|
Bích Khê(24.3.1916 - 17.1.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Rừng
Anh là một họa sĩ thành danh từ lâu với một quá trình hoạt động nghệ thuật mạnh mẽ hơn ba thập niên qua. Mặc dù vậy, để cho bạn đọc có thể hiểu và chia sẻ với anh dễ dàng hơn, tôi cũng xin đặt câu hỏi này với anh: do đâu mà anh đến với mỹ thuật và rồi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp?
Tôi đến với mỹ thuật và trở thành họa sĩ là do Trời Đất xếp đặt. Đó là định mệnh của tôi. Tôi sinh ra đời là để trở thành một họa sĩ.
Câu hỏi này gợi nhớ lại vài kỷ niệm. Năm lớp hai, tôi học một lớp trong “vùng tự do” ở Đồng Tháp Mười. Lớp học có chừng hai mươi học sinh, vừa học vừa chăn trâu, bắt dế, thả diều nên áo quần lúc nào cũng tả tơi nhem nhuốc, nồng nặc mùi cỏ, mùi khét nắng. Một lần thầy giáo ra đề tài vẽ “Kẽ một chữ in hoa.” Trong khi cả lớp ngớ ra chẳng biết “Kẽ một chữ in hoa” là gì thì tôi, như đã được học từ khi nào, kẽ ngay một chữ “K” là phụ âm đầu tên tôi -Khanh. Khiến cả lớp “phục lăn.” Dĩ nhiên, từ đó về sau, môn vẽ trong bất cứ lớp nào tôi đều đứng đầu. Vẽ, đối với tôi thật dễ dàng và thích thú, trong khi là một khổ nạn cho đa số các bạn cùng lớp.
Ở quận lỵ quê mùa nơi quê ngoại tôi có một người thợ vẽ tranh sơn thủy, đối với tôi ông ta là một thiên tài. Nhà ông nghèo, nhỏ xíu, nhưng tôi thấy là một thế giới huy hoàng. Khắp nơi, chỗ nào cũng có treo tranh sơn thủy vẽ cây cối, nhà cửa, mặt trời lặn, mọc, núi non, những đàn chim bay xa xa mà tôi coi là những “tác phẩm tuyệt vời.” Ngoài giờ học, tôi đến nhà ngồi xem ông vẽ say mê. Nhìn những hoa sơn màu đỏ, xanh, những cây bút lông tôi thấy chúng thiêng liêng và tôi như bị hớp hồn. Ông chỉ chấm chấm, vẽ vài nét là thành một cành cây. Sơn phết một lúc là thành bầu trời có mây trắng bay, chỉ cần hai nét là thành con chim đang vỗ cánh. Tâm hồn tôi bị cuốn hút vào thế giới đường nét và màu sắc đó của ông. Tôi nói với mẹ xin ông cho tôi học; nhưng mẹ tôi quát: “Học chữ không lo, học làm gì cái nghề ăn mày đó!” Tôi thất vọng não nề.
Nhưng niềm say mê vẽ trong tôi không thể nào dập tắt được. Lúc ấy trường tôi học, ông Đốc vừa tuyển vào một thầy dạy môn vẽ là họa sĩ đàng hoàng. (Đến nay thì tôi vẫn còn nghĩ ông Đốc trường tôi hồi ấy -vào khoảng 1950- thật là người tiến bộ; ông tuyển một họa sĩ dạy môn vẽ cho trường tiểu học mà cả nước chưa có. Thường thì thầy cô đứng lớp kiêm luôn giờ vẽ và nhạc). Khi lần đầu tiên được học vẽ với thầy (Thầy Hà Cẩm Tâm, tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ Gia Định) là họa sĩ, tôi sung sướng như cá gặp nước, như mắt đang nhắm được mở. Tôi còn nhớ mãi giờ học đầu tiên ấy. Thầy cho chúng tôi vẽ một cái nón màu trắng. Thầy vẽ sẵn một hình mẫu, chỉ cách đo tỷ lệ, cách tô bóng sáng tối, bóng dội bóng phản chiếu- tất cả đều mới mẻ đối với tôi. Sau giờ vẽ tôi thành học trò cưng của thầy ngay. Từ đó chỗ tôi đến là nhà thầy chớ không còn là nhà ông thợ vẽ tranh sơn thủy nữa. Thầy giảng cho tôi phân biệt họa sĩ và người thợ. Thầy cho tôi xem những bài học của thầy vẽ môn truyền chân: cá tươi ra tươi, ươn ra ươn. Cua ra cua, chim ra chim, những phác thảo bằng bút chì cảnh họp chợ, chị gánh hàng rong, những bài vẽ nghiên cứu gương mặt, bàn tay, bàn chân người khiến tôi hết sức khâm phục. Cuối năm tiểu học, tôi nhờ thầy hướng dẫn làm đơn xin vào trường Mỹ Nghệ Gia Định. Tôi nghĩ đó là trường đào tạo họa sĩ duy nhất trên cõi đời. Tôi báo tin ấy cho cha tôi đang làm việc ở Huế.
"Nếu muốn trở thành họa sĩ, con phải học văn hóa thêm nữa." Cha tôi trả lời, kèm theo là một vé máy bay bắt buộc tôi phải ra Huế học. Sau khi xong Trung học đệ nhất cấp, tối ngõ ý xin thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, cha tôi vẫn lập lại ý kiến cũ: "Con cần phải học xong đệ nhị cấp mới đủ trình độ đi vào ngành mỹ thuật."
Về sau này, tôi thấy lời cha tôi là hoàn toàn đúng, nhưng hồi ấy tôi không còn đủ kiên nhẫn nữa. Tôi quyết định bỏ nhà trốn vào Sài Gòn.
Tôi học lớp luyện thi vào năm thứ nhất trong vụ hè do thầy Lê Văn Đệ hướng dẫn. Thầy là một họa sĩ vẽ lụa tài hoa được nhiều giải thưởng của Tòa Thánh Vatican, lúc ấy thầy là Giám Đốc trường Mỹ Thuật Gia Định. Dáng người thầy mập mạp, nét mặt phúc hậu và thầy chỉ vẻ nhỏ nhẹ, có phương pháp, tận tâm.
Buổi sáng đầu tiên tôi vào lớp với tâm trạng tín đồ đi hành hương. Nhưng trái lại với tâm trạng đó là không khí của lớp học, hết sức tự do, hơi có vẻ buông tuồng. Lúc ấy vào dịp hè nên chỉ còn lại các bậc đàn anh thi ra trường vào để làm bài thôi. Đúng là đàn anh, họ tỏ ra rất nghệ sĩ -mà nghệ sĩ tại Thủ Đô miền Nam- anh nào anh nấy áo quần chim cò, xốc xếch, tóc tai bồm xồm, có người để râu rậm, ria mép con kiến. Tôi vừa sợ vừa khâm phục. Đối với tôi họ như những người ở thế giới khác. Tôi ngồi trước giá vẽ như tín đồ đang làm lễ, còn các đàn anh thì nói cười thoải mái, vừa hút thuốc, vừa vẽ, họ coi chuyện vẽ không có kí lô nào. Có người vẽ được vài tiếng rủ nhau đi uống cà phê. Chao ôi! Cái lớp học mỹ thuật là như thế sao? Tôi vừa lạ vừa thích thú với một chút ngạc nhiên. Mình đang bước vào thế giới của những con người như vậy đấy?
Rồi đến cô người mẫu cũng làm tôi “bối rối” không kém. Cô khoảng hai mươi lăm tuổi, khá xinh. Lần đầu tiên tôi trông thấy người đàn bà khỏa thân. Những xúc động thầm kín dâng lên trong tôi. Tôi nhìn ra chung quanh xem có ai biết tôi đang nhìn cô người mẫu trong một tâm trạng “bồn chồn” không. Các đàn anh vẫn tỉnh bơ làm việc. Rồi tôi cũng nguội và cố đóng vai lạnh như tiền, ra vẻ ta đây cũng ra gì lắm. Sau mỗi giờ vẽ, cô lấy cái áo khoác màu hồng rộng thùng thình khoác vào, lấy thuốc ra hút, nói một vài câu cợt nhã với các đàn anh, tĩnh queo. Tôi học được vài tháng thì nhận được thơ triệu hồi và “đầu hàng” của cha tôi, “Con về Huế học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật vừa mở trong trường Đại Học Huế.”
Tôi trở về Huế. Trường do họa sĩ Tôn Thất Đào làm giám đốc. Lúc mới mở trường nằm bên bờ sông Bến Ngự, một khu villa bên cạnh nhà ông Viễn Đệ, sau dời vào Khu Đại Nội thuộc Thành Nội cho đến nay. Tôi học năm dự bị cùng với họa sĩ Đinh Cường, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai. Tốt nghiệp năm 1963. Đó là con đường tôi đến với Mỹ Thuật và trở thành họa sĩ chuyên nghiệp.
Anh quan niệm như thế nào là cái đẹp. Anh có ý kiến cá nhân nào về vấn đề này, tôi muốn nói là ý kiến của riêng anh chứ không phải là của sách vở, trường ốc, hay của các họa sĩ khác từ trước đến nay?
Cái Đẹp là sự cảm nhận của riêng mỗi cá nhân tác động trực tiếp vào tình cảm trước một đối tượng là một phong cảnh thiên nhiên, một sự vật, một con người... Nói như vậy có nghĩa là cái Đẹp không có đẳng cấp, biên giới, nó hoàn toàn thuộc về nhận thức riêng lẽ của mỗi người. Do đó quan niệm thế nào là đẹp sẽ thay đổi, từ cá nhân này đến cá nhân khác, từ tập thể này đến tập thể khác, dân tộc này đến dân tộc khác. Cái đẹp thuộc về cảm tính, mang tính chủ quan, không có tiêu chuẩn quy luật nào định đặt, không lý luận, tranh cãi. Cái mà người này cho là đẹp có thể xấu với người kia và ngược lại. Đẹp, xấu ư? Xin để hồn ai nấy giữ.
Gắn bó nhiều với hội họa của anh trong suốt ba chục năm qua, tôi thấy rất rõ anh là một họa sĩ có khuynh hướng siêu thực. Từ thập niên 60 đến những năm đầu của thập niên 70, không có biến chuyển gì nhiều, tuy nhiên càng lúc càng xoáy sâu vào thế giới mộng tưởng của những giấc mơ nhuốm đầy chất bản năng và nhục dục. Tôi nhớ đến các bức tranh “Khỏa Thân Đãnh Lễ,” “Khỏa Thân Xanh,” “Khỏa Thân Đỏ,” “Người Đàn Bà Miền Núi,” “Giòng Sữa Mẹ.” Nhục dục, tụy lụy nhưng vẫn là thiêng liêng.
Đến sau 1975, có lẽ do những tác động xã hội, vẫn sử dụng bút pháp cũ nhưng anh đã chuyển sang một số đề tài có tính hoành tráng. Ví dụ là cái esquisse “Sự Chiến Thắng Của Trí Tuệ” mà tôi rất thích thú xem nhiều lần. Tính hoành tráng rất cao, những chi tiết và đường nét chen chúc nhau rất đầy mà vẫn không chật chội; rất gần với loại hoành tráng của một số họa sĩ Mỹ Châu La Tinh, như Diego Rivera hay Siqueros. Nhưng vài năm gần đây, hội họa của anh dường như đã chuyển qua một giai đoạn mới, huyền ảo và nhẹ nhàng với những đường nét và mảng màu bay lượn tràn đầy những giấc mơ hư ảo, là những cơn mộng tưởng chập chờn giữa ánh sáng và bóng tối, không còn dấu vết trầm luân và khổ ải trước đây nữa. Tại sao lại như vậy? Tại sao lại có sự biến chuyển này?
Ông đã theo dõi con đường nghệ thuật của tôi khá sát, có lẽ ông nhận thấy khuynh hướng nóng bức hơi có khuynh hướng siêu thực trong thế giới tranh của tôi. Nó thường nhuốm màu bi thảm và mang mang một nỗi trầm luân khổ ải. Tôi sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, điều đó tác động vào sự sáng tạo của tôi. Rồi từ lúc bắt đầu có ý thức, đất nước càng ngày càng lún sâu vào chiến tranh. Một cuộc chiến triền miên, nuốt mất của tôi và bao thanh niên khác một thời tuổi trẻ. Trong suốt giai đoạn này, nghệ thuật của tôi là sự giải tỏa ấn ức nội tâm của một con người ý thức về sự bất lực của mình trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, dai dẳng của dân tộc.
Một mặt khác, do ảnh hưởng sai lệch của triết hiện sinh trong thời gian ấy. Quan niệm đời người phi lý, sống cho hiện tại... đã ám ảnh tôi rất nhiều, mà nó lại phù hợp với tâm trạng của đa số thanh niên. Thanh niên thời ấy chỉ có hai con đường để chọn. Thi vào đại học hay các trường chuyên nghiệp. Đậu thì được hoãn dịch trong vài năm, rớt thì khăn gói vô Quang Trung, Đồng Đế là những quân trường rồi ra mặt trận. Tình trạng bế tắc không có lối thoát. Nếu muốn kể thêm thì còn một ngả nữa là... lên rừng. Vậy thôi. Phòng triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Sàigòn năm 1963 có một giai thoại. Các bạn họa sĩ kế cho tôi chuyện có một cảnh sát viên vào phòng tranh của tôi, xem một lúc, ông ta rút súng ra bắn lên trần nhà đùng đùng. Một người đàn bà có mang gần đến ngày sinh vào xem tranh xong, ra đến cửa chị sanh rớt. Người cảnh sát xem tranh tôi xong hóa điên. Người đàn bà thì trụy thai!
Vậy đấy. “Vòng Hoa Chiến Thắng” vẽ ba người lính mang ba chùm sọ người, “Bào Thai Đen” vẽ một người đàn bà có mang, qua quang tuyến thấy một nhóc mỹ đen đã triển lãm trong dịp này.
Trong những thập niên 60 - 70, tranh tôi là sự thể hiện, bày giải, phản đối những hiện tượng xã hội, chiến tranh, những ám ảnh siêu hình, thân phận phi lý của kiếp người, cõi sâu thẳm của bản năng, tình yêu và dục tính. Một số bạn đã nói với tôi: “Tranh của anh nhiều lời quá, làm cho người xem cảm thấy mệt. Mỹ thuật là nghệ thuật làm cho đẹp thôi. Đẹp như một bông hoa vậy, không cần phải “nói.” Lúc ấy tôi phản đối quan niệm Mỹ thuật chỉ là cái đẹp thuần túy. Tôi cho như vậy là cái đẹp vô nghĩa. Đối với tôi lúc ấy, hội họa phải có trách nhiệm với cuộc đời. Chỉ đẹp thôi, chưa đủ. Một bức tranh ngoài vẻ đẹp nghệ thuật phải chuyên chở một ý nghĩa gì, phải nói lên điều gì, phải là “ngàn trang sách.” Giai đoạn này kéo dài từ lúc tôi mới bắt đầu biết vẽ, từ 1950 đến gần cuối năm 1992. Bức vẽ bằng màu đầu tiên trong tuổi thơ là quang cảnh làng mạc, cháy ra tro sau cuộc ruồng bố của lính Pháp, trên ngọn dừa có từng chùm đầu người, đầu người bị xóc vào tầm vông vạc nhọn cắm bên bờ sông. Sau đó nghệ thuật tôi rẽ một bước ngoặt lớn. Quan niệm “vẽ để nói” thay đổi do “cái tôi” của tôi thay đổi, và ngoài ra do một phát hiện tình cờ về chất liệu thể hiện.
Nếu được gọi con đường sáng tạo của tôi như là một con đường tu tập thì trường hợp tôi đến với giai đoạn “Phiêu Du Mộng Tưởng - Ánh Sáng và Bóng Tối” có thể gọi là quá trình tu tập trong nghệ thuật: từ cõi trầm luân khố ải tôi đã thoát ra thế giới bình an thành thơi, như bướm chui ra khỏi kén bay lượn nhởn nhơ. Từ thời kỳ tụng kinh gõ mõ tôi đi đến chỗ quên chuông quên mõ. Tôi không cố ý, tôi không dụng tâm, cái đó hoàn toàn do cơ duyên đưa đẩy, tôi chợt nhận ra, dừng lai.
Năm 1992, một người bạn vẽ của tôi, anh Trương Thìn có sáng kiến vẽ theo lối cạo để tạo hình bất ngờ trên giấy in ảnh bị hỏng trong phòng tối. Anh thấm nước cho mặt ăn màu ẩm rồi dùng dao lam vẽ. Những chỗ màu tróc ra cho một matière rất lạ. Tùy theo những gợi ý tình cờ anh tạo thành tranh. Trong số giấy hình đó có một số màu đen tuyền, đỏ, vàng, vàng cam. Thoạt nhìn những màu sắc ấy tôi bị choáng, tôi nhớ lại một tiền kiếp, tôi bắt gặp lại thế giới tranh tôi từ lâu tôi đã quên. Tôi xin Trương Thìn mấy tấm và tôi cắt xén, sắp xếp lại thành một “Thế Giới Mộng Tưởng” của riêng tội. Trông nó có vẻ tĩnh lặng, an bình, nhưng thực ra không an bình lắm đâu. Nó cũng cháy nhưng cháy âm ỉ, một thứ lửa không ngọn xanh biếc hay vàng chói ánh lửa của dung nham sôi sục. Ánh lửa dung nham, sự phun trào của núi lửa sao phù hợp với nội tâm của tôi thế. Lúc nào cũng rừng rực, sôi trào, nhưng giờ đây là than hồng chứ không còn lửa ngọn.
Phải chăng như một người tu hành lâu ngày, một hôm nghe tiếng sỏi chạm vào thân trúc mà chợt ngộ, đến lúc tôi thoát khỏi thế giới tục lụy vươn đến cõi “Phiêu Du Mộng Tưởng”...? Hành trình còn dài. Tôi còn đi đến đâu nữa? Thế giới sáng tạo không bao giờ dừng lại, nó luôn ở phía trước. Nó luôn biến đổi. Người họa sĩ phải luôn vượt qua. Tôi còn đi đến đâu nữa. Đó là một ẩn số. Luôn luôn là một ẩn số. Mỗi ẩn số là một thôi thúc khám phá, sáng tạo nơi người họa sĩ. Đó là tiếng gọi của thế giới xa xăm, huyền bí, cuốn hút tôi.
Nhân câu hỏi trên, tôi muốn hỏi thêm: anh có nghiên cứu gì về mỹ thuật Nam Mỹ? Với hội họa thế giới, anh thích nhất họa sĩ nào? Anh có ngưỡng mộ bậc thầy nào không? Nhớ lại giai đoạn sáng tác vào thập niên 60 của anh, tôi có cảm giác tranh của anh thời bấy giờ rất gần với không khí của Frida Kahlo. Điều này kể cũng khá lạ vì ở Việt Nam dường như chẳng ai để ý đến Kahlo mặc dù bà là một họa sĩ siêu thực rất lớn không những của Mễ Tây Cơ mà cả của thế giới nữa. Luôn hừng hực một sức sống kỳ lạ như chính Frida Kahlo đã tự nói về hội họa của mình: "Tôi không bao giờ vẽ những giấc mơ. Tôi vẽ chính thực tại sống động riêng biệt của đời tôi.” Ý tưởng, màu sắc, đường nét rất gần với Frida Kahlo, chỉ có điều là hội họa của anh thuộc về đất nước Việt Nam đã tây phương hóa và Kahlo là siêu thực hiện đại trong dòng di sản Pre-Columbian. Anh có thể cho biết đôi chút ý kiến về vấn đề này chăng?
Sự Chiến Thắng Của Trí Tuệ
sơn mài, 1992
Tôi không nghiên cứu gì về nền mỹ thuật Nam Mỹ, vì hình như ở Việt Nam rất ít hay hầu như không có thông tin về nền nghệ thuật vĩ đại này. Mãi đến khi qua Mỹ tôi mới được biết (1994) nhưng cũng ít thôi. Về bà Frida Kahlo tôi chưa được xem tranh bà lần nào. Tôi cho là nếu trong bức “Sự Chiến Thắng Của Trí Tuệ” có không khí nóng bỏng, sôi sục, có lẽ là do tính chất đó cũng có ở trong con người tôi nên nó đã được thế hiện lên tác phẩm chăng?
Từ nhỏ và đến lúc đi học mỹ thuật tôi hoàn toàn được hấp thụ văn hóa Tây Phương (kể cả Hoa Kỳ). Những bậc thầy mà tôi thích như Van Gogh, Gauguin, Cézanne, Picasso, Dali... cũng đều là các họa sĩ Tây Phương cả. Chỉ phương Tây không thôi thì cũng chưa phải là thế giới. Tranh cổ Trung Hoa, tranh mộc bản Nhật Bản, mỹ thuật Châu Phi... tôi cũng chỉ xem qua và biết qua loa. Trong số các họa sĩ tôi thích có Dali gây nhiều ấn tượng cho tôi hơn cả.
Từ trước anh vẫn chuyên vẽ sơn dầu. Vài năm gần đây, dường như tất cả các phác thảo của anh đều thực hiện bằng giấy cắt dán, khai thác các mảng màu có sẵn trên giấy, cùng lúc đi tìm những mảng hình thế do tình cờ đưa đến hoặc do những đột khởi lúc ráp nối, cắt xén, chạy đường viền để tìm bố cục. Anh có thể nói qua đôi chút về chất liệu và kỹ thuật thực hiện tác phẩm, và cảm hứng đã đến với anh như thế nào trong khi làm việc như vậy?
Tôi đến với thế giới “Phiêu Du Mộng Tưởng” do sự tình cờ tôi nhìn thấy màu sắc của những tấm giấy rửa hình bị hỏng hồi năm 1992. Từ đó tôi ngày càng đi sâu vào kỹ thuật dùng giấy có màu sẵn (bất cứ từ nguồn nào, đa số là giấy màu của các tạp chí, ở Mỹ, có rất nhiều) đế sáng tác những “phác thảo hoàn chỉnh.” Gọi là phác thảo hoàn chỉnh, vì thường phác thảo là vẽ sơ sài, cho có đường nét bố cục thôi, rồi sau đó mới vẽ lớn ra, có khi khác xa với phác thảo. Ở đây bản vẽ phác thảo của tôi có thể coi như một bức tranh đã xong, chỉ có điều kích thước nó nhỏ. Từ phác thảo này, hiện nay tôi vẽ lớn lên bằng chất liệu sơn, theo kỹ thuật sơn mài Việt Nam, vẽ trên vóc làm sẵn, phủ sơn trong và mặt tranh được mài láng, đánh bóng như sơn mài cổ truyền. Trong tương lại có thể tôi sẽ vẽ bằng sơn mài trên bố.
Khuôn Mặt Đàn Bà Già
sơn dầu, 1971
Về quá trình thực hiện một bức tranh, mỗi họa sĩ có cách làm việc riêng. Tuy nhiên, nói chung để có thể sáng tác một bức tranh cũng không ngoài sự cảm hứng và tìm tòi trong khi làm việc. Đối với một người bình thường thì một mặt giấy trắng hay một khung vải chưa vẽ chỉ là một mặt phẳng. Nhưng đối với một họa sĩ thì đó là một không gian xao động với muôn ngàn hình ảnh, màu sắc. Nhưng những hình ảnh màu sắc đó luôn luôn biến đổi cho đến khi người họa sĩ, giống như phù thủy giơ chiếc đũa thần lên, anh ta kẽ lên đó một đường nét, bật lên đó một chấm màu để giữ chúng lại. Thế giới đó bắt đầu dừng lại. Khác với phù thủy giơ đũa thần lên thì tạo ra thế giới ngay, ở đây người họa sĩ còn tiếp tục làm việc rồi thế giới của anh ta mới thành hình dần cho đến khi bức tranh hoàn thành. Đường nét réo gọi đường nét, màu sắc kêu gọi màu sắc. Điều này đối với các họa sĩ vẽ trừu tượng hết sức quan trọng.
Riêng tôi, trong kỹ thuật dùng giấy màu để sáng tác cũng gần như thế. Thoạt tiên tôi trông thấy một màu sắc nào đó, một đường nét nào đó. Màu sắc đường nét đó gợi ý một bố cục -có khi chỉ là một phần nhỏ- từ đó tôi bắt đầu làm việc. Cũng có khi phó thác cho sự tình cờ. Tôi dùng bất cứ một nền giấy có màu nào, cắt một mẫu nào khác và dán lên đó -như đặt nét bút đầu tiên- rồi miếng thứ hai, miếng thứ ba... cho đến khi bức tranh hoàn thành. Tuy nhiên nhiều khi cả hai phương pháp đó đều không thành công, đành phải vất bỏ. Sự vất bỏ cũng là một kỹ thuật sáng tác của tôi.
Trong sơn dầu, khi mọi ngõ ngách đã đóng rồi thì người họa sĩ có thể mở bằng cách phó thác cho vô thức. Anh ta vẽ như điên, bố cục thành hình và rồi tranh hiện ra. Làm tranh theo lối dán giống như tôi hiện nay không thể vẽ như điên được, đành cắt như điên. Cắt như điên có nghĩa là cắt mà không có một dụng ý nào, cắt bỏ cái mình đã dụng công làm mà không thành. Nhưng không phải bỏ hẳn. Để những phần vừa cắt ra đó lên một nền giấy màu khác, loay hoay, xoay trở ngang dọc, ngược xuôi một lúc, hai ba lúc thì “thấy” tranh và dừng lại. Việc “thấy” và “dừng lại” đối với một họa sĩ rất hệ trọng và đó cũng thuộc về tài năng và trình độ sáng tạo. Cùng một lúc, một bố cục tranh, nhưng có người thấy thế này, người thế khác. Có người thấy, người không thấy. Có người biết dừng và dừng đúng chỗ, đúng lúc, có người không.
Trở lại việc vất bỏ đi cũng là một cách sáng tác. Có khi làm xong nhưng không vừa ý nữa, định vất bỏ nhưng tiếc công, tiếc những chỗ có màu đẹp, cất lại để dành. Đem những mảnh vụn ấy xếp lại, thêm thắt chút đỉnh có khi thành tranh. Hoặc đem tấm tranh vừa mới bị khoét lỗ chỗ đó đặt lên một nền giấy khác thì được một tấm tranh khác nữa.
Nói chung, có nhiều cách thế thể hiện loại tranh cắt giấy này. Trong quá trình làm việc, kỹ thuật mỗi lúc nảy nở khi tìm cách thể hiện một ý muốn hay khắc phục một trở ngại. Còn nguồn cảm hứng được nuôi dưỡng đối với tôi là trời cho. Có cái gì đó nó cứ thôi thúc hoài, bắt tôi phải làm việc. Có khi tranh chưa xong, mệt quá phải nghỉ ngơi, nhưng ngủ mà còn thấy màu sắc bay nhảy, mong cho mau sáng để tiếp tục làm việc, trong giấc ngủ còn thấy mình vẽ tranh.
Nhìn ngược lại quá khứ, giai đoạn nào trong cuộc đời sáng tác hay tác phẩm nào đã thực hiện anh cho là quan trọng nhất? Tại sao?
Đối với một họa sĩ, cuộc đời sáng tạo có nhiều giai đoạn. Tùy theo tâm trạng trong mỗi giai đoạn mà họa sĩ đã cho ra đời những tác phẩm như thế nào hay một phong cách nào. Đối với tôi không thể có sự so sánh được. Giai đoạn nào cũng quan trọng cả vì tôi đã để vào đó bao nhiêu tâm huyết.
Ngoài việc vẽ tranh, anh còn viết truyện ngắn và làm thơ. Anh thấy có sự liên hệ nào giữa văn chương và nghệ thuật tạo hình?
Đúng là tôi có làm cả ba việc đó. Có cái gì ở bên trong tôi xui khiến. Có lúc tôi làm thơ. Có lúc tôi vẽ tranh. Có lúc tôi viết truyện. Tôi không hiểu tại sao và tôi cũng không mất công suy nghĩ. Xin dành việc này cho các bậc thức giả, những nhà nghiên cứu lý luận nghệ thuật, văn học.
Anh vừa có dịp về Việt Nam, anh có nhận xét gì về những đổi mới của nền mỹ thuật trong nước hiện nay? Nhất là với các họa sĩ trẻ ? Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại gắn chặt với tình hình lịch sử rất đặc biệt của đất nước suốt mấy chục năm qua. Lấy dấu mốc từ việc ra đời của Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925, có những giai đoạn, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một bộ phận rất lớn họa sĩ Việt Nam không có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Rồi tiếp theo là một thời kỳ bưng bít ở miền Bắc sau 1954. Với tình hình đã mở cửa như hiện nay, liên lạc giữa mỹ thuật Việt Nam và mỹ thuật thế giới như thế nào?
Khỏa Thân và Câu Liêm
sơn dầu trên giấy, 1991
Mỹ thuật Việt Nam được “cởi trói” cùng lúc với các ngành nghệ thuật khác từ năm 1987. Nhưng tôi thấy chỉ riêng Mỹ Thuật là có thể nói được hưởng tự do sáng tác. Từ đó đến nay mỹ thuật Việt Nam đã tiến một bước dài, nhất là đối với các họa sĩ trẻ ở trong Nam lẫn ngoài Bắc. Họ tỏ ra có khả năng sáng tác bắt kịp các khuynh hướng mới của nghệ thuật tạo hình thế giới. Họ vẽ hăng và tranh bán được. Không ai ngờ là ở Việt Nam, họa sĩ sống bằng nghề vẽ tranh, có người trở nên giàu có xây nhà lầu, đi xe hơi đời mới có cả trăm ngàn đô la. Các nhà sưu tập đổ về Việt Nam mua tranh, việc đó cũng kích thích sự làm việc và sáng tạo nghiêm túc, đẩy nền mỹ thuật Việt Nam đi lên.
Về khả năng sáng tạo tìm tòi những khuynh hướng mới lạ, tôi gặp một họa sĩ trẻ ở Hànội, anh đã từng có một “phòng tranh” ở Văn Miếu gây sôi nổi trong giới mỹ thuật lẫn chính quyền. Anh dùng vải trắng vẽ lên đó những hình tượng bằng máu -dĩ nhiên là màu súc vật- rồi đem treo khắp trong các cây cao của Văn Miếu như những cây phướng bay lượn trong gió. Đó là hình thức tranh của anh. Khách thưởng ngoạn -do tò mò- kéo tới xem “gây mất trật tự và ùn tắt giao thông” nên nghe đâu khoảng ba ngày thì nhà nước “lập lại trật tự.”
Tại Sàigòn, tháng Sáu 1997, một họa sĩ trưng bày một phòng tranh... không có tranh. Anh dùng các cành cây tự nhiên quấn chỉ màu -theo cách của đồng bào miền thượng du- rồi dựng từ nền lên đến trần theo những bố cục đặc biệt.
Hai cuộc triển lãm trên nói lên sự cố công tìm tòi hình thức thể hiện hội họa mới của họa sĩ trẻ Việt Nam. Rất tiếc là những thông tin về các khuynh hướng hội họa mới của thế giới không đến họ được nhiều. Đó cũng là một hạn chế trong việc liên lạc với bên ngoài, ảnh hưởng đến tư duy hình tượng rất cần thiết trong nghệ thuật tạo hình.
Anh định cư ở Mỹ cũng đã trên ba năm rồi. Tình hình sáng tác của anh hiện nay như thế nào khi phải đối đầu, hội nhập và hòa giải với cuộc sống mới? Anh có vẽ ra một viễn cảnh nào cho cuộc sống sáng tác trong tương lai?
Trước kia còn ở Việt Nam, tôi thắc mắc và lấy làm lạ, không hiểu tại sao các họa sĩ bạn tôi vẽ tranh, triển lãm tranh và có thể sống lai rai được, nhưng từ khi qua Mỹ rồi, người thì bỏ nghề, người thì chỉ vẽ cầm chừng. Bây giờ thì tôi hiểu. Muốn giữ nghề và sống còn ở Mỹ bằng tranh rất gay go. (Kể các họa sĩ người bản xứ nữa).
Thứ nhất về mặt vật chất, do nhu cầu đời sống ngày càng thúc bách, phải kiếm ra tiền ngay đế sinh sống. Vẽ tranh, trước hết cần phải có tiền mua sắm vật liệu. Cần phải có thời gian sáng tác, thường là hàng năm, đôi ba năm. (Trong thời gian đó lấy gì sống mà vẽ?). Rồi phải tìm cho ra một Gallery chịu bày tranh mình, tiền thuê phòng, tiền in thiệp mời, catalog, tiếp tân... Bao nhiêu thứ tiền, lấy đâu ra? Còn nếu đi làm cả tuần để có tiền sống, nuôi vợ con, chưa chắc đã “dám” bỏ tiền ra mua bố, mua mầu. Cho dù có mua được rồi thì sau 40 giờ làm việc còn sức đâu để mà vẽ nữa? Rồi cho dù đã bày được phòng tranh, việc tiếp theo là ai mua? Người Mỹ hầu như không mua tranh của họa sĩ gốc Việt -tôi không biết những gốc người khác- (như họ đã mua tranh của họa sĩ Việt Nam ở Việt Nam), còn cộng đồng người Việt thì năm khi mười họa mua loại tranh treo phòng khách cho đẹp, loại tranh rắc rối làm mệt óc, không hy vọng gì. Đó là chỉ nói đến một triển lãm bình thường. Muốn rầm rộ hơn nữa thì...
Thứ hai về tinh thần là bị khủng hoảng. Khi từ trong nước, một môi trường nhỏ, ra một môi trường quá rộng lớn. Trong nước, đi quẩn quanh lại biết nhau hết. Muốn đi, phóng lên Honda chạy vèo là tới. Họa sĩ từ Hànội đến Sàigòn đều biết nhau. Bao nhiêu Gallery, tình hình buôn bán thế nào, chuộng loại tranh gì đều rõ. Ở Mỹ, muốn biết, muốn đi lại, muốn nói năng đều gặp trở ngại.
Hồi mới qua, tôi có hỏi thăm cách thức giới thiệu tranh của mình. Một người trong giới buôn tranh có kinh nghiệm khuyên tôi như sau:
1/ Mua loại báo nói về mỹ thuật Mỹ càng nhiều càng tốt, để biết tin tức về ngành mỹ thuật.
2/ Chuẩn bị biography in ra nhiều bản, kèm slide chụp tranh rồi gởi đến các gallery nào mình muốn gởi để giới thiệu. Nhớ kèm theo một phong bì có dán tem để trong trường hợp họ không nhận thì gởi trả lại mình. Gởi càng nhiều càng tốt và cứ gởi như vậy mãi cho... đến khi nào có một gallery nhận bán và phổ biến tranh, thì có hy vọng.
Ông gởi cho tôi một tập danh sách gần hơn 500 địa chỉ gallery ở New York. Tôi làm theo. Tôi chọn 10 địa chỉ gởi đi. Trong vòng một tháng thì có 7 chỗ gởi lại “sorry,” mất ba hồ sơ. Gởi thêm vài đợt nữa thì số hồ sơ chuẩn bị gần hết. Tôi mất kiên nhẫn.
Trong việc này tôi có một kinh nghiệm: cùng là Art gallery cả, nhưng mỗi chỗ kinh doanh một loại tranh khác nhau. Mình phải tìm cho ra gallery nào “cùng khuynh hướng” với mình thì hãy gởi đi, đỡ mất công, đỡ tốn tiền tem và thời gian. Mà đúng khynh hướng rồi thì vị tất họ đã “thưởng thức” tranh của mình? Tìm ra được “tri âm tri kỹ” đó chắc đã gần đến ngày xuống lỗ. Như vậy cũng đã là may, sợ không gặp được mà đã xuống lỗ rồi.
Thứ ba là tính cách buôn bán nghệ thuật ở Mỹ đã thành nề nếp. Tranh là món ăn tinh thần, là đứa con cưng của họa sĩ, giữa tranh và họa sĩ có một tình cảm hết sức thiêng liêng -đôi khi nhìn người ta đem tranh đi mà đứt ruột- nó có một giá trị tinh thần rất lớn, nhưng đối với những người buôn bán tranh thì tranh là một món hàng không hơn không kém. Họ nhìn tranh với con mắt của người kinh doanh. Ở Mỹ loại này rất quan trọng, họ là trung gian giữa họa sĩ và thị trường nghệ thuật.
Nhờ họ mà tranh của họa sĩ được giới thiệu đến người tiêu thụ.
Thứ tư là phải có tiếng tăm. Tranh đẹp, hay mà không được giới thiệu, không có tiếng thì cũng không ai biết, không ai mua. Mà muốn được có tiếng thì phải nhờ một cơ may, có một người mua bán tranh nào đó chịu làm ông bầu, đưa lên. Đó là nói tranh đã có một giá trị nhất định mà ông ta thấy làm ăn được. Người ta bỏ tiền ra mua tranh như mua hột xoàn, họ phải biết về sau tranh bán lại được, có lời. Còn nếu chỉ cần trang trí thì họ mua tranh in -toàn của các danh họa kim cổ- sau một thời gian treo chán mắt vất bỏ mua tranh khác. Loại tranh này, cả khung có khi chỉ hơn trăm bạc (mắc là do cái khung, chứ tấm tranh in thường chỉ từ một đến hơn mười đồng là có). Ở Mỹ có cơ man nào là họa sĩ, và người vẽ đẹp hay chắc cũng quá nhiều, mà sống được bằng nghề tranh tôi chắc là ít lắm. Có người thợ đến sửa ống nước, thấy trong nhà treo tranh và khi biết tôi là họa sĩ, anh bỏ đồ nghề, ra xe lấy một cuốn album vào mở ra hí hửng khoe. Đó là những tấm tranh chụp. Thì ra anh cũng là họa sĩ, kiêm luôn người thợ sửa ống nước nghẹt. Anh nói anh sắp sửa bày tranh. Tôi hỏi anh có sống bằng nghề tranh được không, anh nhún vai!
Có lần tôi vào một tiệm bán tranh nhằm lúc “hàng” về. Người ta khui ra chừng một trăm tấm tranh vẽ lối trừu tượng. Tôi ngắm và đánh giá tranh không tệ, không khí tranh lạ, bố cục vững, màu sắc đẹp, chứng tỏ tay nghề rất cao. Chỉ có điều là tranh được vẽ hàng loạt, gần giống nhau, thuộc loại tranh chợ. Tôi hỏi giá, cả khung nẹp 99 đồng một tấm. Tôi tính nhẩm, vậy anh ta để cho tiệm bán tranh cao lắm khoảng 30 đồng. Một trăm tấm được ba ngàn đồng, chưa tính tiền bố, tiền màu, tiền khung!
Là nói vậy thôi, riêng tôi không ngán. Hiện nay tôi vẫn làm việc đều. Có thể nói là làm việc như làm việc hãng. Có điều tôi tự điều khiển và ra lệnh cho tôi và mỗi tháng, không ai trả lương. Tôi rất hài lòng về công việc tôi làm. Tôi rất sung sướng và hạnh phúc khi ngắm tranh mình vẽ, ngắm mà phát mê, có điều là tranh... không bán được. Nhưng tôi không chán nản vì điều đó. Bởi vì từ khi bắt đầu biết cầm cây bút lông để vẽ từ thời thơ ấu đến khi bước chân vào trong trường mỹ thuật cho đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tranh tôi vẽ đế bán -dĩ nhiên sau đó có người mua thì tôi cũng bán, đó là việc sau- và họa sĩ vẽ tranh là một nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Tôi vẽ trước hết là do một thôi thúc nội tâm. Đó là một nhu cầu tự thân, hoàn toàn thuộc về tinh thần. Tôi vẽ là để giải tỏa một nỗi ẩn ức siêu hình, nếu không làm như vậy tôi sẽ sống khổ sở, không chịu thấu. Việc cốt yếu là vẽ ra tranh, còn sau đó thế nào tôi thường không để ý.
Tôi không cần những lời khen tặng hay chê bai vì vốn dĩ tranh tôi là như thế, nó là một phần máu thịt tôi và Trời đã sinh tôi để tôi vẽ tranh như vậy, còn cần gì lời khen chê nữa? Khen hay chê tranh tôi cũng vẫn vậy mà thôi. Không phải do lời khen -có khi không đúng- mà tranh tôi đẹp hơn, và lời chê làm cho tranh tôi xấu đi, tôi phải vẽ thế này thế nọ theo ý kiến của người nọ người kia. Tranh tôi vẽ ra trước hết là cho tôi và đó là quà dâng lên cho Thượng Đế, dĩ nhiên cũng là Thượng Đế của tôi -bởi vì trên cõi con người có nhiều Thượng Đế, mình không nên lầm lộn mà mang họa- mà Thượng Đế của tôi thì tôi hy vọng ông ta sẽ chấp nhận sản phẩm của sản phẩm ông đã tạo ra -là tôi đây- nhưng cũng chưa chắc! Huống gì là sự lạ lẫm của người đời đối với tác phẩm của tôi. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không sung sướng và hạnh phúc khi gặp tri kỷ. Có tri kỷ sướng lắm chứ. Nhưng mà không có thì cũng chẳng ngại. Tôi không ngán cô đơn. Thà cô đơn còn hơn được cảm thông bừa bãi.
Lửa trong tôi còn cháy bừng. Tôi thấy lửa còn nhiều, đủ để đốt tôi ra tro. Tôi còn làm việc được lâu. Tôi chỉ ngừng khi nào Trời thét lên bảo: “Thôi hãy nghỉ ngơi đi!” Thì tôi sẽ vâng lời. Đó chắc là lúc tôi nhắm mắt xuôi tay lìa đời.
Trong việc vẽ vời của tôi, tôi có một khuyết điểm rất may mắn là tôi không bao giờ vẽ cái gì cho giống được với cái đã vẽ, nhất là khi được yêu cầu. Khi được yêu cầu tôi cảm thấy mất tự do, mất cảm hứng và vẽ hoài không... ra tranh. Thậm chí có lần khách yêu cầu vẽ lại một bức tranh của chính tôi, vì túng bấn phải cố gắng vẽ, nhưng cuối cùng thành một tấm tranh mới. Dĩ nhiên là bể hợp đồng, không có tiền và... đọi. Mà thấy thoải mái. Cụ Nguyễn Gia Trí có bốn điều kiện khi muốn cụ vẽ tranh. Thứ nhất không được ra đề tài. Thứ hai không được xem phác thảo. Thứ ba không được hạn định thời gian. Thứ tư không được trả giá. Tôi rất phục bốn điều kiện của cụ Trí. Như vậy là người họa sĩ được hoàn toàn tự do làm tác phẩm của mình.
Nếu không có tự do người họa sĩ chẳng khác người thợ vẽ. Họa sĩ hoàn toàn khác với người thợ -mặc dù có nhiều người thợ có bàn tay rất khéo- họa sĩ sáng tạo, người thợ chép lại. Người thợ vẽ sai mẫu thì không chịu nổi, càng giống mẫu càng chứng tỏ tay nghề. Còn họa sĩ không vẽ một cái gì mới thì không chịu nổi, càng vẽ những điều mới lạ càng chứng tỏ tài năng và tinh thần sáng tạo. Trời sinh ra muôn vật không vật nào giống vật nào mặc dù cũng chừng ấy các cơ năng. Người họa sĩ không lập lại chính mình. Tôi vượt qua mau những chặng đường dừng chân, có lẽ do tôi mau chán cái hiện tại, cái đã thủ đắc. Trong vài năm, thậm chí một năm tôi đã phải tách bến dong buồm đi tìm đất mới. Có khi vừa cập bến đã vội vã nhổ neo. Phong cách thay đổi từ phòng tranh trước qua phòng tranh sau trong một thời gian ngắn.
Tôi thích lang thang, ngao du trong thế giới màu sắc. Lần dừng chân nơi bến bờ “Phiêu Du Mộng Tưởng” này là lần lâu nhất (1992 đến nay 1998) mà vẫn còn say mê. Nhưng biết đâu -và chắc chắn như thế- một buổi đẹp trời hay trong một cơn giông tố nào đó, tôi lại thấy thèm một miền đất lạ và con thuyền sáng tạo lại tách bến ra đi.
Còn tìm cách hội nhập và hòa giải với cuộc sống mới ư? Tôi nghĩ là đã quá trễ. Gần hết cuộc đời tôi đã để ở Việt Nam rồi, trước sau gì tôi cũng thuộc về Việt Nam thôi. Tôi không nghĩ rằng mình làm việc này việc nọ ở Mỹ để cho nó thích hợp, để được một cái gì. Tôi là họa sĩ thì việc đáng làm nhất là: vẽ tranh. Vẽ càng nhiều càng tốt, còn mọi chuyện khác không phải là chuyện của tôi. Vẽ ở Việt Nam hay vẽ ở Mỹ thì cũng là tranh của tôi -Rừng. Mai kia mốt nọ nói đến tác phẩm của tôi, tôi vẫn là một họa sĩ người Việt Nam, có một thời gian ở Mỹ, và những tác phẩm này vẽ ở Việt Nam, những tác phẩm kia vẽ ở Mỹ, và những tác phẩm nọ vẽ ở... cũng có gì khác nhau đâu.
Con người chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, thì hãy để đó xem sao. Cứ việc sống tự nhiên, không câu nệ thay đổi, cũng chẳng giữ lề thói. Tôi cứ là tôi như Trời đã sinh ra. Tôi cứ vẽ như là tôi thích, mọi việc khác tôi không nghĩ đến. “Một viễn cảnh,” có lẽ là một cõi sáng tạo bao la bát ngát trước mắt và tội lăn xả vào đó để tắm gội, đến hơi thở cuối cùng. “Biên thùy của thế giới xa xăm. Réo gọi những tài năng vô tận," trong một bài thơ tôi đã viết như thế. Tôi cho rằng mình cứ trung thực với mình thì Trời sẽ không phụ mình -mà phụ thì đã sao? Trời không phụ thì người không phụ vì Trời chính là Người đó. Nhưng trong cuộc đời làm nghề tạo hình của tôi, tranh tôi đã được thưởng ngoạn.
Tôi có nhiều tri kỷ, mặc dù tôi vẽ những điều trái khoáy. Tranh tôi gợi hứng cho nhiều thi sĩ. Xem tranh tôi họ có cảm hứng làm thơ. Con người gặp nhiều điều trái khoáy không nói lên được. Mình nói ra cho họ, mình sướng họ cũng sướng. Không phải mình khó bắt gặp tri kỷ miễn là mình đừng giả với chính mình. Tôi cứ thật dù cho điều đó làm cho người khác ghét tôi, cho tôi là ngu dại. Nhưng hạng người đó ít lắm. Bằng chứng là tôi có nhiều bằng hữu thương mến khi họ hiểu ra cái tính trái nết của tôi.
Có thể nói nghệ thuật của tôi đã được người đương thời đồng cảm -hẳn nhiên đó không phải là điều hay, và có họa sĩ nào khác đang chưa được người đương thời hiểu là dở, sau một thời gian có khi ngược lại.
Anh có điều gì cần phải nói chuyện với bạn đọc nữa không?
Tôi muốn nhận đây nhắc lại sự ra đời của phòng tranh "Bình Minh Mới” [BBM] của tôi: tháng 7-1987 tại Sàigòn. Vì đây là phòng tranh tiên phong, mở đường cho nền hội họa Việt Nam lúc bấy giờ, nó đã gây một tiếng vang, một ảnh hưởng lớn. Nó là một dấu mốc, một bước ngoặt. Nếu đã có nghị quyết “cởi trói” rồi mà không có “Bình Minh Mới,” liệu các họa sĩ Việt Nam hồi ấy có dám lấy hai tay ra khỏi chiếc còng đảng Cộng sản đã mở ra rồi không? Tôi tin rằng không, mà còn phải có thời gian thăm dò, dè chừng từng bước một, xem hư thực thế nào rồi mới làm, sẽ mất nhiều thời gian. Nay đã có BBM mở cửa rồi, thì các họa sĩ tự tin hơn, từ đó mạnh dạn đi lên.
Ngay sau khi đảng CSVN có nghị quyết đổi mới văn hóa văn nghệ - thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh- tôi đã bày một phòng tranh “nồng nặc mùi tư sản” trong khi đảng CS chủ trương: “hiện thực xã hội chủ nghĩa” có tên là “Bình Minh Mới”. Không biết có phải đây là lần đầu tiên một phòng triển lãm có đặt tên hay không. Nhưng riêng tôi, tôi đã nghĩ ra điều đó và có chủ đích. Trong lời khai mạc tôi có nói: “Đây không phải là bình minh của đất trời mà là bình minh của nền hội họa Việt Nam sau bao đêm dài tăm tối mà phòng tranh này chỉ là tia sáng đầu tiên.” Thật là điếc không sợ súng. Một điểm đầy thách thức -khách quan- là phòng tranh gồm 63 tấm thì hai phần ba đã vẽ khỏa thân nữ, một đề tài cấm kỵ. Trước đó tôi có mời điêu khắc gia Diệp Minh Châu đến nhà gọi là “thông qua” -vì ông là Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Thành Phố và có uy tín rất lớn. Ông bật đèn xanh. Nhưng khi tranh treo lên rồi, bạn bè... bật ngửa. Một số ái ngại cho tôi. Một số lo sợ và tin chắc lần này tôi đi cải tạo mút chỉ cà tha- lần trước “ngụy quân” chỉ mới năm năm. Có người khuyên tôi nên bỏ cuộc triển lãm. Cả ông Quách Phong là Tống thư ký Hội Mỹ Thuật cũng run, vì biết Đảng nói vậy chứ mà có thật vậy không hay là lại chơi cái kiểu “trăm hoa đua nở” ở miền Bắc thuở trước thì lãnh đủ! Mà không cho tôi triển lãm cũng không được, trống mới đánh xuôi chẳng lẽ kèn liền thổi ngược sao?
Trong số tranh bày có bức tựa đề “Hamlet.” Tôi vẽ một hình nhân đàn ông tả tơi như xơ mướp, đứng giữa một khung cảnh mặt bể ngầu sóng. Hai tay tong teo bị trói giằng ra hai bên bằng dây thừng. Anh ta đứng giữa một thiên nhiên đầy phẫn nộ, ánh mắt cam chịu, tuyệt vọng, chết cứng như bị trời trồng. Một người bạn họa sĩ có chức sắc trong Hội Mỹ Thuật khuyên tôi nên bỏ bớt tấm tranh đó, không biết vì anh lo cho tôi, lo sợ vì bức tranh tôi bị rắc rối hay sợ bức tranh ảnh hưởng đến những người lãnh đạo hội, trong đó có anh?
Và bức tranh có tựa đề “Bình Minh Mới” -tội lấy làm chủ đề phòng tranh- tôi vẽ một khỏa thân nữ bay trong một không gian bao la, trong một tư thế đi tới, hết sức thoải mái. Hai bầu ngực căng phồng đầy sinh lực vươn ra trước đón những tia nắng của một bình minh rực rỡ. Trong bài viết của Tiến sĩ Lê Văn Hảo, gọi bức “Bình Minh Mới” là “ước vọng của tự do.”
Nói chung, phòng tranh đã lộ rõ ý đồ “đòi hỏi tự do” -ít ra là cho ngành hội họa.
Để trả lời anh bạn họa sĩ khuyên tôi bỏ bức tranh “Hamlet,” tôi nói: “Đây là một thử thách. Tôi cụng đầu vào tường đá, nếu tường không sập thì đầu tôi vỡ, các bạn sẽ có kinh nghiệm mà tránh.” Tôi vẫn giữ bức tranh đó trong cuộc triển lãm. Phòng tranh khai mạc, vui vẻ. Tôi để một “sổ ghi cảm tưởng,” mọi người đều viết là rất sung sướng hạnh phúc được thưởng thức một phòng tranh thực sự là... có tranh.”
Công an văn hóa ngày nào cũng vào xem cuốn sổ để báo cáo lên trên tâm trạng quần chúng thế nào đối với “Bình Minh Mới," họ thấy quần chúng hết sức hoàn nghênh. Báo chí viết bài tường thuật, các cơ quan truyền thông loan tin, coi như đó là một thành tựu của nghị quyết về “đổi mới văn hóa văn nghệ của Đảng” -đúng với lòng dân! Sau đó thì các họa sĩ tha hồ vẽ, trừu tượng, siêu thực, tranh khỏa thân, hiện thực, bí hiếm... rôm rả. Cây hội họa Việt Nam như được tưới nước, lớn lên vùn vụt, không phải trăm mà là vạn hoa đua nở. Hú hồn. Thực ra tôi liều không phải là không có căn cứ. Tôi cắt bỏ sẵn trong túi “tờ nghị quyết” do nhà nước đăng đàng hoàng. Nếu có chuyện thì tôi quyết ăn thua đủ chứ không phải thua ngang. Nhưng tôi tin chắc là sẽ không có vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” xảy ra năm 1987 nữa tôi mới dám “chơi.” Hình như trong con người tôi cũng có chút máu chính trị. Tôi lượng đoán được tình hình. Mà đúng.
Phiêu Du Mộng Tưởng -
Ánh Sáng Và Bóng Tối, sơn mài
Đến giai đoạn “Phiêu Du Mộng Tưởng - Anh Sáng Và Bóng Tối” [PDMTAS &BT] cũng có vài chuyện vui. Nếu tranh tôi giai đoạn trước đây có người thưởng thức người không, thì qua giai đoạn “PDMTAS & BT” tôi nhận được sự đồng cảm lớn. Mọi người đều thấy “đẹp lắm” mặc dù thú nhận “không hiểu gì” chỉ thấy đẹp thôi..
Thoạt tiên tôi nghĩ rằng, với kỹ thuật và cách thể hiện này tôi khó có khách thưởng ngoạn, vì tôi bước vào một thế giới có vẻ xa lạ với sự thưởng ngoạn thông thường, nhưng điều đó lại xảy ra ngược lại. Năm 1992 tôi bày 36 tấm ở viện Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM - Sàigòn cũ- gặp một người khách Nhật Bản, ông ta đã mua cả phòng tranh mang về Nhật. Điều đó thật hi hữu đối với cuộc đời một họa sĩ. (Ông ta tên là Taco, giám đốc một cơ sở thương mại ở Kobe, chúng tôi trở thành bạn, vẫn còn giữ liên lạc).
Năm 1994, cũng với chủ đề trên, tôi đem tranh ra Hànội (36 tấm) vẽ trong hai năm 93 - 94. Tôi cũng để một sổ ghi cảm tưởng. Nói chung cảm tưởng của khách thưởng ngoạn là họ rất xúc động khi xem tranh và thú nhận mặc dù họ không hiểu gì, họ chỉ thấy một thế giới mới lạ, màu sắc đẹp và gây ấn tượng mạnh. Tranh tôi chỉ đánh số thứ tự trong tiêu đề chung đó (PDMTAS &BT). Đây là thử nghiệm, nhất là đối với công chúng Hànội. Tôi thấy không ai thắc mắc về điều đó mặc dù từ trước đến nay họ đã quen xem mỗi bức tranh đều có tựa đề. Cũng có một số người hỏi tôi: “Vẽ cái gì?”. Tôi trả lời chính tôi cũng không biết, tôi chỉ thể hiện cái đẹp. Tôi hỏi lại họ có thấy đẹp không? Họ trả lời là có. Vậy là đủ rồi.
Lần triển lãm này khách ghi cảm tưởng có nhiều. Giới họa sĩ, các nhà phê bình mỹ thuật, tôi được sự đồng cảm lớn. Điều đó không làm tôi sung sướng gì lắm! Duy có cảm tưởng của một em bé khiến tôi đặc biệt xúc động. Em viết như sau:
“Cháu tên là Mai Hương Nhung. Cháu được đi xem triển lãm của nhiều họa sĩ vẽ sơn mài như chú, nhưng cháu cảm thấy tranh của chú để lại cho cháu nhiều ấn tượng sâu sắc. Tuy cháu chưa hiểu gì nhiều về tranh trừu tượng, nhưng tranh của chú cháu thấy đẹp hơn tất cả các tranh sơn mài của các họa sĩ khác. Cháu rất yêu hội họa. Năm nay cháu được 11 tuổi.”
Trích lại lời khen tranh mình thì thật nhố nhăng, nhưng tôi xin có lời tự biện bạch rằng, tôi không trích lời khen của một họa sĩ nổi danh, của một nhà phê bình tiếng tăm, của một người lớn. Mà đây là cảm tưởng của một em bé. Và tôi sung sướng khi tôi vẽ tranh làm xúc động một tâm hồn còn ngây thơ. Giữa lời khen của một người lớn, một nhà phê bình, và một trẻ thơ, tôi tin vào em hơn vì tâm hồn của một trẻ thơ thì công bình và hoàn toàn trong sáng.
Nếu cuộc đời họa sĩ của tôi bị mọi người trong thế giới người lớn từ khước, tôi chỉ thành công, chỉ làm xúc động riêng một bé thơ thôi thì tôi cũng đủ sung sướng hạnh phúc rồi.
Ý nghĩ cuối cùng của tôi, trong tương lai gần tôi sẽ trở về Việt Nam, do tôi linh cảm rằng nghệ thuật của tôi chỉ có thể lớn lên từ Việt Nam và cũng từ Việt Nam thế giới sẽ biết đến nghệ thuật của tôi: một họa sĩ người Việt Nam.
Xin cảm ơn anh.
(Tạp chí Văn, số 19, tháng 7,1998)
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Kinh Dương Vương - Rừng và Hành trình 22 năm của một bức chân dung (Đình Nguyên)
• Hoạ sĩ Rừng: Về bên cuống nhau của mẹ (Trịnh Thanh Thủy)
• Nói chuyện với họa sĩ Rừng: hành trình 40 năm đến với mỹ thuật (Huỳnh Hữu Ủy)
• Rừng Và Hoàng Đăng Nhuận (Huỳnh Hữu Ủy)
Hoạ Sĩ Rừng Ra Mắt Sách, Triển Lãm ‘Tranh Mini’ (Phan Tấn Hải)
Triết lý biểu tượng của họa sĩ Rừng (Lý Đợi)
Rừng và cảm tạ người mẹ (Đặng Phú Phong)
Rừng: 50 năm hội họa (Hồ Tịnh Tình)
Họa Sĩ Rừng tìm kiếm không ngớt những cái mới trong Hội họa (Phạm Điền/RFA)
Rừng, Kinh Dương Vương, Dung Nham (phannguyenartist.com)
Họa sĩ Rừng/nhà văn Kinh Dương Vương nói chuyện sáng tác nghệ thuật
• Bài thơ cho bạn tôi (Kinh Dương Vương)
• Đường Kiến (Kinh Dương Vương)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |