào lưu văn nghệ lãng mạn bằng các tiểu thuyết của Khái Hưng Nhất Linh, Thạch Lam, thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Tế Hanh.
Ngoài ra, Tự Lực Văn Đoàn còn kích thích sáng tác và khuyến khích các tài năng mới hàng năm bằng Giải Thưởng Văn Chương Tự Lực Văn Đoàn. Nhờ hoạt động văn học có giá trị này mà làng văn có thêm những cây viết mới, một số nổi tiếng sau khi được giải của văn đoàn.
Tự Lực Văn Đoàn chỉ có 7 người mà tập hợp được một lực lượng cộng tác đông đảo nhà văn nhà thơ, gây được phong trào văn học rộng lớn trên toàn quốc. Phong Hóa, Ngày Nay là trung tâm quan trọng trong công cuộc đổi mới văn học, của phong trào thơ mới, trào lưu văn chương lãng mạn, là nơi nâng đỡ giới thiệu nhiều tài năng mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Mạnh Phú Tứ, Bùi Hiển, Vi Huyền Đắc, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Tế Hanh.
Từ thời thượng cổ, nước ta dã có văn tự riêng trước khi bị người Tàu xâm chiếm. Chữ Lạc Việt xuất hiện vào đầu thời đại "đồ đá mới" và hình thành vào thời kỳ đỉnh cao cửa "văn hóa xẻng đá lớn" (TK40 TTL - TK20 TTL). Thứ chữ tối cổ đó còn đang phát triển troong thời kỳ "Tự" thì phải bỏ dở vì ách thống trì cửa Tàu hơn 1000 năm. Người Tàu đã dùng thứ chữ khắc trên Giáp Cốt Văn và Chung Đỉnh Văn của ta làm cơ sở phát triển và kiện toàn để trở thành chữ Hán của họ sau này.
Từ khi bị Tàu đô hộ, dù bị bắt buộc phải dùng chữ Hán, ông cha chúng ta luôn luôn tìm kiếm một thứ chữ riêng cho dân tộc Việt. Chữ Nôm, được biến cải từ chữ Hán, dù chưa dược hoàn chỉnh và nhiều khiếm khuyết, là một cố gắng trong mục đích này. Khi vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế, việc làm đầu tiên của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn là dùng chữ Nôm trên toàn quốc, bãi bỏ Hán tự.
Chữ Quốc Ngữ do các mẫu tự La Tinh ghép thành xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ người Âu Châu sang Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 16. Các giáo sĩ có công trong việc sáng chế ra chữ Quốc Ngữ là các cố Gaspard đe Amaral, Antanio de Barbosa (người Bồ Đào Nha), và Alexandre de Rhodes (người Pháp). Do cơ duyên lịch sử, tâm huyết tiền nhân không còn là mong ước, chữ Quốc Ngữ dùng diễn tả tiếng nói của chúng ta trở thành quốc tự Việt Nam.
Đi vào văn chương với tất cả nhiệt tình và lý tưởng góp phần quan trọng vào việc đổi mới văn chương, xây dựng một nền văn học hiện đại, Tự Lực Văn Đoàn thực sự đã đóng góp lớn lao cho nền văn học Việt Nam. Trải qua gần một thế kỷ, với biến chuyển không ngừng của xã hội, nhiều tác phẩm của văn đoàn bị lỗi thời chỉ còn giá trị lịch sử của một giai đoạn, nhưng có những sáng tác với nghệ thuật cao đã vượt qua được sự thử thách nghiệt ngã của thời gian. Bướm Trắng của Nhất Linh, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Gió Đầu Mùa, Nắng Trong vườn, Sợi Tóc cỦa Thạch Lam trở thành những tác phẩm cổ điển vượt thời gian và không gian để bất tử trong văn học sử Việt Nam.
Giai đoạn 1932-1940 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử chữ Quốc Ngữ. Bằng những sáng tác của các thành viên qua 2 tờ Phong Hóa và Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn đã kiện toàn gần như hoàn chỉnh việc sử dụng chữ vần tiếng Việt. Ngôn ngữ văn chương trở nên giản dị, trong sáng, giàu khả năng diễn đạt, và gần gũi với tâm hồn dân tộc. Cách hành văn mới mẻ, nhẹ nhàng, lưu loát trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đã là mẫu mực cho sinh viên học sinh noi theo. Chữ vần Quốc Ngữ từ đây trở nên trong sáng, gọn gàng, đơn giản.
Hành trình tiến triển của văn Quốc Ngữ từ lúc sơ khai đến hiện tại là nhờ sự đóng góp của nhiều người. Thuở ban đầu gồm các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa, kế đến Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, nhóm Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí và các nhà văn, nhà báo thời cận đại. Tuy nhiên, các văn gia Tư Lực Văn Đoàn mới đích thực là những người đã tập đại thành được chữ văn Quốc Ngữ vậy.
CHÚ THÍCH:
- Nhất Linh (1905-1963): tên thật Nguyễn Tường Tam, còn có bút hiệu Bảo Sơn (văn), Đông Sơn (vẽ), Tần Việt (thơ), gốc ở Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam, sinh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 1926 học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. 1930 du học Pháp đỗ Cử Nhân Khoa Học, và nghên cứu thêm về báo chí, xuất bản. 1931 về nước dạy trung học tư thục Thăng Long. 1932 chủ trương tuần báo Phong Hóa rồi thành lập Tự Lực Văn Đoàn. 1934 ra thêm tờ tuần báo Ngày Nay. 1936 Phong Hóa bị đình bản, ông tiếp tục tờ Ngày Nay. Từ 1940 hoạt động chính trị, lãnh tụ đảng Đại Việt Dân Chính. 1946 giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến, trưởng phái đoàn Hội Nghị Đà Lạt đàm phán với Pháp. 1946 sau thất bại của các đảng phái quốc gia với Việt Minh, lưu vong sang Tàu một thời gian rồi trở về Việt Nam. 1958 chủ truơng tập san Văn Hóa Ngày Nay. 1963 uống thuốc độc tự vẫn để phản đối việc chính phủ Ngô Đình Diệm đem ông ra toà xét xử.
- Khái Hưng (1896-l947): còn có bút hiệu Nhị Linh, cây bút nòng cốt của Phong Hóa, Này Nay, tên thật Trần Khánh Giư, quê làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. 1941 bị Pháp bắt giam ở Hà Nội, đưa đi giam ở Vụ Bần. 1943 được thả, bị quản thúc ở Hà Nội. 1947 bị Việt Minh thủ tiêu.
- Thế Lữ (1907-1989): còn có bút hiệu Lê Ta, cây bút cột trụ cửa Phong Hoá và Ngày Nay, kiện tướng dẫn đầu phong trào thơ mới, tên thật Nguyễn Thứ Lễ, sinh tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, nguyên quán làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Học ở Hải Phòng, bỏ học năm thứ 3 trung học, lên Hà Nội dự thính trường Cao Đẳng Mỹ Thuật một năm. Từng giữ các chức vụ: Ủy Viên Thường Vụ Hội Văn Nghệ VN, Chủ Tịch Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu VN.
- Thạch Lam (1910-1942): còn có bút hiệu Việt Sinh, viết cho Phong Hoá, Ngày Nay, tên thật Nguyễn Tường Lân, em Nhất Linh, gốc ở Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam, sinh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngàỳ07/07/1910, mồ côi cha năm lên 7, đậu bằng Thành Chung năm 17 tuổi (1927). Cùng với nhóm TLVĐ khởi xướng Đoàn Ánh Sáng với mục đích cải tạo nếp sống tối tăm, bùn lầy nước đọng của tầng lớp những người nghèo khổ. Mất ngày 27 tháng 06, 1942 trong cảnh thanh bạch vì bệnh lao phổi tại nhà riêng ở Yên Phụ, bên cạnh Hồ Tây, Hà Nội.
- Hoàng Đạo (1906-1948): tên thật Nguyễn Tường Long, lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, còn có bút hiệu Tứ Ly, em Nhất Linh, anh Thạch Lam, gốc ở Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam, sinh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp Cử Nhân Đại Học Luật Khoa Hà Nội, làm tham tá, lục sự một thời gian ngắn rồi cùng với Nhất Linh làm báo Phong Hóa, Ngày Nay. Từ 1940 hoạt động chính trị có chân trong ban lãnh đạo đảng Đại Việt Dân Chính. 1941 bị Pháp bắt ở Hà Nội, dưa đi giam ở Vụ Bản. 1943 được thả, bị quản thúc ở Hà Nội. 1945 đắc cử Đại biểu Quốc Hội khóa I, rồi giữ chức Thứ Trưởng Kinh Tế trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (Bộ Trưởng là Chu Bá Phượng thuộc Việt Quốc). Năm 1946 lưu vong sang Quảng Châu, Trung Hoa. Ngày 22 tháng 07, 1948 sau khi tiễn vợ và người con trai lớn sang thăm về lại Việt Nam bằng máy bay, đi xe lửa từ Hồng Kông trở lại Quảng Châu thì đột ngột từ trần (có lẽ vì bệnh tim lúc đang ngồi đọc báo gần ga Thạch Long. Ông được Nhất Linh và Nhuyễn Tường Bách chôn cất tại nghĩa trang của thị trấn Thạch Long.
- Tú Mỡ (1900-1976): tên thật Hồ Trọng Hiếu, sinh tại Hà Nội, chuyên về thơ trào phúng dí dỏm mà duyên dáng sâu sắc ý nhị với từ ngữ điêu luyện. Từ 1932 cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn làm báo Phong Hóa, Ngày Nay.
- Xuân Diệu (1916-1985): kiện tướng đưa phong trào thơ mới tới thành công, tên thật Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 01/02/1916, quán làng Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, công chức sở Thương Chánh, Đại Biếu Quốc Hội Khoá I (19!-{6-1960), ủy viên trung ương Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật. Mất ngày 18/12/1985.
Trong phác thảo hồi ký của Nhất Linh được công bố trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật số 3, đặc biệt về Nhất Linh, (Võ Phiến chủ nhiệm, Lê Tất Điều chủ bút) phát hành tháng 7, 1985, có 2 trang phóng ảnh bài viết tay Đời Làm Báo của Nhất Linh (do Nguyễn Tường Thiết, con trai Nhất Linh trao cho Võ Phiến) có ghi sau tên Xuân Diệu hàng chữ "có chân trong TLVĐ (thơ mới)".
Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn được công bố trên tờ Phong Hóa số 87 ra ngày 02/03/1933:
"Tự Lực Văn Đoàn hợp những người đồng chí trong văn giới: người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương."
01. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi, mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
02. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hay hơn lên.
03. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
04. Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
05. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
06. Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quí phái.
07. Trọng tự do cá nhân.
08. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
09. Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương An Nam.
10. Theo 1 trong 9 điều này cũng được: miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
Tôn chỉ cửa tuần báo Này Nay:
"Vẫn theo đuổi một tôn chỉ coi đời bằng con mắt vui vẻ và phấn đấu song theo một phương pháp khác với phương pháp trào phúng. Chúng tôi sẽ đưa các bạn từ rừng đến bể, từ thành thị đến thôn quê, xem các trạng thái hiện có trong xã hội. Chúng tôi sẽ đi nhận xét lấy sự thật, nói lại để các bạn hay và sẽ chụp nhiều ảnh in xen vào bài để các bài này được rõ rệt hơn. Như thế các bạn chỉ đọc qua cũng như đi đến nơi".
* Các Giải Thưởng Văn Chương Tự Lực Văn Đoàn:
- Năm 1935: 4 tác phẩm được giải khuyến khích (Ba của Đỗ Đức Thu, Diễm Dương Trang của Phan Văn Dật, Bóng Mây Chiều của Hàn Thế Du).
- Năm 1937: có 80 tác phẩm dự thi nhưng không có giải nhất, giải $100 được chia đều cho 2 tác phẩm (Kim Tiền, kịch của Vi Huyền Đắc, Bỉ Vỏ phóng sự tiểu thuyết của Nguyên Hồng), 2 tác phẩm được Hội Đồng khuyến khích (Nỗi Lòng của Nguyễn Khắc Mẫn, Tâm Hồn Tôi, thơ của Nguyễn Bính), 4 tác phẩm được Hội Đồng chú ý (Bốn Mùa tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Sơn, Hai Người Trọ Học, kịch của Đại Thanh, Hy Sinh tiểu thuyết của Phạm Ngọc Khôi, Ngược Dòng, tiểu thuyết của Nguyễn Lân).
- Năm 1939: 2 giải nhất ngang nhau (Làm Lẽ - tiểu thuyết của Mạnh Phú Tứ, Cái Nhà Gạch - tiểu thuyết của Kim Hà), 2 tác phẩm được chú ý đặc biệt (Bức Tranh Quê - thơ của Anh Thơ, Nghẹn Ngào - thơ của Tế Hanh).
- Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) Trần Bích San Khảo luận
- Các Nhà Văn Nữ Chữ Việt (Chữ Nôm Và Chữ Quốc Ngữ) Trần Bích San Khảo luận
- Bài "Tựa" trong Việt Nam Văn Học Sử Trần Bích San Khảo luận
- Nguyễn Bá Trác (1881-1945) Trần Bích San Khảo luận
- Tự Lực Văn Đoàn Tập Đại Thành Chữ Văn Quốc Ngữ Trần Bích San Khảo luận
• Mấy gợi ý về thời đại Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) (Phạm Quốc Bảo)
• Tự Lực Văn Đoàn Tập Đại Thành Chữ Văn Quốc Ngữ (Trần Bích San)
• Sách Hồng, Một chủ trương “Xây Dựng” của Tự Lực Văn Đoàn (Đỗ Quý Toàn)
• Tự Lực Văn Đoàn Và Văn Học Hiện Đại Việt Nam (Kawaguchi Kenichi)
• Nhiều Sách Tự Lực Văn Đoàn Bị CSVN Cắt, Sửa Khi In Lại... (Phan Tấn Hải)
• Một buổi sinh hoạt văn học đích thực (Cam Vũ)
• Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013 (Phạm Phú Minh)
• Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng (Ngự Thuyết)
• Tình Yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn (Trần Mộng Tú)
• Tự Lực Văn Đoàn trong tôi (Huy Phương)
• Đi tìm Nhất Linh (Nguyễn Tường Thiết)
• Y Phục Phụ Nữ Tân Thời Le Mur trên sân khấu SBTN (Thiên An)
• Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn (Đỗ Quý Toàn)
• Phát biểu của Tanaka Aki (Tanaka Aki)
• Giới thiệu Kịch mới những năm 1930-40 (Phạm Thảo Nguyên)
• Một Vài Ký Ức về cụ Nhạc Phụ Tú Mỡ (Doãn Quốc Sỹ)
• Tự Lực Văn Ðoàn, nền tảng của văn học hiện đại Việt Nam (NguyênHuy&HàGiang)
• Tự Lực Văn Đoàn: 80 năm ảnh hưởng không ngừng (NguyênHuy&HàGiang)
• Diễn Văn Khai Mạc cuộc Triển Lãm và Hội Thảo về TLVĐ (Phạm Phú Minh)
• Tôi tìm lại Tự lực văn đoàn (Martina Nguyen)
- Chương Trình Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
- Thế Lữ (1907-1989) Và Tự Lực Văn Đoàn
(Phạm Thảo Nguyên)
- Tự Lực Văn Đoàn và chuyện văn phong
(Trần Doãn Nho)
- Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn (Nguyễn Hưng Quốc)
- Đi tìm câu trả lời (Phạm Phú Minh)
- Hình ảnh ngày khai mạc Triển lãm và Hội thảo báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
- 13 số đầu báo Phong Hóa (Phạm Hữu Ninh phụ trách)
- Từ Phong Hóa số 14 trở đi (Nguyễn Tường Tam chủ bút)
- Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút hậu duệ
Một buổi sinh hoạt văn học đích thực (Cam Vũ)
Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013 (Phạm Phú Minh)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Vài kỷ niệm với Nhất Linh về báo Phong Hóa & Ngày Nay (Nguyễn Tường Thiết)
Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay: Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông (Phạm Phú Minh)
Gặp Tự Lực Văn Đoàn (Võ Hồng)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |