|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
GS. Nguyễn Nam Châu thời trẻ
(20.3.1929 - 28.9.2005)
Giáo sư tên thật là Nguyễn Văn Chiên, tên thánh Gioan Baotixita, sinh ngày 20-3-1929 tại Bình Lục, Hà Nam, Bắc Việt. Ông lên Hà-Nội ở nội trú Tràng Tập Gioan nhưng học tiểu học trường Puginier của các sự huynh dòng La San rồi theo trung học tại tiểu chủng viện Tràng Latinh Thánh Phêrô Hoàng Nguyên ở Hà Đông và hai năm cuối trung học ở Lycée Albert Sarraut (Hà Nội). Hiệp định Genève chia đôi đất nước, chủng sinh giáo phận Hà-Nội được đưa đi di cư vào Nam trên chuyến tàu thủy Anna Salen của Thụy Điển ngày 19-7-1954. Ông làm giáo sư đại học Huế những năm đầu khi Viện mới được thành lập.
Năm 1959, ông được giáo quyền cho đi du học tại Bỉ (Louvain: Tiến sĩ Triết Học, 1969) và Pháp (đạihọc Strasbourg: Tiến sĩ Kinh Tế, 1963; đại học Sorbonne: Tiến sĩ Quốc gia Văn Chương và Nhân Văn, 1973). Ông chuyển hướng ơn gọi làm linh mục, xuất tu và lập gia đình, có hai con. Ông làm giáo sư đại học ở Bỉ (1964-1967), Zaire và Haute Volta ở Phi châu (1967-1986) cũng như làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Châu Phi và tạp chí Cahier Zairois Des Sciences Politiques Sociales, cố vấn cho UNESCO và thủ tướng Bỉ Léo Tindermans (1977-1978).
Với tên thật Nguyễn Văn Chiên, ông đã xuất bản bằng tiếng Pháp các tác phẩm sau: Les problèmes actuels du Vietnam (Bruxelles: Solvay, 1963) - Famille et croyances religieuses au Vietnam (Strasbourg, 1963) - Confucianisme et Evolution en Asie du sud-est (Bruxelles: Solvay, 1965) - La philosophie de la personne et de l'amour (Paris: Temps présent, 1969) - Les politiques d'unité africaine (Thèse - Université de Paris IV; Lille: Université de Lille III, 1974. 401 tr.; Paris: Presses universitaires de France, 1994) - Le Sahara occidental (Club du Tiers Monde, 1986) và Karl Marx (2001).
Ông từng là thành viên nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh thời đầu ở Hà-Nội và với danh hiệu Hoài Chiên, đã sáng tác và hợp soạn với Nguyễn Khắc Xuyên nhiều thánh ca được in trong các tập Cung Thánh của nhạc đoàn.
Ông mất tại Bruxelles nước Bỉ ngày 28-9-2005, hưởng thọ 76 tuổi. Không lâu trước đó, ông đã xuất bản một tập sách nhìn lại chủ nghĩa Marx: Karl Marx, Con Đường Huyễn Hoặc (Orange County CA: Hoàng Nguyên, 2003. 390 tr.).
Văn học miền Nam từ năm 1956 đã đón nhận thêm ảnh-hưởng của các trào lưu văn học Âu Mỹ mới của thời hậu Đệ nhị thế chiến. Các khuynh hướng triết học, văn nghệ và trường phái văn chương này, ban đầu qua các tạp chí như Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại, Đại Học, Bách Khoa, v.v., đã được giới thiệu, áp dụng trong các sáng tác, phê bình văn học và nói chung, cập nhật theo thời đại; một số các nhà văn thơ đã ít nhiều hoặc chạy theo hoặc vô tình nhận ảnh hưởng từ các trào lưu thời đại. Các nhân tố tích cực lúc đầu là các giáo sư đại học và các nhà văn, biên khảo, dịch giả. Riêng Đại Học là tạp-chí của Viện Đại học Huế; bài vở trên tạp-chí này vượt ra ngoài khuôn khổ giáo khoa cổ điển để đưa độc giả (và sinh viên) đến những chân trời mới, khác, hiện-đại hơn, khai mở hơn! Tạp-chí Đại Học ra đời (số 1, tháng 2-1958, chủ-bút Nguyễn Văn Trung, 1958-1962 rồi Trần Văn Toàn, 1962-1964), lúc Viện Đại học Huế đã đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt giảng dạy ở bậc đại học và đã đóng góp lớn cho việc giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học và các ngành nhân văn ở miền Nam, nhờ thể chế tân lập cũng như đã là bằng chứng hùng hồn cho thể-chế “tự-trị đại học”.
Một trong những tên tuổi nổi bật là Nguyễn Nam Châu, bút danh của giáo sư Nguyễn Văn Chiên - cùng với các bút danh khác: Hoài Kim Yến và Hoài Yến, từ năm 1958, đã viết nhiều bài trên tạp chí Đại Học, Văn Hóa Á Châu và là tác giả những cuốn Những Nhà Văn Hóa Mới (tiểu tựa “giới thiệu tư tưởng của Arthur Koestler et al”, 249 tr.) và Sứ Mệnh Văn Nghệ (“bình luận tư tưởng của Thích Ca, Epictète, Epicuro, Benthan, E. Kant...”, 234 tr.) đều do NXB Đại Học ở Huế xuất bản cùng năm 1958.
Trong Sứ Mệnh Văn Nghệ, ông đã nói đến sứ mạng văn nghệ cho thời hiện đại mới và các trào lưu hiện đại. Nội dung tập Sứ Mệnh Văn Nghệ: Phần đầu Khái luận tổng quát, đặt lại vấn-đề văn-nghệ (chủ đích, ảnh hưởng, cái Đẹp, văn-nghệ và vấn-đề siêu hình); Phần hai Ý Lực chi phối văn-nghệ thế giới nói đến Văn nghệ nhân bản, các thuyết Nhân bản Duy tâm, Thiên Chúa giáo, Thiên nhiên thuyết, Duy vật, Thế giới giờ thứ 25; và Kết luận về Niềm tin của người văn-nghệ Tân nhân bản.
Vào thời điểm hậu chiến đó, sau và trước những thảm họa do các lý thuyết không-nhân-bản đã và đang tiếp tục hủy hoại con người – ông nêu đích danh chủ nghĩa Cộng sản và Hiện sinh, tác-giả cho rằng cần phải đặt lại vấn-đề văn-nghệ:
“vì rằng từ trước đến nay, thường thường ai cũng cảm thấy rằng khát vọng thâm sâu nhất của loài người là tìm vươn tới cái Chân Thiện Mỹ. Và một tác-phẩm văn-nghệ xứng đáng phải giúp được con người hiểu biết yêu mến và thực hiện được sự Chân Thiện Mỹ trong cuộc đời của họ.
Nhưng chưa ai giải thích và làm sáng tỏ được vấn đề khó khăn nhất của văn nghệ, chính là định nghĩa và giải thích được cái Chân Thiện Mỹ kia.
Mỗi người văn nghệ chỉ biết sáng tác theo sở thích riêng của mình. Họ không cần tự hỏi xem những điều họ sáng tạo ra kia có hậu quả thế nào. Trong khi đó thì thực sự, dầu muốn, dầu không, mỗi tư tưởng, mỗi cảm tính, mỗi hình ảnh họ đã diễn tả trong văn nghệ phẩm của mình vẫn kích thích rung cảm và tạo nên trong tâm hồn người đời những tư tưởng, tình cảm có liên hệ đến cuộc sống. Và như thế, dù có ý thức hay vô tình họ vẫn gieo ảnh hưởng vào hướng sống của cuộc đời.
Hướng ấy vươn lên trời cao hay sa chìm vực thẳm cũng là do ở trách nhiệm của con người văn nghệ. Nhưng xét cho cùng thì y thực có TRÁCH NHIỆM nào không? Ai có quyền nhân danh một cái gì để đặt cho y một sứ mệnh? Có gì làm tiêu chuẩn để bắt y phải đưa cuộc sống về hướng này mà không được dẫn người đời về hướng khác! Liệu có uy lực nào linh thiêng cao cả để bắt buộc đòi hỏi y phải diễn tả và truyền thông những tư tưởng, tình cảm cao thượng khiến có thể phấn khích con người biết sống cho có phẩm giá của mình không? Hay y chỉ cần sáng tạo ra những tác phẩm thiệt quyến rũ, và y có toàn quyền tự do tung ra những tư tưởng, tình cảm và hình ảnh kích thích cả đến những bản năng hèn hạ của con người, như bọn đầu cơ loại sách bìa đen trên thế giới hiện nay?
Muốn trả lời những câu hỏi đó, trước hết phải trả lời được những vấn đề có liên quan tới thân phận con người, phải đặt được nền tảng vững chắc cho những GIÁ TRỊ mà chúng ta coi là cao cả, đáng tôn thờ, phụng sự, và sau hết có thể đáng cho con người phải hy sinh từ bỏ thân xác mình để cứu vãn những giá trị ấy.
Nếu không, hành động của chúng ta, tựu chung, chỉ là hành động của một bọn hề ngu dại, bỉ ổi, tự lừa dối mình, lường gạt kẻ khác, sống trong mâu thuẫn và ảo tưởng, để sau cùng gục ngã trước bàn tay bạo tàn của bọn đao phủ khát máu giống như Hồ Phong, Đinh Linh, Trần Xi Hà ở Trung Cộng; Khái Hưng, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Văn Cao, Trần Dần, Thụy An, Tử Phác, v.v. ở Việt-Nam hoặc tự kết thúc cuộc đời vô vị của mình bằng cái chết tự sát như Fadéiev, Esséine, Maiakowski, những đứa con cưng của giới văn nghệ Cộng sản Sô-viết, mà lạnh lùng để lại cho đời những dòng thơ khó hiểu:
Câu chuyện đã kết thúc,
Chiếc thuyền tình đã vỡ
Trước cuộc đời
Tôi đã thanh toán với sự sống,
Đừng đếm lại, vô ích
Những đau đớn,
Khốn khổ
Những lời đàm tiếu quanh co.
Hãy ở lại sung sướng.
......
Đừng kể tôi như một kẻ hèn.
Thành thực mà nói: không có gì để nói.
Giã từ
(Trích bài thơ cuối cùng của Maiakowski trước khi tự sát)...” (tr. 13-15).
Và theo ông, các nhà làm văn-nghệ phải có trách nhiệm và họ "phải nhận định và lựa chọn một ý nghĩa hợp lý cho cuộc đời. Ý nghĩa này sẽ là Chân-lý soi sáng cho mọi hành động, tư tưởng và tình cảm của chúng ta” trước khi kết luận: “Sống và truyền thông cho người đời những tư tưởng, tình cảm hợp với chân lý của cuộc sống: đó là Sứ Mệnh mới của con người Văn Nghệ” (tr. 15).
Ông tiếp tục giới thiệu một số tác-giả Âu Mỹ tiêu biểu cho những luồng tư tưởng mới thời hiện đại như Arthur Hoestler, Charles Péguy, Emmanuel Mounier, Gabriel Marcel, Saint-Exupéry, Françoise Sagan, v.v. trong Những Nhà Văn Hóa Mới.
Cùng ý hướng chủ-trì một nền văn nghệ mới đó, trên Tạp chí Văn Hóa Á Châu (năm thứ hai, số 15, 16 và 18, tháng 6, 7 và 9-1959), ông có viết đăng 3 kỳ bài "Lịch sử và ý nghĩa thơ tự do: một tâm trạng của thời đại” nhập cuộc tranh luận sôi nổi lúc ấy về thơ Tự do. Trước quan điểm chính-trị đã nhập vào thơ tự do, nào thơ tự do xa lìa quần chúng, thực tại đất nước, ngoại lai, mất gốc, và trước những quan điểm thi-ca bảo thủ, truyền thống, Nguyễn Nam Châu sau khi xét các trường phái thi ca hiện đại, đã cho rằng thơ phải diễn tả “tâm trạng của thời đại”:
“Như ta đã thấy qua dòng lịch sử, thơ tự do cũng như phong trào Hội họa mới, ban đầu chỉ là một cố gắng giải thoát tâm tư muốn đi tìm kiếm những thi tứ và hình ảnh mới lạ để thay thế vào những tứ thơ mực thước, khuôn khổ đã bắt đầu nghèo nàn. Các thi nhân cũng như người họa-sĩ muốn dùng trí tưởng tượng để đi đến những hình ảnh mới lạ. (...) Nhưng ở đây cũng chỉ là một sự phóng bạt của trí tưởng tượng, không có nguyên tắc nào làm căn bản cho các hình ảnh ảo giác kia. Phải đợi đến sáng kiến của các nhà hội họa, những con người sống trong thế giới màu sắc và hình ảnh, mới có được những nguyên tắc và lý thuyết khá hợp lý cho con đường văn nghệ mới. Như chúng ta đã thấy trong hội họa, các nhà nghệ sĩ cho rằng không những ta có thể vẽ những hình ảnh có thứ tự và mầu sắc theo đúng sự vật trong thực tại mà còn có thể chỉ vẽ những nét chính, những hình ảnh thiết yếu của thực tại, như những nét phác trong bức tranh thủy mạc. Hơn nữa sự lựa chọn cho nét chính thế nào là tùy ý họa sĩ, miễn là khiến cho người thưởng thức có thể dùng trí tưởng tượng hoặc trí hiểu mà đi tới được hình ảnh nhà nghệ sĩ muốn diễn tả ra là được. Sau nữa nghệ sĩ cũng có thể diễn tả những cảm giác và ý nghĩ của mình trong tùy khoảnh khắc nào đó. Vậy hình ảnh và màu sắc không lệ thuộc sự vật khách quan, nhưng lệ thuộc tâm trạng của tác giả: miễn làm sao truyền thông được trạng thái đặc biệt đó trong tâm hồn người thưởng thức (...)
Cái tâm trạng xao xuyến, thắc mắc, chán chường và tuyệt vọng về một thế giới vô nghĩa, rạn vỡ và cô quạnh kia tất nhiên không thể diễn tả bằng lối thơ mực thước khuôn khổ cho đạt hết mọi khía cạnh của nó được. Vậy thiết yếu tâm trạng đó đòi hỏi một lối trình diễn tự do hơn, với một nhịp điệu phù hợp hơn với tâm hồn thi nhân của thời đại...” (Số 18, tr. 35-36, 37).
Nhưng theo ông, lối thơ Tự do cũng phải đáp ứng được một số điều kiện tối thiểu của một bài thơ và phải khác văn xuôi và Thơ xưa ở những đặc điểm sau: 1- Hồn thơ, 2- Nội dung và sự Nhất trí trong nội dung và 3- Nhịp điệu trong thơ; qua thơ Tự do của vài tác giả Âu châu và trở về với thơ Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa.
Ông kết luận: “Thơ Tự do qua dòng lịch sử của nó, là một cố gắng của người thơ muốn tìm cách bộc lộ mọi khía cạnh của con người bằng hết mọi cư năng: trí tuệ, tưởng tượng, tình cảm, cảm giác, trực giác, bản năng v. v... nhờ hết mọi hình ảnh, âm thanh từ ngữ và sự vật của ngoại giới đã cống hiến cho con người. Thơ trở nên linh động, phong phú và sẽ giúp con người khám phá được những địa-giới mới mẻ, u ẩn nhất của cuộc đời”. Và phải đáp ứng được những điều kiện nêu ở trên, nếu không “nó sẽ không còn là thơ nữa mà chỉ là một thứ quái thai nửa thơ, nửa văn, khiến cho người đọc không còn cảm thông được nữa”, vì theo ông, “thơ Tự do vẫn chỉ là một phương tiện xứng hợp cho một số tâm tưởng có giới hạn” tức là vấn đề thị hiếu, và “sự phán đoán tối hậu sẽ thuộc quyền của Lịch sử” (tr. 51, 52).
Cũng trên Văn Hóa Á Châu, với bút hiệu Hoài Kim Yến, ông viết một loạt bài “Hôn nhân qua các nền Văn hoá” từ số 13 đến số 16 (tháng 4 đến 7-1959), bài “Địa vị văn nghệ trong văn hóa và văn minh” (số 5, 8- 1958), “Vụ án nghệ thuật và luân lý” (năm 4, số 3, 2-1961). Ngoài ra, Nguyễn Nam Châu còn viết điểm sách như Siêu Cô Nương của Mặc Đỗ,...
Việc tiếp nhận văn học – triết học nước ngoài ở Miền Nam vào giai đoạn này có đặc điểm tạp chung và tổng hợp (tổng nhập/nguyên hợp/syncretic), khác với tính thống nhất (và toàn trị) của đường lối văn nghệ Cộng-sản. Quả thế, trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, miền Nam đã là sân khấu “hiện-đại” rồi “hậu hiện đại” trên đó diễn ra sự va chạm của nhiều trào lưu triết học và văn học khác nhau, trên đó dịch giả đóng vai chính trong việc giới thiệu cho bạn đọc những thông tin cập nhật nhất về các khuynh hướng văn chương và học thuật từ những chân trời xa xôi của Pháp, của Mỹ, của Đức, của Anh, v.v... Vào giai đoạn đầu, Nguyễn Nam Châu cùng với những giáo sư, học giả, nhà văn Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Trần Thiện Đạo, Hào-Nguyên Nguyễn Hóa, Vũ Đình Lưu, Bùi Hữu Sủng, Đoàn Thêm, Bùi Giáng, v.v., đã giới thiệu khá sớm cho người đọc miền Nam các trào lưu tư tưởng và văn học đang thịnh hành thời đó ở các nước phương Tây như chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, tiểu thuyết phi lý, tiểu thuyết mới, v.v... cũng như các tác giả nổi tiếng mà ngày nay chúng ta đều biết và tham khảo: Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus, Martin Heiddeger, E. Husserl, S. Kierkegaard, A. Robbet-Grillet, N. Sarraute, v.v... Tiếc là sau đó, giáo sư Nguyễn Nam Châu đã theo con đường giáo dục đại học và sinh sống ở xứ người.
Năm 2001, giáo sư đã xuất bản bằng tiếng Pháp cuốn nhận định Karl Marx và sau đó, tác phẩm cuối đời bằng tiếng Việt: Karl Marx, Con Đường Huyễn Hoặc. Ông đã chứng minh con đường "huyễn hoặc” của chủ nghĩa Karl Marx ngay từ lý thuyết ban đầu cho đến thực-hành và thực-hiện. Chủ nghĩa Marx đã khởi đi từ những chắp vá, lý thuyết nửa vời - Darwin, Lamarck, Fichte, cần đến Engels, trong khi Marx không kinh nghiệm xã hội và kinh tế. Marx phê phán tôn giáo làm tha-hóa con người và cấu trúc xã hội:
"Các nhà triết học hiện đại, cũng như các hiền triết ngày xưa và các nhà khoa học ngày nay, nếu họ từ chối quan niệm về một Thiên Chúa có bản tính nhân loại, một Thiên chúa cai trị vũ trụ như một vị Hoàng đế, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ, v.v... nhưng họ đều công nhận rằng tinh thần nhân loại phải bắt nguồn từ một Tinh thần siêu việt. Những người hoài nghi nhất cũng quan niệm rằng vũ trụ được hướng dẫn bởi một nguyên nhân (cause première) hay một nguyên lý tổng quát (principe général). Platon gọi nguyên lý đó là Ý tưởng tuyệt đối. Hegel, là Tinh thần tuyệt đối. Sartre, Heidegger, là Hiện thể tuyệt đối (Être). Mà bởi vì Nguyên lý đó, đối với tinh thần hữu hạn của nhân loại, không thể nào thấu triệt được, cho nên tác giả "Sein und Ziet" (Hiện thể và Thời gian) gọi Ngài là Đấng không thể gọi tên (L'Innommé) và định nghĩa “Hiện thể là đấng Siêu Việt” (L'Être est le transcendant pur et simple)" (tr. 204).
Và đến Karl Marx, người đã từ chối quan niệm trừu tượng về một Đấng Tạo Hóa và đưa ra học thuyết tôn giáo không thần thánh, nhằm giải phóng con người. Giáo sư khẳng định lý thuyết về kinh tế và đấu tranh giai cấp của Marx là phản khoa học và đi ngược lại trào lưu lịch sử. Lênin thành công ở Nga, một thành công mua bằng bạo tàn, sắt máu. Giai cấp vô sản quyết định sự thành công của chuyên chế vô sản và Đảng CS là trên hết. Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot, v.v... sẽ tiếp nối bành trướng chủ nghĩa bạo tàn Cộng sản, đưa đến những phản ứng quyết liệt từ các nhà chính trị, các nhà văn, các nhà lập thuyết ly khai ngay từ trong lòng chế độ Cộng sản, những Arthur Koestler, tổng thống Goetbachev,... Arthur Koestler đã cho biết:
“Mọi nguyên tắc của chúng ta đều tốt đẹp. Vậy mà các kết quả đều xấu xa. Chúng ta đã bắt mạch căn bệnh và nguồn gốc của nó một cách chính xác như kính hiển vi. Vậy mà khi đưa lưỡi dao vào mổ xẻ, thì một ung nhọt khác lại xuất hiện. Ý chí của chúng ta trong sạch và bền bỉ. Đáng lẽ chúng ta phải được nhân dân yêu mến. Vậy mà nhân dân lại thù ghét chúng ta. Tại sao chúng ta lại xấu xa và đáng ghét đến thế? Chúng ta đã mang lại chân lý. Nhưng trong miệng chúng ta, chân lý có bộ mặt dối trá. Chúng ta đã mang lại tự do. Nhưng trong tay chúng ta, tự do trở thành đòn vọt. Chúng ta đã mang lại sự sống thực thụ. Vậy mà ở đâu chúng ta lên tiếng, thì cây cối khô trồi, lá cây tan tác. Chúng ta đã mang lại lời hứa hẹn của tương lai. Nhưng miệng lưỡi chúng ta bập bẹ, ấp úng....” (tr. 323).
Ông trích bài văn châm biếm “xã hội Cộng sản lộn ngược” nổi tiếng của Leszek Kolakowski thành viên trí thức Ba-Lan từ năm 1956, khi những người cộng sản Hung Gia Lợi vùng lên chống chế độ bạo tàn Budapest:
“Chúng tôi sẽ nói với các anh về chủ nghĩa xã hội. Nhưng trước hết, chúng ta phải nói thế nào là không phải là chủ nghĩa xã hội. Đó là một vấn đề mà ngày xưa chúng ta có một ý tưởng khác với ngày nay. Nghe đây, chủ nghĩa xã hội không phải là:
Một chủ nghĩa trong đó con người không phạm tội ác, nhưng lại ngồi đợi công an tới bắt.
Một xã hội, trong đó con người bị tố cáo là phạm tội ác, chỉ vì sinh ra là anh, là em gái, là con hay là vợ của một tội nhân.
Một xã hội trong đó, một người bị đau khổ chỉ vì nói ra điều mình suy nghĩ, và một người khác lại sung sướng, chỉ vì đã không nói ra điều mình suy tư.
Một xã hội trong đó con người sung sướng hơn bởi vì không suy nghĩ gì hết.
Một Đất nước trong đó kẻ nào ca tụng các lãnh tụ thì được sống sung túc hơn.
Một Đất nước trong đó con người có thể bị kết tội, không xét xử.
Một xã hội mà các lãnh tụ tự tuyên xưng địa vị.
Một xã hội, trong đó mười người sống chung trong một căn phòng.
Một đất nước mà số công chức tăng lẹ hơn số người lao động.
Một đất nước mà trong đó các luật sư bao giờ cũng đồng ý với các quan viện lý.
Một đất nước trong đó phần đông nhân dân phải đi tìm Thượng Đế để yên ủi cho sự khổ cực.
Một Nhà nước thường phân phát phần thưởng cho các tác giả mạo danh, và tự coi mình hiểu về hội họa hơn cả các họa sĩ.
Một dân tộc đàn áp các dân tộc khác.
Một dân tộc bị dân tộc khác đàn áp.
Một Nhà nước muốn rằng mọi công dân đều phải có một ý kiến duy nhất về triết học, về ngoại giao, về kinh tế, văn nghệ và luân lý...
Một nhà nước trong đó người ta phải chịu trách nhiệm về tổ tiên mình,
Một nhà nước trong đó một phần nhân dân này được lãnh lương bổng cao hơn 40 lần các phần nhân dân khác...
Một Nhà nước không muốn cho người công dân đọc nhiều báo chí.
Một nhà nước có quá nhiều bác học.
Đó là phần thứ nhất. Bây giờ, coi chừng, chúng tôi sẽ nói với các bạn về chủ nghĩa xã hội.
A, phải rồi: chủ nghĩa xã hội là một sự rất tốt” (tr. 337-340).
Vì quá “tốt” nên đã khiến Mikhail Gorbatchev, lãnh tụ cuối cùng của “đế quốc đỏ” có lúc phải nhận ra đâu là Chân lý và "chỉnh đốn Đảng” - từ bỏ hẳn chế độ chuyển quyền Mác-Lê và quay về quan niệm dân chủ đích thực và phổ quát:
"Tôi ước mong nhìn thấy một xã hội những con người tự do, một xã hội xây dựng bởi những con người lao động và được xây dựng cho họ, một xã hội xây dựng trên các nguyên tắc nhân đạo, dân chủ và công bằng xã hội...
Tôi ước mong nhìn thấy một xã hội bảo đảm chủ quyền nhân dân và mọi quyền hạn khác của con người, một xã hội chứa đựng mọi vốn liếng về dân chủ của nhân lọai...
Điều tôi vừa trình bày chứa đựng một phần lớn về câu trả lời của tôi về thái độ đối với chủ nghĩa xã hội. Chính vì đã sống một kinh nghiệm cay đắng mà tôi đã hoàn toàn tin chắc vào sự vô nhân đạo và thiếu tương lai của mô hình “chủ nghĩa xã hội” mà Staline (và Mác-Lê) đã ép buộc, cái mô hình không chút nào liên quan đến chủ nghĩa xã hội thực thụ” (tr. 348, 349).
Trong “Lời kết luận”, ông kết luận tổng quát: “Chủ nghĩa Cộng-sản không thể nào thực hiện được, dù người ta muốn sửa đổi, chỉnh đốn, bổ túc hay xoay sở làm sao đi nữa, bởi vì lý thuyết Mác-xít đã sai lầm từ căn bản tri-hệ-thức của nó. Sai lầm trên mọi phương diện triết học, nhân sinh, xã hội, kinh tế và văn hóa...” và ông “ước mong rằng một ngày không xa, chế độ Cộng sản sẽ hoàn toàn tan rã trên toàn thế giới” (tr. 351, 365).
Ngay ở đầu sách, ông ghi lại lời của nhà thơ người Nga Alexandre Pouckine:
“Nào có ích chi
Sự tự do của bầy súc vật?
Số phận của chúng, qua ngày đoạn tháng,
Chỉ là: một ách, một chuồng, một roi vọt”.
Như nhắc nhở, chứng minh tiền đề chính ông đã đưa ra khi đặt lại vấn đề văn nghệ hơn 44 năm trước đây: “Những người Cộng-sản duy-vật các anh thì lại muốn tự lừa dối mình bằng một sự thực mâu thuẫn: Một đàng các anh bảo thân phận con người không khác thân phận con vật vì là con cháu của loài vật - Đàng khác, các anh lại không muốn cho nó sống kiếp thú vật của nó. Các anh bắt nó phải sống bằng những danh từ trống rỗng. Thành thử các anh đã tốn công một cách vô ích...” (Sứ Mệnh Văn Nghệ, tr. 11).
Nguyễn Nam Châu đã dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để phê phán tư tưởng, lý thuyết của Marx và Engels, đưa ra ánh sáng những định đề và hứa hẹn dối trá của những người Cộng sản khắp nơi, qua đó độc giả cũng có thể hiểu được tấm lòng của ông đối với quê hương, đất nước. Nếu vào cuối thập niên 1950, các bài viết, nhận định của ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sinh viên, nhà văn, độc giả với những quan niệm và ngôn ngữ hiện đại, hiện sinh, ... thì đến cuối đời, chính chủ nghĩa Cộng sản đã làm ông trăn trở, lo toan cho đất nước và những thế hệ hiện nay và sau này ở Việt Nam.
- Nguyễn Minh Nữu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hân, Nhà Thơ Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu thuyết tiên phong Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Linh Mục Thanh Lãng, nhà văn học sử Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Thơ Hà Nguyên Du Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Về Một Cuộc Hội Thảo Văn Học và Báo Chí Miền Nam 1954-1975 Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Văn Chương Có Biên Giới Không? Nguyễn Vy Khanh Tiểu luận
- Đến với Ngất Ngưởng Một Đời Mây của Phạm Hồng Ân Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Túy Hồng Nguyễn Vy Khanh Nhận định
- Cao Thoại Châu Nguyễn Vy Khanh Nhận định
• Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc (Vương Trùng Dương)
• Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ” (Phan Tấn Hải)
• Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến (Nguyễn Văn Tuấn)
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Đỗ Anh Hoa)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |