|
Nguyễn Văn Bông(2.6.1929 - 10.11.1971) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Lâm Chương
Những truyện ngụ ngôn, thần tiên, hoang đường, quái đản hay dị thường đã xuất hiện từ nhiều thiên niên kỷ trong văn học thế giới cũng như Việt Nam. Có những truyện nặng ngụ ngôn, có truyện huyền hoặc, quái dị, siêu nhiên, triết lý, mang hình thức dụ-ngôn của Kinh thánh, có không gian tuyệt vời thơ mộng, có những hí họa phúng thích cuộc đời, có truyện là hợp loại cả hai ba thể hoặc hơi rời xa đến gần thể giả tưởng (science-fiction). Một cách tổng quát, có thể chia làm hai loại chính: truyện huyền thoại liên hệ đến bộ lạc, giống nòi, tập thể, trong khi loại thứ hai, chúng tôi tạm gộp chung dưới danh xưng "truyện dị thường" (fantastic), lấy con người làm đối tượng, dị thường từ những sự việc và cuộc sống bình thường. Huyền ảo, hoang tưởng nhưng không xa thực tại, truyện dị thường ở giữa trực giác và kinh nghiệm, giữa mơ ước và thực tế khó khăn, là một phối hợp huyền sử và thực tại.
Huyền sử chứa đựng những ẩn số văn hóa của một quá khứ thật và hoang tưởng cũng bắt nguồn từ tâm thức con người, từ những xúc tác của cuộc sống trên con người. Về nội dung, các tác giả kể chuyện người xưa, chuyện súc vật, cây cỏ, nhưng đa số đều có ngụ ý, có tâm tình, u uẩn hoặc nhẹ nhàng, và ý vị hiện tại. Có thể là chuyện hoàn toàn riêng tư của tác giả hoặc của một thế giới mà người đọc không biết đến hoặc không thể hình dung được nếu tác giả không nói đến.
Sau 1986, vì nhiều lý do lịch sử, xã hội và văn học, thể truyện dị thường đã nẩy nở, nhiều tác giả mới, kể cả tác giả đã thành danh trước đó cũng đã chuyển qua thể này. Nguyễn Huy-Thiệp, Trần Vũ, Trần Long Hồ, Hồ Minh Dũng, Nam Dao, v.v. và nay Lâm Chương với Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt do nhà Văn Mới xuất bản cuối năm 1998 đã xử dụng thể loại đặc biệt này. Tác phẩm của họ như những nhắc nhở vị thế làm người của mỗi người và thực tại đất nước quê hương. Chúng có những bức xức, thao thức, nhiệt tình, văn chương lôi cuốn, tài tình và nhiều tính thuyết phục. Dĩ nhiên tác giả chúng phải công chính và trên hết là tình yêu chân lý và một thành thật trí thức!
Có thể nói có một hiện tượng truyện dị thường trong văn học Việt Nam đương đại. Truyện dị thường trở thành phương tiện viết chuyện hôm nay, cho phép tác giả nhìn vào cuộc sống trước mặt, kể cả những bất thường và phi lý. Qua chúng, tác giả tỏ thái độ với thời cuộc, với hôm nay, với quyền bính và kẻ thù. Tác giả không thể tránh bàn đến tâm lý con người ở một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn mà tác giả nghĩ đã đến lúc phải đưa ra ánh sáng, đưa ra công luận, đã đến lúc mà con người không thể sống như cũ, nên sống bằng tình nghĩa hơn là sống một cuộc đời thế gian bị bủa vây bởi những phỉnh gạt to lớn của tập thể nhân danh một lý tưởng nào đó. Hôm nay có lý tưởng tưởng chắc như đá đã rõ ra mù mờ, trở thành phương tiện cho những ý đồ tối ám, hèn kém, ...
Những con người và sự việc vẫn hay bị hay được cái nhìn "sử thi", nhị nguyên, xếp loại là tàn ác, thù nghịch, quỷ ma,... Nay dưới con mắt con người hôm nay và các tác giả truyện dị-thường xếp loại lại, nhìn lại, họ rơi vào loại đối nghịch. Thiện ác vô lường và thuyết tương đối được hiện đại hóa. Qua những việc và người mà tác giả thấy "có vấn đề". Viết chuyện hiện thực qua cách dị thường, các tác giả còn nhắm kêu gọi cải đổi, giải phóng bằng cách cho thấy thực trạng của hôm nay, của con người sau bao lầm lỗi và hy sinh. Ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau! Chuyện dị thường không đến từ cốt truyện hãi hùng, mà đến từ cảnh đời xáo trộn tàn nhẫn, qua cái nhìn trực giác, thông suốt của tác giả xuyên qua cái bình thường, cái hiện thực, từ thời gian bị cắt đứt, từ hiện tại hay từ một thời điểm có hay không có liên hệ với quá khứ gần xa.
Trong Lên Rừng Thăm Bạn, anh Khan sống làm rẫy trên rừng, xa vợ con, sống "một mình như người ở ẩn". Nơi đây đời sống con người khó khăn vì thú rừng hay đến rẫy phá hoại. Con người lúc nào cũng trầm tư, lo lắng, "trông giống một hình tượng cô đơn, im lặng ngồi chịu đựng với thời gian" (tr. 15). Khan từng bị tù học tập lâu năm, khi được thả, anh đã đổi lối sống. Nay anh giữ thế thủ và mạng sống. Như ngụ ngôn con sáo. Nhưng nào yên, vì đám heo rừng và khỉ cứ đến quấy phá. Loài khỉ phá phách cũng như con người, cũng đi theo bọn, cũng có tiền sát, thứ lớp; những chiếc thùng thiếc khua động cũng hết làm chúng sợ sau những lần đầu. Người tuyệt vọng đành tìm cách bắt khỉ làm sao để chúng hết còn trở lại quấy phá. Con nào bị bắt được, người cắt lông trên đầu rồi sơn màu lên đầu lên mặt rồi thả: chúng sẽ hết thể nào nhập bầy trở lại vì những con cùng bầy nay không còn nhận ra bạn nữa, mà những con bị sơn càng đuổi theo xin nhập bầy thì lại càng bị bọn kia cao chạy xa bay nhanh hơn, chúng bị tránh như những con vật quái đản! Anh Khan tự xem mình như những "con khỉ người" bị đồng loại xa tránh: "giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những 'con khỉ người' đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ được chăng?" (tr. 24). Họ ở đây là Hội Bảo Vệ Súc Vật thường có ở những xã hội văn minh Âu Mỹ.
Truyện Người Khách có một ẩn dụ khác. Xóm Gò Chùa nghèo khó sống với đầy tai họa bất trắc vì bị đủ thứ võ lực kiểm soát (liên minh giáo phái Cao-Đài, Việt Minh, Tây và cả trộm cướp): con người đày đọa con người. "Kiểm soát, bảo vệ, tuyên truyền, trộm cướp cũng đều là kẻ mượn hình giả danh. Bên ngoài ai dám vô đây lộng hành... Mạng người lúc bấy giờ rẻ như heo chó" (tr. 26). Hai Diên đến với xóm như người khách nhưng sự hiện diện của ông đã "như giải tỏa được cái áp lực vô hình đè nặng tâm can": dân ngủ yên hơn, làng xóm thật an bình. Người khách dù được xem là "hùm thiêng", lang sói có kiêng dè tạm thời, cũng có lúc không cãi được mệnh trời, vẫn bị bí mật thủ tiêu, bởi người cùng giống: "Không biết phe nào?" (tr. 29). Phe Ác, phe quỷ!
Địa ngục trần gian hay địa ngục quá khứ bàng bạc khắp tuyển tập gồm 17 truyện của Lâm Chương vẫn là chiến tranh. Cuộc chiến đã tàn nhưng tro vẫn âm ĩ như chưa lụi tắt và có những mảnh củi có lúc vẫn bừng lửa cháy, kể cả khi con người đã xa cách một đại dương. Lâm Chương phê phán mọi phía. Một bên là những tên đồ tể "nằm trên bụng đàn bà mà xua quân vào trận mạc. (...) Bao giờ thấy những phường cẩu trệ bất nhân, chiếm giữ những ngôi vị trọng yếu quốc gia, là điềm báo trước một chế độ suy tàn. Đó là quy luật của mỗi lần lịch sử sắp sang trang" (tr. 189). Một cuộc chiến tranh phức tạp, không lằn ranh rõ rệt. Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt chính là đoạn trường cay đắng. Những người lính địa phương phải đối đầu với một đối phương không rõ mặt, dùng tình báo điều tra gì rồi thì kẻ thù đích thực vẫn là bất ngờ. Tên du kích bị trung đội bắn bị thương không ai khác hơn là "thằng Hon" con Tám Đê chủ lò đường trong vùng, hắn trốn lính và suốt ngày mọi người tưởng hắn chỉ chẻ trúc đan lồng để đi gát cu. Bạn thù không biên giới, nhưng hận thù và những cái chết thì lại không tránh được!
Xóm Ven Rừng là bức tranh của một vùng xôi đâu mà biên giới không chỉ ở bìa rừng cứ ngày mỗi lấn vào sâu mà còn ở lòng người dân. Sự "chiến thắng" của một bên rồi cũng không như lòng người mong đợi: "Những người cùng đi một hướng với ba tôi ngày ấy, trở về trong sự huênh hoang, nhưng chẳng giúp ích được gì cho dân trong xóm. Xóm tôi đã nghèo, bây giờ càng nghèo hơn. Bọn nhỏ chúng tôi đã trưởng thành, phải cật lực cày xới đất đai để kiếm miếng ăn từng bữa. Không có đám trẻ nhỏ nào như chúng tôi ngày ấy, chạy theo đuổi bắt những trái dầu rơi rụng, cánh xoay tít mù bay trong gió. Cái trường học mái tôn bên cây dầu, bây giờ, trở thành nơi nhốt bò của dân trong xóm. Sự đổi thay lạ thường này, làm cho cái trường chỉ còn là dấu tích của chuyện một thời quá khứ xa xăm" (tr. 75). Trường mái tôn là công trình dân sự vụ của phe chính quyền cũ và trái dầu không khác gì những ảo tưởng của người lớn trong xóm. Thân phận con người bị chiến tranh vùi dập. Sống giữa những lằn đạn, "làm người thời này, khổ như chó hoang. Phải tản cư đến một nơi tương đối an toàn hơn" (Xóm Cũ, tr. 129). Họ sẽ phải tản cư nhiều lần mà thảm kịch cuộc đời cứ vẫn tiếp diễn!
Tàn bạo của phe kia trong chiến tranh đã trở thành hài hước, hụt hẫng sau "chiến thắng". Những mệnh đề "dân tộc sẽ thắng", "xứ sở quật cường", "chính nghĩa", v.v. không đưa đến kết luận đương nhiên. Sau một dâu bể, mọi lời nói, hành động, kết luận đều gây suy nghĩ, có sức mạnh bủa vây làm nhức nhối những vùng nhận thức quen thuộc hay nếp nghĩ "chính thức", bình thường đã quen. Mụ Kên là người của "cách mạng" đã trở thành sát nhân vì tự trở thành nạn nhân của chính mình, của huy chương thổi phồng vì nhu cầu. Hai Quắn trong Giải Quyết Cấp Thời cả đời hy sinh cho cùng lý tưởng như mụ Kên, cuối cùng chỉ mơ ước "cái đít có gân của gái miền Nam" như chị Tư Rô, không được, bèn dùng đại đít bò trong chuồng của hợp tác xã. Người Thượng đơn sơ khi đã bị lợi dụng, họ thấy "những ai đến với buôn bản vùng cao, mang cái dáng dấp phi lao động, chỉ biết đứng nhìn, hỏi những câu ngớ ngẩn, và chỉ trích phê bình , lý thuyết suông mà chẳng làm được gì, họ đều gọi là cán bộ" (tr. 21).
"Chiến tranh như con quái vật khổng lồ, theo nó thì bị nó ăn nuốt, cưỡng lại thì bị nó chà đạp. Đàng nào cũng chết, chỉ có điều chết trước hay sau mà thôi" (tr. 16). Lâm Chương ở lứa tuổi kinh qua đã nhiều, ông đã dám nhìn thẳng nói thẳng nhiều trục trặc khó nói. Anh chuẩn úy mới ra trường nhát gan nhưng hay liều mạng trong Định Số được nhiều dịp ca tụng là anh hùng gan dạ. Cái tâm của Lâm Chương ở đó: thành thật, tự xét, tự trách trước khi trách người và ngoại giới cũng như quyền lực và định mệnh bủa vây. Khi lâm trận, một thiếu uý trung đội trưởng bị cấp chỉ huy bỏ rơi, đến lượt ông cũng bỏ rơi thuộc hạ để thoát thân nhưng khi đã an toàn, người sĩ quan đó "dửng dưng như kẻ mất hồn. Không buồn, không vui. Mọi cảm xúc đã bị tê liệt hết rồi" (Một Vùng Hung Bạo, tr. 145).
Người lính hay người tù học tập ở Lâm Chương không ăn to nói lớn, không giả hình cũng không tự cao tự đại, có chăng là những khuất phục định mệnh, những bất lực vì bị trói tay, những tìm vui tạm bợ trong nhục nhã cuộc đời! Tìm cách sống còn, "dưỡng sinh", thay vì cứ chắc lưỡi như những con Thạch Sùng thời đại "nằm trằn trọc nuối tiếc hoài một thời quyền uy son vàng đã mất. Cánh cửa quá khứ đã khép lại. Nhưng cái dư âm vi vu còn đủ sức ném bao người qua cửa tử. Nuối tiếc và thống hận là chất cường toan bào mòn tâm phế" (tr. 189), hay trở thành nạn nhân của "sự vô vọng giết người" vì "không thấy được ánh sáng phía cuối con đường vô vọng" (tr. 187).
Trong chiến tranh, con người bị chà đạp đã đành, nhưng khi hòa bình đã "vãn hồi", con người vẫn bị thời đại nghiền nát, tha hóa đến độ phi lý. Những tàn bạo và bi kịch nhỏ lớn vẫn còn đó, giữa người với người! Trong truyện Mây Bay Qua, người tù học tập được thả về với người cha và một người con gái vẫn ao ước thành vợ gã, nhưng hoàn cảnh éo le, trong đợi chờ, Mây đã phải bán thân. Để người cha già khỏi buồn, dù "thương cuộc đời" Khang, nàng đã phải bỏ đi xa một cuộc tình mới chớm nở.
Trong Chỉ Còn Một Nơi Trở Lại, một đứa nhỏ mười hai tuổi vì đánh con một ông xã ủy mà phải ở tù, đến khi được thả, về nhà thì người thân đã bỏ vào Nam, đành "xin vô tù lại" bằng cách đánh cắp xe đạp đúng ngày "Chúa ra đời để chuộc tội, cứu rỗi cho loài người" nhưng đứa nhỏ thì nghi ngờ "Sao cháu vẫn khốn khổ? Cháu không tin đâu!". Người tù học tập "nhìn theo cái dáng gầy còm, thất thểu của nó, nghĩ thầm, không biết bây giờ Chúa đang ở đâu?" (tr. 68).
Con người đối với con người "nham hiểm và gian trá. Họ biến tù nhân thành những con ma đói, và hạ xuống ngang hàng với súc vật" (tr. 16). Trong Chuồng Người, người tù học tập đã phải sống chung đụng với tù hình sự sống như con người thời tiền sử đến độ ăn thịt sống để tồn tại. Tù hình sự được đi mổ lợn được xem như một đặc ân, do đó "phải nạp cho thằng đội trưởng hai cục thịt bằng ngón chân cái. Không có, tụi nó thụi vào bụng cho mà thổ huyết". Nhưng bằng cách nào? "Thằng Ný móc họng, ụa mửa. Đồ ăn nhớt dãi, tuôn trào xuống thau. Thằng bưng thau, bóc lên những miếng thịt còn dính lòng thòng nhớt dãi, đưa lên miệng, ăn. Một thằng khác, đang đói, cũng ăn. Có thằng nhăn mặt: "Gớm quá!" Thằng bưng thau, nói: "Gớm gì? Từ bụng kia sang bụng này thôi!" (tr. 176). Ngay cả đồ ăn người nhà đi thăm đem đến cho tù cũng theo cùng phương pháp, không thể để dành ăn từ từ: "Nếu đem vào trại, mấy thằng đầu gấu, chúng nó giành giật cả. Thế nên cháu xơi hết tại chỗ" (tr. 176).
Và khi đã ở đáy vực thì con người có lương tri cũng phải đành đoạn mất cả lòng thương hại đối với đứa trẻ tù hình sự: "Không! Tao thương tao còn chưa đủ. Có đâu thương tới mày. Thằng quỷ!" (tr. 66). Rồi sau lại tự xỉ vả mình "Khốn nạn! Nó trở lại tù, sao tôi lại mừng?" (tr.67). Quelle misère humaine! Địa ngục trần gian về một khía cạnh nào đó nằm ngay trong tâm thiện hay ác của con người! Nhưng trong tập truyện Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt, vẫn có những tình cảm cao quý sót lại, dù từ kẻ chiến thắng, như Sao Nhót, bạn thời tuổi nhỏ của Lâm Sún, nơi riêng tư đã khuyên bạn thuộc phe "thua": "Ở lại đây, mày bị chuyện gì, tao không đỡ nổi. Mày nên lánh mặt đến địa phương khác, khai man lý lịch, tạm sống một thời gian, chờ tình hình xem sao. Tao "đánh hơi" thấy việc xử lý bọn mày không đơn giản đâu" (Vật Đổi Sao Dời, tr. 59).
Hoang dã trong chuyện hiện thực! Thượng Du, Niềm Thương Nhớ, thượng du tức Hoàng Liên Sơn, là nơi người thua trận bị vùi dập thân thế và thể xác. "Ở đây, không đo thời gian bằng kim đồng hồ. Trưa nghe bắt-cô-trói-cột kêu trên đầu núi, biết đang mùa hạ. Đêm nằm nghe cú rúc ngoài đầu hồi, biết đang mùa đông. Thung lũng ít chịu mặt trời. Âm khí núi rừng pha trong sương đục, nhòa nhòa lán trại. Cái lạnh rờn rợn nhiễm vào người, lâu dần thành quen. Thiên nhiên tập cho con người biết chịu đựng. Về với thiên nhiên, thở cùng cỏ cây (...) Quên chuyện ngày trước. Bỏ chuyện ngày sau. Sống đời hoang dã. Thú rừng vô tâm, không biết buồn. Ai nặng thất tình lục dục, dễ bỏ mình giữa chốn thâm sơn" (tr. 184). "Không vì mặc cảm đọa đày, mà con người ghét cả thiên nhiên". Người tù chấp nhận số phận, xem cực hình hành xác đốn cây cuốc đất như "một cách tập dưỡng sinh" rồi lâu đến nỗi anh "tưởng như hồn và xác chẳng dính dấp gì nhau". Anh trở nên vui sống với người hoang dã hồn nhiên "thương những hồn cô quạnh" "về đậu trên ngọn rừng tru thảm khốc", anh "thấm thía muốn trở thành người Tày người Dao", sống giữa những ngọn lữa khói, "tin bất cứ điều gì huyền bí" vì "trong tuyệt vọng tinh thần còn có chỗ thiêng liêng làm chỗ dựa" (tr. 186). Hoang dã mà thấm thía! Ở đâu những lý tưởng cao siêu mà con người vun xới? Và văn minh? "Nơi miền cao thôn bản, súng đạn là thứ duy nhất tượng trưng văn minh của người miền xuôi"" (tr. 184). Khi được thả, người tù như lưu luyến, không muốn rời "vòng kiềm tỏa" của trại tù, nơi có những người bạn đã nằm xuống và thiên nhiên, người bạn mới!
Trong Quỷ Loạn, thần thánh, hồn ma được nhiều lần nói đến. Khi con người bắt đầu thành công như Điệt, tưởng mình là nhất, mắng cả thần thánh sau một lần bị "thánh" phạt: "Làm thần, thụ hưởng hương khói. Không lo vun bồi công đức phù trì dân làng. Chỉ gây nỗi sợ hãi, lấy sự hành tội người khác làm điều linh hiển. Mai sau ta thành đạt, sẽ ra lệnh phá bỏ miếu này". Khinh đời ngạo thế, Điệt sẽ thi rớt, trốn lính vào chùa tu cũng không được lâu vì theo hắn nơi đó "chỉ là những thứ dung tục thối tha không ngửi nổi. Giáo chủ đã chết mấy ngàn năm rồi. Bọn đệ tử đang lao đầu về địa ngục". Và quỷ đỏ sẽ hoành hành. "Khí thế Cách Mạng như dầu sôi. Cuộc đổi dời diễn ra nhanh như cướp cạn. Nền tảng xã hội bị bứng tận gốc. Vô lại, đầy tớ, ăn mày nhảy lên làm ông chủ. Trí phú địa hào bỗng chốc hóa thành tên đầu đường xó chợ. Sấm ký rao truyền quỷ loạn. Nhà nhà đóng cửa. Đêm đêm nghe tiếng ma tru rợn tóc. Quỷ đỏ hiện hình giữa ban ngày, quấy nhiễu. Dân tình ta thán. Âm khí xung thiên. Mây mù vần vũ. Mống trời vắt ngang đỉnh núi. Điềm báo thiên tai chết chóc...".
Khắp nơi là nhà tù, dĩ nhiên Điệt bị bắt, vẫn giữ tính ương ngạnh, bị đi làm xâu công trường thủy lợi. "Thời Cách Mạng, ai mang tiếng Ngụy, ba đời con cháu không ngóc đầu lên được. Điệt còn độc thân, quyết không lấy vợ, tuyệt đường con cái, khỏi chịu cái di họa đời sau". Ngày kia Điệt vung xẻng đắp đê chém tét đầu một tên đốc công, tên kia bắn gục Điệt, lôi trong túi áo có "bức thư ngắn như một lời nguyền: "Ta chết, thề làm ma báo oán kẻ phũ nhận thiên địa quỷ thần". Miếu Thành Hoàng bị phá bỏ sau đó nhưng những kẻ phá miếu "bỗng nằm lăn ra, hộc máu mà chết. Có người nói, chúng ăn bị trúng độc. Cũng có người nói, chúng bị hồn ma của Điệt vật chết" (tr. 181). Ma quỷ sẽ tiếp tục quấy phá người tù nay đã tị nạn ở xứ người, ma quỷ trở về thật hay ảo ảnh, hay từ tâm tưởng (Chuyện Không Bình Thường)?
Sống thời nhiểu nhương, nội tâm và ngoại cảnh mấy khi như một, mấy khi gặp gỡ! Cảnh vật thiên nhiên cũng tàn bạo như chiến tranh, như bất khả cảm thông. Thiên nhiên trở thành những cái bẫy tàn nhẫn, trở thành kẻ thù. "Chiến tranh đã làm cho con người sợ hãi cảnh trí thiên nhiên, e dè mọi sự câm nín, lặng im. Tất cả đều như đang đợi chờ một đột phá tan hoang.Con người bây giờ, chỉ muốn làm rạp hết những cỏ cây, san bằng những gò nổi, lấp hết những hố hầm để xua đi những rình rập, ẩn nấp, đe dọa chết chóc hằng ngày" (Một Vùng Hung Bạo, tr. 137). Khi đã ở chốn tù đày trên vùng ngược Thượng du, người tù chiêm nghiệm mới nhận ra "Thời gian lặng lẻ trôi qua" và thiên nhiên có biến đổi dù chậm chạp. "Thiên địa vô nhân". Núi rừng không vì một ai hết. Trời đất lặng thinh. Bốn mùa vẫn luân chuyển nắng mưa. Hoa lá trên ngàn vẫn xanh thắm. Không vì mặc cảm đọa đày, mà con người ghét cả thiên nhiên" (tr. 194). Vì thiên nhiên sẽ là nơi trú ẩn của những tâm hồn bị đày đọa!
Chuyện cứu rỗi ư? Trong thế giới của Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt, Chúa, Phật đều như vắng mặt! Chỉ còn con người với nhau. Chỉ có tác oai tác quái, không nhân nhượng! Còn người nữ? Nếu người nữ của Nguyễn Huy Thiệp là tinh hoa, là tình người, là cứu rỗi, thì với Lâm Chương, người nữ như bóng mờ, có khi như một ám ảnh hay ham muốn trong hoàn cảnh bất khả dĩ như chị Tư Rô với Hai Quắn trong Giải Quyết Cấp Thời, như chị Ban đẫy đà trong Xóm Cũ. Riêng cô Năm trong Mây Bay Qua là một cứu rỗi trễ tràng, bi đát, con người bị hoàn cảnh vùi dập ngay cả trong tình cảm!
"... Thế nhân ơi, đổi đời, trông thấy
mặt trời chân lý cháy như rơm" (tr. 95).
Tác giả triết lý về lịch sử, tuyên chiến với độc quyền chân lý, dù giọng văn nhẹ nhàng, dù với giọng của kẻ thua thiệt. Đề tài kỳ dị hay bất-bình-thường, chi tiết hoang đường hay có-thể-có, tác giả dùng những hình ảnh khi ảo khi thực của đời sống để phê phán hay đập vỡ những ảo tưởng. Truyện dị thường không ngừng ở một vài chi tiết, chúng đi tới cùng nguyên lý, căn nguyên, đụng tới bản chất. Với mục đích đưa ra ánh sáng những kinh nghiệm của quá khứ, dù là của một thời đại vừa trãi qua, tác giả cố đưa ra cái hằng số, cái bất biến từ những sự việc và biến cố lịch sử và thời sự, cố đưa ra cái chân lý bất biến của con người dù ở dưới chân trời nào. Tác giả thể loại này còn có thể "xúc phạm" người từng cùng phe, người trên hoặc người đã chết - những anh hùng và những người đã gieo nhân, nghiệp. Các truyện dị thường có giá trị dự báo lịch sử, và giá trị báo động cũng như nhận định lại lịch sử, từ những tro tàn của quá khứ và huyền sử. Sự thật lịch sử có thể cần đến thời gian dài, nhưng văn chương có thể đóng vai trò đặt vấn đề lịch sử gay gắt và nhanh chóng hơn, nhờ tro chưa tàn, lửa lòng chưa nguội. Văn chương "giải mã" lịch sử sớm dù ít nhiều chủ quan và đầy cảm tính.
Hoán chuyển dị thường của thực tại vào văn chương, nhiều dị thường của cuộc đời tưởng bình thường đã được Lâm Chương đưa ra trước công luận. Nói chung, ngòi bút ông cẩn trọng và nhạy bén, xuất từ kinh nghiệm sống. Giọng văn đơn giản, trong sáng, dĩ nhiên bên trong chất chứa nhiều phức tạp và tầng lớp tâm linh. Chính kinh nghiệm và tâm cảm chân thành của tác giả đã đưa đến sự tinh tế, cô đọng. Như đoạn tả sự việc "thân bị kiềm chế, mà ý chí thì phất phơ như chuyện đùa. Tưởng như hồn và xác chẳng dính dấp gì nhau". Một cai tù đã phê bình cách lao động khá "thiền" của tù cải tạo: "Giơ cuốc lên, cò ỉa. Hạ cuốc xuống, mối xông". Nhưng anh tù lại lấy làm lý thú vì câu nói ngộ nghĩnh mà quên cái hậu quả tai hại sau khi bị phê bình. Anh tù đã sửng sốt vì câu phê bình đó. "Diễn tả động tác chậm, không có cái chậm nào bằng. Từ từ giơ cuốc lên, chậm như ngừng lại, thời gian lâu đủ để con cò đậu trên cái cuốc và ỉa. Hạ xuống cũng chậm, đến nỗi trước khi nhấc cuốc lên, thì mối đã xây thành tổ. Một lối diễn tả độc đáo. Rất bình dân mà cũng rất tuyệt vời." (tr. 188-189).
Thể truyện dị-thường đương đại mở ra một chân trời mới, cho người viết cũng như người đọc, một tự do văn chương tuyệt vời! Các tác giả đã chứng tỏ tài huyễn hóa văn chương, như một trở về với người xưa văn hóa cũ, với nền tảng, nhưng vẫn là một thẩm mỹ văn chương mới, chứ không phải chỉ vì muốn trốn thực tại hay tránh những vấn đề của xã hội hoặc những tranh luận khoa học nhân văn cấp bách của hôm nay. Thực vậy, truyện dị-thường là cách bám chặt thực tại có hiệu quả lớn, bám và định nghĩa lại các quan hệ. Ban đầu chúng có vẻ là hình thái hình thành bởi ám ảnh quá khứ hoặc ảo tưởng của tập thể. Đám đông không thể sáng suốt nhận chân ra cái ám ảnh đang hủy hoại tập thể, họ sẽ có thể mở mắt nếu phải đi đường vòng qua ngã văn chương, qua ngã truyện dị-thường. Thể này do đó có thể nói là dấu hiệu của một xã hội trưỡng thành, đang-trưởng-thành, trưỡng thành khi tự mở mắt với những hài kịch nghĩa luôn bóng bẩy.
Khác với văn chương "minh họa, sử thi" và "tâm lý chiến", truyện dị-thường có thể không phục vụ cho một ý thức hệ hay tín ngưỡng, nhưng tự nó, loại truyện này nuôi dưỡng nhiều tin tưởng về một thời đại dù bị lột mặt nạ nhưng chưa chắc có thể thay thế. Truyện dị-thường dùng những chiếc mặt nạ làm nên bởi thực tại tái dựng, cốt để dễ tra vấn, làm rung chuyển chính nền móng tưởng vững chắc, mà không hẳn có thể đưa ra những thay thế. Truyện dị-thường do đó hình như có vẻ liên hệ với những giai đoạn giao thời, khủng hoảng, con người và tập thể phải tìm lại bản ngã, khi mọi giá trị đã gẫy đổ.
Nước Việt Nam sau 1986 đã cần có "những ngọn gió Hua-Tát" thổi mạnh trên một xã hội trì trệ, dở bết, để giải phóng con người khỏi những bế tắc của ý thức hệ và văn hóa lỗi thời. Ngọn gió "truyện dị-thường" chứng tỏ sự trưỡng thành tái sinh của xã hội đó. Cũng như Tướng Về Hưu, Con Gái Thủy Thần, Những Người Thợ Xẻ, v.v. của Nguyễn Huy Thiệp, Ông Kỳ Lân, Áo Thanh Cao, Sư Phụ, Thầy Bắt Bóng, v.v. của Trần Long Hồ, Lên Rừng Thăm Bạn, Thượng Du, Niềm Thương Nhớ, v.v. của Lâm Chương đã mở rộng thế giới dị thường đồng thời đẩy con người vào vực tối của lý trí, đã cung cấp cho tưởng tượng tập thể với những quỉ quái và địa ngục mà bình thường không ai dám nghĩ tưởng đến. Đáng sợ, nhưng chính những con ma này đến để giải phóng những hãi sợ tập thể, cũng là dịp khiến người viết phải tân tạo nghệ thuật thẫm mỹ của mình, hiện đại hóa văn chương. Thành ra truyện dị-thường là một giải phóng!
Tác giả truyện dị-thường có thể mơ mộng thiết tha hay nghiêm khắc lạnh lùng, cái chủ quan của tác giả vẫn có thể động đến nhiều người. Mặt khác, tác giả không những "thấy" và "hiểu" con người và việc đương đại, ông/bà còn phải đồng cảm, thấu hiểu, "dính" vào người và việc đang là đối tượng của tác phẩm. Của người ở trong cuộc! Truyện hư cấu hay giả định, độc giả không cần biết bao nhiêu phần trăm sự thật hay hư cấu, họ chỉ cần "theo" văn chương tác giả, "tin" vào kinh nghiệm của tác giả! Mặt khác, truyện dị thường phúng thích và châm biếm chính trị và xã hội, Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt có yếu tố khả dĩ "phiền" chế độ vốn nghi ngờ mọi trào phúng, hí họa ngoài những minh-họa-được-phép.
Điểm-đến của Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt theo chúng tôi là đã gióng lên tiếng nói đích thực của con người hôm nay, cho bây giờ và mai sau, khi còn có thể lên tiếng và sau một thời gian đã không thể lên tiếng. Truyện của Lâm Chương như có sức mạnh giải thoát của tâm thức, tâm thức ông, tâm thức những người cùng cảnh ngộ và "kinh nghiệm" như ông. Thay vì tụng A-di-đà hay lạy-Chúa, Lâm Chương lên tiếng nói của ông qua nghệ thuật viết của con người từng sống trong bùn đen của những cơn kinh hoàng đất nước, của chiến tranh, của trại cải tạo, trở về nhà tù lớn và lạc lõng giữa một nước hợp chủng xa lạ! Tác giả đã xử dụng ngôn ngữ như hệ thống tín hiệu và xử dụng văn chương nghệ thuật như khả năng của cảm xúc. Lâm Chương nhận thức được bi hài kịch của cuộc đời và ông chia xẻ với người đọc, có người cùng hoàn cảnh, tâm cảnh, với một ngôn từ trực tiếp dù phải dùng dụ ngôn, hình ảnh, v.v. Chính cái dị thường đã đưa người đọc tìm lại, nhìn lại, nhận chân những thực tại của dời sống bình thường và của vũ trụ nhân sinh. Trong truyện dị thường, ngôn ngữ thường là một hệ thống tín hiệu cao độ với những ẩn dụ đa nghĩa.
Đọc truyện của Lâm Chương không thể ngừng ở câu chuyện hay khúc ký ức đó. Người đọc phải hiểu cái tiềm ẩn sau những sự việc, hành động dù bình thường đến thế nào, hoặc cái nguyên nhân hoặc hậu quả không thể tả. Khi người đọc như bị bỏ rơi vì chuyện lửng lơ thì biết đâu đó là cái Vô ngôn, cái thông điệp, cái nhắn nhủ. Người đọc Đoạn Đường Hốt-Tất-Liệt bình thường sẽ thương cảm thân phận con người, người Việt Nam một thời, nhưng nếu tâm cảm xâu xa sẽ nhận ra cái tâm của tác giả, ông nói với mọi người mà như đồng thời ông tìm tri kỷ! Những truyện khác của Lâm Chương đăng trên các tạp chí gần đây như Gió Ngược, Những Ngày Mắc Cạn, Cận Kề Biên Giới Tử Sinh, ... cho thấy ông càng đi sâu vào ngõ kiếm tìm này, xét con người vì con người thay vì phân biệt nhị nguyên, bạn và địch!
Truyện dị thường hiện đại trở nên một hiện tượng và là một nghệ thuật thẫm mỹ của phúng thích mơ mộng là chính thể loại tiên báo chủ nghĩa biểu hiện đương đại, một loại thẩm mỹ hiện đại, một nghệ thuật mời gọi tác giả cũng như độc giả cùng sống một kinh nghiệm của quá khứ, một kinh nghiệm ở biên giới của thực và giả, giữa hợp lý và phi lý, giữa bi và hài, giữa xấu và đẹp, giữa sướng khoái và hãi hùng, qua trung gian các nhân vật của tác phẩm. Một sống chung nhiều khi rất căng thẳng hay gây ra những cái hụt hẫng giữa phát và nhận, giữa bày và đón. Vậy là sau 1986, văn chương Việt Nam như cũng góp phần vào việc tra vấn quá khứ để tìm lại năng động đang-tìm-lại của tập thể. Phải chăng đây là nguyên lý "cùng tắc thông!" đã được nói đến trong Đạo đức kinh?
Old Quebec, 12-1-1999
- Nguyễn Minh Nữu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hân, Nhà Thơ Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu thuyết tiên phong Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Linh Mục Thanh Lãng, nhà văn học sử Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Thơ Hà Nguyên Du Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Về Một Cuộc Hội Thảo Văn Học và Báo Chí Miền Nam 1954-1975 Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Văn Chương Có Biên Giới Không? Nguyễn Vy Khanh Tiểu luận
- Đến với Ngất Ngưởng Một Đời Mây của Phạm Hồng Ân Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Túy Hồng Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Cao Thoại Châu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
• Thu Thuyền, Trần Trung Ðạo, Đức Phổ, Phan Xuân Sinh, Lâm Chương (Trần Doãn Nho)
• Lâm Chương Trong Mắt Tôi (Minh Nguyễn)
• Lâm Chương, Bản Tường Trình Của Một Chứng Nhân (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Về Truyện Dị Thường, Nhân Đọc "Đoạn Đường Hốt Tất Liệt" Của Lâm Chương (Nguyễn Vy Khanh)
• Lâm Chương (Học Xá)
Lâm Chương (Luân Hoán)
Lâm Chương, bầm ruột gan không trải được lòng (Du Tử Lê)
Vài cảm nhận về cách viết trong truyện ngắn của nhà văn Lâm Chương (Lương Thư Trung)
Chữ nghĩa bật ra từ những vết sẹo đời (Đoàn Nhã Văn)
• Lên Rừng Thăm Bạn (Lâm Chương)
Thơ Lâm Chương (luanhoan.net)
• Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)
• Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)
• Nguyên Minh, một đời chung thủy với văn chương (Trần Thị Nguyệt Mai)
• Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |