|
Đỗ Khánh Hoan(5.8.1934 - 3.10.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Một khuôn mặt văn chương được yêu mến nhất trong đời sống văn nghệ Sài gòn là nhà văn nhà thơ Thanh Nam (1931-1985), người cùng với Nguyên Sa chủ trương Tạp chí Hiện Đại, sống bằng nghề văn, có hơn hai chục cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, song lại nổi tiếng là thơ hay. (1) Ông được mọi người của mọi giới yêu mến, kể cả anh em trong giới sân khấu cải lương, các danh ca nơi trà đình tửu quán, các ký giả trang trong (2) của giới làm báo, và các nhà văn nhà thơ nổi tiếng nhất của Miền Nam. Con người ấy nổi bật vì cách sống, vì chỉ viết cái gì anh sống, anh cảm được, cho nên thơ văn Thanh Nam là thơ văn của cuộc sống, loại trừ mọi giả tưởng hay hư cấu. "Hồn thật của Thanh Nam đi vào hẳn tác phẩm của anh." Đó là nhận định của nhà văn nổi tiếng nhất của Miền Nam là Bình Nguyên Lộc về tác giả Thanh Nam. (3) Còn Mai Thảo viết: "Văn là người. Câu đó vẫn thật đúng với Thanh Nam". (4) Cuốn truyện đầu tiên của Thanh Nam in năm 1957 ở Sài gòn, song anh cầm bút cùng thời và cùng nhóm văn nghệ với Ngọc Giao, Nguyễn Minh Lang, Thy Thy Tông Ngọc Ở Hà Nội từ đầu thập niên '50. Năm 1952, theo bước chân thi sĩ Nguyễn Bính, anh vào Sài gòn, gia nhập giới văn nghệ Nam kỳ, ở lại đây và trở thành "con thiêu thân" của Hòn Ngọc Viễn Đông.
Nếu chỉ cần một tác phẩm để giới thiệu Thanh Nam, thì đó là tập thơ Đất Khách; và nếu chỉ cần một bài điển hình về Thanh Nam, thì đó là bài thơ ông làm chỉ hai năm sau khi di tản tới Hoa Kỳ:
Kệ sách Học Xá
THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH
Gởi Viên Linh
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi dạt từ Đông sang cõi Bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Bài này Thanh Nam làm nhân cái Tết thứ hai trong cuộc sống lưu vong, Mồng 1 Tết Đinh Tỵ nhằm ngày 18.2.1977.
Khi cùng làm một tờ báo với nhau, khoảng 1965,1966, từ Tuần báo Kịch Ảnh của Chủ nhiệm Quốc Phong Nguyễn Văn Hanh qua Tuần báo Nghệ Thuật của Chủ nhiệm Mai Thảo, cùng còn độc thân, Thanh Nam rủ tôi dọn về ở chung với anh trên Cao ốc Cửu Long đường Hai Bà Trưng, Sài gòn. Những năm '70, chúng tôi mỗi người một nhà, song cùng ở gần nhau trên đường Lý Thái Tổ. Rồi hẹn nhau cùng ra Phú Quốc, và đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 cùng lên một con tầu American Challenger tới Guam; cùng tới Trại tị nạn Indiantown Gap, Pennsylvania tháng 6.1975. Nhưng tôi ra trại trước vào tháng 8.1975, hai tháng sau gia đình anh được đưa tới New Jersey. Hoàn toàn cô đơn ở tiểu bang này, ít lâu sau anh liên lạc được với người bạn cũ từ Hà Nội đang định cư ở Seattle, thế là "trôi dạt từ Đông sang cõi Bắc."
Từ đó, nhà văn lưu lạc quê người.
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa
Anh tủi nhục gì hỡi Thanh Nam? Người đọc có thể hỏi như thế, bạn thân của anh thì không, vì anh đã tâm sự. Làm một nhà văn lưu vong, không còn cầm bút được nữa, có khác gì người lính thua trận giữa sa trường, như cỏ cây bùn đất? Báo chí tị nạn ở Hoa Kỳ hai năm đầu chưa có là bao, và dù có thì cũng thất thường. Trong tận cùng tâm hồn đau thương, vọng lên những vần thơ truy niệm quá khứ, giống như trong thương tích người chiến sĩ, vẳng lên tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Người lưu vong thương nhớ những gì?
Ới hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!
Ôi, thật rõ ràng thật đau thương! Một năm của người đời là mười hai tháng, một năm của người Việt Nam lưu vong chỉ có một tháng, là Tháng Tư, cái tháng Miền Nam tự dưng vỡ lở, không đánh mà tan, đâu là bạn bè, người thân, đâu là nhà xưa, quê cũ?
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu
Từ một nước Á châu cổ kính tới thủ đô của Tân thế giới, Thanh Nam cho là từ kiếp này đổi sang kiếp khác, kiếp nào đứa trẻ cũng phải học nói, đã sống phải cần lao, nhưng từ Trần Đại Việt đổi thành Viet Tran, ngược lại nền nếp mẹ cha, không dùng được khả năng của mình nữa, phải sống nhờ, thì thân phận kém cỏi là dường nào?
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!
Tất cả vì sao lại thế?
Ai cũng biết câu trả lời.
Vì Tự Do.
Con người bỏ quê hương đất nước, bỏ tất cả ra đi, chỉ vì cuộc sống chỉ đáng sống vì được sống tự do, mặc dầu cái giá của Tự Do là vô cùng đắt. Thế kỷ XX là thế kỷ của tị nạn. Chúng ta sống trong thế kỷ ấy. Nhìn xem, quanh thế giới, và quanh ta, đâu đâu cũng đầy người tị nạn. Không tị nạn là sống trong tù ngục. Sống tù ngục thà chết. Sống tị nạn, còn hy vọng "mây nước có phen...":
Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ
Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui êm ấm
Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa
Mây nước có phen còn hội ngộ
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Đối bóng mình ta say với ta...
1977
Thanh Nam, Đất Khách, trang 13-15)
CHÚ THÍCH
1. Thanh Nam tên khai sinh là Trần Đại Việt, người Nam Định, ra đời ngày 26.8.1931, vào Nam lập nghiệp năm 1952. Từ trần tại Seattle ngày 2.6.1985. Tác phẩm đã xuất bản - 1957: Hồng Ngọc, Người nữ danh ca. - 1963: Giấc ngủ cô đơn, Buồn Ga Nhỏ, Còn một đêm nay. - 1965: Bầy ngựa hoang, Giòng lệ thơ ngây, Những phố không đèn - 1968: Mấy mùa thương đau. 1983: Đất Khách, thơ, Seattle. Tạp chí Hiện Đại ra đời khoảng 1960, trụ sở tại đường Nguyễn An Ninh Sài gòn, trong ban chủ trương có Nguyên Sa, Thanh Nam. Năm 1965 Thanh Nam là Thư ký tòa soạn Tuần báo Nghệ Thuật, rồi 1966 nhường cho Viên Linh.
2. Giới làm báo Sài gòn chia các ký giả làm nhiều loại, ký giả trang trong là những người phụ trách "bài nằm," tức bài sáng tác, chuyện tình cảm, tìm hiểu, viết từ những ngày trước, khác với ký giả phụ trách tin tức trang ngoài, có tính thời sự, viết ngay khi sự việc xảy ra.
3. Bài viết có nhan đề: "Một tác giả viết về một tác giả, Thanh Nam dưới mắt Bình Nguyên Lộc", Tuần báo Nghệ Thuật số 36, Sài gòn, 18.6.1966.
4. "Thanh Nam dưới đất trời Tây Bắc," Mai Thảo, Chân Dung, Văn Khoa xuất bản, Westminster, 1985.
- Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ
- Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định
- Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký
- Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký
- Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại
- Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký
- Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký
- Văn Quang - Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành 2009 Viên Linh Thông báo