1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam (Đỗ Trường) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      19-06-2015 | VĂN HỌC

      Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam

        ĐỖ TRƯỜNG
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

      Từ độ “đất trời dị biệt, gió mây bất đồng” thì nền văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Có thể nói, ngay sau biến cố 1975 dòng chảy đó tự chẻ ra như những nhánh sông luân lạc… rồi tìm về, tụ lại đó đây. Tuy chưa thể cháy lên, nhưng nó đã cùng với những nhà thơ, nhà văn hải ngoại làm ấm lại phần nào cho nền văn học miền Nam.


      Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.


      Nhà thơ Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 tại một làng nhỏ vùng duyên hải thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên cách thành phố Huế khoảng 30 cây số về hướng Đông Nam, trong một gia đình thuần nông. Ngay từ thuở ấu thơ Phạm Ngọc Lư đã được cha và người bác truyền dạy chữ Hán. Ông là cựu học sinh Quốc Học, sinh viên Viện Hán học và Đại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn, ông về dạy học ở Tuy Hòa. Năm sau, 1968, ông bị (được?) động viên nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Chỉ một thời gian ngắn tập luyện ở quân trường, ông lại được biệt phái trở về ngành giáo dục. Nhưng sau năm 1975, ông bỏ nghề. Từ đây, hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Phạm Ngọc Lư phiêu bạt nhiều nơi, có những lúc cuộc sống, tâm hồn tuyệt vọng, tưởng chừng ông đã đoạn tuyệt với thi ca. Nhưng rồi chính nó lại là điểm tựa, giúp ông vượt qua những đắng cay, tủi nhục ấy. Và Đà Nẵng mới là nơi hội tụ, điểm dừng chân cuối, không chỉ riêng ông, mà còn của nhiều thi nhân lỡ bước khác.


      Phạm Ngọc Lư xuất hiện trên thi đàn rất sớm. Từ năm 17 tuổi (1963) ông bắt đầu tập viết và vài ba năm sau đó đã có thơ và truyện đăng trên các báo, nguyệt san: Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Thơ Phạm Ngọc Lư mang đậm chất cổ thi và sử dụng nhiều điển tích cũng như từ ngữ Hán Việt. Do vậy, thơ ông cổ kính sang trọng, nhưng khi đọc lên tưởng chừng rất dễ vỡ.


      Qủa thực, khi đọc, nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, đôi khi ta bắt gặp một vài thủ pháp nghệ thuật sử dụng hình ảnh, câu từ khá tương đồng với cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bởi, có lẽ hai thi sĩ đều có điểm chung, học chữ Hán và có nền tảng cổ văn khá vững, ngay từ thuở thiếu thời chăng? Tuy là vậy, nhưng tư tưởng, hồn vía trong thơ lại có những khúc rẽ rất khác nhau.


      Tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong thơ.


      Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước không có một ngày bình yên, do vậy Phạm Ngọc Lư thấm được nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh và nỗi thống khổ sau cuộc chiến. Là nhà giáo, không phải cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ngòi bút của mình, người thi sĩ trẻ ấy đã bóc trần sự thật của chiến tranh. Có thể nói, Biên Cương Hành là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt. Đa số những bài viết về đề tài chiến tranh, hay cổ động chiến tranh thường có giá trị nhất thời. Nhưng Biên Cương Hành lại có sức sống dẻo dai và sự lan tỏa mạnh mẽ, bởi ngoài sự thật tàn khốc của chiến tranh, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao.


      Bài thơ này, Phạm Ngọc Lư viết vào tháng 5-1972, theo thể Hành, như những tiếng chuông chiêu hồn vọng lên trong không gian (đã trở về) tĩnh lặng, giữa chiến trường sặc mùi tanh của đất chết. Với chỉ một câu khẩu ngữ so sánh cũ kỹ, bình thường: “Chiến trường ném binh như vãi đậu“ nhưng đã được thi sĩ đặt đúng vào vị trí, văn cảnh, nó trở thành câu mới, hình tượng so sánh ẩn dụ mới. Hình ảnh đó là sự tàn nhẫn, với nỗi đau tận cùng và thân phận rẻ mạt của người lính trong chiến tranh. Và đằng sau nó như một bản cáo trạng tội ác đối với những kẻ đã gây ra cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn của nhà thơ. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:


      “… Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

      Núi chập chùng như dãy mồ chôn

      Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

      Thổi lấp rừng già bạt núi non

      Mùa khô tới theo chân thù địch

      Ta về theo cho rậm chiến trường

      Chiến trường ném binh như vãi đậu

      Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

      Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

      Núi mang cao điểm ngút oan hờn…”

      (Biên Cương Hành)


      Viết về chiến tranh, có lẽ không có thể thơ nào chuyển tải và lột tả hết cái bi thương bằng thể thơ Hành. Thật vậy, như có lần tôi đã viết: Hành thuộc thơ cổ, có xuất xứ từ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn, ngũ ngôn, hoặc dài ngắn tùy thuộc tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nó là thể thơ khó nhằn, khó viết. Nhìn chung, các nhà thơ Việt rất ít sử dụng thể loại này.


      Đã đọc khá nhiều thơ thể hành, nhưng quả thực, còn đọng lại trong tôi không nhiều. Bởi, tuy là thể thơ mang tính tự do, phóng khoáng, nhưng để đạt đến cái đỉnh bi tráng, thực sự lay động lòng người, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Với tôi, kể từ khi có thơ mới đến nay: Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư và Đau Thương Hành gần đây của Thế Dũng là những bài thơ hay, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, khi đọc thể loại này.


      Phạm Ngọc Lư dường như đã bước ra khỏi cuộc chiến, để viết. Với cái nhìn bình tâm và khách quan như vậy, hình ảnh chiến tranh cũng như thân phận con người hiện lên một cách trung thực nhất. Và con đường cùng, tịt lối ấy: “Chưa hết thanh xuân đã cùng đường“ không chỉ dành riêng cho những người lính, hay những cô phụ mà là ngõ cụt cho cả một dân tộc:


      “…Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

      Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

      Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

      Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

      Biên cương biên cương đi biền biệt

      Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

      Trông núi có khi lầm bóng vợ

      Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

      Thôi em, sá chi ta mà đợi

      Sá chi hạt cát giữa sa trường

      Sa trường anh hùng còn vùi dập

      Há rằng ta biết hẹn gì hơn?…”

      (Biên Cương Hành)


      Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là một nhà thơ giầu trí tưởng tượng, có lối nhìn và sự quan sát tỉ mỉ. Chỉ với một vài hình tượng so sánh: “Tử khí bốc lên dày như sương/ Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu” ông đã dựng lại khung cảnh khác tang thương hơn, ngay sau trận chiến. Tuy không nghe tiếng súng tiếng bom, nhưng ta thấy mùi tử khí bốc lên ngùn ngụt. Nó phơi bày sự chém giết, hủy diệt một cách tàn nhẫn của con người với con người.


      Nếu Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du làm cho ta phải rợn người khi đọc, thì Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư sẽ làm ta phải sởn gai ốc, lạnh toát cả sống lưng. Thật vậy, đây là áng văn chiêu hồn hú lên, không chỉ cho những cô hồn đã chết, mà còn cho cả những cô hồn còn sống trong cũng như sau cuộc chiến này:


      “…Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

      Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

      Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

      Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn

      Cô hồn một lũ nơi quan tái

      Có khi đã hoá thành thú muông

      Cô hồn một lũ nơi đất trích

      Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

      Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

      Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương…”

      (Biên Cương Hành)


      Gần đây có một nhà thơ già bảo tôi: Sau 43 năm, đọc lại Biên Cương Hành, vẫn cảm thấy mới và có những cảm xúc như lần đầu vậy.


      Vâng! Đúng vậy, đó là một thi phẩm toàn bích của Phạm Ngọc Lư. Và tôi nghĩ, cùng với Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính… Biên Cương Hành của ông sẽ sống cùng thời gian.


      Thân phận trí thức sau chiến tranh.


      Có lẽ, sau chiến tranh, sự bắt bớ cải tạo tù đày, đánh công thương, di dân kinh tế mới còn dã man, rùng rợn hơn cả bom rơi đạn nổ thời chiến. Nếu thời chiến, chiến trường chỉ xảy ra ở một khu, một vùng, thì thời bình (sau 30-4-1975), chiến trường mới thâm hiểm hơn, trải dài trên toàn tấm thân gầy đất Việt. Do vậy, bình an không thể tìm bất cứ nơi nào trên đất mẹ. Dòng người lao ra biển, người ở lại luẩn quẩn trong vòng tròn nghiệt ngã.


      Cuộc sống bần cùng không lối thoát ấy, đã được thi sĩ chép lại bằng thơ. Có thể nói, Phạm Ngọc Lư là hình ảnh điển hình nhất của trí thức miền Nam sau ngày 30 tháng 4. Từ một nhà thơ, người thày, bị bật ra khỏi cuộc sống và xã hội, ông ngơ ngác giữa vòng đời nghiệt ngã: “Ma xui quỷ khiến ta ngồi chợ/ bán gió rao trăng một núi dừa!“. Trong tận cùng bi thảm đó, chìm vào những cơn say, mới có thể làm cho người thi sĩ quên đi những bi quan và chán trường chăng?


      “Thôi để yên ta bên chén rượu

      Uống say… thành bại cũng bằng thừa

      Uống say… ném áo lên nóc quán

      Hết nợ hết duyên vĩnh biệt dừa”

      (Ngồi Chợ)


      Nhưng thi sĩ đã lầm. Rượu và những cơn say ấy, chỉ có thể bần cùng hóa thi nhân, chứ không thể kéo ông ra khỏi những gian nan, rách nát của cuộc đời. Và biên cương sặc mùi tử khí, cao su rừng được bón bằng những xác người chết trận, chắc hẳn là nơi thi sĩ phải đi đến:


      … Trời sinh chi đôi vai thêm khổ

      Gánh gian nan như gánh tội đồ

      Sinh chi kẻ sĩ đem đày đọa

      Chôn vùi nơi nắng bẩn mưa dơ

      Đi giữa rừng cao su trùng điệp

      Lòng đau như vết cạo còn tươi

      Mủ cứ chảy bám dày tâm sự

      Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người…”

      (Bụi Đỏ)


      Người thi sĩ như đèn cù bị dẫn chạy trong vòng vạch sẵn. Cánh đồng hoang bủa vây thân người. Chân trời rộng, nhưng đường về không lối. Sự đầy đọa về thể xác lẫn tư tưởng tâm hồn con người của chế độ hoang tưởng đương thời, không chỉ báo hiệu con đường cụt trước mặt, mà còn giết chết linh hồn của cả một dân tộc. Chiều Qua Châu Thổ là ký ức về những năm tháng lặn ngụp ở đầm lầy Đồng Tháp của Phạm Ngọc Lư. Tuy nó không nằm trong số những bài thơ hay nhất của ông, nhưng đọc ta thấy được tâm trạng cũng như thân phận bèo bọt của kiếp người:


      “… Đồng khô rậm tiếng ếch kêu

      Mây hoang ủ rũ đăm chiêu rối lòng

      Chân trời dang rộng mênh mông

      Cố hương thăm thẳm tịnh không lối về

      Giang hà im bặt thuyền ghe

      Tha phương nhật mộ… não nề bèo mây”


      Tròn một con giáp trong cái vòng luẩn quẩn “Đất khách lênh đênh tròn một giáp/ Mười hai năm – mười hai bến đục ngầu“ Phạm Ngọc Lư vùi mình trong kiếp lưu đày với nỗi đau xé nát tâm hồn. Và chính giai đoạn này, sự bần hàn cơ cực và chiếc còng vô hình treo lơ lửng trên đầu người thi sĩ thực sự đã giết chết tuổi xanh, khóa chặt thi hứng Phạm Ngọc Lư “Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo/ Cơm áo bạc tình bán hết thanh xuân“. Sau này, trong giây phút tĩnh tâm trở lại, Phạm Ngọc Lư đã mượn hình tượng đề thơ trên đá của tiền nhân, để khắc lại nỗi đau và sự cô đơn ấy của mình. Lên Núi Đề Thơ là một trong những bài thơ hay viết theo thể lục bát đã khắc họa thành công con người, tâm trạng của Phạm Ngọc Lư như vậy:


      “…Chiều hôm non nước lặng tờ

      Lòng tôi gọt đá đề thơ khóc mình

      Đau tay khắc đậm chút tình

      Mũi dao là lệ nhân sinh ròng ròng

      Ngàn sau hồn chữ rêu phong

      Miên man thiên địa… tấc lòng du du…”


      Sau biến cố 30- 4- 1975, thì giá trị đạo đức, giá trị con người bị đảo lộn tùng phèo. Nền văn học miền Nam chính thức bị khai tử, nạn đốt sách, truy bức, tù tội các nhà văn một cách dã man và tàn bạo. Phải sống trong một xã hội nhơ nhuốc, bóp chặt bao tử, lấy miếng ăn làm thước đo nhân phẩm và cai trị con người như vậy, giữ được nhân cách biết còn lại bao người?


      Tuy nhiên, khi đọc và nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, tôi thấy bóng dáng và chí khí kẻ sĩ bất phục trước danh vọng, tiền tài và quyền lực của nhà thơ Hữu Loan ở trong ông. Đề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân là một bài thơ hay, được Phạm Ngọc Lư viết gần đây. Nó như một lời tự sự và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái về chính cuộc đời của thi sĩ đã trải qua. Có thể nói, chính đọc bài thơ này của Phạm Ngọc Lư đã gây cho tôi một cảm xúc muốn viết về ông. Chúng ta đọc đoạn trích dưới đây để thấy được cái khí khái và con người thi sĩ Phạm Ngọc Lư :


      “Có người bảo ta ngu

      Không thèm ăn thóc nhà Chu

      Bỏ về quê ăn cỏ

      Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ

      Dám chê rượu nhà Tần

      Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quý tộc

      Tuổi mới ba mươi

      Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục

      Lấy giẻ rách che tai

      Cắm chông gai rào miệng

      Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn

      Trèo lên xe trâu

      Lui về quê kiểng

      Mài răng gặm nhấm cái thanh bần…”


      Sự trấn áp, bóp nghẹt tư tưởng văn nghệ sĩ, trí thức cho đến nay, càng bộc lộ sự yếu đuối, bất lực của chính quyền. Những việc làm ấy, chỉ có thể cưỡng chế, nhục mạ thân xác con người, chứ không thể bóp méo suy nghĩ, tư tưởng của họ. Và tôi tin, linh hồn ấy vẫn rực cháy lên… Thật vậy! Tiền tài, danh vọng rồi sẽ qua đi, nhưng tài năng, hồn khí của những thi sĩ, trí thức như Hữu Loan, Phạm Ngọc Lư… chắc chắn sẽ còn đọng mãi qua nhiều thế hệ người đọc.


      Tìm lại hồn thơ cũ.


      Tôi biết và đọc Phạm Ngọc Lư khi đi vào nghiên cứu thể thơ Hành, cách nay chưa lâu. Nhưng có thể nói, thơ ông không cầu kỳ, nhưng sáng và trau chuốt. Nó gắn liền với số phận cùng cực của chính nhà thơ, dưới một xã hội đương thời điên đảo dối trá. Với tâm hồn muôn năm cũ và là người luôn sống bằng những hoài niệm u buồn: “Ngủ quên bên chén rượu tàn / Giật mình tỉnh giấc: hai ngàn năm qua!” Do vậy, thơ ông mang nhiều những ưu tư, có chiều sâu suy tưởng, cho ta cảm giác được trở về gần gũi với tiền nhân hơn, khi đọc. Có lẽ, được học chữ Hán và tiếp cận rất sớm với văn học cổ, nên nó đã ảnh hưởng rất lớn đến thơ văn cũng như quá trình sáng tác của Phạm Ngọc Lư. Ông viết nhiều thể loại, mọi đề tài, nhưng lục bát mới là sở trường của ông. Thật vậy, đọc thi tập Đan Tâm, ta có thể thấy, những bài thơ hay của Phạm Ngọc Lư hầu như đều thuộc về thể lục bát.


      Nếu những năm gần đây, nở rộ trào lưu cách tân của những thơ không vần, hay những tượng trưng, siêu thực…thì Phạm Ngọc Lư cần mẫn đi nhặt lại hồn thơ cũ. Và có thể nói, ông là một trong những nhà thơ đã thổi hồn cổ phong vào thơ lục bát:


      “«… Một trời mây lặng gió im

      Vút lên cánh hạc giữa tiềm thức hoang

      Bay bay lá mộng chín vàng

      Bay theo oanh yến lai hoàn kiếp chim

      Chập chờn một bóng hoàng uyên

      Nhập thân hoàng hạc vào thiên cổ rồi!…”

      (Chim Mộng)


      Vẫn hồn vía cổ thi, thơ tình lục bát của Phạm Ngọc Lư lại mang dáng dấp hiện đại, mới lạ. Thơ lục bát dễ làm, nhưng để không bị nhạt và nhàm chán thì thật không phải ai cũng làm được. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại, hiện tượng lục bát được cho tài năng Đồng Đức Bốn (Hải Phòng) từ mấy chục năm qua. Có thể thấy, thơ ông có cái vỏ đẹp, mượt mà, nhưng nhìn tổng thể thiếu bề dày, chiều sâu. Bởi, thành thật mà nói, Đồng Đức Bốn dường như viết theo (năng khiếu) bản năng và thiếu phần kiến thức. Khi đọc lục bát Phạm Ngọc Lư, ta thấy được sự tìm tòi sáng tạo và những kiến thức sâu rộng của ông đọng lại trong thơ rất rõ ràng. Thật vậy, một nhà thơ tài năng, ngoài năng khiếu bẩm sinh dứt khoát phải có kiến thức sâu rộng:


      “Em từ tình sử bước ra

      Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay…


      Chờ nhau gác gió lầu mây

      Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ

      Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ

      Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang!..”

      (Thuyền Quyên)


      Trên nửa thế kỷ qua, Phạm Ngọc Lư không ngừng tìm tòi, sáng tạo dung hòa giữa thơ cũ và mới, để tạo ra một con đường đi riêng. Sóng Vỗ là một bài lục bát rất hay, không chỉ là lời tự sự, cũng như tâm trạng của nhà thơ với người bạn đã vượt thoát và đang sống ở bên kia bờ đại dương, mà còn tô đậm thêm con đường thơ lục bát của ông:


      “từ khi mưa nắng đổi thay

      đất trời dị biệt gió mây bất đồng

      người bờ Tây – ta bờ đông

      ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm

      lòng ta uống gió mà say

      tan ra cồn khói đảo mây chập chờn

      biển sâu?


      ly biệt sâu hơn!

      muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không

      mỏi mòn tiếng sóng nghe chung

      bờ Tây tóc rụng… bờ Đông bạc đầu!”


      Thông thường, một nhà thơ tài năng, dù là cây cao bóng cả, có nhiều bài thơ hay nhưng cũng không thiếu những bài thơ dở. Đặc biệt trong tập Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư, đã đọc nhiều lần, quả thật, tôi không tìm ra bài thơ nào dở hoặc quá dở. Có lẽ, do tính cẩn thận và ông viết rất ít, nên chưng lọc được tinh cốt chăng?.


      Và cũng như nhà thơ Vũ Hoàng Chương do dùng nhiều từ cổ Hán Việt cũng như điển tích, cho nên thơ của Phạm Ngọc Lư thường khó nhận được sự chia xẻ, đồng cảm trong giới bình dân.


      Nói thơ ông kén người đọc là như vậy.


      Leipzig ngày 15-6-2015


      Đỗ Trường

      Nguồn: sangtao.org

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vài suy nghĩ nhân đọc Mây trên đỉnh núi của Nguyên Vũ Đỗ Trường Nhận định

      - Trần Mạnh Hảo- Người đã chết với tâm hồn bia mộ Đỗ Trường Nhận định

      - Những vết thương không bao giờ thành sẹo Đỗ Trường Truyện ngắn

      - Vũ Thư Hiên – Người giã từ thiên đường ảo ảnh Đỗ Trường Nhận định

      - Chùm thơ Vịn của Trần Hoài Thư Đỗ Trường Tạp bút

      - Phạm Tín An Ninh – Con đường giải oan cho một cuộc bể dâu Đỗ Trường Nhận định

      - Nguyễn Tất Nhiên – Một trường thiên kịch bản bi ai Đỗ Trường Nhận định

      - Cao Đông Khánh – “Lửa Ngoài Giới Hạn“ cháy không tạ từ Đỗ Trường Nhận định

      - Vài suy nghĩ Về Tập Truyện Sợi Khói Bay Vòng Của Phạm Ngọc Lư Đỗ Trường Nhận định

      - Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam Đỗ Trường Nhận định

    3. Bài viết về nhà thơ Phạm Ngọc Lư (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Phạm Ngọc Lư

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Nhớ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Lệ Uyên)

      Vài suy nghĩ Về Tập Truyện Sợi Khói Bay Vòng Của Phạm Ngọc Lư (Đỗ Trường)

      Vài cảm nghĩ về thơ và truyện Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Vy Khanh)

      Lưu Biệt và tính phổ quát trong thơ Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)

      Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam (Đỗ Trường)

      Đọc Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư (Khuất Đẩu)

      Thơ Như Một Định Mệnh Oan Nghiệt (Nguyễn Lệ Uyên)

      Phạm Ngọc Lư (Học Xá)

      Vĩnh biệt Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)

      Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư (Du Tử Lê)

      “Biên cương hành”, địa-chấn-thi-ca Phạm Ngọc Lư (Kỳ 02) (Du Tử Lê)

      “‘Hành biên cương’, ‘đàn tràng chiêu hồn tử sĩ’, thời đại mới? (Du Tử Lê)

      Phạm Ngọc Lư (Luân Hoán)

      Đọc Đề thơ trước mộ thanh xuân (Trần Kiêm Đoàn)

      Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Cung Tích Biền)

      Đọc Biên Cương Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)

      Đọc Cố Lý Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)

      Gặp Lư Ở Tuy Hòa (Huyền Chiêu)

      Đi Thăm Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Quang Chơn)

       
      Thư Quán Bản Thảo số 70, chủ đề Phạm Ngọc Lư: (Bìa trước, bìa sau và 2 trang Mục lục)

       

       

      Bản .pdf

       

      Tác phẩm của Phạm Ngọc Lư

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Xuân Thao, Thơ và Người (Phạm Ngọc Lư)

      Biên Cương Hành (Phạm Ngọc Lư)

      Trang Thơ Phạm Ngọc Lư (Phạm Ngọc Lư)

      Hoài Khanh và Thân Phận (Phạm Ngọc Lư)

      Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh (Phạm Ngọc Lư)

      Đan Tâm

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)