1. Head_

    Bùi Giáng

    (17.12.1926 - 7.10.1998)

    Du Tử Lê

    (.0.1942 - 7.10.2019)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Trần Đại Lộc, Vẻ Đẹp, Niềm Vui (Phạm Phú Minh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      06-04-2015 | HỘI HỌA

      Trần Đại Lộc, Vẻ Đẹp, Niềm Vui

        PHẠM PHÚ MINH
      Share File.php Share File
          

       


         Nhiếp ảnh gia Trần Đại Lộc
         (1942 - 1997)

      Lộc đến với đời và rời khỏi đời đều trong cung cách cố hữu của anh, là nhẹ nhàng và giàu tình. Cá tính, cách đối phó và tổ chức công việc, cũng như việc thực hiện các thú vui nghệ thuật của anh tuyệt nhiên không bao giờ ồn ào. Nhưng không phải là âm thầm lặng lẽ, vì cái tình của anh đối với mọi người mọi việc luôn luôn nồng nhiệt một cách trong sáng, làm cho đời sống lúc nào cũng đầy vẻ tích cực và vui.


      Quê nội của Lộc ở Bạc Liêu, quê ngoại Châu Đốc, hai địa danh gợi những nét điển hình của vùng Nam Kỳ lục tỉnh, và cũng gợi ý một kết hợp tinh hoa nơi một con người. Ba của anh là một giáo chức từ thời Pháp thuộc, má anh thuộc giòng dõi họ Lê Công, một vọng tộc có công khai phá vùng Châu Đốc. Lộc ra đời tại Bạc Liêu ngày 2 tháng Năm, 1942, tuổi Nhâm Ngọ. Anh theo gia đình từ tỉnh nhà lên Sài Gòn từ nhỏ, học trung học cho đến Tú Tài 1 tại trường Pétrus Ký, năm Đệ Nhất chuyển sang Chu Văn An vì Pétrus Ký không mở lớp Đệ Nhất C, đậu Tú Tài 2 năm 1960.


      Lộc bắt đầu theo học Đại học Văn khoa từ niên khóa 1960 - 1961, học liên tục cho đến khi lấy xong Cử nhân. Vừa đi học anh vừa đi dạy giờ tại trường Petrus Ký, và khi xong Đại học thì anh thành giáo sư chính thức của trường. Sau cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963 Lộc mới bắt đầu gia nhập những hoạt động sinh viên, thanh niên, như Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội, Chương trình Công tác Hè 65, Chương trình Phát triển Sinh Hoạt Thanh niên Học đường (CPS), Phong trào Du Ca... Trong hoạt động thanh niên anh là một huynh trưởng mẫu mực, thiết tha với tuổi trẻ, và có tài tổ chức. Bản tính vui vẻ hồn nhiên, Lộc là một người hoạt náo viên, là một tay tác động rất giỏi trong mọi loại sinh hoạt. Anh cùng Đỗ Quý Toàn và Lê Đình Điểu viết chung cuốn Hướng Dẫn Sinh Hoạt Thanh Niên, do THN xuất bản năm 1966.



           Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Lộc được cử làm Công Cán Ủy Viên tại bộ Giáo Dục đặc trách Phong trào Học Đường Mới vào năm 1966. Học Đường Mới là một chương trình cải cách giáo dục, đem các sinh hoạt thanh niên vào học đường để bổ túc cho việc học văn hóa nhằm phát triển con người học sinh một cách toàn diện, vào năm 1966 làm thí điểm tại bốn trường lớn ở Sài Gòn là Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương và Gia Long; vai trò của Lộc là điều hợp các hoạt động ngoại khóa của các thí điểm và các trường khác. Mùa hè năm này, Lộc đi Mỹ trong ba tháng với Đoàn Viết Hoạt để quan sát và nghiên cứu cách hoạt động về loại này ở các trường học Hoa Kỳ.


      Việc thí nghiệm Học Đường Mới chấm dứt vào năm 1967, Lộc thôi công tác tại bộ Giáo Dục, về dạy môn triết học tại trung học Nguyễn Trãi, Sài Gòn, cùng lúc đảm nhiệm Trưởng Khối Nghiên Huấn của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS), lúc này được đưa vao như một bộ phận trực thuộc bộ Giáo Dục. CPS từ năm 1969 có trụ sở tại đường Đinh Tiên Hoàng cạnh sân Hoa Lư, tại đây Lộc cùng bạn bè đã có "những ngày vui" với các sinh hoạt văn nghệ và thể thao (vũ cầu, bóng bàn, đánh kiếm...) được tổ chức tại Phòng Đa Dụng. Thời gian này Lộc trở thành một tay vũ cầu vào hạng khá, nhất là khi đánh đôi đứng chung với H.Đ. Vào khoảng năm 1971, 72 Lộc có đi Tây Đức một chuyến với Nguyễn Ngọc Thạch tham dự một hội nghị quốc tế, nhân dịp này anh đi một số nước Âu châu như Thụy Sĩ, Ý. Cũng trong những năm đầu thập niên 70, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức khóa Khải Đạo để huấn luyện giáo sư môn này cho các trường trung học trên toàn quốc, Lộc đã được trường mời giảng dạy và hướng dẫn môn sinh hoạt thanh niên.


      Bước ngoặt lớn xảy ra năm 1973 khi Lộc và một số bạn được biệt phái qua làm việc cho Phủ Tổng Ủy Dân Vận. Từ khi ra đời làm việc vẫn ở trong ngành giáo dục, đây là lần đầu tiên bước vào một lãnh vực khác, nhiều màu sắc chính trị và chính quyền. Lộc được cử làm Đại diện Dân Vận vùng Bốn, văn phòng đặt tai Cần Thơ, cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Đi "học tập cải tạo" tại vùng Bốn trong hơn hai năm, người đi thăm nuôi Lộc vẫn là bà mẹ già, vì cho đến ngày chế độ miền Nam chấm dứt thì Lộc vẫn chưa chấm dứt cuộc đời độc thân của mình. Ra tù về sống với mẹ tại Sài Gòn từ đầu năm 1978, đến 1983 Lộc mới lập gia đình với Hoàng Thị Chu và liên tiếp trong hai năm sau đó có hai con, một gái một trai.


      Lộc đi Mỹ cùng gia đình năm 1993 theo diện HO, làm việc tại báo Người Việt (Westminster, Calif.) cho đến khi phát giác ra bệnh ung thư gan vào cuối năm 1996, qua đời ngày 30 tháng Chín 1997 tại Fountain Valley.



             Biển 1 (Trần Đại Lộc)

      Ngoài các hoạt động nghề nghiệp, Lộc còn là một người của nghệ thuật. Anh có một khả năng nghệ thuật rất lớn, biểu lộ một cách bàng bạc và giản dị trong cuộc sống hàng ngày và trong một số bộ môn. Sớm nhất là nhiếp ảnh. Lộc chơi ảnh từ ngày còn học trung học, các buổi tất niên, liên hoan trong trường, các cuộc picnic, cắm trại... khỏi cần phân công, đã có Lộc tự động mang máy theo chụp một cách say sưa và đầy đủ. Ngày ấy tuy chưa biết gì nhiều về ảnh nghệ thuật, nhưng ngoài những ảnh chụp kỷ niệm, do một thiên khiếu tự nhiên, Lộc đã biết nhìn ra những góc cạnh đẹp và độc đáo cho một tấm ảnh. Và có cái vui hiếm có nơi một người tuổi trẻ là thích chụp hình người khác hơn là mình được chụp. Trong một cuộc đi chơi với bạn bè Lộc luôn luôn tìm cho người này người kia một chỗ có cảnh trí hay hay, rồi đạo diễn đứng ngồi ra sao đó để có một bức hình thích hợp. Thú vui chụp ảnh không bao giò rời Lộc, càng lớn lên, khiếu nghệ thuật nảy nở, Lộc càng khám phá khả năng sáng tạo vô biên trong môn chơi này, và theo năm tháng, Lộc và chiếc máy ảnh, chiếc máy ảnh và Lộc, hai bên bổ túc cho nhau phát triển làm nở rộ cái đẹp.


      Đầu thập niên 70 Lộc bắt đầu học các khóa nhiếp ảnh ở hội Việt Mỹ, Sài Gòn với các giảng viên như Phạm Văn Mùi, Cao Đàm, Cao Lĩnh... Cũng trong thời gian này Lộc cùng một số bạn học viên thành lập nhóm Ảnh Việt, có mục đích: "Qui tụ nhóm anh chị em học viên các lớp nhiếp ảnh cấp 7, 8 sau khi mãn khóa, tạo sinh hoạt để nuôi dưỡng hứng khởi sáng tác, trao đổi hướng dẫn nhau trong tinh thần đồng tiến và phụng sự nghệ thuật." Nhóm được thành lập vào ngày 17 tháng 12 năm 1972, số nhóm viên sơ khởi là 23 người, với nhóm trưởng là Trần Đại Lộc. Nhóm đã tổ chức những cuộc sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, đi săn ảnh, nhiều lần triển lãm ảnh của nhóm viên tại Hội Việt Mỹ và một số các nơi khác. Riêng ảnh nghệ thuật của Trần Đại Lộc đã được hai thầy Cao Đàm, Cao Lĩnh giới thiệu nhiều lần trên tuần báo Màn Ảnh trong năm 1972, qua các đề tài như Tình Yêu Ra Quân, rồi Tình Yêu 2 (Ra Quân), 3 (Tay trong tay), 4 (Tình yêu học trò), 5 (Trong vườn trầu), rồi Bàn Tay Ra Quân, Tóc Ra Quân... Chữ "ra quân" có lẽ do các thầy đặt để nói lên cái khí thế dạt dào của cảm hứng về đề tài tình yêu trong ống kính Trần Đại Lộc.


      Với các người mẫu là bạn bè trong giới nghệ sĩ hay học trò, như Từ Dung - Từ Công Phụng (mà Lộc thường gọi đùa là cặp Từ Từ), Lê Uyên - Phương, Nguyễn Đức Quang - Thông, Khánh Ly, Hồng Vân, Tiểu Nương, Minh Lý, Ngọc Hạnh, Thanh Mai... Lộc đã sáng tác sung mãn trong thời kỳ này, thời kỳ mà tình yêu đối với riêng Lộc vẫn còn là một cái gì lãng đãng như gần như xa, để Lộc dồn tất cả tưởng tượng và sáng tạo vào năng lực của ống kính qua tình yêu của... người khác. Có thể nói đây là thòi kỳ Lộc sống đầy cảm hứng. Tiềm năng về bộ môn nhiếp ảnh bấy lâu nay được khai mở phơi phới khi gặp trường lớp, gặp thầy hướng dẫn, lại có sinh hoạt đông vui, có quan hệ xã hội rộng rãi... mọi thuận lợi dồn vào một thời điểm này. Lộc là người đa tình với cái đẹp, lại có cái duyên gặp được và thể hiện nên cái đẹp bằng đôi tay cầm máy, in tráng, cắt cúp, Lộc làm say mê với nhiều sáng tạo mới lạ. Từ một người cầm máy tài tử, Lộc bước vào thế giới "nhà nghề" và khẳng định địa vị của mình trong giới nhiếp ảnh với tài năng và lòng say mê của mình, dù không ồn ào.



          Giây Phút Bên Nhau
         (Trần Đại Lộc)

      Lộc chẳng bao giờ rời bỏ thú vui nhiếp ảnh, anh đeo đuổi nó cho đến cuối đời. Nhưng sau 1975, đi tù về, do hoàn cảnh khó khăn, anh tạm chia tay với nó một thời gian, và thay vào đó, anh lao vào bộ môn nghệ thuật khác. Trước hết là sáng tác nhạc. Trước kia Lộc có khiếu về nhạc nhưng chưa bao giờ học nhạc. Anh hát không hay nhưng hay hát, thường đứng ra "làm cái," tức bắt giọng và giữ nhịp cho các bài hát tập thể, nhất là có tài dạy bài hát cho đám đông trong các sinh hoạt. Anh bắt mạch đám đông rất đúng, biết lúc nào, với loại đối tượng nào thì nên hát bài hát gì, và thường rất thành công khi muốn gây một không khí hào hứng chung. Anh rất bình tĩnh và chủ động đối với đám đông, ăn nói có duyên, hướng dẫn bài hát và bày trò chơi thú vị khiến cho lứa tuổi nào, từ một tập thể thiếu nhi cho đến các vị phụ lão, cũng đều cảm thấy thích thú với sinh hoạt tập thể.


      Có thể nói Lộc là một huynh trưởng thanh niên có tài tác động đám đông giỏi nhất trong thời của anh. Anh không thuần túy là quản trò đem lại không khí vui nhộn, anh trước sau là một nhà giáo dục, biết mình đang tác động ai và để nhằm vào mục đích gì. Do nhiệm vụ hướng dẫn sinh hoạt rất thường xuyên của mình, tuy Lộc chưa học nhạc nhưng anh rất gần gũi với âm nhạc, hiểu biết nhiều về các thể loại bài hát, đặt lời cho một một số ca khúc, nhất là loại dùng cho sinh hoạt thanh niên. Lộc chỉ chính thức học nhạc lý trong thời gian ở tù cải tạo 1975 - 1978, do một người bạn tù chỉ dẫn. Cũng như nhiếp ảnh, học lý thuyết chỉ là để bổ túc và làm vững chắc những gì sẵn có, anh học nhạc để hệ thống hóa và đưa vào "chính quy" những năng khiếu rất phong phú đã có từ lâu của mình về thế giới âm thanh. Vì thế mà dù ở trong cảnh tù, ngày ngày đi lao động cực nhọc và không có đàn địch gì cả, mà anh vẫn học nhạc được, và nắm bắt rất nhanh kỹ thuật sáng tác nhạc. Lộc luôn luôn có khiếu sáng tạo hơn là trình diễn.


      Ra tù vào năm 1978, sau vài năm để ổn định cuộc sống, Lộc lại đi vào một thời kỳ cảm hứng mới cho việc sáng tác, và lần này thì là sáng tác nhạc. Cũng như trong nhiếp ảnh thời kỳ trước, đề tài chính của anh lần này cũng là tình yêu, chỉ có khác bây giờ anh cảm hứng về tình yêu của chính anh chứ không phải của người khác nữa. Trước kia, dựa vào kỹ thuật của máy của phim của phòng tối, anh chỉ cần sáng tác ra hình ảnh của tình yêu, nhưng bây giờ anh giàn trải nỗi lòng của người đang yêu ra thành ca khúc. Nỗi lòng ấy chỉ có thể là của chính mình. Anh đang tìm kiếm tình yêu, anh muốn lấy vợ. Vẫn như trước kia, bây giờ anh lại đa tình với cái đẹp, và vẫn có duyên với cái đẹp, và đó là cơ hội để anh viết hàng chục ca khúc cho tình yêu của anh.


      Nhạc của Lộc có giai điệu xinh đẹp, tròn trịa mà không dễ dãi. Lời ca cũng thế, xinh đẹp, dễ thương, lắm khi lắng đọng, sâu sắc. Thiền cũng là một đề tài sáng tác của anh, và lạ thay, anh có những bài nhạc thiền rất hay, nếu không hơn thì cũng thành công bằng đề tài tình yêu. Hai khuynh hướng cùng phát triển một lúc với nghệ thuật viết nhạc của anh, tình yêu lứa đôi dắt anh vào công việc xây dựng cuộc sống trần thế, và thiền, với tâm thức tĩnh lặng và cái nhìn vào những hình ảnh của vĩnh cữu. Trong Lộc hai điều đó không mâu thuẫn nhau, vì mọi đam mê của anh đều có khuynh hướng bay bổng, hướng về cái thiện, cái đẹp. Suốt đời Lộc chẳng bao giờ chịu được cái xấu và điều nặng nề ô trọc.



          Tình Xa  (Trần Đại Lộc)

      Cắm hoa là một cách nữa để Lộc đến với cái đẹp và tạo nên cái đẹp. Cái đẹp của tình yêu chỉ đến một thời và rồi nằm lại trong các ca khúc, trong khi cái đẹp của thiên nhiên mà hoa là đại diện gần gũi nhất thì lúc nào cũng có, lúc nào cũng còn tươi, để chờ bàn tay người nghệ sĩ phối trí, chưng diện. Lộc đã thích môn cắm hoa từ hồi còn trẻ, cũng để tâm học hỏi và thực hành nhiều lần, dù là chưa bao già đi hẳn vào thế giới "chuyên nghiệp." Tác phẩm của anh phần nhiều ngẫu hứng, trong vòng vui chơi với bạn bè, nhưng có nhiều công trình đẹp như một kiệt tác. Mãi đến thời gian đi tù về, cùng với nhạc, anh đến với nghệ thuật cắm hoa và tài nghệ phát triển rực rỡ. Liên tiếp nhiều năm Lộc đoạt giải nhất trong cuộc thi mùa xuân của hội cắm hoa ở Sài Gòn. Anh đã làm một công việc ý nghĩa là soạn một cuốn sách dạy cắm hoa, nhưng hiện nay tất cả chữ nghĩa và hình vẽ còn nằm trong computer, chờ một ngày đẹp trời sẽ có người mang ra cống hiến cho đời.


      Đến Mỹ năm 1993, Lộc bắt đầu đi học college để đào sâu các môn sở trường của mình, một là computer, và hai là nhiếp ảnh. Một cái thực và một cái chơi, xem ra môn nào anh cũng giỏi cả. Các bài nhiếp ảnh của anh luôn luôn được chấm điểm A, điều đó chẳng có gì là lạ. Không biết anh đã đến bực thầy chưa, nhưng đã qua khỏi bước học trò từ lâu rồi. Bây giờ ôm vở đi học chủ yếu là học những cái mới lạ về kỹ thuật hãy còn mênh mông như biển, và anh không muốn bi lạc hậu trong môn mà mình ưa thích, cũng không muốn tự mãn nằm yên trong số vốn liếng mà mình đã có được. Anh dự tính sẽ ghi tên học môn cắm hoa, nhưng chưa kịp thực hiện.


      Lộc sống ở đời như chỉ để thực hiện điều vui và điều đẹp. Có người đến với cái vui và cái đẹp hơi ích kỷ vì chỉ với tính cách là kẻ thưởng ngoạn và hưởng thụ, còn Lộc đến như là một kẻ sáng tạo, thực hiện nên niềm vui và vẻ đẹp để cống hiến cho người khác. Anh là một nghệ sĩ đích thực, có tài năng và có tấm lòng. Năm mươi lăm năm đi trên dương thế chưa bao giờ anh gây một sự phiền muộn cho ai, dù là gia đình, bạn bè hay người ngoài xã hội. Anh chỉ mang đến vẻ đẹp và niềm vui. Nhưng anh không bao giờ thỏa hiệp với cái ác, Lộc giữ điều ấy như một nguyên tắc rất vững chãi. Trong một buổi họp mặt bạn bè cũ ở Sài Gòn thời gian trước khi anh đi Mỹ, một người bạn trước 30 tháng Tư 75 đã theo Cộng sản, tâm sự với anh em rằng "tôi đã lầm lẫn như cả nước này đã lầm lẫn," Lộc vội vàng chỉnh ngay: "Trong đó không có tôi." Không có Lộc cũng tức là không có rất nhiều người như Lộc, nhưng anh chỉ buông một câu ngắn ngủi, không tranh cãi, không làm mất hòa khí. Tâm lưọng thong dong của Lộc cùng với niềm vui và vẻ đẹp anh tạo ra đã đóng góp cho đời nhiều lắm. Sau khi Lộc mất đi, làm sao để những gì anh đã tạo ra còn tiếp tục tồn tại với đời, đó là điều mong mỏi của tất cả những người thân thiết của anh.


      Phạm Phú Minh

      Trần Đại Lộc-Ảnh-Photography, VAALA 1998

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Thanh Tuệ Và An Tiêm Phạm Phú Minh Nhận định

      - Dương Thiệu Tước – ‘Tiếng Xưa’ Của Chúng Ta Phạm Phú Minh Nhận định

      - Trương Vĩnh Ký từ chối vào quốc tịch Pháp Phạm Phú Minh Nhận định

      - Âm Thanh Trong Tình Quê Phạm Phú Minh Tạp luận

      - Các ý nghĩ từ một buổi sinh hoạt văn học Phạm Phú Minh Nhận định

      - Tạp chí Bách Khoa được 'số hóa' toàn bộ Phạm Phú Minh Giới thiệu

      - Trần Đại Lộc, Vẻ Đẹp, Niềm Vui Phạm Phú Minh Tạp luận

      - Các ý nghĩ từ một buổi sinh hoạt văn học Phạm Phú Minh Nhận định

      - Ðặt lại giá trị văn học miền Nam trong lịch sử văn học Việt Nam Phạm Phú Minh Phỏng vấn

      - Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013 Phạm Phú Minh Giới thiệu

    3. Link (Nhiếp Ảnh) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)

      Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)

      Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)

      Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)

      Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)

      Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)

      Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)

      Danh họa Lê Phổ với những tác phẩm tiền tỷ trong phiên đấu giá ngày 6 tháng 4 của Sotheby’s HongKong (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)