07-11-2012 | VĂN HỌC
Ghi (1954 - 1960)
TRẦN DẦN
Thành công lớn nhất của guồng máy là đã đánh vào những yếu tố thiêng liêng nhất của
con người: đánh vào tình bạn, tình người, đánh tan tác hết.
Những người nhân văn không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều
rời rã, đều muốn hàng. Nhiều người đã đầu hàng, trong đó có Trần Dần. Họ muốn được
lãnh đạo thương xót, họ muốn được lãnh đạo đoái hoài. Họ đã xuống đến đáy vực, họ chịu
hết nổi. Họ sẵn sàng "chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa" nhưng người ta vẫn lạnh lùng
quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Phận người nhân văn<
bị sa lầy, lún xuống, trong thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như đã chết.
(Thụy Khuê, NVGP&vđNAQ)
16-4-1958
[...]
LđCao và tình hình
Ban tối Lý Đăng Cao đến chơi, với một người nữa không giới
thiệu tên, chỉ bảo là: "bạn"!
Vợ tôi sửa soạn đi Nam Định, đi đòi nợ lũ em gái, lấy dăm vạn
tiêu xài. LđCao có vẻ nghi, nói xa nói xôi rằng: không nên đi
lại "khác quy luật", rằng bây giờ công an người ta phải theo dõi, v.v...
Tôi cười xoà. Một kẻ như tôi thì nhất cử nhất động, người ta
đều có quyền đặt vấn đề cả. Tất nhiên.
Người bạn LđCao còn khuyên tôi nên giữ gìn. Vì địch nó còn
đang tung tin hoang mang ghê lắm: bắt người này, người kia tự
vẫn v.v... và có thể nó thủ tiêu tôi đi, hoặc khiêu khích quần
chúng đánh tôi, hòng để bôi xấu chế độ ta.
Tôi nghe làm phải. Đó cũng là cái ý đã có lúc đến trong đầu óc tôi.
Hiện nay, Nguyễn hữu Đang, Thụy An, Minh Đức đã bị bắt,
chẳng bao lâu sẽ ra toà. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân
Văn, một chiến dịch cần thiết, (mà trước kia tôi lại cho là một
sự bơm phồng chế tạo !) - Bộ 6 Giai phẩm mùa xuân 1 đã buông
tha nhau ra. Bọn NVGPhẩm cũng ôrơvoa nhau hết. Sỹ Ngọc
(theo lời Văn Giáo) đóng kín cửa, miễn tiếp khách!
Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (phải
nói là một thứ tự giác kết quả của áp lực khách quan?) nên về
mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc
viết lách! Có cái thú là: đình bản những idées noires, đình bản
luồng cảm nghĩ bi thảm cũ! Tự dưng, tôi cảm thấy có cái gì đã
nới ra quanh tôi: đất đai cho tôi sống nó rộng thêm nhiều , rất
nhiều! Vòng vây do tôi tự tạo nó ra, nay hầu như đã giải toả đi,
còn lại ít nhiều cũng chỉ là trong phạm vi sự cảnh giác cách
mạng cần thiết mà thôi.
Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo, để hỏi những việc cần
phải làm không? Đi thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà,
tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm hơn gấp bội: Người ta dễ
hiểu những biểu hiện tích cực, hơn là những biểu hiện ngấm
ngầm, tiêu cực.
19-4
Tình hình
Lớp học đảng viên trước Tết, lớp 304 cán bộ văn nghệ văn hoá,
nghiên cứu 2 văn kiện đã bế mạc rồi. Đó là 2 lớp đấu tranh tư tưởng.
Hiện nay cuộc đấu tranh đang chuyển sang một bước cao hơn:
đấu tranh chính trị. Bọn Đang - Minh Đức - Thụy An, thân thì
bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn
chúng trong các vụ phá hoại 3 năm qua đang được vạch trần,
mà mới chỉ vạch về mặt hành động, còn mặt bùa mê tư tưởng
thì chưa vạch.
PhKhôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo, tức là trốn
cuộc đấu tranh, chỉ đọc các truyện và sách vớ vẩn giải trí.
TTửu, TđThảo làm gì?
Còn bọn loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì?
TD, HC, LĐ đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan (lớp học 10
ngày) cùng với những QDũng, TrlVăn, ThChâu, HPhương,
YLan, NgthLong v.v... Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác
hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ
như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình, cứ như ly dị một người
yêu. LĐạt được mình nhắc cái "Cha tôi" (mon père) thì cười,
và rồi cũng đành hạ bút mà hạ thủ nó cho rồi. Bản thân tôi mới
tiếc cái "Việt Bắc" 2 làm sao chứ!
QDũng thì thú thực là: ở lớp học nói chữ phản động không sao,
bây giờ đặt cho mình chữ ấy, nó cứ thế nào ấy? Anh ta kéu:
trưa nay vợ cãi nhau với một anh hàng xóm về chuyện cống
rãnh vớ vẩn, mà anh kia thì hoàn toàn là trái rồi, thế mà
QDũng không dám nói gì. Hì! Vì cái thằng cha ấy nó chả xem
báo nhiều, lỡ ra cãi nhau với nó, nó lại chửi móc phản động
này nọ thì khổ! Lát sau QDũng lại kể chuyện ấy một lần nữa,
và nói thêm: nếu nó làm quá mình sẽ đưa ra công an.
NgthLong thì cứ thắc mắc về những hiện tượng phát hiện sai,
như cái bếp điện Thụy An cho, như chuyện LĐ, TDần đi lại tụ
tập ở nhà anh ta! v.v... Làm gì có?
Không hiểu VCao, ĐđHưng, TPhác nay ra sao? Đôi lúc qua
nhà VCao nghe thấy tiếng đàn, chắc anh bạn buồn lắm đấy. Vì
anh mất cái vương quốc rộn rịp của anh rồi! Anh như người còn
lại một mình trên một căn nhà cháy, ôm lấy một cái cột than,
trong khi mọi người đã đi hết cả rồi! Khổ thân anh chăng!
LĐạt nhìn xa
Chết vẫn chưa chừa cái lối lý luận suy diễn vớ vẩn, LĐ nói:
"Trước kia giáo điều chả là một sự cản trở, người ta chống lại,
quá đi thành ra xét lại! Bây giờ đánh xét lại là đúng rồi, nhưng
nhất định chủ nghĩa giáo điều sẽ nhân cơ hội này mà ngốc dậy.
Contrepoids mà! Sẽ giáo điều một thời kỳ lâu. Cho đến khi chủ
nghĩa xét lại đã thành một vấn đề lịch sử thì người ta lại sẽ thấy
chủ nghĩa giáo điều là một cản trở cần phải chống nó! Đúng
như thế đấy!"
Dạo này anh chàng "nhũn" tợn! Anh ta cứ bầu mình lên làm
"ông anh tư tưởng" của anh ta! Có bao giờ anh ta chịu cái nước
đàn em một cách thực sự như bây giờ đâu?
PhQquán kể:
Hóm bế mạc lớp học, các tổ trưởng họp bàn xem nên cho ai
phát biểu. Rất là gay.
Có người nêu: không nên cho Nhân Văn nói ! Xong bàn đi bàn
lại, thấy rằng lớp học là lớp học chung cả, thì nên để cho họ
phát biểu, mới là có kết quả chứ.
Nhưng rồi lại bàn: chọn ai? Bàn mãi, rồi quyết định là chọn: 1.
TDần (vì đầu sỏ loại B), 2. PhQuán (vì là một anh bị ảnh hưởng).
Nhưng rồi lại sợ nó nói bố láo câu gì, cuối lớp rồi, thì phiền.
Xong bàn là: cho nó viết ra, thông qua trước xem có được
không hãy.
Nhưng rồi lại sợ nó lên nó nói mồm thêm ra ngoài cái đã viết.
Xong bàn là: gài người bên cạnh, gài người thật cứng, để lỡ ra
nó có nói gì láo thì còn đập lại được!
Nhưng rồi TD, PhQ phát biểu, cũng đường được cả thôi.
Kể ra thì khách quan cũng có cái quyền cảnh giác như thế, vì
chủ quan tôi và bè lũ, mấy năm qua đã tỏ ra là một lũ người bất
trắc, không thể nào có thể dễ tin ngay được!
22-4
Dọn nhà
Liên Hiệp Hội dọn sang 51 Trần Hưng Đạo, ở kề với Hội Nhà
Văn: giải quyết vậy có lợi cho sự đoàn kết và sự chặt chẽ của
lãnh đao.
Chỉ phải cái là hơi chật, dù rằng bộ phận xuất bản HNVĂN dọn
sang 10 Nguyễn Thượng Hiền.
Bầy đoàn thê tử lếch thếch đi. Bà Giáo thì đi đẻ, ai dọn hộ
buồng? Còn Quang thì đã bị toà án bắt từ một tháng nay, vì cái
tội làm loạn đạo đức cơ quan lên, ngót nửa năm nay.
Lần này, PhKhôi không còn chây bướng được nữa, phải bỏ cái
buồng ở Hội Nhà Văn, di sang Nguyễn Thượng Hiền, dịp này
chắc lão ta lại tức cảnh nên vài câu thơ ai oán!
26-4
Tôi quan liêu
Tôi vẫn thường tự coi là một người đứng ở mũi nhọn chống
quan liêu, song đối phe cánh tôi, tôi đã quan liêu hết chỗ nói,
dù rằng quan liêu này có nghĩa khác.
Rất nhiều việc tôi không biết. Chân tướng từng người chẳng rõ,
cũng như không rõ những việc họ đã làm.
Lê đại Thanh
Một anh rề rà, háo danh và dâm dục đến bỉ ổi.
Anh ta vốn bất tài, năm chục tuổi đầu chưa có chỗ ngồi trong
văn nghệ, không biết oán ai, bèn oán lãnh đạo. Đi với Nhân
Văn thì cũng bị khinh, nhưng cứ đi, làm một tên chạy cờ. Còn
kiếm chác được tí tỉnh. Anh ta đem cái "oai" ấy về Hải Phòng,
hòng kiếm, ăn nói, lên mặt. Đúng là một tên tướng tầu chạy hiệu.
[...]
Xun xoe.
Kiếm chác.
Người tuyên truyền độc nhất cho LđThanh là: chính
LđThanh! Mà lại tuyên truyền một cách rẻ tiền, cố đấm, giả
dụ: "Mình ở Ban NCST", - "Ban NCST là Ban quan trọng nhấi
của HNV, mọi việc từ đó mà ra cả!"
Lâu lâu, anh ta sợ người ta quên mình đi, thì anh ta lại vẽ vời ra
một công tác nào đó, vụn vặt mà anh biết rằng không ai thèm
làm, người ta sẵn sàng bố thí cho anh, để anh dựa vào đó mà
kiếm chác chút đỉnh. Giả dụ anh đề ra: "Chúng ta còn ít chú ý
cải lương quá! Anh em cải lương người ta thắc mắc." Thế là
người ta cho anh đi làm (...) cải lương! Một dịp để cho anh lăn
vào cái giới đó, huyênh hoang. [...]
Buổi kỷ niệm Nguyễn Du, anh ta tranh lấy cái việc đọc bài
Văn tế thập loại chúng sinh, cái giọng thầy cúng hạng bét của
tướng tầu LđThanh là một sự thất bại thảm hại, song không
sao, miễn là có chấm mút!
Bản "thú tội" của LđThanh quanh co, chỉ nói có háo danh và
hủ hoá (mà nói cũng qua loa bề ngoài), còn tư tưởng chính trị,
quan điểm nghệ thuật thì giấu quách đi cả!
Thanh Châu
Một nhà văn già tuổi, không già tài và bất mãn. Anh ta luôn
thèm thuồng ti tiện, thèm ăn, thèm uống, thèm danh vị. Một
tuần lễ mà anh không được ai mời đi ăn, có tí thịt vào mồm, thì
tuần ấy vợ con mất nhờ!
Lúc nào anh ta cũng bám lấy việc "viết đã hơn 20 năm nay!"
Lên xuống cái cầu thang gác, cũng là "lên xuống đã hơn 20
năm nay!". Một con người tự huyễn hoặc một cách kỳ dị.
"Mình viết ngày xưa kém gì Nguyễn Tuân!". Lại so đọ với
NgTuân cơ chứ! Ếch so với bò! Anh đã đổ cho Đảng rằng
Đảng đã bạc đãi sự bất tài của anh, không cho sự bất tài của
anh được nẩy nở! Anh ta đổ cho vợ, làm như rằng vợ anh là
người đã làm cho anh trở nên một kẻ bất tài! Anh ta lại đổ cho
cả "bọn trẻ" nữa, khổ chưa, làm như rằng cuộc đời tiến lên nó
là nguyên nhân của sự trì trệ của anh.
Một người như thế là người có thể "mua đi, bán lại" được,
chẳng khó khăn gì.
Nên Thụy An nó đã mua được anh, chẳng tốn kém gì, bằng
một cái giá hết sức rẻ mạt.
Người ta thấy anh chàng luôn luôn có mặt tại nhà Thụy An,
chầu chực đó, đợi những miếng quà tấm bánh, mẹt bún sườn
ban sáng, hoặc cốc cà phê, điếu thuốc lá... Cái lối che tàn của
văn nghệ sĩ xửa xưa. [...]
KLân gọi anh là "người kiếm chác la liếm", đúng! Anh ta
chẳng biết chê cái gì hết, đến nước anh đã quên cả cái tư cách,
sự biết xấu hổ của một con người tầm thường, dù rằng anh còn
cố đậy điệm cho nó bằng một lượt vải the tồi tàn và rách hở.
TrlêVăn
Một người có mặt ở tất cả mọi tổ chức chống đối (Nhân Văn,
Giai Phẩm, Đất Mới, Sách Tết, Chủ Nhật Vui, Nhóm Thơ
Đường...) mà bộ diện vẫn có vẻ "ôn hoà"!
Một người mà bọn phá hoại mỗi ngày một tín nhiệm thêm lên;
đồng thời địa vị anh trong tổ chức cách mạng HNVăn cũng mỗi
ngày mỗi được tín nhiệm.
Chất anh là chất đồ nho... Sự chống đối nó bền, nó dai, nó lại
được đậy điệm dưới một cái hình thức nhu mì hoà nhã.
Trước kia, trong cái nhóm 5 người TrlêVăn, QDũng, Thanh
Châu, Hữu Loan, Lê đại Thanh, tôi với LĐạt vẫn thường khen
TrlêVăn là "tiến bộ nhất", chính vì chất hiểm đó của anh.
NhĐang, PhKhôi, TđThảo... đều "apprécier" anh... Tại sao
TđThảo hay lui tới TrlêVăn? - Chính vì hắn ngửi thấy ở anh
cái chất ấy, hắn tin anh, mà đồng thời đối cách mạng, anh chưa
bị lộ mặt như bọn tôi!
Chất chống đối của anh, nó ngoan cố, với mầu sắc phong kiến:
cái tiết tháo phản động của một anh đồ nho chống cách mạng!
Ví dụ hồi "giải toả", tôi có nói với anh: "có thể ta nên tự phê
bình công khai, chưa biết chừng!" Anh ta cười: "Anh khuyên
gì? Khuyên người ta đầu hàng!"
Quê Tú Xương. Yêu Tự Lực Văn Đoàn. Kháng Chiến vớ vẩn
chạy quanh các cơ quan, coi Kháng Chiến là một sự "nhiễu
nhương", "loạn lạc"! LêđThanh đi với bộ đội, xộc xệch, gặp
TrlêVăn, Văn tặng ngay hai câu thơ:
Dưới chân anh thắt đôi giây rút
Trên cổ anh đeo một chiếc quần!
TrlêVăn với nhóm 5 người của anh có cái lối "Nhân Văn
mồm". Tức là ngồi và kể, xuất bản bằng mồm, giả dụ kể
chuyện: có một anh vì nghèo quá, đầu mới đội mũ nan vành to.
Quần thì tiết kiệm, cắt ngắn và hẹp như ống túp. Thế là anh ta
bị coi oan là một cao bồi!
Rồi thì khúc khích cười với nhau.
Về nhân, gần như Thanh Châu.
Quang Dũng
Trước là một người trong Việt Nam Quang Phục Hội, năm 44
bị lộ, trốn sang Vân Nam, công tác ở các trạm biên giới.
Nửa năm chơi với Nguyễn Tường Tam. Ngay cái tên Quang
Dũng cũng tỏ rõ cái ảnh hưởng đó.
Anh sống với hiện tại cách mạng lạc lõng, bơ vơ, đầu quay về
cái cũ, nhớ thương, nuối tiếc đến hằn học với cách mạng.
Hay đi tìm những cảnh tịch mịch ngồi hoài cổ. Thương xót
nước Việt Nam cũ "hiền lành", "êm ả", thương tiếc quê hương
nặng "thuần phong mỹ tục" trước, mà anh cho rằng CCRĐ và
cách mạng đã cướp mất của anh rồi! Anh chán cái thời thế
nhiều "biến thiên", lộn đảo tất cả như nay! Thơ ca anh toàn là
những cái gì xót xa, hẻo lánh, suy sụp, "quán nước bên đương",
"cô hàng xén", Anh là tiếng than của sự tàn lụi, giọt lệ của quá
khứ, tiếng khóc của những chế độ đã qua; anh là một tiếng thở
dài, lúc nào cũng ngồi lù lù bên cuộc đời cách mạng.
Bản chất phản cách mạng như thế khác lối trotskiste hùng hổ.
Trotskiste khoác áo cách mạnh để phản cách mạng, còn lừa bịp
được một số trí thức, văn nghệ sĩ, đó là lối phản cách mạng
"hợp thời trang" nhất? Còn lối phản cách mạng của QDũng là
một lối quá lỗi thời, tự nó có một cái chất thất vọng, tuyệt vọng,
ai oán, mà QDũng lại tự dối mình là "tính tôi tiêu cực,... do
dự..." Anh ta sống quá cách biệt với xã hội cách mạng, lúc nào
cũng hoảng hốt, lo sợ. Anh ta sợ công an đến thành panique,
cho con quét đường từ nhà, ở đầu phố Lý Thường Kiệt, quét
đến tận toà án, cốt chỉ để lấy lòng công an!
Sự tấn công mạnh mẽ nhất của QDũng vào cách mạng là: than
vãn, u hoài, và ba lơn.
"Xiếc khỉ" là cả một sự thảm thương ngậm ngùi cho thân thế
mình. Cái vai con khỉ kia, là kết thúc của cái kiếp con người!
Nó còn bệ rạc hơn cái "Tây Tiến" người đi không mọc tóc, khí
thế đoàn quân giống như một lũ chinh phu Quốc Dân Đảng!
Anh ta còn dự viết những "con chó có nghĩa của người ăn mày
thời xưa", hay "cảnh đêm ở nhà ga, có một số những người bán
lạc rang với tẩm quất ế, gặp nhau"!
Chơi với TrlêVăn, đêm khuya, hai anh cứ đi xe mãi, tiễn Văn
tận nhà, xong Văn lại tiễn Dũng lộn về nhà Dũng, rồi Dũng lại
tiễn Văn lộn lại..., cứ vậy mãi không dứt ra được, một cái thứ
tình bạn và hai cuộc đời chán mửa ra không có lối thoát!
Anh vác chai đi mua nước mắm, vác củi cho vợ, trông khổ sở,
"bêu rếu" chính phủ làm sao ấy.
Một buổi chiều, đứng ở gác HNVăn nhìn ra trời gió mà nói:
Napoléon ở đảo St. Hélène. (Kháng Chiến trước anh có vẽ: Từ
Hải chết đứng!) (Quốc Dân Đảng = Quang Dũng đây - NhĐng -)
Tôi có cảm giác, chính Quang Dũng là hiện thân "Tiếng sáo
tiền kiếp" 3, ai oán và bám riết mãi lấy cuộc đời cách mạng hiện nay!
29-4
Phùng Cung
- Nhục lắm. Mẹ nó. Mình xin về nhà có được không nhỉ? Mẹ
nó. Có những thằng nó không bằng một thằng đồ gàn phong
kiến nữa! PhKhôi chẳng hạn. Hắn cho vợ hắn gặp tôi, nhắn
rằng: "Tôi đã nói gì với anh, anh cứ tố ra hết đi. Vì tôi thì già
rồi, mà anh thì còn trẻ!" Mẹ nó, nhục quá. Anh bảo nên thế
nào? Có nên xin ra biên chế không?
Tôi nhìn PhCung, ái ngại cho anh quá. Đâu như trong khi học
tập, anh ta "hỗn" quá, bị đuổi khỏi lớp làm sao ấy ... Tôi khuyên
anh, rằng nên đầu hàng đi; rằng chỉ có một con đường, "họ" là
chân lý, mình đầu hàng, là phải; rằng không nên xin ra biên
chế, lúc này việc ấy có thể là một sự tiến công của tư tưởng thù
địch; rằng không nên coi là nhục, oan ức gì nữa, mà cứ nghĩ lại
xem tổng cộng cái bồ chữ mình đã chửi vào lãnh đạo nó to như
thế nào, còn oan và nhục gì nữa?
PhCung xem ý không thông gì lắm. Tôi thấy khổ! Một con
người có cái gan "tử vì đạo" là PhCung, than ôi, cái đạoanh
định chết vì nó chính là cái đạo phản cách mạng, sao mà anh
chưa tỉnh ngộ ra hử anh?
VCao
Ít ngày trước qua nhà Vcao, dưới thấy vắng xe đạp, trên gác
thì buông ra những nốt đàn, nó lơi bơi và lăn lóc lỏng chỏng
trong bầu không, tôi tự dưng cứ nghĩ đến một cái miếu hoang,
nghĩ đến nét mặt rầu rĩ của người nghệ sĩ "tiên chỉ" đó. Và nghĩ
đến cái đại dươg cầm VCao đã tụ hào tuyên bố rằng: nó sẽ là
một vật quý viện bảo tàng, vì có bàn tay VCao đã đặt trên
clavier đó!
Cách đây vài ngày, ở cơ quan về, buổi sáng, tôi thấy nhà VCao
mở rộng cửa, có một cái thang bắc từ gác anh xuống dưới đất,
bên hè có một cái xe bò to nằm chờ, nhìn lên trên, thấy mấy
người ra vào cầm dây, xem hướng, chỉ chỉ, bàn tán nhau: họ
đang tính cách giòng cái đại dương cầm xuống, chở đi!...
Chắc không phải là chở đi để đặt vào viện bảo tàng.
NhĐang kêu oan
Lê Đạt kể. Đạt gặp công an, về việc phát hiện thêm về Đang
và Thụy An. Đồng chí công an cho biết: ThAn hắn đã nhận là
haute police của địch.
Còn Đang thì hắn cũng nhận là hắn có âm mưu lật đổ Trung
Ương, bằng phương pháp hoà bình. Về vấn đề tổ chức đảng
phái chính trị, hắn khai là chưa có.
Xong hắn lại kêu oan! Rằng: báo chí cứ bảo hắn là đầu sỏ, oan
hắn quá; sự thực, đầu sỏ là bộ ba Đang, Đạt, Cầm, chứ không
riêng gì hắn! Về nội dung số 6 4, hắn khai có bàn với Đạt và
Cầm. Hắn còn khai có bàn với Đạt và Cầm sẽ ra những số đặc
biệt về CCRĐ, về công thương nữa.
Theo Đạt nói thì: HCầm cũng biết nội dung số 6 thật, chỉ có cái
là bây giờ cu cậu chối! Còn những số đặc biệt về CCRĐ, công
thương, thì Đang hắn chưa hề bàn với ai sốt!
2-5
Hoàng tố Nguvên
Bố lái xe cho nhà Gannay, giám đốc nhà băng Đông Dương.
Gannay là người Do Thái, từ thư ký quèn mà leo đến chức
giám đốc. Hắn già rồi mà không vợ không con, thường có tật
kê gian. Hắn hay có lối "bố thí", người nghèo đợi hắn ở cửa
thà băng, nộp đơn xin, có người được hắn cho hàng 100$, 200$
về làm ma. Hoặc gặp người tàn tật đi ăn xin, hắn gọi vào hỏi
1 lan và cho công việc, tỷ như xén cây hay quét vườn trong nhà
han, dĩ nhiên là tiền công rất rẻ, mà người kia không hề dám
bao giờ mở mồm nài xin, vì cái lẽ đã hàm ơn hắn!
HtNguyên liệt chân từ khi mới đẻ. Bố Nguyên đánh mẹ
Nguyên, ngày 1, 2 trận, chẳng mấy ngày không. Gannay bảo
bố Nguyên cho Nguyên cho hắn, làm con nuôi, song bố
Nguyên không nghe. Sau bố Ng. bỏ mẹ Ng., người mẹ đó lên
núi tu Phật. Ng. cũng theo mẹ, song người mẹ bị bọn sinh viên
lưu manh nó gạ gẫm, không tu được, bỏ chùa, sau đi tái giá. Từ
đó Gannay nuôi Nguyên, cho đi học vẽ.
Nguyên có tính lưu manh. Ăn nói và hành động hung hăng. Mở
mồm là chửi "Bố nó", "Đánh bể sọ thằng LqKỳ đi!", anh ta lại
dựa vào cả cái chân tàn tật của mình: "Thách đứa nào dám mó
vào cái thằng Nguyên què này!" Rồi thì doạ hành hung: "Nếu
thằng LqKỳ mà ngồi chủ tịch đoàn thì thằng Nguyên này sẽ
đâm cho nó vài nhát, rồi muốn đi tù thì đi!"
Trong văn học, Nguyên có cái lối làm ăn quay quắt. Anh tự
xưng rất lố là nhà thơ Nam bộ số 1 . Hồi Nhân Văn, anh đưa cho
NV một bài thơ thật tốt, tính toán rằng, đăng ở NV bài thơ tốt
ấy lãnh đạo cũng không thể nói gì anh hết, ngược lại lãnh đạo
sẽ sợ mất anh, phải tranh thủ anh, thì anh sẽ dễ bề yêu sách
lãnh đạo! THữu thì anh vẫn chửi, nhưng anh làm thơ thì ca
tụng: "Lời anh THữu nói ban chiều!"
Đến việc lấy vợ cũng kỳ quặc! Nguyên với Thanh Bình cùng
nhằm một đám ở Hải Phòng. Hai anh giao hẹn với nhau: bây
giờ hai thằng cùng đến hỏi, cấm tuyệt không thằng nào được
nói xấu thằng nào, và lần nào đến chơi với cô ấy thì cấm được
cất lẻn đến một mình, phải hai thằng cùng đi!
Đối bạn bè, Nguyên cũng giao du theo kiểu du thực, thằng nọ
chết vì thằng kia được! Nhưng, hễ xảy ra sự gì Nguyên không
bằng lòng, thì anh giở mặt ngay, như giở tay. Hôm trước, anh
cãi nhau với HgTấn về chuyện không cho mượn quần áo cưới,
tức thì hôm sau, vào lớp học, anh "tố" HgTấn về mọi thứ
chuyện, đâu đó anh cũng móc ra! Nhà vợ anh, trước kia anh
"hữu khuynh", lấy lòng hết sức, nhưng rồi nhùng nhằng chưa
cho cưới, thế là anh quay lại, định là "đem ra toà án kiện!".
Nhân Văn trước đối anh, chơi bời thân thiện, đến trước lớp học,
anh đùng đùng giở mặt, "nổi lập trường" lên một cách bất thình
lình, chửi bới đến mức không còn ai hiểu ra sao nữa!
Lá mặt lá trái, quay quắt, cái chất lưu manh là một cái chất khó
cải tạo bậc nhất. Vì nó không có lý luận, không có lý tưởng,
không có tin ở cái chính nghĩa nào hết, nó chỉ có mỗi nó làm
mục đích mà thôi.
7-5
Kiểm thảo sáng tác
Đảng đoàn HNVăn để cả một tuần này, để cho Nhân Văn viết
lại cái phần kiểm thảo sáng tác! Theo như đồng chí NxSanh
nói, thì tuần trước, phần đó viết chưa sâu, vì thiếu thời giờ, thì
tuần này viết lại cho kỹ. Mà phải viết sao cho có thể dùng in
công khai được.
Sau khi mọi người đã nộp cái của quốc cấm, nghĩa là cả một
đống những Nhân Văn Giai Phẩm rồi, thì tập trung cả ở một
phòng, viết kiểm thảo.
HtNguyên thì cứ thắc mắc: Sáng tác mình, bảo là khuyết điểm
tiểu tư sản, giả tạo gì đó thì có, chứ còn đánh đấm phản động gì
thì thiệt là hổng có!
QDũng cũng không nhận thấy tư tưởng phản động đánh đấm gì
trong tác phẩm. Anh chàng vẫn cái điệu pha trò kiểu Sạclô,
tiếng cười đồng nghĩa với tiếng thở dài. Chẳng hạn "Là người
rõ ràng mà hoá ra là élément! Élément Nhân Văn! Phần tử
Nhân Văn mà lị! Hi hi (khe khẽ)".
Cụ Đại thì muốn được nói chuyện một chút: "Hàng mấy tháng
rồi chưa được nói chuyện với nhau, thèm hẳn đi chứ lị!"
Anh nào anh nấy lăn vào viết. Lắm hình dung từ, lắm tiếng tự
phê dao búa! Ví dụ Lê Đạt, có mỗi câu mở đầu bài "mấy người
tự tử", là câu "Nhân đọc báo Nhân Dân số 822" 5, mà LĐạt lại
tự phê là: đó là một âm mưu của tôi dùng Đảng để đánh
Đảng" ! ... Nghe mà khó tin thay! Mỗi ngày anh chàng lại có vẻ
xích lại gần giống "Thiều Quang"!
HCầm tự phê cũng gớm, đúng là bác phó vữa, rất nhiều chữ
nghĩa trang kim lóng lánh. Nào: dán nhãn hiệu dân tộc, nào:
thuốc độc tẩm đường, nào: bôi đen bọc giấy bóng kính v.v...
Tôi cũng không kém. Bao nhiêu hình dung từ phản cách mạng,
phản động, phản Đảng, phản bội, chống chế độ, xét lại, tờ-rốt-kít.
Không còn thiếu chữ gì. Giặc-bút, viên đạn xét lại, mũi tên
độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ
và đầu óc làm phản v.v..., tôi sáng tác thêm nhiều chữ nữa để
mà miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể.
Chắc các đồng chí lãnh đạo đọc một loạt kiểm thảo bọn tôi lần
này thì phải bật cười lắm đấy! "Truớc kia thì nói nhẹ chúng
cũng không nghe. Bây giờ thì chúng lại còn tự sỉ vả gấp triệu
lần sự phê bình của lãnh đạo!"
Attention!
- TrlêVăn bênh vực auto-suggestion là khoa học. Anh bảo: đó
là phương pháp của Couet. Rất giản dị. Mỗi tối đi ngủ, thì mình
tự nhắc mình 20 lần rằng "Je suis meilleur à toát point de vue".
Attention!
- LĐạt say sưa kể và bênh vực E. Triolet về lời phát biểu mới
đây của bà. E.T. nói: làm avant garde thời nào cũng khó, phải
trải qua bị chà đạp, đến moderne, đến trở thành classique!
Nhưng thời nay làm avant-garde càng khó! Vì người ta sẽ bảo
anh hoặc chống réalisme socialiste, hoặc conformiste vân vân!
Rồi E.T. nói: réalisme socialiste chỉ là l'angle de vue, không
phải là một phương pháp! LĐạt tán thành quan điểm này.
Tôi tranh luận với Đạt, chưa ngã ngũ. Lời đi tiếng lại, Đạt hỏi
tôi: "Có chủ nghĩa Staline không?" Đạt nói: "Văn nghệ phục
vụ chính trị có phải là caractère spécifique của văn nghệ đâu,
vì ngành nào, kinh tế, giáo dục v.v... chả đều phục vụ chính trị
cả!" Đạt nói nếu hiện thực là phương pháp thì bó lắm!
"Bây giờ khó lắm!"
Tôi cũng nghĩ: quả là khó!
Vì cứ lý luận của E.T. thì bản thân nó là một con dao hai lưỡi!
Ai chả nhận mình là avant garde được?
Ngoài ra, còn nhiều chỗ quyết đoán. Sao lại bảo làm avant
garde thời nay khó hơn xưa? Sao lại bảo chỉ là l'angle de vue?
Tôi chưa được đọc nguyên văn, mới nghe mồm LĐạt.
Attention!
- HCầm kể, có một học sinh gặp Cầm, nói đại ý rằng: ừ thì các
anh ấy thuốc phiện, đồi trụy, v.v... nhưng sáng tác hay; bây giờ
chuyển thì thử sáng tác xem có hay hơn trước không?
Chắc anh học sinh đó là một thứ adepte entête của Nhân Văn,
của tư tưởng tiểu tư sản mà thôi. Attention!
12-5
PhQuán
Lâu lắm cu cậu lại mò đến mình! Sau lớp học, cu cậu về nhà,
nghĩ quanh nghĩ quẩn ra sao, bây giờ thấy cu cậu phản ứng!
Quán kêu nhiều nhất về việc "báo chí nó đánh mạnh quá!"
Không riêng báo, mà những báo cáo mồm mới ghê hơn gấp
vạn. Nào bảo PhQ đã hủ hoá với ThAn mấy lần! Nào nói sai cả
hiện tượng đi, ví dụ TTửu nó nói trí thức là viên ngọc, thì lại nói
rằng TTửu nó kích PhQuán là viên ngọc! Hoặc nói rằng
TđThảo nó bảo PhQuán trả lời báo Nhân dân về bài "Nói thật",
thì theo Quán nói, "thế là oan nó", vì ý định ấy là "do mình"!
Ngoài ra, Quán còn kêu là do không khí và áp lực lớp học, nên
Quán bốc. Ví dụ, đi tu đạo Ấn độ, thì mình nghĩ rằng, "các anh,
ai cũng có chỗ bi quan, đi xem bói", mà bản thân mình chả lẽ
không có gì, mới bịa ra cái việc tu đạo ấy!
Lại như việc "cầm cờ đi biểu tình" Quán cũng bảo là "mình nói
vậy cho nó oai!" Chứ chả lẽ không có gì?
Và bây giờ thì Quán nhận định là: "mình chỉ có cái kiêu ngạo
với lại vô ký luật! Có vậy thôi!"
Lại sụt mức đến thế nữa cơ chứ! Quán có vẻ chán nản lắm:
"Không bao giờ lấy lại được!" Quán kêu là Quán ở một xóm
lao động (Vân Hồ) mà người ta không muốn nấu cơm cho tên
phản động PhQuán ăn nữa cơ chứ! Tôi nghe lạ tai, không tin,
bèn hỏi:
- Thế bây giờ cậu ở đâu?
- Ở... Quán đáp... vẫn ở Vân Hồ...
Tôi cười, không muốn lật tẩy cu cậu: thế nghĩa là, ở Vân Hồ
vẫn ở được, tất nhiên vẫn phải có ăn chứ lị!
PhQuán lại kêu nhiều về việc đăng "lời thú tội bước đầu" của
PhQ ở tạp chí Văn Nghệ số 12. Sao lại thú tội, tự kiểm thảo
chứ! Sao lại bước đầu? Sao lại không hỏi ý kiến mình? Thế mà
bảo rằng "không nói ra ngoài mọi việc của lớp học", mà bây
giờ lại đăng cả lên vậy! Vân vân...
Tình hình
Cuộc đấu tranh cứ lộn đi lộn lại từ B sang A, lại A sang B, báo
chí cứ xoay đi xoay lại mãi, cứ như một cái nồi khổng lồ của vô
sản chuyên chính, ninh đi ninh lại cho nó dừ cái chủ nghĩa xét lại ra.
Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của
một người bị bung dừ. Không còn cách nào. Đây không phải là
một sự trừng trị cá nhân; mà đây là "chúng ta" trừng trị một
phong trào, một trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa xét lại... Tôi
vừa là một tội nhân. Vừa phải cố tách mình ra, làm một đao
phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn.
HCầm đọc số 12 tạp chí Văn Nghệ, có vẻ run, thấy bị "trích".
bêu ra công khai. Anh chàng sống cảm tính quá, giác ngộ cũng
chỉ là một thứ "cảm tính phức tạp"! Thấy bị bêu đầu, anh chàng
đặt vấn đề: "Có phải là từ lớp học, vấn đề đã bị nêu ra quá to
không? Mình vẫn ngờ ngợ ra sao ấy!"
Thanh Châu thì bơm cái chán đời của anh lên! Con người ấy,
cả đến cái sự bi quan cũng lại còn "bịa" thêm ra nữa cơ chứ!
TrlêVăn thì ngơ ngác. Một thứ ngơ ngác có lợi.
LĐạt kêu "bị lãnh đạo đánh giá quá cao". Anh kể là NgSáng
rất thích cái "cương lĩnh của liên đoàn cộng sản Nam Tư".
Bản thân tôi là một mớ nhiều thứ:
- tội chống đối tôi có thấy, song lại cũng thấy là "có cần phải bị
bung quá dừ, quá dai dẳng trên báo chí thế này không?"
- xem xét một số tài liệu để ly khai hẳn với những cái gọi là
"stalinisme", "stalino-rakonisme", "jdanovisme".
- lo nay mai, cải tạo lao động sẽ bị surménage! Còn có tương
lai gì nữa được! Surménage thì tương lai tức là ở trong bệnh
viện, nếu không phải là ở một nấm mồ nào đó...
Cái lo này là chỉ đạo, thời gian này, chờ "án"... Còn sự "thấy
mình bị bung quá", nó lộn đi lộn lại, mờ nét, mông lung, mãi
sau mới rõ hình thù ra, tức thì nó bị tôi dồn đánh ngay: nó chỉ là
một biến tướng của tư tưởng làm martyr từ 3 năm nay mà thôi.
Ông bạn Nam Tư
Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư vừa bướng bỉnh
thông qua một bản cương lĩnh, tinh thần và lý luận đối địch với
Hội nghị Mátxcơva.
Về thế giới, Nam Tư không công nhận lý luận về "hai phe"; về
ngoại giao, không công nhận Liên Xô lãnh đạo, ngược lại còn
gán cho Liên Xô là "bá quyền chính trị", với lại "bóc lột" các
nước xã hội chủ nghĩa tiến chậm! Về nội trị, Nam Tư chống
việc đề cao nhà nước vô sản chuyên chính, mà lại đòi phải đi
ngay vào đường "tiêu diệt nhà nước", đồng thời giao quyền cho
quần chúng và cho những quy luật tự phát của xã hội!...
Tức là quan điểm Nam Tư về các vấn đề căn bản đều nghịch
với quan điểm của phe XHCN đã xác định ở Hội nghị Moscou.
Rất lạ, làm sao Nam Tư lại sẵn sàng gán cho LXô là bóc lột với
thống trị, đồng thời lại hân hoan cám ơn sự viện trợ Mỹ (đã tới
800 tỷ đô-la)!
Đây không phải một coupe de tête! Mà là một hành động có cân
nhắc của Nam Tư, nhất là sau Hội nghị Mátxcơva, việc này
chứng tỏ cái đầu óc của Tito nó cứng và bướng, bằng đá!
Như vậy, khả năng tranh thủ Tito, xem chừng mảnh lắm. Tito
đã quyết đương đầu cái gọi là "chủ nghĩa Staline", và đã quyết
đi con đường "kế tục Mác" của mình kiểu ấy, thì tương lai sẽ ra sao?
Không có gì tỏ Tito lui. Cũng không có gì tỏ rằng LXô và phe
XHCN nhân nhượng!... Vậy kết cuộc sẽ ra sao?
Có lẽ lần này Tito sẽ bị một đòn nặng, một cái gì na ná năm 49 mất!
[...]
13-5
Không khí
QPhòng nói với QDũng về việc đấu tranh tu tưởng kỳ này:
- Mình thấy là làm quá!
QDũng xỏ lá, nháy mắt hỏi lại: "Sao?"
QPhòng giật mình, nói chữa:
- Mình nói là làm kỹ quá! Tốt! Tốt lắm!
17-5
Miền Nam
Miền Nam cắn lại trả thù cái đòn "công hàm" 7/3 7của ta, bằng
nhiều cách:
- ra tuyên cáo chĩa lại mũi nhọn vào LXô và Đảng
- phản tuyên truyền về việc đấu tranh Nhân Văn Giai Phẩm
Trần Chánh Thành bộ trưởng bộ TTX Thanh Niên của Diệm,
đầu sỏ báo Dân Chúng,- hắn làm một chiến dịch xuyên tạc
việc đấu tranh văn nghệ, tung tin 17 văn nghệ sĩ "dũng cảm" bị
"Việt Cộng" bắt, in lại Nhân Văn Giai Phẩm, khuyên người ta
nên đọc đó mà xem, "khỏi còn có ảo tưởng gì về sự tự do của Việt Cộng"!
Tóm lại, luận điệu chúng rất là Mỹ, nghĩa là vu cáo đến
cynique, bịa đặt đến ngu si, gian ngoan đến lộ liễu.
Tôi bị cái nhục chúng nhắc đến trong số văn nghệ sĩ "dũng
cảm" kia; tất cả số văn nghệ sĩ đó đều đã thấy rõ tội lỗi của
mình trong cuộc đấu tranh tư tưởng vừa qua. Tất nhiên mọi
cuộc đấu tranh tư tưởng đều có cái gay go cần thiết của nó,
nhưng đây là cái gay go của sự cứu vớt, cái gay go của tình yêu
của Đảng, phải kiên quyết cứu số văn nghệ sĩ đáng giận kia ra
khỏi cái cũi của chủ nghĩa xét lại. Đâu là chuyện bắt bớ, cầm
tù? Có chuyện ấy, nhưng lại ở Sài Gòn, hàng chục văn nghệ sĩ
bị đưa ra toà, chỉ vì tội tự do ngôn luận chính đáng, họ đã nói
tới vấn đề thống nhất, có vậy thôi! Ở Hà Nội này, người ta lại
khuyến khích việc đòi thống nhất, tha hồ thả sức mà nói! Ở
đâu, có tự do yêu nước, tự do bàn đến số mệnh của Tổ Quốc,
Sài Gòn hay Hà Nội? Ở đâu, những văn nghệ sĩ chỉ vì thi hành
cái quyền công dân cửa mình mà lại bị tù hàng loạt?
Sự thực, ở Hà Nội, ta có bắt 3 tên NhĐang, MĐức, ThAn.
Nhưng sao lại gọi họ là văn nghệ sĩ? NhĐang là một nhạc sĩ
chăng? Hay một họa sĩ, một thi sĩ? Tuyệt nhiên không phải, cả
đến gọi là phê bình hay nghiên cứu văn học cũng không phải.
NhĐang chỉ là một thủ lĩnh chủ nghĩa xét lại, nhè những sơ hở
trong văn nghệ nhảy vào mà phá, MĐức là một tên phá hoại
làm nghề xuất bản, hắn vừa có cái căm thù chế độ miền Bắc,
vừa có cái đầu óc buôn tên người, coi văn nghệ sĩ là những
món hàng, nhìn văn chương thành ra những tệp giấy bạc lời lãi,
đánh giá sự hay dở của tác phẩm duy nhất trên tiêu chuẩn bán
chạy hay không, quan điểm "best seller" trong văn nghệ! Còn
Thụy An, đó quả là một mụ có viết lách tí tỉnh, song mụ bị bắt
không phải vì tội "cầm bút", mà vì tội làm gián điệp!
Vậy thì, ai là văn nghệ sĩ bị bắt ở Hà Nội?
Đâu là chuyện "khủng bố"? Nếu nói khủng bố thì ở miền Bắc
này người ta không quen nói chuyện với văn nghệ sĩ bằng quả
đấm hay lưỡi gươm luật pháp! Có cần nhắc lại không? Năm
ngoái Tổng Thống đã nhờ đến du côn đem đá đến nói chuyện
với báo Tiến Thủ thế nào? Năm nay mấy chục nhà báo ra trước
vành móng ngựa của toà "bất công lý" Sài Gòn?
Ngược lại, ở Hà Nội, nên dùng chữ cứu vớt thì đúng hơn. Bàn
tay khoan dung của Đảng đã kéo những kẻ lạc đường ra khỏi
cái tư tưởng độc địa của chủ nghĩa xét lại! Sao lại vu cho là khủng bố?
Un grand mensonge cousu de fil blanc!
21-5
Một cuộc hội đàm bỉ ổi
(TPhác kể)
TPhác kể về Vcao và Hcầm. Lắm chuyện lạ.
cầm từ lớp về, đâm buồn, và hối là đã tố bạn. Anh ta lại đi
pum, nhà người anh họ, nhưng theo anh ta nói vì "đến bất ngờ,
họ kéo vào!" (Chú ý: bất ngờ mà lại bất ngờ những hai lần?).
Trong lớp, anh ta "tố" tợn, chắc tính rằng từ nay về là "dựa
hẳn" lãnh đạo. Còn bạn bè cũ phen này là đi toi cả rồi. Song,
trở về thì thấy khác! Sờ vào lãnh đạo cũng chưa thấy cái mấu
nào mà víu cả! Mặt khác, VCao lại vẫn thấy "đình huỳnh"!
Khả dĩ vẫn có thể là một cái tay vịn. Khổ thân cái kiếp anh
chàng, suốt đời cứ quẩn quanh tìm cái cọc cho cái thân thể dây
leo của mình. HCầm bèn tìm cách "trở về" với tiên chỉ. Cũng
phải nói thêm, rằng ít lâu nay, thái độ của PhCung (thằng Đang
nó bảo: đéo mẹ thằng HCầm, nó khai bố láo cả) hay của Hữu
Loan (khi kiểm thảo trước cơ quan HLoan 2 lần chửi xỏ: thằng
HC hèn nhát!), những cái đó làm cho HCầm "nghĩ ngợi", nhụt
cả kết quả lớp học. Vả cuộc đời, nó có cái bình thường "hỗn
tạp", của nó, không giống không khí cách mạng của lớp học,
cuộc đời Hà Nội đã ít nhiều làm "hả" HCầm đi. Anh chàng
một hôm viết thư cho VCao, đại ý nói muốn thanh minh về
chuyện lớp học, song nhà VCao thì nguy hiểm, thì mời VCao
đến nhà mình!
VCao nhận được thư ấy, không biết nghĩ sao, bèn đi gặp
NđThi, đem việc ấy ra báo cáo, và xin chỉ thị "xem có nên đi
gặp HCầm hay không?"
Dĩ nhiên NđThi không thèm ngăn cản một cái việc chẳng có gì
là nguy hiểm mà phải xin chỉ thị ấy!
VCao đến gặp HCầm, phố Lý Quốc Sư.
Một cuộc "hội đàm" bỉ ổi bắt đầu. HCầm khúm núm, nhận là
mình dát, bị đánh quá, mụ đi như "một con đồng", họ hỏi đâu
thì cứ phun ra tuồn tuột, không còn nghĩ ngợi gì cả nữa! Thế
cho nên, khi về HCầm "không dám đi gặp anh em" nữa, sợ bị
trách, ngượng mặt! Tóm lại, tức là sau khi đã thành khẩn thú tội
trước Đảng trong lớp học, thì bây giờ HCầm lại thành khẩn
thú tội trước "tiên chỉ VCao"!
VCao lên mặt hách. Anh hạch tội HCầm, chẳng hạn: - pum thì
có phải là chống đối đâu, sao lại khai? Anh lại bảo là HCầm tố
điêu, để che giấu cái việc có "Đảng phái chính trị", đánh lạc
lãnh đạo đi về hướng anh! HCầm thì nói hiện tượng, TDần thì
nâng lên "nguyên tắc", đều là cái "âm mưu che đậy cái tổ chức
chính trị ấy". Anh lại nói là việc ấy, anh đã báo cáo lãnh đạo.
Hơn nữa, anh lại còn cynique đến nước nói là: "Tao chỉ có tội
chống THữu, chứ tao có chống Đảng đâu? Toàn là chúng mày
làm đổ vấy cho tao! Sao không tố những điều tốt, tao đã
khuyên răn chúng mày?" (Ôi chao, lại có điều tốt VCao
khuyên anh em nữa cơ chứ!)
Cuối cùng, VCao bảo thẳng mặt HCầm rằng tính mày hay
mách lẻo thì nhớ cho kỹ nội dung cuộc gặp hôm nay đấy, có
mách thì mách cho đầy đủ!
Cuộc hội đàm bẩn thỉu ấy xong rồi, không biết VCao có về báo
cáo lãnh đạo hay không?... Nhưng HCầm thì có: anh ta gặp
NđThi, báo cáo ra sao không rõ, nhưng cũng có thể đoán là anh
ta chắc không báo cáo đúng về riêng cái phần của anh!
TPhác kết luận: Cả hai thằng đều như hai con đĩ rạc đĩ rời cả.
Bẩn hết chỗ nói.
Hôm sau, tôi gặp HCầm, có cả LĐạt, ở Hội Nhà Văn. Tôi xạc
HCầm, sao lại làm thế, VCao nó khinh. Cụ thể, là khi về,
VCao nó có rêu rao là vì mày thấy Đảng vẫn bảo vệ nó, nên
mày lại định xun xoe dựa nó! Việc gặp VCao thì không sao,
nhưng nội dung không thể như thế được!
Xạc HCầm xong, tôi lại xạc VCao (chắc rằng những lời đó sao
cũng tới tai anh). Tôi nói: VCao không có cái quyền gì đi "hạch
tội", anh em như thế! Đứng trên tình bạn hay trên lập trường
Đảng, đều không có quyền ấy. Mà lại còn "vu" tổ chức chính
trị cho anh em, thật là một sự vu khống rẻ tiền mà bẩn thỉu!...
Nếu như VCao trách anh em là đã vì dát, vì hèn mà "tố" anh,
lời trách ấy cũng chỉ là trách trên quan điểm vẫn đứng ở chống
đối mà trách, dù sao nó còn có lý một chút! Chứ bảo là "tố
điêu", là "đổ vấy" thì hoàn toàn sai!
Sau đó, tôi cũng khuyên HCầm, thôi cái sự pum đi. Thôi cái sự
lắng quắng đi tìm chỗ dựa kiểu ấy! Mà bây giờ chỉ có một con
đường "dựa hẳn vào lãnh đạo, còn bạn bè thì chỉ là chỗ giao du
tình cảm, đứng đắn mới được! Không nên tiếp tục cái lối
"thành khẩn" đó với "tiên chỉ"!
Nhân câu chuyện, HCầm có hỏi, tôi mới nói rõ cái việc tôi đã
"tố" VCao, ĐđHưng là nghĩa làm sao?
Thực ra, trước khi HCầm báo cáo, tôi dự định là giữ VCao và
ĐđHưng lại, như là "giữ lại một nửa thành phố, chỉ đầu hàng
một nửa", để sau đây về thì sẽ còn chỗ làm ăn, sẽ cải tạo hòa
bình thôi, như vậy khỏi bị bĩ thế quá. Nên báo cáo tổ, bị hỏi, bị
dồn, bị truy nữa, tôi vẫn giấu quanh, không chịu thúc thủ cái
một nửa thành phố đó!
Đến lúc HCầm báo cáo, tức là HCầm "rendre" hai ông bạn
quý đó rồi. PhVũ lên tố thêm VCao. LĐạt thì chỉ xác nhận, tố
thêm tí tỉnh, còn bao che ĐđHưng nhiều. Hơn nữa, qua báo cáo
HCầm và LĐạt thì tôi "được" đưa lên mũi nhọn, "được" hội
trường chờ đợi rất ghê!
Bão lúc ấy chầu chực trên đầu lâu tôi!
Tôi phải tính kế, vừa thoát thân, vừa thoát cho 4 thằng đang bị
dồn đánh ghê gớm (TD, HC, LĐ, TPh), vừa để sao cho VCao,
ĐđHưng hiểu mình, qua cái ý ngầm của bản báo cáo!
Cụ thể, tức là tôi nghĩ rằng: "Bây giờ chỉ còn con đường duy
nhất, là đầu hàng Đảng. Không có con đường khác. Mà đã
hàng thì hàng thực sự, về sau mới thực sự trời êm bể lặng được.
Thế nào là hàng thực sự? Hàng thực sự là: mỗi người phải ra
mà gánh lấy cái phần bão, do chính trách nhiệm mình gây ra! 4
thằng đang chịu cái trận bão đó rồi, còn hai ông anh VCao,
ĐđHưng thì xin nhờ đến vai hai ông, mang vác lấy cái phần
của các ông! Chẳng lẽ mà ai nhận vơ lấy cái phần đó được!
Gọi là cái nghĩa đồng sinh đồng tử! Nếu các ông nhận được ra
điều đó, thì trở về với Đảng cả, lại còn bạn còn bè. Làm ăn tử
tế, thì về sau, tội được nhoà đi, cả 6 thằng lại khá giả cả. Còn
như ông anh nào không hiểu, vẫn khăng khăng ở đường cũ, mà
trách oán nhau thì, đó, thôi, aurevoir, mỗi người tụ chọn lấy số
phận của mình!"
Đến giờ tôi vẫn cho chủ trương đó của tôi là đúng, nó có cái
lương thiện và thông minh của nó. Đứng trước Đảng, trước bạn
bè, tôi không có gì phải nghĩ lại cả.
Thực tế đã chứng minh cho giá trị chủ trương đó. Quả nhiên:
ngay trong lớp học, bão cũng đã ngàn đi dần dần trên đầu 4
thằng, và sau khi chuyển mạnh sang đầu 2 thằng kia ít bữa, rồi
nó cũng ngàn đi.
Đến sau lớp học nữa, thằng nào cũng đều được sống trong một
không khí được giải vây tương đối dễ thở. Với thời gian, chắc
nó sẽ càng dễ thở hơn.
Chỉ có cái là trong bộ 6 thì có một sự phân hoá của trách móc,
hằn thù... HCầm có vẻ khổ! LĐạt tự cho mình là oai nhất,
"đúng nhất, vừa mức nhất, không vấy cho ai!", LĐạt cho tôi là
"quá mức!", ĐđHưng thì kẻ cả: "Tất nhiên có chuyện đó,
nhưng đã thuộc lịch sử rồi!" TPhác khó hiểu, vừa ghét HCầm.
vừa ghét VCao mà vẫn nối lại một phần, còn đối tôi thì lại bảo
là: "anh ghê nhất, anh giỏi nhất!"
Tóm lại, có một sự lục đục phức tạp và vô nghĩa lý chưa thể kết
luận ra sao.
Riêng tôi nghĩ: một sự lục đục tất yếu, ở đó sẽ nẩy ra một sự
phân hoá rất tốt, đồng thời cũng sẽ nở ra một sự đoàn kết lành
mạnh. Bộ phận nào thực sự đi với Đảng sẽ đoàn kết nhau làm
liên minh. Cá nhân hay bộ phận nào đó đi với Đảng hai mặt,
hai lòng thì sẽ phân hoá, mà nên có sự phân hoá đáng mừng ấy.
25-5
Bây giờ, trong văn nghệ chỉ còn một centre de gravité, một
trung tâm lực: Đảng!
Đó là một thu hoạch lớn của cuộc đấu tranh tư tưởng vừa qua.
Nó chấm hết cái tình trạng "Xuân Thu Chiến Quốc" trước, nát
bét, dăm bè bảy mảng. Bây giờ, mọi người đã lục đục quay về
tập hợp quanh Đảng.
Chính vì vậy, lãnh đạo có một trọng trách, khó và nặng nề, nếu
không hơn trước thì cũng khác trước. Tình hình hiện nay là một
thứ hỗn tạp mới:
- chủ nghĩa xét lại, khuynh hướng bôi đen đang bị đánh tan tác;
bên sự đầu hàng thực sự đó đây còn có kẻ trá hàng.
- chủ nghĩa giáo điều, khuynh hướng bôi hồng đang nhăm nhe
ngóc dậy. Đó đây có lò mặt chủ nghĩa cơ hội, thính mũi mà vô tài.
Văn học đang có cái nguy cơ hạ giá trị, nguy cơ ca ngợi một
chiều, chạy theo sự cần thiết trước mắt, nguy cơ bôi bác, và
nhất là nguy cơ tràn ngập tác phẩm xoàng, phỉnh nịnh Đảng.
Còn cái nguy cơ xét lại đã bị đẩy lùi, tới cái mức: không thể
nào hòng phản công lại dù dưới hình thức tinh vi nào. Có chăng
chỉ là lẩn lút, nổ bằng mồm dăm ba quả mìn muỗi còn vương
sót lại trên chiến trường, không tài nào thu dọn hết! Có vậy thôi.
Những điều đó chắc lãnh đạo cũng có nhận định; tôi e rằng
lãnh đạo có chiều lỏng tay với chủ nghĩa giáo điều và cơ hội chăng?
Đây là lúc rất tốt để phát huy đoàn kết, chứ không phải phát
huy hằn thù.
Phát huy cảnh giác, không phải phát huy sự nghi kỵ bỉ ổi.
Phát huy sự sáng tạo chân thực, trung thành sự thực, không phải
phát huy chủ nghĩa phỉnh nịnh rẻ tiền, không phải phát huy chủ
nghĩa xoàng xĩnh, miễn là bôi hồng, còn tha hồ cẩu thả.
Riêng những người NVGP, tôi thiết nghĩ nên phát huy sự hối lỗi
và cải tạo chân thực, không phải phát huy chủ nghĩa cơ hội,
tinh thần lập công giả dối; cũng không phải phát huy chủ nghĩa
buông tay thả mặc. Đối họ, nên lịch sự hơn, mày tao chi tớ
nhiều quá rồi, vì: nên phát huy tụ giác, chứ không phải phát
huy sự phẫn trí của người bị sỉ nhục... Lãnh đạo có phải cùn lý
đâu mà phải giở những ngón tục tằn? Chủ nghĩa nhân đạo
không cho phép đè nén, lăng nhục ai, dù một người có tội
nặng! Bên ta, một con người xấu nhất, vẫn xứng đáng gọi là
ông, là anh, nếu không gọi là đồng chí. Dùng sự sỉ nhục để cải
tạo người ta, không thể là một phương pháp cách mạng: vì nó
hết sức phản khoa học, phản trí thức.
Đừng bao giờ nữa trở lại cái thời gọt đầu bôi vôi!
VCao
Trong lớp học, lúc bị đánh dữ, NgSáng có bảo tôi là: VCao nó
buồn lắm, không khéo nó tự sát mất, hôm qua nó đã nói ra
mồm như thế rồi!
Vậy NgSáng thành thật lo lắng. Tôi hiểu chất VCao, nên đáng
lý phải lo, thì tôi lại chỉ cười thầm.
Sau lớp, anh chàng vẫn còn cố giữ cái thế "tiên chỉ" trong sự
thất thế. Anh nhận định, chê trách người này, ban khen kẻ
khác. Chẳng hạn, TPhác thì được ban chữ "propre", LĐạt chữ
"digne". HCầm bị ghét, có lẫn khinh. Tôi bị tiên chỉ ghét, oán
và căm nữa. Hơn thế, VCao còn hách dịch, đi hạch tội cả HCầm.
Thời gian này, cửa hiệu VCao vắng khách. Không ai dám đến
đèn nhang cúng vái, vị thủ từ nghĩ sao? Buồn làm sao? Và
trách oán những ai? Có khi nào tự trách mình không?
Một mặt khác, đối lãnh đạo, VCao lại có cái sen khác. Anh tỏ
ra mình tiến bộ, và anh mè nheo, dựa trên cái thế Tiến quân ca.
LĐạt đưa lên hình ảnh: "đối Đảng, anh chàng như một con đĩ,
vì Đảng chót lỡ khi xưa có quan hệ với anh, có con có cái rồi,
nay anh chàng cứ dắt con đến mà kêu rên, ăn vạ Đảng." v.v...
Anh cứ tuyên bố rất đĩnh đac là: "Đảng bảo vệ tao!" Rằng:
"lớp học đang được trên đánh giá lại, vì phương pháp phát hiện
CCRĐ thì không đảm bảo kết quả là hoàn toàn đúng" v.v...
Anh cũng biết rõ, đối lãnh đạo, cái điểm có thể mè nheo được,
chứng cớ là khi kiểm thảo, anh nói: "Đảng khai trừ tôi, thì đối
với cái Tiến quân ca của tôi thế nào?" Quả thật đúng là một sự
rày rà, nhưng như mọi sự rày rà, nó cũng vẫn có mức độ của nó
thôi, nếu VCao vượt chân qua mức ấy, thì sự rày rà đó sẽ
hông còn được xét đến nữa.
TPhác nói: "rất lạ, là nó cứ nói với mình, rất cynique rằng, nó
xưa nay vẫn là người tiến bộ, theo Đảng! Kỳ thế cơ chứ, bao
nhiêu lần pum, ăn uống, nó nói những gì, bây giờ nó làm như
không có cả! Mà nó lại rất thành thực cơ chứ!" VCao quên thực
hay sao? ĐđHưng bĩu môi, sì một cái: "Quên!... Nó thiếu
probité thì có!"
Đang lúc kiểm thảo ở cơ quan, thì tiên chỉ đi pum. Tất nhiên là
lãnh đạo phải biết! Một tối anh mò đến THữu. THữu hỏi:
-Có còn chống đối không?
Thôi rồi, VCao nói.
Nhưng pum thì vẫn còn chứ? THữu hỏi độp một cái. Khác gì
mõt cái tát.
VCao choáng người, cười xoà, thú nhận và xuê xoa:
-Có một lần... Hì...
Đã mắc chưa?
Chưa... Hì... Buồn quá thì lại đi... hì... chứ chưa mắc! Hì...
VCao về, kể lại chuyện ấy, có vẻ khoe cái sự thân mật của
mình với Đảng, đến được cái độ ấy.
"Rồi đi trước khi nhận là có chống đối Đảng, -VCao kể-, thì mình
lại đến nhà mụ Đức. Vừa thấy mình, mụ Đức đã kêu lên: "Ối
giời ơi! Cái mặt ông cứ lì xì ra thế kia kìa! Giời hởi giời!... Thôi
thế thì ông nói ra một câu đi, ông cứ giữ lại làm của làm gì, ông
nói ra một lời đi, bây giờ cả nước mong chờ một lời ông nói
đấy!"... Mụ Đức nói thế, nên về mình mới chịu nhận là chống
đối Đảng đấy chứ!"
Tức là VCao đã lại đi bói, xem có nên nhận tội hay không! Mà
bói với toán gì, sao lại kỳ lạ thế!
Hoặc giả VCao có bói thật, hoặc giả bịa ra, hoặc bói thế khác,
về lại kể ra thế vậy!... Nhưng biết làm sao? Anh chỉ còn có "sự
tưởng tượng" để an ủi mình, chúng ta cũng nên giầu lòng bác ái
để cho anh còn cái quyền tự huyễn hoặc ấy... Tôi có cái cảm
giác đứng trước một tay đại phú đang ngồi trên đống tro cả cái
cơ nghiệp bị thui sạch, ngồi đó ôm một cái lọ cổ mà thở than
cái huy hoàng cũ.
31-5
HCầm ra toà
Tháng 4 năm ngoái, HCầm phát đơn toà án, kể xấu vợ cả (cô
Xuyến), và đòi ly dị. Đâu như là theo gương ĐđHưng, và có cả
ý kiến của mưu sĩ đó nữa thì phải. HCầm và HYến lại đi gặp
cả nữ luật sư VtHiển nữa. Không hiểu hỏi luật ra sao; chỉ biết
là từ đó hai người có vẻ chắc mẩm.
Song toà cứ ngâm đơn đó mãi, chưa xử.
Tới nay, toà mới xử. Đang lúc đánh Nhân Văn dữ dội, ôi chao,
công lý lúc này mới nghiêm sắt làm sao. Sự thể thế nào?
Chị Xuyến có đơn kiện HYến, là quyến rũ chồng chị, tức
HCầm. Chị ấy lại không kiện chồng, cao kiến đó là tự chị hay
do sự mưu tính của ai, nếu có thì phải chăng là do anh chị?
Nhận đơn này, nhân dịp đánh Nhân Văn, toà đem án ra xử, một
buổi chiều nóng nực tháng 5. HCầm, HYến đều ra hầu kiện.
Các báo đều có phóng viên, như Thiều Quang chẳng hạn.
Phiên toà găng lắm. Đây là một bài học về đạo đức yêu nhau.
BsNguyên lên kể tội HCầm: Nào "cô hàng xén răng đen", nào
"cười như mùa thu toả nắng", HCầm ngờ đâu thơ anh lại "vận"
vào anh khớp thế!
Chánh án cho HCầm nói rất ít, gần như chỉ cho trả lời bằng chữ
"có" hay "không". Ví dụ: "hỏi anh rằng, khi về Hà Nội, anh có
gian díu với một người đàn bà đã có chồng không? Anh không
cần nói dài, chỉ cần trả lời là có hay không thôi!" HCầm tất
nhiên đáp: "Có!" Vì việc ấy có thật. Lại hỏi: "Anh có nhận
thấy việc anh làm là bất chính hay không?" HCầm: "có", v.v...
Tức là rất gọn, và rất rõ. Chân tướng phơi trần ra.
Cuối cùng toà tuyên bố: 1) bác đơn xin ly dị của HCầm, 2)
không công nhận việc kết hôn giữa HCầm và HYến, coi đó là
một việc không hợp pháp. (Không hợp pháp nghĩa là phạm
pháp). Hộ khẩu sẽ sửa lại cái việc ghi hộ tịch sai lầm ấy.
HCầm ra về như một cái tã.
Anh chàng đọc Kiều. Ngâm mấy câu thơ "Hãy đi mãi" như
"khi thế kỷ rung chuông lừa bịp" (Ôi! Anh có cảm giác bị lừa,
ai lửa anh thế? Mà khi tôi làm câu thơ kia, tôi không hề nghĩ
rằng làm để bênh vực cho anh!)
Sớm sau, HCầm đến cơ quan, diện mạo suy đồi hẳn. Anh có
những nụ cười sượng sùng mà hằn học, những tia mắt căm tức,
những cử động không tự chủ, nhưng bao trùm tất cả là cái dáng
dấp một người thất vọng lởn, bộ điệu rụng rời: anh rũ ra, hơn
một cái tã!
Lúc anh thốt ra : "Công lí gì? Chẳng còn công lí gì nữa!" Lúc
đột nhiên anh hỏi tôi: "Thành thật có lợi gì không hử mày?"
Lúc anh phân trần "nhiều điều nói láo. Vu khống. [...]" Anh
xòe cái tay, xỉa ẽo ợt một cái: "Vẫn biết là bất chính, nhưng về
sau mình đã xây dựng đứng đắn thế nào!" Anh ức lãnh đạo:
"họ không thành thực. Đùng một cái, như thế!" Có lúc anh lại
oán ĐđHưng: "Vì mình nghe nó, đưa đơn ra toà nên mới đến
nỗi này!" Cũng có lúc anh trách anh: "Đang lớp học, toà đã
định xử. Lúc ấy chưa đánh to như bây giờ. Giá lúc ấy mình
đừng đề nghị hoãn lại sau lớp học, cứ để xử ngay, thì không bị
thế này... Chỉ vì mình không có mưa mẹo, tính toán gì hết. Tại
mình thành thực quá!" Sự phân tích thiên tài ấy, HCầm nhắc đi
nhắc lại vô số lần. Chẳng hạn, tôi hỏi anh về việc viết thư cho
vợ cả, có câu "Anh yêu em vì hoàn cảnh kháng chiến và vì
nhục dục", việc ấy có hay không? HCầm hơi chau mày, thú
thực: "Chỉ tại mình thành thực quá!... Chứ một thằng có mưu
mẹo, đời nào nó lại viết như thế? Thành thực chẳng có ích gì!"
Cả đến lúc đi giải, anh cũng quay nghẹo đầu sang phía tôi,vừa
đái vừa triết lý về cái thuyết "thành thực" ấy: "Mình đối lãnh
đạo thì thành khẩn hết sức, mà các ông ấy lại cứ nói dối với
mình..." Và anh chép miệng: "Lần này mình trưởng thành thêm lên
LĐạt thì cứ hô hố: "Cái lối làm như thế sỉ vả, mình không tán
thành!..." Anh nhăn mặt một cái, rúm cả mũi lại, như một con
khỉ thấy cái món mắm tôm nó kinh tởm, song, sự kinh tởm chưa
kịp kinh tởm hết, thì LĐạt đã khoái trá tuyên bố: "Mình...
thương nó lắm!" (không biết sao lại thương một cách khoái trá
như thế?)... "Cái việc lãnh đạo mìn cái cầu HYến đi, không cho
anh chàng trở về đó, thì mình cho là đúng. Nó sa lầy ở đó...
Mình cũng mong cho nó thoát ra... Không biết ông anh nghĩ thế
nào, còn đàn em nông nổi thì... em nghĩ như vậy." (LĐạt có cái
lối xưng "đàn em", cử như bố người ta vậy!) LĐạt đang phân
tích vậy với tôi, thì HCầm chợt vào, LĐạt chợt như một đứa trẻ
bị bắt quả tang ăn vụng. Anh chàng len lét, trở về bàn, ngồi đọc
Guerre & Paix.
HCầm mom men đến, ngả ngốn trên bàn, tâm sự với LĐạt. Tôi
nghe xa chỉ thấy lõm bõm, những tiếng cười hô hố của LĐạt,
ròn rã điểm cho những lý lẽ của anh: "mìn cái cầu ấy đi"...
"không cho anh trở lại cái hố ấy"... "thế là phải"... "còn về sau
thế nào không biết"... "theo tao, mìn cái cầu ấy đi là có lợi cho
mày". (LĐạt khoái trá nhắc có đến 10 lần cái chữ "mìn cái
cầu")... "rồi về sau, đi thực tế về, suy nghĩ kỹ rồi, bình tĩnh rồi,
thì lúc đó, tùy theo, cũng có thể đặt vấn đề lại, chứ không phải
là không!" v.v... Đặc biệt là LĐại cười tướng lên và nói một câu
rằng: "Tính cậu hay báo cáo, nói ra rồi cậu lại báo cáo sai tinh
thần đi! Hì...Hì...", HCầm ngượng, lắc đầu: "Không? Mình
trưởng thành rồi!"
HCầm nghe xong ra chỗ tôi, đành lòng mà nói: "LĐạt nó phân
tích, mình cũng đồng ý!"... Xong anh lại than phiền: "Các ông
ấy cho mình là đứa bạc tình phụ tình dễ như chơi. Có phải đâu!
Mình yêu không tính toán... Mà bây giờ mình đã xây dựng gia
đình hẳn hoi trên tư tưởng lâu dài, ăn đời ở kiếp!" Tôi gật đầu:
"Con người ta mỗi tuổi mỗi khác." LĐạt hề hề: "nói vậy, chưa
hết đâu, ông anh thì có đến sáu, bảy mươi cũng chưa hết."
HCầm cãi lại: "Mình yêu HYến thật. Định bạc đầu trọn tình
thật... Tôi lại nhắc lại: "Mỗi tuổi mỗi khác, chứ không nhất
thiết cứ phụ tình thường xuyên mãi..." Xong tôi lại bảo: "cậu đa
tình thì đúng hơn!" HCầm có vẻ thích, anh lại phàn nàn tiếp:
"các ông ấy đánh giá mình thế mới bỏ mẹ người ta chứ... Chắc
cho rằng ừ thì cắt đứt, nó cũng đau, song cái thằng tình phụ
quen rồi thì cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là xong!... Đánh giá
thế thì chết mình!"
Rồi không hiểu làm sao, anh lại nẩy ra một ý nghĩ thật là kỳ
diệu nữa, rằng: "có lẽ các ông ấy cho mình là thằng ngoan
ngoãn, dễ cải tao, nên mới làm thế!" Tôi bật phì cười, ý nghĩ
mới ngộ làm sao! LĐạt chạy đến, vừa tự ngắm nghía trong cái
gương tủ đứng (!) vừa hỏi: "Cái gì?" HCầm lại xỉa tay õng ẹo
nhắc lại: "Mình vừa nói ra một cái ý mới nữa, là, có lẽ các ông
ấy cho mình là dễ cải tạo nên mới giải quyết thế!" LĐạt phá
lên cười, thiên tài như anh cũng không thể nghĩ ra được một cái
ý như HCầm thế...
Rồi HCầm chán nản, nói "chỉ còn tự tử là xong", anh nói cứ
trơn tuột đi, nên tôi buộc lòng không tin. Rồi anh lại kêu vô sản
chuyên chính găng quá, và le socialisme est fait phí l'homme et
non l'homme par le socialisme v.v. Nghĩa là, một số những luận
điểm cũ lại lộn về với anh... Lúc nãy anh nói đồng ý với cái
chuyện "mìn cái cầu" do LĐạt nghĩ ra, nhưng qua câu chuyện
chẳng thấy sự đồng ý ấy ở chỗ nào cả.
Mà anh chàng lại có một cái chủ quan kỳ dị, là anh cứ mè nheo
sao lãnh đạo "giải quyết" cho anh, trước khi đi thực tế, để anh
được yên tâm!" Thật là một em bé giơ tay kều mặt trăng! Giải
quyết cho anh yên tâm thì chỉ có cách xoá cái bản án mới
tuyên bố có cách đây mấy hôm, chưa ráo mực!
[...]
Gặp đồng chí Cương
Chiều thứ bảy, đồng chí Cương gọi "anh em" đến, đồng chí
Cương lịch sự gọi là mời. Anh em đến gần đủ số. PhVũ ngồi,
đầu cứ cúi xuống, tôi thấy một cái gáy trăng trắng trên cái cổ
áo sơ mi hôm đó sờn cổ (mọi khi thì sơ mi PhVũ không bao giờ
là sơ mi sờn cổ cả). HtLinh yên lặng, mặt như sáp nhẵn lì, con
mắt cận gằm xuống, cố ra vẻ hiền từ. TPhác nửa chừng mới
đến, gầy hết chỗ gầy, mặt như một cái xương khô khẳng, cậu
lững thững đi vào, chọn chỗ cửa sổ ngồi, thong thả cuốn thuốc
lá. LĐạt ngồi ghế bành, lợi dụng thời cơ, đả lẻ của anh NgvTý
mặt bẹt một điếu thuốc Thăng Long I. ĐđHưng mãi sau tôi mới
trông thấy, ngồi một góc, mặt cynique nhìn "lãnh đạo".
Trước buổi gặp này, có lắm tiếng "sì sầm", chủ yếu do Thanh
Châu thả ra. Theo anh thì Vĩnh Mai đi họp Đảng về bảo rằng
kỳ này đi thực tế, lãnh đạo sẽ cho mỗi người 4 vết! 6 "Bằng
lương một anh lái máy cày rồi còn gì! Phần tử mà được vậy đã
là may!" Thanh Châu đặt vấn đề: "4 vết thì mày có đi được
không?" Anh nói: "Xin về nhà kiếm ăn vậy!" Thái độ anh lo
lắng thành thực, nhưng đó là một thứ thành thực ít nhiều "bịa" thêm ra!
Tin ấy gây hoang mang, lo nghĩ ít nhiều. Tôi cho là nó vô lý,
vậy mà vẫn lo. Nhiều anh em khác cũng vậy.
Lãnh đạo gặp anh em là đúng lúc. Đồng chí Cương ăn nói lịch
sự, người cán bộ chính trị đó trưởng thành hơn xưa khá nhiều.
Cách ăn nói vừa thực, vừa giản dị, làm người ta tin được. Đồng
chí nói đại ý: "Sợ không gặp, anh em không được biết nghị
quyết Đảng, nghe vớ vẩn mà đâm ra nghĩ ngợi! Trung Ương có
chỉ thị cho chúng tôi: "Đã nói cải tạo, thì cải tạo thực bụng đến
cùng". Chúng tôi tích cực chấp hành chỉ thị đó. Vì vậy không
giải quyết theo như một số đề nghị là giải quyết nghiêm khắc!
Chúng tôi mời anh em đi thực tế 6 tháng, cơ quan vẫn đài thọ.
Trước khi đi thì mời anh em học một lớp 1 tháng. Chúng tôi
đang cân nhắc, nên chia anh em vào các tổ, hay tập trung làm
một tổ riêng... Kỷ luật thì do các Hội bàn, nếu nặng quá, chúng
tôi sẽ có ý kiến, rằng: tình hình này, không nên làm gắt gao
quá! Còn nếu kỷ luật vừa, hay nhẹ quá, thì chúng tôi thôi,
không có ý kiến." v.v...
Buổi gặp thoải mái.
Những "phần tử" chả đang chờ đợi ở lãnh đạo một sự gì "nặng
nề" hơn, nay thấy "biện pháp" dễ chịu quá, thích hợp với tình
trạng "đã xa rời hoặc đã không lao động" của số đông!
Đi 6 tháng nó như một cái cầu bắc để thí sức, để tới những cuộc
đi lâu dài hơn. LĐạt gọi đó là một cái baptême de sueur!
HLoan thì lại vẫn cứ muốn xin ra biên chế, về quê: anh chả đã
quen làng, muốn tự lập làm ăn, khỏi bị sự phiền nhiễu với lãnh đạo.
[...]
7-7
Kỷ luật!
Cuộc họp ở HNVăn, 51 TrHĐạo, anh NđThi nhân danh tổng
thư ký mới HNVăn, lên công bố nghị quyết cuộc họp Ban
Chấp Hành gần đây. Giữa các mục, có mục thi hành kỷ luật
những người đã tham gia NVGP:
Anh nói khá rành rọt, ít hoa mỹ. Sự thành thực có trong lời anh.
Việc thi hành kỷ luật này nhất thiết phải có. Trung Ương dặn
anh là khoan hồng, rất khoan hồng nữa. Thi hành kỷ luật không
có nghĩa trả thù. Không có nghĩa phải công bằng theo luật
Talion: "mắt trả mắt - răng trả răng!" Nó chỉ nhằm 1) đảm bảo
ngăn chặn sự phá hoại của tư tưởng xấu, 2) thúc đẩy sự hối lỗi
của những người phạm sai lầm. Còn mục đích: nêu gương trong
xã hội, không thấy anh Thi nói. Tôi nghĩ đó cũng là một lẽ
quan trọng, nếu không thì sự ăn ở trong xã hội sẽ trở nên impossible!
TƯ cũng có chỉ thị cụ thể: phân biệt kẻ thù địch chính trị với sai
về học thuật, phân biệt người hối cải với kẻ ngoan cố, phân biệt
người mắc lỗi lần đầu với kẻ chống đối có lịch sử. Liên Hiệp
Hội, Tiểu Ban văn nghệ có thêm: chiếu cố đến cống hiến cách mạng.
1: Chiếu theo những điều đó thì bọn Đang, Tửu, PhKhôi,
ThAn, v.v... không được hưởng sự khoan hồng. Một số sẽ bị tòa
án trừng trị. Còn thì bị khai trừ hết khỏi các hội nghệ thuật.
Tiền vay các quỹ các hội, đến kỳ hạn phải trả, toà án sẽ đòi.
Tác phẩm họ, không in, trừ phi, một ngày nào đó họ có biến
chuyển căn bản... Nghĩa là xã hội cô lập họ, trừng phạt họ.
Chuyên chính vô sản làm nhiệm vụ cách mạng của mình. Tuy
vậy, cách mạng một lần cuối, cũng mở cho họ một con đường:
"Anh có cải tạo lao động không? Hãy thay đổi con người anh
thành một người lao động thực sự! Hãy tỏ sự thiết tha tự cải tạo
bằng cách ấy!" - Tính chất cách mạng của chuyên chính vô sản
như thế: sự trừng trị bao giờ cũng cố gắng tối đa kèm theo một
sự mở đường sống cho kẻ phạm tội.
2. Còn những người khác thì kỷ luật, một thứ kỷ luật giả mau
lẹ: Tôi và LĐạt bị khai trừ 3 năm, vẫn là hội viên, quyền xuất
bản cũng đình chỉ trong kỳ hạn đó. Do vậy, tiền nợ chưa đòi.
(Đâu như ĐđHưng, TPhác cũng bị khai trừ có thời hạn ở Hội
Nhạc - Thế là trong "bộ 6", chỉ có 2 người được phân biệt đối
đãi: Văn Cao, có lẽ vì thế lực của cống hiến Tiến quân ca, và
Hoàng Cầm, vì giác ngộ sớm sủa trong lớp học.)
3. Thứ nữa, đến cái mức cảnh cáo, đình chỉ quyền xuất bản 1
năn. Như: HCầm, TrlêVăn, PhQuán, PhVũ, HtLinh, TLâm,
Thanh Châu, HLoan, Chu Ngọc.,,
HCầm từ mức trên được rút xuống mức dưới này, chắc HCầm
lại nức nở khen sự sáng suất của lãnh đạo, sau khi anh đã bực
bội phản ứng đến tuần lễ, vì việc vợ con phải đưa ra tòa án.
Những kỷ luật này thi hành từ ngày nào? - Tôi quên không hỏi.
Việc đình quyền xuất bản, theo anh Thi, là nhằm đảm bảo
ngăn chặn sự phá hoại của tư tưởng xấu. Anh cũng nói là, thời
gian cũng có thể rút bớt, tùy theo tác phẩm đột xuất. Tốt, thì
cũng có thể in, với sự đồng ý của Thường Vụ.
Thế là tôi mất 7 năm, kể từ Hoà Bình bắt đầu sinh sự, cho đến ngày xóa án.
3 năm trước là cái courbe của sự sa sút. Tôi mong 4 năm sau là
cái courbe của sự phục hưng. Tư tưởng người ta, nó cũng có cái
luật mouvement accéléré. Đó là là một sự an ủi không phải mơ
hão. Tôi thì chỉ khoa học mới có thể an ủi tôi thực sự. Chủ
nghĩa Mác đối tôi sẽ là thuốc, là an ủi, là đòn bẩy.
7 năm trong văn học có nghĩa lý gì? Một cái chớp mắt.
Nhưng 7 năm trong đời một con người thì có nghĩa lý lắm!
Chớp mắt mãi không xong.
Những sự tất yếu tới phục hưng thắng lợi là: sự thực tâm của
tôi, cộng với sự thực tâm của lãnh đạo... Điều tất yếu đó sẽ tác
động quyết định, xiên qua tất cả sự rậm rịt của bao nhiêu ngẫu
nhiên: thành kiến, ghét cá nhân, nghi kỵ, đố kỵ nữa...
Nhổ neo
Hãy hạ biển những con tầu mốc
Hãy quạt lò! Tích trữ than đen!
Tôi có tội đã nằm thiu hải cảng
Tầu tôi! Nào! Hãy nhổ neo lên!
Đi! Cầm bút là nghề du mục!
Thơ ca là Khoa học Bách khoa: -
Tôi là tuyết Bắc Kinh, là thợ lò Cẩm Phả
là chân sào Đa-nuýp, là Thơ!
Còi đã hú! Con tầu buồn quay mũi
Một đống mùi xoa nhợt nhạt bến tầu
Đây là lúc chiến tranh tình cảm
Chào con ơi! Chào mọi thói quen! Chào!
Tôi! - Được phú nhiều khả năng vượt biển!
Nằm đây ư? - Ngứa lở thân tầu!
Chủ nghĩa cá nhân! - Mày đã giam tao
trên một xứ mưa rồ tuyệt dại!
Cám ơn Đảng! - Đã nhổ neo xã hội!
Nhổ neo này hơn mọi nhổ neo xưa
Đi! Tải đá! - Những nơi cần kiến trúc
Những triền sông, hải cảng đợi chờ!
7.1958
Kỷ niệm đầu năm 1958, bão lớn tư tưởng. Tôi nhổ neo khỏi
hải-cảng-xét-lại.
Trần Dần
Trần Dần
Ghi (1954-1960)
td mémoire, Paris 2001
(trang 244-290)

1. Bộ 6 Giai Phẩm Mùa Xuân gồm: Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần,
Sỹ Ngọc, Tử Phác.
2. Việt Bắc: gọi tắt trường ca Đi! Đây Việt Bắc! (túc Bài thơ Việt Bắc, trong đó
có chương Hãy đi mãi).
3. Tiếng sáo tiền kiếp: tác phẩm của Trần Duy.
4. Nội dung số 6: tức Nhân Văn số 6 (số cuối cùng) đã in nhưng không được phát hành.
5. Mấy người tự tử: Gọi tắt bài thơ Chuyện mấy người tự tử của lê Đạt.
6. Vết: có lẽ là tiếng lóng, chỉ "vạn".
7. Công hàm 7/3: Công hàm ngày 7.3.1958 của chính phủ nước VNDCCH gửi
Ngô Đình Diệm đề nghị trao đổi buôn bán, bình thường hoá quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi đi đến thống nhất đất nước.
|