31-05-2012 | VĂN HỌC
Viết về tạp chí Bách Khoa
NGUYỄN HIẾN LÊ (Cộng tác viên nòng cốt)
Năm 1957, tạp chí Bách Khoa ra được hai số thì nhà văn
Nguyễn Hữu Ngư (Ngu Í) dắt bà Phạm Ngọc Thảo lại giới
thiệu với tôi để nhờ tôi viết giúp tờ Bách Khoa mà chồng bà có
chân trong tòa soạn.
Tôi không hề quen bà Thảo, chỉ do Nguyễn Hữu Ngư mà biết
bà là em ruột giáo sư Phạm Thiều hồi đó đã tập kết ra Bắc, còn
ông là một nhân viên khá quan trọng trong Kháng chiến miền
Nam. Tôi cũng không biết người sáng lập tờ Bách Khoa là ai,
tòa soạn gồm những ai, chỉ thấy bà Thảo nhã nhặn, có học
thức, mà tạp chí đó bài vở cũng đứng đắn, nên tôi góp với họ
bài Quan niệm sáng tác của Edgar Poe, bài The Raven mà tôi
đã viết từ trước.
Bài đó được đăng ngay trong số 4 (tạp chí ra mỗi tháng hai
kỳ). Tiếp theo tôi cũng gởi cho họ ba bài nữa cũng về văn học,
bài Tiếng Việt ngày nay, Vấn đề dịch văn, Phép dịch thơ, cũng
được tòa soạn cho đăng ngay trên các số 5, 6, 7, 8. Từ đó, lâu
lâu tôi gởi thêm một bài về Nho giáo, về danh nhân hay về văn
học…, toàn là do bà Thảo hay ông Ngư làm trung gian, chứ tôi
vẫn chưa lại toà soạn. Hợp tác với báo nào tôi vẫn giữ tư cách
một độc giả góp bài chứ không dự gì vào đường lối, công việc
của tòa soạn. Tôi không nhớ là mấy tháng sau, có dịp đi qua số
160 đường Phan Đình Phùng[3] mới ghé tòa soạn Bách Khoa
cách nhà tôi khoảng 1 cây số, gặp ông Hoàng Minh Tuynh và
vài anh em nữa. Tôi cũng không nhớ bao lâu sau tôi mới gặp
ông Phạm Ngọc Thảo[4], một người thấp nhỏ, rất hoạt động, có
tư tưởng tiến bộ, viết một số bài về quân sự, tỏ ra có kinh
nghiệm và biết suy nghĩ. Hai ông Tuynh và Thảo có vẻ mến tôi
cả. Từ đó tôi hợp tác đều đều với tạp chí cho tới khi đình bản
(5-1975).
Trong lịch sử báo chí nước nhà, tờ Bách Khoa có một địa vị
đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ
chính quyền mà sống được mười tám năm, từ 1957 đến 1975,
bằng tờ Nam Phong; có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá
trị như Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng
một trăm.
Mới đầu chỉ là một nhóm công chức cao cấp nghiên cứu về
kinh tế, tài chính, quân sự do Huỳnh Văn Lang thành lập. Họ
xin được nhãn báo của tờ Bách Khoa bình dân đã chết từ số 2,
cắt hai chữ “bình dân” đi; rồi hùn nhau để tục bản. Họ đa số là
những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp trở về,
không hoạt động cho kháng chiến nữa, mặc dầu là công chức
nhưng không ưa Pháp.
Năm đầu đăng nhiều bài về kinh tế và một số bài về công giáo,
nên có tính chất nặng nề, nhưng báo sống nổi nhờ chủ nhiệm
Huỳnh Văn Lang làm Giám đốc Viện Hối Đoái, tờ báo thu
được nhiều quảng cáo.
Đến năm 1959, một phần nhờ ông Lê Ngộ Châu (đã hồi theo
kháng chiến rồi về Hà Nội dạy tư), được Huỳnh Văn Lang giao
cho nhiệm vụ tựa như thư ký tòa soạn, mà tờ báo khởi sắc, có
một đường lối rõ rệt, đường lối thứ ba, không theo Cộng mà
cũng không theo Mỹ, và tập hợp được một số cây bút có kinh
nghiệm làm nòng cốt như Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn
Xuân, Phan Du, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc…
Khi báo có uy tín rồi (từ 1960) ông Châu tập hợp thêm được
một số cây viết trẻ, từ đó báo đăng nhiều bài có giá trị cả về
biên khảo, lẫn sáng tác; và chính nhờ hợp tác với Bách Khoa
mà những cây viết đó nổi tiếng, như: Vũ Hạnh, Võ Phiến, Lê
Tất Điều, Cô Liêu, Ngu Í, Phạm Việt Châu, Phan Văn Tạo,
Đoàn Thêm (hai người sau là nhân viên cao cấp trong chính
quyền Ngô Đình Diệm)…, nhất là các nữ tiểu thuyết gia
Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Túy Hồng…
Ngu Í chuyên về phỏng vấn, từng trải, có nhiều nhiệt tâm, văn
có duyên.
Võ Phiến còn ký tên là Tràng Thiên, Thu Thủy, viết tiểu thuyết
nhưng thành công nhất về tạp bút, ý sâu sắc và lời dí dỏm. Ông
có tài phân tích tâm lý, tả cảnh vật rất linh động.
Phan Văn Tạo, bút hiệu Vũ Bảo, viết về hồi ký và thời sự.
Phạm Việt Châu chuyên về chính trị quốc tế và nhận định thời
cuộc.
Có tinh thần đồng đội giữa những cây viết chính. Trong mười
năm đầu, họ thường họp nhau ở tòa soạn 160 Phan Đình
Phùng, hội ý trước về các đề tài, góp ý về nội dung các bài phê
bình, đả kích. Tôi không khi nào dự cả, nhưng thỉnh thoảng
ông Châu cũng nhờ tôi cho ý kiến về một bài gởi đăng mà đề
tài tôi biết rõ hơn ông, như Văn học, Triết học Trung Quốc.
Tư tưởng chính trị của những cây viết nòng cốt có khi trái
ngược nhau. Vũ Hạnh thiên Cộng, sau theo Cộng; Võ Phiến
chống Cộng; Đoàn Thêm và Phan Văn Tạo không ưa Cộng
cũng không đả, không thích Mỹ nhưng cũng không nói ra; tôi,
có lẽ cả Ngu Í và Lê Ngộ Châu, có cảm tình với kháng chiến,
nhưng khác hai ông ấy, càng về sau, từ 1965 trở đi, khi Mỹ đổ
nửa triệu quân vào miền Nam, tôi càng đả mạnh Mỹ và chính
phủ Thiệu, bù nhìn của Mỹ. Mặc dầu vậy, các anh em trong tòa
soạn vẫn giữ tình hòa hảo với nhau. Xu hướng trái ngược với
nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà vẫn trọng tư tưởng của
nhau (ít nhất là trong mười năm đầu)[5] và gặp nhau tránh nói
về chính trị. Đó là điểm tôi quý nhất.
Nhờ anh em ai cũng có tinh thần đó nên buổi họp nào ở tòa
soạn cũng đông, vui như Phan Du đã tả trong bài Văn đàn tình
thoại (Bách Khoa số 361, tr. 62): “Bất luận là trẻ già, là mới
cũ, là duy vật duy tâm, là Phật giáo hay Công giáo, khuynh
hướng chính trị, văn chương như thế nào, đều được đón nhận
với sự cảm thông và được chung đụng trong cái thể hòa đồng,
cởi mở”.
Tờ báo có chủ trương đăng tất cả các sáng kiến cá nhân dù
đúng hay sai, miễn là thành thực, có tinh thần xây dựng về bất
cứ vấn đề gì: từ chính trị đến kinh tế, văn học, khoa học… mà
“không giới hạn ở lập trường chính trị nào, phe nhóm nào”. Dĩ
nhiên bị kiểm duyệt gắt, nhất là trong bảy tám năm cuối, nên
không một cây viết nào có thể trình bày hết ý mình được; mặc
dầu vậy Bách Khoa vẫn được độc giả khen là “dám nói”. Sau
ngày 30-4-1975, nhiều học giả Bắc nhận là một tờ báo
“nghiêm chỉnh”, tuy chống đối cả Cộng sản lẫn Tư bản, nhưng
có lập trường đứng đắn, lý luận vững, ngôn ngữ đàng hoàng;
họ thích đọc Bách Khoa để hiểu miền Nam và hiện nay các số
báo Bách Khoa cũ càng ngày càng có giá trị: một bộ cũ rách,
từ đầu đến cuối, thiếu độ mười số, bán được gần 800đ
(400.000đ cũ) (1)
Bách Khoa thịnh nhất trong những năm 1959-63 bán được
4.500-5.000 số; độc giả dài hạn được trên 1.000 mà khoảng
100 ở ngoại quốc, tờ Văn bán chạy hơn, còn các tờ định kỳ
khác thì trung bình được 3.000 số.
Sau cuộc đảo chánh 1963, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang bị bắt
giam, rồi tờ báo bị đe dọa đóng cửa, phải đổi giấy phép – Lê
Ngộ Châu làm chủ nhiệm thay Huỳnh Văn Lang – đổi tên là
Bách Khoa thời đại; từ đó suy giảm về tài chánh (vì mất nhiều
quảng cáo) nhưng nội dung và nhóm biên tập vẫn như cũ. Từ
vụ Tết Mậu Thân (1968), tờ báo mất một số lớn độc giả miền
Trung – mà độc giả đó là phân nửa độc giả Bách Khoa – giá
giấy và công in lại cao, nên lỗ. Ông Lê Ngộ Châu ráng giảm
mọi chi phí – cả toà soạn chỉ có ông và hai người giúp việc - và
duy trì tờ báo tới đầu 1975. Một nhà văn theo kháng chiến, ra
Bắc về phải ngạc nhiên về sự làm việc của tòa soạn vì theo ông
thì ở Bắc, một tờ định kỳ như vậy phải dùng ba chục nhân viên
là ít.
Từ trước tới sau, Bách Khoa giữ được trọn tình cảm của hạng
độc giả đứng tuổi; còn giới trẻ thì chê là khô khan, nặng về
biên khảo mà nhẹ về sáng tác (thơ, tiểu thuyết). Lẽ đó dễ hiểu.
Tuy nhiên phải nhận rằng Bách Khoa không có ảnh hưởng lớn
như Nam Phong, Phong Hoá, Ngày Nay trong dân chúng.
Nam Phong ra đời ở buổi giao thời, văn hóa cũ bắt đầu chuyển
mạnh qua văn hóa mới của phương Tây, số người viết ít mà số
người đọc cũng ít, bao nhiêu cây viết có giá trị đều dồn cả vào
tờ đó, nên không một tờ nào khác có nhiều bài đáng đọc và có
nhiều độc giả như Nam Phong, lại được trợ cấp nên đứng vững
được, những tờ khác có ra cũng chỉ được mươi số là chết. Có
thể nói Nam Phong một mình một chợ, do đó có ảnh hưởng, uy
tín lớn.
Bách Khoa sinh sau bốn chục năm, vào thời mà số người viết
đông, số độc giả cũng đông, gồm nhiều khuynh hướng, nên bị
nhiều báo định kỳ (có lẽ đến non chục) chia bớt độc giả và
Bách Khoa chỉ nhắm vào độc giả đứng tuổi, số này bao giờ
cũng ít, ảnh hưởng do đó kém.
Lại thêm Bách Khoa không có một chủ trương mới mẻ, mạnh
mẽ cải cách cả về tư tưởng lẫn sự trình bày như tờ Phong Hóa,
tờ Ngày Nay, trước sau vẫn giữ lập trường ôn hòa, đứng giữa,
không theo Cộng, không theo Mỹ, như vậy làm sao gây nổi
một phong trào mà ảnh hưởng lớn tới quốc dân được như
nhóm Tự Lực?
Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào, lập nhóm
Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ
kiến thức, tài năng, chỉ hô hào chống Cộng - điểm này không
có gì mới cả - mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo
ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực văn đoàn, mà
người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kỳ,
“làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ
cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả.
...
Vì tôi cộng tác đều đều với Bách Khoa, từ đầu đến cuối, lại
viết nhiều về nhiều vấn đề, nên độc giả có người cho tôi là cây
viết cốt cán của tạp chí, tưởng tôi là một nhân viên quan trọng
trong tòa soạn nên có bài muốn gởi đăng thì gởi cho tôi nhờ tôi
giới thiệu với ông chủ nhiệm Lê Ngộ Châu. Tôi đọc rất kỹ bài
họ viết rồi cũng đưa ý kiến với ông Châu, nhưng cũng cho họ
biết sự quyết định đăng hay không ở cả ông Châu. Ông Châu
làm việc rất siêng, đọc hết mọi bài nhận được, đăng hay không
ông đều báo cho tác giả biết. Ông nhận rằng ông đã bỏ lầm
một số bài rất khá. Tôi mến ông vì ông có tinh thần trách
nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ
trương cả khi báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với
người cộng tác: ai gặp nạn gì thì ông lại nhà thăm, tìm mọi
cách giúp đỡ; nhất là sau vụ Mậu Thân, ông rất băn khoăn lo
lắng về các anh em bị kẹt trong vòng máu lửa.
(trích từ Nguyễn Hiến Lê – Đời Viết văn của tôi. – Chương
Hai mươi năm làm việc tích cực)
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)
(1) Trong Hồi ký ghi: bán được gần 5.000đ (năm 1983), (đủ bộ mà
tốt: 10.000đ).

|