|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Thanh Nam
(1931 - 2.6.1985)
Đã đúng một năm, kể từ ngày Thanh Nam không còn, tôi chưa một lần trở lại Seattle, nơi Thanh Nam đã sống gần trọn mười năm đất khách với Túy Hồng và các con, cũng là thành phố Tây Bắc tôi đã sống hơn hai mùa mưa, từ 1979 đến 1981, và cùng làm việc hàng ngày với Huy Quang, Nguyễn văn Giang và Thanh Nam ở tờ Đất Mới.
Không trở lại. Chẳng phải vì Thanh Nam mất, mọi liên hệ tình cảm gắn bó bấy lâu tôi có với Tây Bắc, vì cái chết của bạn ở đó, đã nhất loạt rời đứt. Cũng chẳng phải vì tôi chẳng còn một bằng hữu, một thân tình nào khác ở Tây Bắc ngoài Thanh Nam. Trái lại. Từ và qua Thanh Nam, Tây Bắc đã đem lại cho tôi rất nhiều bằng hữu mới. Những người bạn này vẫn hàng tuần điện thoại về Santa Ana nói chuyện với tôi, cũng là những người đã lo toan mọi điều cho gia đình Thanh Nam lúc bầu đoàn thê tử nhà văn mới từ tiểu bang New Jersey qua, thay thế cho anh em văn nghệ ở xa, săn sóc Thanh Nam suốt thời gian mấy năm nằm bệnh, và cũng những bằng hữu chung ấy của Thanh Nam và tôi, đã là những người cùng Túy Hồng đưa linh cửu Thanh Nam đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Riêng nói về cảnh thổ, Seattle một mình một cõi với thông rừng điệp điệp, hồ vịnh cẩm tú, còn là một trong những thành phố ở Mỹ tôi yêu và có nhiều kỷ niệm nhất, thân thiết ấy, dù có hay không, dù còn hay đã mất Thanh Nam.
Chưa trở lại với Seattle, đúng hơn, chưa trở lại ngay chỉ là vì, mỗi lần hình dung lại, thần trí tôi vẫn còn váng vất vì mấy chuyến sau cùng về thăm Thanh Nam, khi tôi được tin từ bệnh viện Thanh Nam nằm chữa trị, bệnh tình ngày một trầm trọng hơn của bạn, trong nhận định tàn nhẫn lạnh lùng của y học, đã coi như tuyệt vọng hoàn toàn. Mấy lần cuối về 4614 Othello ấy -cả thảy bốn lần- trong cái ý nghĩ bất lực và buồn thảm của về thăm, không một người đau mà một tử thi hấp hối đang tiến dần tới lâm chung, tới lòng huyệt, khiến chuyến đi nào tưởng cũng chỉ còn là một gặp mặt lẩn cuối, chắc chắn suốt đời tôi không bao giờ có thể quên. Mà tôi thì thù ghét thậm tệ mọi vĩnh biệt, mọi lần cuối. Thành có cái ý nghĩ là mấy chuyến đi ấy còn quá gần, chỉ như mới sáng nay, chiều qua, hãy để giữa chúng và tôi có một nguôi lắng, một cách biệt. Rồi trên một trạng thái tinh thần khác, mùa thu này, mùa xuân tới, không chừng, hãy trở về Seattle thăm Túy Hồng và thắp một nén hương viếng thăm lên bàn thờ bạn.
Lần thứ nhất của bốn lần sau cùng, tôi tới ngôi nhà Othello một mình, vào buổi sáng. Chờ cho hơi muộn, Thanh Nam đã thức dậy. Tôi ngồi nói chuyện với Túy Hồng ở phòng khách, thấy bạn đứng trước cửa toa-lét mở ngỏ. Thanh Nam gật đầu với tôi, nhưng lại đi vào phòng tắm đóng chặt cửa lại, ở khá lâu trong đó mới ra. Trọng bệnh quả đã làm ngừng chậm hẳn mọi tỏ hiện mừng rỡ, tức khắc, vốn là nét cá tính đáng yêu nhất của con người Thanh Nam, mỗi lần thấy bạn. Lần đó, tôi đã tránh nhìn kỹ, nhìn lâu cái hình hài tiều tụy của bạn. Cần gì phải nhìn. Chỉ cần thấy Thanh Nam chậm chạp đi tới, cái mũ cát-kết trên đầu che dấu mái tóc đã rụng hết bởi sự công phá của thuốc chữa, với một xấp giấy và một cây bút chì, ngồi xuống và bắt đầu bút đàm, tôi đã thấy trọng bệnh, chỉ sau một thời gian ngắn, đã vùn vụt leo thang.
Bút đàm thì Thanh Nam đã phải vậy, từ hai năm trước nếu tôi nhớ không lầm, ngay sau giải phẫu cuống họng. Nhưng bút đàm trước mạnh, vui, thoăn thoắt, giấy xé rào rào, ào ạt lắm kia. Nó hệt như lối nói líu ríu, hấp tấp của Thanh Nam khiến chúng tôi thường bật cười, sau vài tuần hia, rượu. Lần này khác hẳn. Như cầm xấp giấy, cây bút trên tay, viết xuống một dòng chữ, những động tác nhỏ nhặt ấy đã đòi hỏi ở Thanh Nam một cố gắng phi thường. Lần đó, cái câu mở đầu thông thường “Mày thấy trong người thế nào?” tôi không hỏi nữa, không bao giờ nữa. Thanh Nam thì hỏi. Trên giấy. Toàn về bằng hữu. Vũ Khắc Khoan? Tôi trả lời. Gật. Mặc Đỗ? Tôi kể. Gật. Anh em bên nhà: Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ? Tôi thuật. Gật. Rồi thình lình Thanh Nam ngưng viết, ngừng hỏi, tựa lưng vào thành ghế, mắt nhìn thẳng, gần như một tách thoát bất chợt, một riêng tây định thần. Gần như không còn thấy tôi ngồi bên cạnh.
Tôi ra phi trường, trở về Cali ngay buổi chiều hôm sau.
Lần thứ hai tới Seattle, tôi điện thoại ngay cho Túy Hồng, nhưng không tới nhà ngay mà đi thăm một vòng bằng hữu trước đã. Tôi tới toà soạn Đất Mới. Đứng nhìn thật lâu chỗ ngồi làm việc của hai chúng tôi trong suốt hai năm. Nhớ lại những buổi trưa Thanh Nam đưa cơm nắm và ruốc bông tới, chúng tôi chia nhau ăn bên cạnh cái máy đánh chữ. Tôi đi lại con đường Rainier, hướng xuống thành phố nằm trên lòng vịnh, nhớ lại những buổi sáng màn mưa Tây Bắc kín trùm trời đất, Thanh Nam lái xe qua, ngừng lại, nhấn kèn gọi. Tôi đội mưa chạy băng qua đường, lao vào xe, ném hết nước mưa trên người vào bạn ngồi trước tay lái.
Chờ hai ngày rồi tôi rủ những bạn bè thân nhất của chúng tôi cùng tới. Khá đông. Khoảng mười người. Đó là lần vui nhất. Giữa trọng bệnh, Thanh Nam bất ngờ khỏe hẳn lại, chừng như nhờ sự thí nghiệm và áp dụng một phương cách chữa trị mới. Buổi trưa. Ngôi nhà đông đặc ồn ào, làm sống lại cái không khí họp mặt náo nhiệt ồn ào chúng tôi đã có với Thanh Nam suốt hai mươi năm chung sống ở quê nhà và ở bất cứ một địa chỉ nào của Túy Hồng Thanh Nam, từ căn phòng nhỏ chật ở building Cửu Long, tới ngôi nhà đường Bùi Viện do Nguyên Sa nhượng lại, tới ngôi nhà trong một ngõ hẻm đường Lý Thái Tổ, chỗ ở sau cùng của Thanh Nam trước đêm cùng nhân viên Đài Mẹ Việt Nam theo tàu ra Phú Quốc.
Phải, bốn lần thăm sau cùng, chỉ lần đó là lần vui nhất, dẫu chỉ là niềm vui che đi một sự thật, giấu đi những giọt lệ. Chúng tôi được giữ lại ăn cơm trưa. Cùng ngồi chen chúc trong căn bếp. Lần đó, lần cuối cùng trong đời, Thanh Nam cười cười nay Túy Hồng sang một bên (Huế nấu ăn, Bắc không ăn được!) đích thân làm món nhậu đãi bạn. Lửa mở thật lớn. Chảo mỡ sôi sục. Những khoanh cá chép tươi, bụng phình trứng, để nguyên vẩy, chiên tới dòn tan, ăn với nước mắm tỏi gừng và ớt dầm cay xè. Rau muống, Thanh Nam chống tay canh chừng tới chín vừa, vớt ra để nguội, trộn đều với mè, bì heo và mắm tôm chanh, ăn với rau kinh giới, tía tô, hai món Bắc sở trường từ quê nhà danh tiếng của Thanh Nam, cái bang văn nghệ tấm tắc và đã ghi vào sổ vàng ẩm thực. Nhớ lần đó, chúng tôi cùng thay nhau trò chuyện, cười đùa, không để một phút im lặng, một phút ngớt tiếng. Làm như bệnh tình Thanh Nam không còn nữa. Làm như chứng ung thư bác sĩ Mỹ khám phá thấy ở Thanh Nam là bố láo, không hề có.
Tội nghiệp cho cả đám người đến thăm bạn. Chúng tôi không biết làm gì hơn, và đều như thầm cảm ơn nhau đã cùng đem lại được cho Thanh Nam một buổi trưa vui, trong khi cùng biết rõ mạng sống Thanh Nam cũng chỉ là một vấn đề từng tháng từng ngày chẳng còn phép lạ nào thay đổi được. Lần đó, Thanh Nam đưa tiễn được chúng tôi ra tới đầu thềm. Vịn tay vào cây cột, gật đầu với từng người nắm tay từ biệt. Tới tôi, hất hàm như có ý hỏi bao giờ mày về. Tôi nói “Tháng sau tao lại lên.”
Ra tới đường, nhìn trở lại, Thanh Nam không còn đứng ở ngoài thềm nữa. Cánh cửa của ngôi nhà Othello đã đóng chặt lại.
Lần thứ ba tôi tới Othello giữa mùa hè. Cái trần mây vĩ đại gần như quanh năm phủ kín bầu trời Tây Bắc, cái trần mây đã rời đi. Trời Tây Bắc cao vút, xanh biếc. Đi lại con đường Rainier, khúc xa lộ từ phi trường vào thành phố, nhìn những thảm hoa muôn mầu rực rỡ trước tất cả những ngôi nhà, những luống vườn đi qua, tôi có được cái cảm tưởng thân thuộc ấm áp chốc lát, giữa một buổi chiều Tây Bắc quang đãng, là tôi vẫn ở với Tây Bắc, chưa rời xa một ngày nào.
Sau này nghĩ lại, cảm tưởng ấy có được một phần vì tôi đã ở Seattle hai năm, nhưng, một phần lớn cũng là do ở Thanh Nam. Sự gắn bó của Thanh Nam với cảnh và người Tây Bắc. Với gia đình, do sự chọn lựa của Thanh Nam, định cư vĩnh viễn ở Tây Bắc. Với từng ngọn cỏ đường, từng ngọn thông rừng, từng hạt mưa mùa, như một cảnh tượng cố định và yên định đời đời của thân thế và phần đời êm đềm còn lại của Thanh Nam giữa mầu xanh vĩnh viễn , bất tận của thông rừng và hồ vịnh Tây Bắc. Gắn bó với hết thảy. Cùng hết thảy. Với thân tình cũ. Với thân tình mới. Gắn bó ấy ở Thanh Nam trung hậu tự nhiên, tròn, đầy, và mạnh mẽ hơn ở tôi nhiều, rất nhiều. Vắn tắt là gắn bó với đời sống, kể cả những lúc đời sống phản phúc và thù nghịch nhất. Một gắn bó vô điều kiện. Đó là điều đích thực tôi không bao giờ có được. Nhưng nhờ có Thanh Nam, đôi khi tôi cũng có được cái cảm tưởng sung sướng như thế.
Lần về thăm thứ ba này, tôi không nắm vững được bệnh tình Thanh Nam hiện như thế nào. Biết sơ qua Thanh Nam vẫn phải ngày ngày tới bệnh viện chữa trị, lượng thuốc an thần mỗi ngày dùng nhiều hơn, vẫn di chuyển được ở trong nhà nhưng phải chống mình trên một cây gậy. Vậy thôi. Biết thêm là ngôi nhà Othello im lặng trọn ngày. Thanh Nam lùi sâu thêm vào âm thầm với bệnh, chừng như chẳng còn muốn gặp ai, dù là những chỗ thân tình nhất. Tôi đến giữa buổi trưa. Túy Hồng đi đâu chưa về. Bầu không khí trong ngôi nhà ngưng đọng hoàn toàn. Bầy nhỏ ngồi trên thảm coi tivi, cái máy đã vặn nhỏ tới tối đa âm thanh. Con cháu Ty, đôi mắt tròn buồn chỉ tay vào phòng trong ra hiệu cho tôi Thanh Nam ở trong đó.
Tôi vào. Thanh Nam nằm nghiêng trên mặt đệm của một giường gỗ nhỏ, quay mặt vào tường, trên người không một tấm chăn đắp, mắt nhắm lại, bất động. Dấu vết đời sống chỉ còn chỉ còn thu lại, như một tơ chỉ, nơi tiếng thở vi vi, ú ú, nhọc nhằn thoát ra nơi lỗ hổng cuống họng bị giải phẫu che kín bởi một phiến vải trắng nhỏ bằng nửa bàn tay. Phiến vải phập phồng theo nhịp thở đứt quãng. Con người thường hiện nguyên hình trong giấc ngủ mà tỉnh thức che dấu được. Phút ấy, đứng lặng trên thành cửa, nhìn bạn ngủ, tôi mới nhìn thấy sự hiện hình toàn vẹn của cái chết, của ung thư. Chúng đã đến bên giường, chúng đã ở trong bạn tôi. Và từng phút, từng giây, lan dần, trùm lần, lấn dần, sự hủy hoại không tiếng.
Tôi lùi ra. Túy Hồng đi chợ về. Đi theo người bạn gái đã rất thân thiết từ trước thời gian chị thành gia thất với Thanh Nam vào trong bếp, tôi hỏi:
- Thế nào?
- Anh càng mệt thêm mãi. Nhiều ngày ở trong phòng tới chiều tối không ra. Vẫn đi lại được, nhưng khó khăn. Vẫn chịu khó nuốt vào người thực phẩm lỏng để còn hơi sức sống, nhưng chỉ được chút đỉnh rồi buông ra. Trưa nào cũng phải nằm. Tôi chỉ còn cầu mong giấc ngủ nào của anh cũng được thật đầy, cũng được thật ngon.
Một lát sau, Thanh Nam thức. Biết tôi tới. Mở cửa phòng đi ra. Một chiếc áo len cũ trên người, cái mũ cát-két, cây gậy tì nặng làm nghiêng đi một bên thân. Thanh Nam thận trọng bước từng bước trên mặt thảm, tới ngồi xuống cạnh tôi. Sự tàn phá của bệnh trạng nhìn thấy rõ rệt hơn nữa, so với lần trước. Bàn tay trái năm ngón co rút lại, như một nắm chặt chết cứng. Thần sắc nhợt nhạt. Một mặt đệm hình tròn, có đai vây như cái ghế dùng cho trẻ nhỏ đặt trên mặt sofa cho thế ngồi được vững chãi hơn. Vẫn còn bút đàm được, nhưng thật ít. Vài trang giấy nhỏ. Mỗi lần viết phải điều chỉnh cách ngồi lại, cả bàn tay co rút tì hết xuống mặt giấy. Điều duy nhất không bao giờ thay đổi, cũng là vùng cơ thể trước sau trọng bệnh không bao giờ xâm nhập được, là một thần trí vẫn cực kỳ minh mẫn. Bút đàm:
- Mày vẫn làm báo dưới ấy mà! Sao lên luôn được vậy?
Tôi cười:
- Vẫn đi vài ngày được. Máy bay đang rẻ rề. Nghe tính rời về Cali. Hay lắm. Còn định vậy không?
Gật. Rồi Thanh Nam lắc lắc, hất hàm về phía trong bếp, viết xuống giấy: “Túy Hồng không chịu. Nói đâu cũng vậy thôi. Ở đây lâu, quen rồi.” Túy Hồng không chịu là đúng, tôi hiểu. Thanh Nam chẳng còn đi đâu được nữa. Chẳng còn đi đâu để làm gì nữa.
Lần thăm thứ ba ấy ngắn nhất. Cũng là lần thăm khiến tôi hoang mang và buồn thảm nhất. Căn phòng khách tối mờ. Thanh Nam ngồi cao hơn tôi một chút, trên cái mặt đệm đặc biệt có vòng đai giữ. Bàn tay nắm chặt không còn xòe mở được của bạn. Bút đàm của bạn “Sao lên luôn được vậy?” Và sau câu viết, có một câu không muốn viết “ Mày cố gắng lên thăm nhiều lần, vì sợ không còn lần khác nữa, phải vậy không?” Phải. Đúng vậy. Chính vì vậy, mà chỉ ở lần thăm buồn nhất ấy, tôi mới nói rõ với bạn lời vĩnh biệt.
- Còn gặp là được. Tao sẽ lên chơi Seattle, đến thăm mày nhiều lần nữa. Nhưng nếu không thấy nhau, thì coi lần tới sau cùng là lần từ biệt nhé!
Thanh Nam nhìn tôi. Lâu. Gật đầu. Và ngồi yên nhìn tôi đi.
Sau lần thăm thứ ba, trong thâm tâm, tôi định không có lần thăm nào khác nữa. Từ thời gian, hai chúng tôi cùng trẻ măng, Thanh Nam cùng Tô Kiều Ngân làm tờ Thẩm Mỹ, bài viết đầu tiên của tôi ở miền Nam là một tuỳ bút ngắn trên tuần báo này, đến những tháng ngày ăn nhậu, bài bạc, chơi đêm liên miên trên căn phòng độc thân của Thanh Nam ở khách sạn Cửu Long, tới những chương trình thơ văn chúng tôi thằng viết, thằng đọc, cả chục năm liền trên ba đài Tự Do, Quân Đội, Sài Gòn, tới tờ Nghệ Thuật cùng dựng bảng hiệu, cùng một toà soạn, đến cuộc tình Thanh Nam Túy Hồng từ hé cánh đến tiệc cưới tưng bừng ở nhà hàng Đồng Khánh, tới những kỷ niệm vui buồn không nhớ hết, ở ba địa chỉ Nancy, Bùi Viện, Lý Thái Tổ, hãy chỉ kể vậy, đã gọi được là cùng với Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Anh Ngọc, Hoài Bắc, Vũ Quang Ninh họp thành Cái Bang phái văn nghệ áo bẩn, tôi đã sống, đã ở, đã làm việc với Thanh Nam gần trọn một đời người. Thêm hai năm Đất Mới ở Seattle nữa. Thì đã là đầy đủ. Thì chẳng còn ân hận. Thì cái số bạn phải đi trước thôi cứ để bạn đi. Thì nếu chưa chia tay, cũng đã cầm tay nói lời từ biệt. Tôi lại rất yêu cái chết của loài voi. Lặng lẽ. Không tiếng. Ở một đáy rừng. Dưới một mộ lá. Và thầm mong cho Thanh Nam được chết cái chết xa đời nhẹ nhàng, một mình như thế.
Nhưng tôi trở về Santa Ana mới được vài tuần, bằng hữu Tây Bắc đã tới tấp báo động xuống. Rằng Thanh Nam đã lúc tỉnh lúc mê. Rằng bác sĩ Mỹ chê không chữa nữa. Rằng tang lễ đã chuẩn bị. Rằng một nhà sư trẻ đã được mời tới ngôi nhà Othello tụng kinh làm lễ siêu độ cho Thanh Nam ở đầu giường. Tin dữ chấn động sinh hoạt. Nhiều anh em đòi lên thăm gấp Thanh Nam, gặp lại một lần trước khi Thanh Nam nằm xuống. Thế là tôi phải đi cùng. Và có lần thăm thứ tư.
Nhớ lại lần thăm trước, Thanh Nam tỏ ý không còn muốn tiếp bạn bè thăm viếng nữa, tôi đi Seattle trước một ngày. Và đến ngay Othello. Báo động thì đúng, nhưng tình trạng nguy kịch chừng như lại yên yên, thần thái Thanh Nam so với lần trước không sa sút gì lắm. Tuy bàn tay trái co rút không nắm lại được, vẫn cây gậy, sự di chuyển khó nhọc, cái đệm hình tròn có vòng đai để ngồi cho vững. Tôi cười, lấy giọng đùa cợt:
- Tưởng mày nằm dài ra rồi. Chưa. Hay lắm. Tao lên lần này còn có cả một phái đoàn văn nghệ Cali đi cùng. Họ sẽ tới đây ngày mai.
Thanh Nam tròn mắt nhìn. Một lát rồi cầm bút viết:
“Dưới ấy lên Seattle trình diễn à? 30 tháng tư qua rồi. Vụ gì vậy?”
- Chẳng có vụ gì hết. Anh em Cali rảnh rỗi kéo nhau lên Tây Bắc chơi. Nhân tiện tới thăm mày thôi.
Viết: “Những ai?”
- Nếu đi đủ, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Kiều Chinh, Quỳnh Như, Đỗ Ngọc Yến hoặc Nguyễn Đức Quang. Hoàng Quốc Bảo nữa.
Thanh Nam lắng nghe, bậm môi, nghĩ ngợi, đoạn cầm bút viết: “Chẳng tới thăm tao bao giờ bỗng dưng tới cả một đoàn vậy. Bảo họ đừng đến. Tao không muốn gặp.”
- Sao vậy? Tôi hỏi.
Viết: “ Nguyên điều này đã: tao rất mệt, không thể ngồi lâu, không thể đủ sức tiếp chuyện từng người.”
Cuối cùng Thanh Nam cũng bằng lòng, chỉ viết dặn là nói với anh em đến ít phút thôi rồi cho nằm nghỉ. Dặn vậy mà hôm sau, khi tôi đưa Kiều Chinh, Nguyễn Đức Quang và Hoàng Quốc Bảo tới, Thanh Nam đã chờ sẵn bằng một đợi chờ thật vui mừng, thật cảm động. Nắm tay Nguyễn Đức Quang. Chỉ Hoàng Quốc Bảo, gật gật. Như muốn nói đã nhận ra ngay. Để yên cho Kiều Chinh ôm lấy thật chặt rồi cười thân mến.
Lần cuối cùng tiếp bằng hữu phương xa trưa ấy, ở Thanh Nam là một phong cách rất tươi tắn, ung dung và chững chạc. Ngồi tựa lưng, khoan thai. Nét mặt nhẹ nhõm. Cây gậy cầm thẳng. Tôi nói Nguyên Sa, Du Tử Lê, Quỳnh Như phút chót không đi được, gửi lời thăm. Gật. Kiều Chinh: “ Anh khỏe đi rồi về Cali chơi với tụi này.” Cười. Gật. Chăm chú nghe Nguyễn Đức Quang. Quay sang với Hoàng Quốc Bảo.
Buổi thăm định chỉ vài phút, kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ. Rồi khuôn mặt chợt nghiêm lặng lại, viết, trao mẩu giấy cho tôi. “Tao mệt, phải đi nằm ngay rồi.” Mọi người hiểu, cùng đứng lên. Và cái hình ảnh cuối cùng, sau cùng chúng tôi có về Thanh Nam buổi trưa hôm đó ở giữa phòng khách ngôi nhà Othello, đích thực là một hình ảnh của bỏ đi, của lên đường đi vào vĩnh viễn: chống trên cây gậy, quay gót, Thanh Nam chậm chậm đi qua từng người chúng tôi, đi vào phòng riêng. Tôi nhìn xuống cây viết, xấp giấy để lại trên mặt bàn. Đàm thoại một đời với bạn, với đời, lần này là chấm dứt. Chấm dứt hẳn.
Mười năm. Từ biến động, từ đổi đời, từ địa ngục, từ cõi chết trôi ra, sống sót, tới bờ đất mới, nghĩ mình được may mắn phục sinh, lửa đạn đã tránh đường, đại dương còn ném trả, mười năm ấy hình như chúng ta không còn bận tâm về cái chết, chẳng còn những tư duy về cõi chết, nhìn thấy cõi chết. Nhất là cái chết của một người thân. Cái chết, dưới những hình thái khác, ở trong lửa đạn, ở giữa nghìn trùng, của người tử tù trong ngục tối, của hàng triệu trẻ nhỏ chết đói ở Phi châu, của cuồng tín Trung Đông, của nạn nhân kỳ thị, chúng ta sống với, mỗi ngày, qua báo chí, truyền hình, với khái niệm về những hình thái của sự chết ấy như một hiện tượng thời đại, một tai họa tập thể, và phản ứng theo chiều hướng nhận thức ấy. Còn cái chết bình thường, như đời người trước sau rồi cũng một lần phải chết, chúng ta lại không còn có suy tư gì về nó nữa, hoặc chỉ một thoáng nghĩ, phút chốc rồi thôi. Cuộc sống tưởng như một mớ lùng bùng không còn hình thể là vì vậy. Bởi chính cái chết mới định nên hình dáng đời sống, như sự định hình của một con đường là ở phần mở đi và ở nơi chấm dứt của con đường. Thành ra cái chết trở thành một xa lạ dần mãi, một khái niệm mơ hồ, một ý niệm trừu tượng.
Cái chết của một người thân, của Thanh Nam, chứng ung thư, một bệnh viện ở Tây Bắc, sự vật lộn âm thầm, đơn độc, tuyệt vọng, can đảm của Thanh Nam với Tử thần, mái tóc rụng, cây gậy, cái cát-két, mẩu giấy cây bút của bút đàm, bốn lần về Seattle thăm bạn, khi bệnh tình bạn đã hoàn toàn tuyệt vọng ở ngôi nhà Othello, cho tôi thấy lại một lộ trình người, và giữa những đứt đoạn khắp cùng, một chu kỳ đời sống, một chu kỳ toàn vẹn. Không ai còn ai mất. Ai cũng chết mà thôi. Hoàng Cầm. Thơ Hoàng Cầm. Tưởng như Phú Quốc đêm rời quê hương. Rời. Thanh Nam. Thơ Thanh Nam. Cuối cùng là Thanh Nam đã có hàng nghìn địa chỉ trong mỗi người thân, trong mỗi chúng ta. Như câu văn bất hủ của Sacha Guitry: Nấm mộ của người đã mất nằm trong trái tim những người còn sống.
Chị Túy Hồng, ở xa, tôi gửi lên Tây Bắc cho chị lời thơ ấy của Hoàng Cầm, câu văn ấy của Guitry. Như một nén hương nhờ chị thắp thay tôi lên bàn thờ Thanh Nam. Ngày giỗ đầu.
- Màu lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa Mai Thảo Nhận định
- Những Ca Khúc Tiền Chiến Mai Thảo Tùy bút
- Ngôi Sao Hàn Thuyên Mai Thảo Hồi ức
- Nhật Tiến Vẫn Đứng Ở Ngoài Nắng Mai Thảo Hồi ức
- Tiếng hát Thái Thanh Mai Thảo Tap luận
- Nhân Cách Bình Nguyên Lộc Mai Thảo Hồi ức
- Đêm Tân Hôn Mai Thảo Truyện ngắn
- Đứng Về Phía Những Cái Mới Mai Thảo Tạp luận
- Họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương Mai Thảo Hồi ức
- Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng Mai Thảo Hồi ức
• Bài Thơ Xuân Nhuốm Màu Xung Khắc Văn Hóa (Đàm Trung Pháp)
• Vài kỷ niệm viết lách với Thanh Nam (Bình Nguyên Lộc)
• Lần thăm cuối cùng (Mai Thảo)
• Thanh Nam, Trọn Đời Sống Chết Với Văn Chương (Nguyễn Thiếu Nhẫn)
• Đọc "Buồn Ga Nhỏ" và "Thơ Xuân Đất Khách" của Thanh Nam (Trần Văn Nam)
• Đọc Bài Thơ Xuân Đất Khách Của Thanh Nam (1931-1985) (Viên Linh)
Tiểu Sử (gio-o.com)
Loạn bút về Thanh Nam (Nguyễn Văn Sâm)
Thanh Nam đất khách, những ngày Tháng Tư (Viên Linh)
Lịch Sử Như Ngừng Lại Trong Thơ Truyện Của Thanh Nam (Trần Văn Nam)
Đất Khách, khúc ngâm trên đất tạm dung (Nguyễn Mộng Giác)
Nhà văn, nhà thơ của rượu và giang hồ (Hồ Nam)
Tản mạn... Thanh Nam (Tuý Hồng)
Thơ Thanh Nam (thivien.net)
Thơ Thanh Nam (thica.net)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |