1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tùy Bút Mai Thảo Trên Tạp Chí Khởi Hành (Mai Thảo) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      19-4-2015 | VĂN HỌC

      Tùy Bút Mai Thảo Trên Tạp Chí Khởi Hành

        MAI THẢO
      Share File.php Share File
          

       

      Trong Một Tiệm Sách     -  Một Buổi Tối  -  Thả Thuyền

      Tử Hình Cho Màu Xanh  -  Tháng Hoa Lên Đường

      Thảm Và Tiếng Động      -  Quán Bệnh    -   Mặt Phẳng

      Một Cảnh Tượng Kỳ Ảo   -  Hoạt Cảnh    -   Mưa Đêm

      Những Ngày Cuối Năm


      Nhà văn Mai Thảo (1927-1998)

       

      (Mai Thảo trước bức chân dung ông do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ, 1960)



      Trong Một Tiệm Sách


      Buổi sáng ở đây chừng như vừa thức. Lười biếng và muộn màng. Một sự thức tỉnh không tiếng. Một mình. Giữa một rừng sách còn yên lặng ngủ. Trên những giá gỗ thẫm mầu chạy suốt chiều dài những phiến tường mất hút vào những xó góc tối thẳm lấp, khuất sau những hàng cột lớn, những lớp gáy sách mạ vàng đứng thẳng, quay lưng lại với đời, ngủ với từng thế giới ngôn ngữ chìm nhòa, những thế giới đã hình thành và đã chết. Trên những bàn nghiêng như bàn học thuở nào tuổi nhỏ, giấc ngủ của sách nằm gối đầu lên nhau, mang một vẻ gì thư thái và trẻ thơ hơn. Đưa lên tường cao, kinh điển quý đã vào sâu dĩ vãng. Đã đứng cái thế đứng nghiêm lạnh, im sững của bảo tàng. Bày dưới mặt bàn thấp, trước tầm tay người, và phơi dãi tuềnh toang mọi thứ khung bìa rực rỡ, chất sách tươi hơn, tim sách còn đập. Và giấc ngủ trên bàn vì thế mà nhẹ và vui hơn giấc ngủ trên giá, như có từng ngọn gió sáng lua qua, phất phơ bay trên những đài trán lên năm. Sách. Sách đứng. Sách ngồi. Hình ảnh kia của những đỉnh trí thức chụm đầu. Hiện tượng ấy của những vực trí tuệ tản mạn. Sách. Bốn phía. Sách. Chung quanh. Sách trên cao tường và dưới thấp bàn. Những rừng từ chương và những biển suy tưởng. Một nhành hoa lạ bỗng mọc trên một cánh đồng hoang. Dưới gai độc, chợt rất trong sáng thủy tinh một ngọn suối chảy róc rách. Sách đó. Thực phẩm sau cùng. Hoài nghi thứ nhất. Mậu dịch và phổ quát rộng của thao thức và tìm kiếm bốn biển đã một phần tới đây, bầy hàng trước mắt người. Buổi sáng đã hồng. Vòng đời đã quay. Nhịp đời đã múa. Thành phố bên ngoài từ rất sớm đã xôn xao. Nhưng sách trong nầy còn nắm chặt tay nhau, những cây ngọc và những trái đau bia của loài người còn hiền hậu và bằn bặt ngủ.


      Buổi sáng hôm nay rộng. Thời gian sáng nay chậm. Tâm trí người sáng nay là một tâm trí dịu dàng buồn. Và tôi đã lạc tới đây, trong một tiệm sách khuất nẻo, bước lững thững giữa những nôi hồng trí tuệ. Tôi đã lật nhẹ một trang kia. Ngó hờ một chữ này. Và nhớ đến một hiện tượng dẫn dắt. Của một cánh tay lớn. Giữa chất xám của óc, chất hồng của tim, một số nhỏ trong cái khối lượng phần thư vĩ đại của những thế kỷ ngôn ngữ truyền tiếp đã dẫn tôi đi vào cái thế giới ở đó đã biểu hiện và cấu thành mọi thứ khả năng tưởng tượng, mơ mộng kỳ diệu và chìm đắm nhất của loài người. Tuổi nhỏ tôi hồng. Sách hồng tôi đọc. Những trang sách xưa ôi những trang vàng. Hồn tôi mới. Sách rót xuống từng bình ngây ngất. Thuyền tôi còn đậu bến. Chính là sách đã rút neo đẩy ra khơi thành những chuyến đi đầu. Sách đưa vào phiêu lưu. Chữ đẩy thuyền thành sóng. Sách vừa là gió đẩy. Sách vừa là triều dâng. Khả năng mơ mộng và tưởng tượng mà tôi cho là cái khả năng đáng có nhất của một đời, nơi tôi, đã nhờ sách mà có. Với sách, tôi đã mơ mộng. Bằng sách tôi đã tưởng tượng. Nghĩ và nhớ lại một thời kỳ niên thiếu của đời mình, mỗi tuổi tôi đến, mỗi tuổi tôi qua, hình như đều có một khung tâm hồn và thể chất đóng khuôn với một cuốn sách đã đọc. Đọc và thấy mình đổi khác. Sách đến với tuổi thơ một đời là những cuốn sách quý nhất. Và cũng nguy hiểm nhất. Chúng cấy chất sinh tử phù vào thật sâu da thịt, khắc những dấu chàm trong óc non, và trong tim mới. Và cái thành của anh, của tôi, phải thế không, đã một phần bằng sách mà thành.


      Tập thơ đầu tôi đọc suốt một buổi chiều trên một bờ đê Hưng Yên. Nhớ mãi, nhớ mãi buổi chiều hôm ấy. Sách đưa tôi vào một cảm giác lâng lâng. Lẫn tiếng sóng sông Hồng với tiếng sóng trong hồn. Lẫn cỏ dưới thân với cỏ xanh trong cánh đồng của sách. Lẫn đất với trời. Lẫn hư và thực. Sách sáng chói từng trang và hồn cũng chói lòa một giải. Tôi ngày xưa úp cuốn sách đầu trên lồng ngực, nằm rất lim dim, thả hồn bay lên. Yêu biết chừng nào, nhớ bao giờ quên, những trang vàng thứ nhất. Sách đẹp như chiều trên đầu. Chiều tím thẫm và chiều cao vút. Sách xa như biển. Biển hoang đường những bến bờ tưởng tượng. Tôi nằm trong cỏ. Tôi say như rượu. Tôi nằm với sách. Tôi nhẹ hơn khói. Những trang sách ngày xưa là những động lực chắp cánh. Đọc là một ảo huyền và say đắm… đọc. Bởi vậy mà mỗi chúng ta, khi bắt đầu biết khám phá và yêu mê cái đẹp, đều có như tôi, những tờ rời ngây ngất ấy là những cuốn sách tình nhân, những cuốn sách hành lý, những cuốn sách gối đầu, sau này không còn nhìn thấy đâu bởi cái lẽ giản đơn là đã nhuần nhuyễn đã thấm hòa trong máu.


      Rừng sách vây quanh, lớp lớp từng từng. Tôi đứng đây, trong yên tĩnh một tiệm sách chất đống. Giữa những ngọn đỉnh cao vút của tinh hoa trí tuệ nhân loại. Nhưng buổi chiều đã qua, và cầm một cuốn sách trong tay, mà tôi không tìm lại được cái cảm giác thần thánh cũ. Cuộc sống nào ngọt ngào tới đâu, cuối cùng rồi cũng giết chết ở mỗi người, mọi khả năng mơ mộng và tưởng tượng. Buổi chiều tôi không còn nhìn thấy nó tím. Những trang sách nói. Nhưng sách thôi hát. Sông bây giờ đầy chật tiếng động. Sống bây giờ vắng dần những tiếng hát. Đọc, đã hết như người xưa, phải tới chữ trang trọng bằng những hàng bạch lạp. Nghìn cửa ngõ đã mở cho thiếu đi một cửa ngõ hoang đường. Triệu chân trời đã dựng cho mất đi một góc nhỏ mơ mộng. Trên những cái làm nên gấm vóc và châu ngọc thưở nào, đã lả tả những nấm mồ bụi phấn phủ xuống. Những cuốn sách xưa trong tôi hãy ngủ. Hết những hành trình. Thôi những bến bờ. Qua một cảm giác lạnh lùng về sách, tôi ném cuốn sách cầm trên tay xuống mặt bàn cho ngủ tiếp giấc chìm. Và đi ra, nghe chết dần trong hồn cái nhịp đẩy đưa dịu dàng và kỳ diệu ấy của một tiếng sóng ngày xưa.


      Khởi Hành số 3



      Một Buổi Tối


      Phòng khách người bạn gái ở trên một tầng lầu cao. Dưới chân, những hành lang dài vút, tối thẳm, những bóng cột, những lưới sắt nghiêm nặng. Và thang máy. Điểm đỏ nhấp nháy. Chiếc thang rùng mình, vụt vụt đưa lên, tạo cho tôi trong một khoảnh khắc cảm giác đứt rời ngây ngất với cái phẳng vững yên tâm của một mặt đất vừa bỏ lại. Còn sớm. Một người chưa tới. Bàn ăn phía bên kia những bông hồng tươi thắm đã dọn sẵn. Ly pha lê xếp hàng trên khăn trải bàn trắng muốt. Và buổi tối bắt đầu với tôi, êm ả, nhẹ nhàng bằng mầu đỏ huyết dụ của một ghế bành thênh thang thấp lùn tôi đặt mình ngồi xuống, với ly rượu khai vị đợi chờ vào tiệc trên tay. Chất muscat chính cống, trong suốt, mang nhãn hiệu một hầm rượu danh tiếng, nữ chủ nhân nói là quà tặng của một người thân vừa trở về sau một chuyến công du hai tháng ở Ba Lê, tôi nhấp một ngụm thấy cái vị ngọt ngào thấm lan trên đầu lưỡi phảng phất giống với mùi vị rượu lễ tôi đã uống ở nhà người bạn công giáo đêm giáng sinh một năm nào. Tựa lưng vào thành ghế, giữa huyết dụ vây bọc và sóng sánh của khai vị tôi yên lặng ngắm nhìn một bức tranh tĩnh vật trên tường. Đã lâu lắm, tôi mới lại có được cho tôi một trạng thái ung dung, thư thái như buổi chiều này. Những buổi chiều hốt hoảng, tâm thức xao xuyến không nguyên nhân, khi một dáng hồng quái dị chợt đẩy xa đi một nền trời, chiều lọt vào hồn bằng một ngách gió, cái buổi chiều hoang mang những đường đan phiền muộn, những buổi chiều chuyên chở theo nó những khối sầu chất núi không tên, tôi đã bỏ chúng đâu đó, dưới kia, và chiều nay nhẹ thênh, cười rất dịu dàng nụ cười hiền hậu.


      Tôi đang ngồi với những người bạn. Chiều nay, họ cũng khác với mọi chiều. Họ ngồi đó, chung quanh tôi, cũng mỗi người một ly rượu trên tay, trong không khí trò chuyện thân mật chia thành từng toán nhỏ. Những người bạn tôi, tôi gặp họ hàng ngày. Ở một ngã tư, trong một tòa soạn. Dưới nắng một vòng bùng binh xe lăn hối hả. Trong mưa ào ào, cái cổ áo tơi kéo cao tới gáy, lướt thướt qua đường. Ban ngày, chúng tôi lẫn vào biển người, rượt theo cuộc sống, đầu óc chất ngất trăm nghìn chuyện vặt, vướng chân vào những cái lưới hệ lụy dầy đặc, vượt qua nhau không nhìn thấy mặt, có thấy nhau cũng chỉ là thoang thoáng mà thôi.


      Tối nay, nhìn quanh mình chỉ thấy những khuôn mặt hồn nhiên rạng rỡ, nghe thấy những lời nói không còn muốn tinh khôn, những tiếng cười không còn muốn ác độc, tôi lĩnh hội được cái huyền nhiệm bất thường thật lâu lắm mới một lúc nào, một không khí nào tạo được cho người. Có như là cuộc sống đã ngậm ngùi chấp nhận mọi chứng tật và trở chiều phản phúc khôn lường của nó, một phút nào đã được bỏ lại dưới gầm một thang máy. Có như là, hạnh phúc như một bình dị không viết hoa, thì hạnh phúc, được Sagan gọi tên như một cánh buồm vô định, cánh buồm kia cho tất cả mọi người có mặt, đã chiều nay tình cờ buồn ghé tới nơi. Những khuôn mặt bạn sáng láng từng nét trẻ trung đơn giản dưới ánh đèn ấm áp, trong gió đêm chở tới những thuyền đầy, đang nói cho tôi biết, là một buổi tôi vui đã được bắt đầu bằng những triệu chứng tốt.


      Khung cửa mở rộng. Những tấm rèm phần phật đập gió. Trời đầy sao bên ngoài. Thật xa, ở bên kia những hàng cây và những mái nhà thấp của khu phố còn kéo dài cuộc sinh hoạt về đêm, là những khung ánh sáng chồng chất, xa gần của một nghìn cửa sổ. Từ cửa sổ này, nhìn sang những khung cửa ấy, tôi vui, tôi yêu, tôi ngọt, tôi hiền, đã muốn tin là trong từng khung vuông ánh sáng, cũng có những lòng ghế bành thênh thang đựng gió, những họp mặt thân mật, những vòng nhạc quay tròn trên đĩa, một bàn ăn được dọn, cho thứ hạnh phúc bình thường đơn giản nhất cũng đến được với người, thôi thì một đêm, nhưng nhiều và đông như những chùm sao. Dưới những mái nhà kia, tôi không muốn tin đang diễn mãi những thảm kịch. Đời phải vơi đi, từng lúc, những mê hoảng hằng hà. Trong những lòng ngõ tối kia, tôi không muốn tin đang xẩy ra những án mạng. Đời phải mất đi, đôi khi, những hố thẳm. Trên một tăm tối hoa mắt, kín trùm, đài khí tượng đời đôi lúc cũng phải báo cáo tin hồng của một giọt nắng. Gai độc một rừng, thì rừng gai chiều nay xem chừng như đã có một diện tích được khai quang.


      Người bạn đến muộn, tới rồi. Có lẽ anh đã lỡ một chuyến xe, vướng một công chuyện. Có lẽ cái khối sống trái núi trên anh hôm nay có nặng có đau hơn khối sống mọi người. Tôi nhìn người mới đến. Cặp da nghiêng vai anh. Tóc rớt trên đài trán. Trong tròng mặt còn thấp thoáng những bóng hình mê hoảng chưa tan. Và cái dáng đi lật đật chưa có một con thắng hiền hòa nào làm cho khoan thai hẳn. Nhưng hề gì. Buổi tối đã được khởi đầu bằng một không khí tốt. Những ưu tư riêng tây nơi chân thang bỏ lại. Ngồi xuống ghế vuốt lại tóc, cười vui đi, khai vị đây, duỗi thẳng chân ra, ngả hẳn lưng vào, thở một hơi dài, cho một thuyền gió đêm vào đầy lồng ngực. Những tiếng nói chuyện lại rì rào như mưa xuân trên từng góc một. Cái trang báo hàng ngày kín đặc những hàng tin hung dữ, tối nay đã được gấp lại. Ném đi không đọc. Tôi nhận lấy cho mình ly rượu khai vị thứ hai. Và giữ nó trong lòng tay, qua khung cửa mở toang như một màn ảnh đại vĩ tuyến, nhìn xuống thành phố. Nghe nó… Lao xao, xa gần, thoắt bỗng dâng lên, thoắt vừa rút xuống, thành phố dưới chân trùng điệp tiếng hồng từng lớp dâng lên. Tối nay, không có một đám cháy nào. Bình yên được gìn giữ. Trong những căn nhà bếp, không có một ngọn lửa nào bén tới, lan đi. Trên những khe tường, điện không chạm điện. Buổi tối đẹp không bị nhầu nát bởi những tiếng kêu cứu thất thanh, tiếng còi hú địa ngục âm ty, tiếng xe vòi rồng chạy bay như những con trâu rừng điên cuồng mất trí giữa một biển người bàng hoàng tránh dạt.


      Một phi thuyền đã an lành lên đường, an lành về đất. Nền trời thành phố đêm nay, không sáng lòe một ánh hỏa châu. Sao rực rỡ sao muôn vàn thế kia, mưa và bão cất sang những buổi chiều chưa tới. Tầng cao nhẹ. Căn phòng ấm áp. Tranh tĩnh vật trên tường. Và bữa ăn mà ly rượu khai vị làm cho ngon miệng kéo dài với cái không khí đôn hậu, dịu dàng của khởi đầu chập tối.


      Câu chuyện nhẩy nhót trên những đầu mối tươi vui. Chúng tôi nói đến một bản nhạc, nghe đã hai mươi năm, nghe đã nghìn lần, nhưng một tác phẩm tuyệt vời vĩnh viễn còn viễn du trong tâm tưởng người, nên bản nhạc cũ nghe còn yêu thích. Đến một chuyến đi chơi xa sắp được thực hiện. Chuyến đi mới được hình dung tới, đã những nắng vàng, những cỏ cây, những hoa bướm trên mõi dặm đường. Đến một người bạn, lành rồi, nước biển giã từ, đang ăn trả bữa. Đến cái nghệ thuật nếm rượu siêu việt của những tửu đồ tây phương họp thành hàn lâm viện, đến nho xa được mùa ủ thành men tốt, cất dấu trong hầm thành rượu quý nhiều năm. Bao nhiêu chuyện vui cho một buổi tối. Trước mỗi người, chừng như có một ngọn nến sinh nhật, thắp mừng cho một hạnh phúc nhỏ, nhưng bởi hiếm quý bao lâu mới có, nên là một hạnh phúc đầy.


      Tiếng nổ, nổ lên, long trời lở đất. Sức ép dữ dội đập vào những bờ tường, làm rung rinh những khung cửa. Tiếng nổ bất thình lình, có thể từ khá xa, nhưng nghe thấy thật gần, bao trùm lên một bàng hoàng tê liệt chưa kịp thời phản ứng. Cái bình hoa từ trên mặt bàn phòng khách rớt xuống. Tiếng vỡ tan của những mảnh vụn. Những bông hồng trên nền đá hoa thất kinh. Những ngọn nến của những sinh nhật và những tặng vật tưởng tượng đồng loạt tắt phụt. Ly rượu khai vị chợt trở lại, trái ngược, với một vị đắng dị thường đọng trên đầu lưỡi. Một khoảnh khắc im lặng. Chúng tôi buông tay ngồi sững nhìn nhau. Rồi là cái hình thái thường hằng tưởng như tuyệt tích và đã chìm vào quên lãng trở lại. Những tiếng chân người rầm rập. Cánh cửa sổ mở rộng ngó xuống một khu phố chấn động cùng khắp. Từ rất xa, nhỏ như một âm thanh sợi chỉ nhọn hoắt, tiếng còi cấp cứu đuổi gấp theo những vòng bánh lăn miết tới tận cùng tốc lực, lớn dần thành một rú thét kín trùm.


      Không, cơn đau chưa hết đâu, đừng vội vã giã từ nước biển. Những trời cao và những thuyền chiều chở gió. Những tấm rèm múa bay trên một thành cửa mở. Đi qua không gian sao xuống với người. Hạnh phúc nhỏ, thật thật nhỏ cũng còn là ảo tưởng. Cho một buổi tối có những bình thường, có những hành động, có tiếng cười trong tiếng còi cấp cứu, tôi đi xuống. Thang lao như tên. Những cột nhà lạnh lùng. Hành lang đưa ra đường tối thẳm.


      Khởi Hành số 16



      Thả Thuyền


      Vậy là thêm một đêm nữa, bằng dịu dàng xanh những phiến lá trong vườn, bằng mênh mông dãi trên những bến bờ sóng đập, bằng đọng lại trên thành cửa sổ, bằng ngủ yên trên một mái lầu, bằng tấm thảm vàng tôi lót xuống làm cái chiếu ngọc cho gót rất mềm những cặp tình nhân đi, bằng mùa hạ như một giòng sữa, bằng mùa thu như một giải lụa bạch, tôi lại xuống với anh đây. Xuống với anh, người thi sỹ như một đời trăng khác của nhân gian. Xuống với anh, hắt hủi, hổ thẹn, não nề, vớt người thi sỹ vừa đính bản án tử hình lên một con trăng không còn huyền thoại.


      Việc phải tới đã tới. Nghìn cổ hoang đường chết. Thần thánh cũng đã vậy. Sấm sét bị chế ngự. Vô tận trong tầm tay. Không có gì là loài người không làm được nữa. Việc phải tới đêm qua đã tới. Không có gì ở ngoài ngôn ngữ thi sỹ. Con trăng cũng thế. Đã nằm trong lòng đời. Đã sẵn trong dáng người. Phóng lớn kích thước, kim chỉ nam của khoa học trên đầu, loài người bây giờ là hiện thân của một hiệu lực thập toàn khủng khiếp. Nó biết hết, và tới hết. Dưới đất anh, đã những đỉnh Hy Mã bị chinh phục. Địa hạt của những bất khả xâm phạm thu nhỏ lại. Trí thức nhân loại vô tận và vĩ đại, đường tri thức tới xa hơn đường trăng đi. Những giới hạn siêu hình dưới ấy đã vượt qua. Núi chỉ còn nghĩa đồi. Biển là ao nhỏ chật.


      Và tôi, con trăng huyền thoại trên này, vậy là một đêm kia, chân người đặt xuống. Việc phải tới đã tới. Cái muôn vàn lớn và cái tận cùng nhỏ đã được nối lại, bằng sợi chỉ hồng trí thức, cái áo anh mặc bây giờ quả là đã được may bằng kim và chỉ của tạo vật, vũ trụ hằng hà bây giờ mang cái chiều nghiêng của một mái nhà người. Và con trăng khốn nạn, con trăng thảm thương, con trăng vừa bị nhốt chung chuồng như gà vịt và mèo chó anh nuôi, con trăng chỉ còn ngang cái giá trị sinh hoạt của ngọn đèn anh thắp và tắt đi trong phòng ngủ. Trên một chiếc xe tang, con trăng tới nhà xác. Như một thời phong kiến đã chết, mũ miện và ngai vàng ngủ với bụi bảo tàng. Lời anh cuối cùng về trăng, là hoa. Anh thả xuống tôi lời chót ấy của một bài thơ cuối.


      Những huyền thoại rụng. Phi thuyền trở về đất. Từ đêm nay, nhân loại trên một đỉnh văn minh mới đích thực là khai thiên lập địa của người.


      Thi sỹ, tôi biết từ đêm nay, trên bàn viết anh, đã một chao đèn, một ánh đèn khác. Đã những chân tướng và những huyền ảo mới. Không còn một Lý Bạch nào ôm trăng đáy nước của Hoàng Hà mà chết. Suối của trăng, anh đã đứng trên bờ. Mộng của trăng, người đã đẩy trăng đi, đã ra khỏi mộng. Trên một tần số lạc, vô tuyến người đã dẹp bỏ một đài trăng vi âm. Sự kỳ diệu đang làm nên nguồn kiêu hãnh hân hoan tột đỉnh của người, là đứa trẻ nhỏ một đêm kia đã lỡ thả đi một con thuyền giấy. Ngờ đâu mà tới. Vậy mà con thuyền không ngờ còn chuyên chở trong nó ý nghĩa ở ngoài ý nghĩa một hành trình, đã tới. Thuyền không ngừng nữa. Trái đất từ phút này đã khai tử mọi giới hạn. Con thuyền giấy đang trôi qua, sẽ trôi qua từng hành trình một. Mãi mãi như thế. Từ cuộc hành trình đi vào vô tận này mà trí thức và ngôn ngữ thi sỹ trở chiều. Phân thân, nó treo căng trên hai đầu thăm thẳm. Vừa mang ý nghĩa của cái chưa dẫn chưa tới cũng lại xem như đã nằm trong cái đã. Và bởi vì tri thức đã vượt thoát đến tận cùng đến không làm chủ được nó, ngôn ngữ hết là một dội dập, một vang vọng, mất biến hình dáng và thể tích. Nó trở thành vô cùng. Nói một cách khác, ngôn ngữ đã bay lên, đồng thời đã tuyệt tích đường về. Không còn điểm tựa, ngôn ngữ đã phóng thể.


      Thi sỹ, trên một mảnh Biển Im Lặng, phi thuyền tri thức anh đã đáp xuống. Sỏi và đá của huyền thoại đang lõa thể trong một phòng thí nghiệm nhân gian. Và tôi, con trăng bị hạ bệ, từ đêm nay, tôi thấy đã thế này. Anh và ngôn ngữ anh đang ở trên một toa tầu. Tầu thần tốc lăn qua những ga sao. Trước cửa sổ tàu, những cột sắt hiện.


      Đối tượng biến thành một trạng thái vô hình thể. Nửa phần nơi cái chưa tới, nửa phần kia nơi cái đã hư không. Giữa khoảng cách của hai cột điện, mà hiện thể cùng khoảnh khắc và cùng ảo ảnh như nhau, tầm mắt anh chỉ còn là cái chong chóng hình, cái thoang thoáng bóng, ở đó ngôn ngữ tản mạn vỡ tan thành những ly ty vô tận rời cánh. Ngôn ngữ hết thành một chủ thể. Ngôn ngữ cũng lang thang, cũng bất tận như cuộc hành trình. Hết ngợi ca một vầng trăng, không lẽ anh đi ngợi ca một ngọn nến? Và cái chuyện tôi muốn nói xuống với anh đêm nay, là những phi thuyền lớn hơn có thể đã khai hỏa trên những dàn phóng, và chiếc thuyền giấy đầu tiên mỏng mảnh nổi trôi trên giòng vô tận có thể đã là một mẫu hạm, thì thi sỹ, kẻ định bản án tử hình lên con trăng hèn mọn, anh chưa tìm ra được một ngôn ngữ mới cho đời. Hết thảy mọi quy ước, mọi ký hiệu một chút lật nhào rồi, từ một con trăng anh không thèm thấy nữa. Amstrong khi đặt bước đầu tiên xuống một huyền thoại giẫy chết, nói với hằng cửu (từ nay chẳng bây giờ, từ nay là hằng cửu): “Đây là một bước đi nhỏ của người, nhưng là một bước đi tới của nhân loại.” Đúng. Nhưng chỉ là nói cho và về một bước chân thôi. Với Andrin: “Đẹp. Đẹp. Tuyệt đẹp.” Đã khác. Thế nào đẹp? Đẹp thế nào? Đẹp như một bông hoa, một giòng suối? Rõ ràng là trước một vũ trụ mới, ngôn ngữ xử dụng vẫn là ngôn ngữ cũ. Tiếng đẹp thốt ra lắp bắp và ú ớ. Rõ ràng là thơ phút đó đã chết trong ngôn ngữ bất biến của người. Rõ ràng là từ một dàn phóng, trên đầu một hỏa tiễn, qua Ngân Hà, khỏi quỹ đạo, từ cái phút trầm trọng và căng thẳng của Đếm Lùi Ngược Lại kia, ngôn ngữ vũ trụ chỉ còn là một ngôn ngữ kỹ thuật. Chỗ nào có vươn phóng, có khát vọng, có ảo tưởng, chỗ đó có thơ. Quê hương thơ ở đó, nơi những viễn du tâm thể còn nằm trong mơ tưởng của đời người. Con trăng chỉ còn là một ánh đèn. Nhành sao, chùm sao cũng vậy. Cũng vậy mặt trời. Đẹp. Đẹp. Đẹp. Thế ư? Thảm hại chừng nào cho cái ngôn ngữ thán phục. Anh không hát nữa đâu. Mười bốn rồi mới mười ba. Số nghìn rồi mới số hết. Nhưng anh đang đếm làm ngược lại. Và cuối cùng vẫn chỉ là cái chới với kia của những cột mốc thoáng lùi ngược, nhìn ra từ một toa tàu chở chàng hiệp sỹ của thời đại mới, con tàu đi rồi, ngôn ngữ anh chỉ là thứ ngôn ngữ của một thổ dân miền núi. Những bài ca và những bài thơ anh đã chết, dưới chân một dàn.


      Thi sỹ, chia ra đi. Làm hai. Như thơ nhân gian chia ra nhiều trường phái vậy. Bây giờ, một con trăng bỏ lại, nhân loại mới đích thực đội lên hình hài và tâm linh nó cái hiện tượng nhị trùng bản ngã. Đừng có đập tan gương. Sẽ mất nốt bóng mình. Ngôn ngữ mới chưa. Đừng xa huyền thoại cũ. Đất cát tôi đã trong phòng thí nghiệm. Trên trăng mai sau, sẽ những siêu thị và cảnh sát chắn đường. Nhưng một phía kia, nếu bàn tay tri thức anh đã mở rộng cho tung bay muôn triệu hạt vàng tản mạn, thì một phía này, bàn tay trái anh còn cần nắm lại. Cho lưỡi liềm và đĩa ngọc của trăng và huyền thoại vẫn thơm hương. Trăng không thể xa người. Nó vẫn óng ánh trên những dòng suối mênh mông trên những bến bờ. Làm giải lụa cho đêm mùa thu. Làm giòng sữa cho đêm mùa hạ. Vẫn có những lúc với anh tối hết, chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi. Đừng nhốt tôi vào khoảng sân sau của trí thức lớn. Giữ tôi lại, trong cái địa hạt huyền ảo. Đi lên tôi, nhưng mơ mộng tôi nữa, xin đừng thôi mơ mộng. Quê anh còn là đất thì con trăng còn là bến. Mãi mãi. Thi sỹ, làm một bài thơ nữa về trăng đi, tôi tới đây, vẫn ngủ đêm nay trên mái lầu người. Một thi sỹ nào, như anh, đã hát, phải thế không: là ta đời nay không bao giờ biết ánh trăng nghìn năm trước, nhưng tới bây giờ và tự nghìn năm trước, vẫn một ánh trăng đuổi mãi theo người.


      Khởi Hành số 15



      Tử Hình Cho Màu Xanh


      Tôi còn nhớ năm ngoái, cũng vào tháng này, trong một buổi tiếp tân tại tư thất một người bạn làm phóng viên cho nhiều hãng thông tấn quốc tế, một nữ phóng viên Gia Nã Đại đã tươi cười trả lời, lập tức, khi tôi hỏi cô về những vẻ đẹp hàng đầu đáng ghi nhớ nhất về thủ đô và thành phố chúng ta: “Thì đó, những cái đẹp tươi sáng của một thành phố nhiệt đới, gần biển. Cái đẹp rực rỡ của những mái ngói đỏ chói, rười rượi của những bức tường nắng vàng. Cái nắng trên thành phố này vạm vỡ và nhẩy múa. Bởi vậy mà Saigon không phải là một thị trấn buồn rầu.” Rồi im lặng một giây và nghìn lần yêu thích hơn: “Đẹp nhất là mầu xanh. Phải, đẹp nhất là cái cõi lá xanh, bóng xanh đậm, nhạt, bát ngát của Sàigòn. Đâu đâu ở đây, tôi cũng gặp những con đường mát lạnh dưới lá, những thảm cỏ ngon mắt, những hàng cây cao vút, những công viên um tùm. Ít có một kinh thành thế giới bây giờ còn giữ gìn được trên nó nhiều mầu xanh và nhiều cây cối như vậy. Anh không thấy sao?”


      Thấy. Nhưng từ một mùa mưa năm ngoái đến mùa mưa năm nay, những vẻ đẹp của Saigon, mà người nữ phóng viên ngoại quốc khả ái kia đã đáp tàu về nước và đã mang theo, những vẻ đẹp ấy không còn nguyên vẹn nữa. Thành phố chúng ta vẫn đẹp. Cái nắng buổi trưa ở đây vẫn rực rỡ, cái nắng buổi sớm vẫn óng ánh, cái nắng buổi chiều vẫn dịu dàng. Đường Hồng Thập Tự, đường Hiền Vương, vẫn những mái ngói đỏ chói, những bức tường vàng nắng nằm dưới những tàng cây xanh lam. Trên những con đường đi vào Chợ Lớn, khởi từ phía Ngã Bảy, vẫn những hàng cây cao vút xếp hàng. Sàigòn còn hoa trên những gờ mái, còn lá trên những đầu cổng, và con phố của nhiều khu vực vẫn tươi xanh như thể cỏ đồng. Nhưng cái lưới xanh, cái thảm lục, cái mái biếc, cái vòm bóng mát bóng râm um tùm đậm đặc ấy đang ngày lại ngày thu nhỏ mãi lại. Loạt án tử hình thứ nhất đã đính vào những thân cây. Những cõi xanh trên cành, những cõi xanh ngang trời, những vòm xanh trên đầu đang rụng xuống. Tan vỡ. Nức nở. Không phải là ở những cánh rừng biên giới, những mật khu sình lầy, những độc đạo hành quân, mà đã lan nhập vào đây cái hiện tượng khai quang. Tôi nghĩ mỗi gốc cây khô, mỗi đời cây chết, mỗi vì cành héo rũ và mỗi đỉnh cây chặt cụt của Sài Gòn nếu cùng được, trước giờ hóa kiếp đồng loạt kêu lên, cái tiếng kêu của tập đoàn xanh lam đang chịu án tử hình sẽ là một tiếng khóc lớn lao kín trùm và thê thiết hơn hồi còi báo động về đêm.


      Khu phố tôi ở từ đầu năm nay cũng có thật nhiều những tiếng khóc nức nở không tiếng ấy của loài cây phố. Từ một năm nào, lòng đường ở đây đã được mở rộng một lần. Con phố hẹp chật một chiều mang trong nó cái ngưng đọng thơ mộng của một linh hồn ngõ đã biến hình. Hai mái tóc cây song song thình lình mất đi một mái. Những hàng giây điện ở một phía, thôi hết thấp thoáng. Những lũ mái nhà, ở một phía, chẳng còn võng xanh. Cũng phía đó, từng buổi sớm nắng, bóng lá thôi nhẩy múa trên tường, và từng buổi chiều mưa, những bực thềm, những đầu cổng hói đầu đã mất đi cái âm thanh va đập lạt sạt. Xe cộ có chảy vào đông hơn. Thành một giòng suối mới. Nhưng lòng phố cũ mang hình ảnh của hai bờ xanh lam ôm ấp, cái con suối cũ đã một bờ cái áo lá dịu dàng lướt thướt bay đi. Và bây giờ, thì trên cái phía còn lại bên này, là những cây đời chết tiếp. Thật là một cảnh tượng tội nghiệp. Thê thảm. Và phản mỹ thuật. Từ cửa sổ buồng tôi ngó ra, nhìn dọc theo một hè đường chợt quang đãng bằng một quang đãng bất thường, từng buổi sớm thức dậy, tôi đã chứng kiến cái tiến trình ghê rợn ấy của một hàng cây phố trút thoát dần dần mọi thể loại sinh khí. Những cây đời rụng tóc đen dần. Khô dần. Chết dần. Cái trạng thái rũ liệt đồng loạt này của thảo mộc đứng thẳng chậm, và chắc chắn. Nối đuôi nhau, bước từng bước một, cây chịu tội tiến vào phòng hơi ngạt. Xếp thành hàng dưới trời xanh, cây thôi xanh, cây vào pháp trường. Đêm hôm qua, đã hàng chục khúc cành khô teo ngã xuống. Lá đã chết từ lâu. Cái chết đầu của lá chỉ còn là kỷ niệm. Trơ trụi, đen thui, mang toàn vẹn cái cảnh tượng ngao ngán của một khu rừng đốt rẫy, cành hỏa thiêu chết đứng một hàng dài. Và tôi nghĩ đến đoản thiên “Chiếc lá cuối cùng.” Đến cô nhỏ tê liệt nhìn ra từ một bờ cửa sổ. Cái cây trước khung cửa là người bạn duy nhất. Mùa đông dài. Tuyết đời hung dữ. Mỗi buổi sớm một phiến lá rụng xuống. Trên một đầu cành, chỉ còn một phiến lá cuối cùng. Chiếc lá cuối chót ấy đậu lâu hơn. Được một buổi sáng thêm. Thêm một buổi sáng nữa. Chỉ là gã da đen làm vườn nhân hậu đã lén buộc vào cuống là một sợi chỉ. Nhưng rồi phiến lá cuối cùng một buổi sáng kia vẫn rụng. Và trên một chiếc xe lăn, đứa nhỏ tê liệt đã chết cùng. Vì cả hai đời cây cùng đã chết một màu xanh. Cây cối đang bị đe dọa trầm trọng của thành phố chúng ta đang cần những sợi chỉ ấy của người làm vườn da đen.


      Chiều nay, đứng trên cái thượng tầng lộ thiên và cao ngất của một khách sạn bảy tầng ngó xuống, bằng cái nhìn thấy phút nầy đem đối chiếu với cái đã nhìn thấy và còn lưu giữ của một ấn tượng trí nhớ quen thuộc chưa rời bỏ, tôi đã bỡ ngỡ với một cảnh tượng thành phố trải rộng trước tầm mắt. Mới ngày nào đây thôi, cái chung quanh tôi còn là một biển xanh lam. Cõi lá xanh là một đại dương mênh mông. Những chùm mái nhà nhấp nhô tự đó ngoi lên, mới chỉ như những vùng quần đảo nhỏ. Thành phố là một khu vườn vĩ đại tràn chiếm. Nhà cửa nghỉ ngơi ở giữa. Mỗi ngôi nhà mang linh hồn một biệt thự. Lá đỡ mái, thành những vòng tay tình nhân. Cành nghiêng tường, thành những mái đầu bằng hữu. Buổi chiều, gió nổi, cái cảnh tượng um tùm dịu dàng chuyển động. Nắng gối đầu trên những tàng cây là sóng múa. Gió thổi qua trên những võng cây là thuyền trôi. Và buổi tối, và ban đêm, những ánh điện là những vì sao lấp lánh trên nột nền trời là cái biển xanh muôn trùng rải khắp. Bây giờ, biển ấy đã rút xuống. Trời ấy đã sập rồi. Và trên một hiện tượng khai quang mọc lên, như nấm độc, như gai nhọn, những hình thù quái gở. Đó là những cột thu lôi, từng mũi nhọn hoắt chọc thủng nền trời. Đó là cái rừng giây điện đan dầy hoa mắt. Đó là cái biển ăng-ten tua tủa lởm chởm. Đó là những cột ống khói thả chất độc vào lênh láng những cống rãnh không gian. Đó là những nóc nhà chọc trời, những cái hộp lớn, lênh đênh vô lối. Đó là những lòng mái lõa thể, những vi tường trần truồng. Thành phố thoát y. Thành phố hết là cái hiện tượng che nửa mặt hoa. Cái đầu nó trọc lốc. Cái thân nó khô đét. Thay cho một tấm áo lụa xanh dịu dàng của cây, những khăn quàng mềm mại của lá, thành phố đang cắm dần thêm mãi, trên cái hình thể kim khí những chùm lông dím mới. Và dưới thấp, những đời cỏ, những đời cành chết dần trên những nghĩa địa đường.


      Những đời cây nhỏ mới ở đâu? Hãy mọc và hãy lớn mau lên. Tơ và chỉ mới, dâu và tầm, kén vàng óng và những thảm họa xanh nõn ở đâu? Hãy may. Hãy dệt. cho một thành phố, cho một thời đại, hãy đặt gấp những khung cửi, dựng gấp những vườn ươm, đan gấp những võng xanh, thêu gấp những áo biếc. Bởi vì nếu mỗi đời sống chúng ta là hình ảnh một đời cây và nếu thời đại này như thành phố đang đổi thay thì một trận lửa đốt rẫy và một liều thuốc khai quang đích thực đang hỏa thiêu và đang đính dần từng bản án tử hình lên những màu xanh, những chất xanh, và những tính xanh hiền hậu.


      Khởi Hành số 22



      Tháng Hoa Lên Đường


      Những ngày đầu xuân ấm áp sau một cái Tết Nguyên Đán năm nay chừng như tới thật sớm, qua thật mau, trở lại bàn giấy một tòa soạn, đối diện với những công việc hàng ngày tiếp tục, tôi muốn nghĩ cho tôi là cái giòng sống lặng lặng, riêng tây của mình vẫn trôi đều nhịp cũ. Sao đêm trừ tịch sáng. Và đã tắt. Trăng Nguyên Tiêu lạnh, xanh mướt, ướt sương. Và trăng Nguyên Tiêu đã lặn. Hồng, cúc, thược dược, cẩm chướng, đào thanh nhã và mai gầy guộc, những đời hoa đồi và đời hoa núi của một tháng hoa tấp nập lên đường ấy đã về đây. Cho một tuổi mới của người, hoa đã đẹp, hoa đã nở, hoa đã về, Tết đã qua, xuân phai tàn và hoa đã chết. Tôi muốn nghĩ cho hoa như thế. Những mơn mởn thoáng chốc. Những rực rỡ một ngày. Hết một chủ nhật rồi. Lại tới những thứ hai. Chuông báo thức reo. Trở dậy. Đi làm. Chân lại đi hai buổi trên con đường năm trước. Tôi đã muốn nghĩ cho tôi như vậy. Thêm một tuổi nhưng chẳng thêm gì những cái mới. Hết một năm, nhưng tháng giêng không phải là một khởi đầu. Trước cái nhìn hoài nghi, không có con đường cỏ non nào mở ra trước mắt.


      *


      Vậy mà, trở lại một bàn giấy tòa soạn, ngồi lại chỗ ngồi cũ, làm lại trong tháng giêng những công việc tháng chạp, những hòa nhập trở lại với giòng sông thường bằng, bằng những hoạt động thường nhật, đã không dễ dàng như tôi tưởng. Mười lăm ngày nghỉ tết mang trọn ý nghĩa một gián đoạn. Đi qua, đi hết một tháng chạp buồn rầu như một vùng bóng tối phiền muộn, thêm một năm nữa, tôi đã rơi vào một tháng giêng mới như một vùng trống trải bâng khuâng. Một vòng quay nào đã ngừng lại. Giờ nó khởi quay từng vòng, mệt nhọc. Ngày tháng còn nguyên vẹn của một năm mới bắt đầu cứ là hình ảnh một con đường ngút mắt, trên và tự đó, người lữ hành đầy miễn cưỡng và đầy hoài nghi vẫn phải bận tâm đến những bước chân đi tới của mình. Một dấu mốc thời gian ghi trên một tờ lịch vẫn cứ là một đánh dấu, một hằn động. Nó trình bầy đời sống trên hai chiều đối nghịch, là cái sau lưng và cái trước mặt. Khiến cho từ một bờ bến muốn cố định, tôi vẫn không thể không nhận thức được cái chung quanh mình vẫn là một giòng sông ào ạt băng qua.


      *


      Giòng sông đó trong những năm tháng đầu tiên, những mùa xuân thứ nhất của một đời người đã chảy theo những bước chân và cùng một chiều hướng với người đi tới. Giòng sông khi đó với đời người là một. Người vào đời từ một bình minh vui, thì sông cũng theo người, triều vui dậy từ bắt đầu nắng sớm. Không có một chia lìa, một tách thoát nào hết. Và trên một sườn đồi ấm áp kia, tuổi vàng của người là một nhành hoa núi vừa nở. Hoa lên hạt. Cái hạt khỏe mạnh, căng đầy nhựa sống. đã đợi chờ bao nhiêu ngày trong lòng đất xôn xao. Đêm, những hạt sương, những hạt kim cương óng ánh đậu xuống. Ngày nắng gội chan hòa. Trong khi một khí hậu và một thời tiết lý tưởng, cái hạt lớn dần, cho tới một ngày, hạt đội được đất mà lên, ngó thấy trời và ánh sáng.


      Bông hoa núi, tuy vậy không thể chỉ nở và tàn trong một bóng núi. Nó mơ tưởng, những đồng bằng những phố phường dưới thấp. Hoa như một giòng suối nhỏ giữa rừng, muốn vượt rừng chảy xuống những vùng đông vui ồn ào làđời sống dưới kia. Giấc mộng của hoa thành hình. Tháng hoa lên đường sắp tới. Ở những sườn đồi, những thung lũng chung quanh, những bông hoa đồng tuổi cũng vậy, ngày đêm hoa mơ tưởng một lên đường. Một chợ hoa sắp mở. Hoa núi phải về. Một hội vui sắp dựng. Hồng, cúc, thược dược, mai, đào phải tới. Những ngày cuối năm xao xuyến khắp một miền đồi núi bao la, báo tin tháng hoa lớp lớp từng từng lên đường về họp thành một biển hoa, một rừng hoa, một thế giới hoa cho thành phố. Rồi Trừ Tịch. Và hoa đã họp mặt. Thành một tấm thảm mầu sắc lộng lẫy. Rồi Giao Thừa. Hoa đã đoàn viên, trên toàn khắp mọi ngã đường. Rồi Nguyên Đán. Hoa trên những bực thềm, trên những thành cửa sổ, trong những phòng khách, ngoài những hành lang. Đâu đâu cũng là hoa. Trước sau, hoa dầy đặc. Tết của người không có hoa không phải là Tết. Hoa chính là linh hồn mùa xuân, một cần thiết cho người.


      *


      Cho tới một tuổi nào, một năm nào, sự hoài nghi như một cơn gió nửa khuya rất lạnh và rất buồn thổi lọt vào tâm thức chúng ta, những kẻ muốn nghĩ mình là những bông hoa núi kia, tự một đỉnh cao về làm thành cái tết và mùa xuân cho người thành phố. Hoa có làm nên Nguyên Đán thật. Nhưng mỗi Nguyên Đán một ngắn hơn. Nhưng mùa xuân bây giờ của người chỉ là những bày đặt và những vẽ với hơn là những mùa xuân đích thực. Đêm giao thừa vừa rồi, tôi có đi qua một chợ hoa. Hè đường, lòng phố ngổn ngang, những đời hoa, những kiếp hoa vô thừa nhận. Dừng lại, nhìn thật lâu những bông hoa của một chợ chiều tàn tạ, tôi đã nghĩ lúc đó rằng, sang năm, giòng đời sẽ lại chảy xa hơn, về một phương hướng khác, ở đó càng thiếu vắng nhiều hơn nữa, những bông hoa như một tình yêu và một cần thiết của người.


      Khởi Hành số 36



      Thảm Và Tiếng Động


      Không biết bởi nguyên nhân nào- có thể là cái hiện tượng của cảm giác một lần đã nhận chịu một chạm đụng dữ dội, chạm đụng còn vang ngân mãi mãi trong vòm trời trí nhớ, hiện tượng với tôi, còn giải thích cho các vị trí khác thường của một số hình ảnh đặc biệt trong trí tưởng một đời người – tôi yêu lắm những hành lang. Một hành lang khách sạn chạy qua những cửa buồng đánh số, một hành lang lâu dài dẫn lên tháp canh cao vút hay dẫn xuống những cửa hầm tối thẳm, một hành lang biệt thự với những tấm gương, một hành lang bảo tàng trầm tư những pho tượng, tôi đều yêu. Cả đến cái hành lang rùng rợn kia, nơi người tù tử hình bước những bước chân cuối cùng của đời y tới phòng hơi ngạt, như những đời hành lang khác, cũng chuyên chở cũng ngưng đọng trên cái thăm thẳm chạy dài của chúng những dư âm và những hình bóng dị thường. Của một ngôi nhà hành lang là linh hồn. Nó có một đời sống và một định mệnh riêng tây. Cho bất cứ một kiến trúc nào hành lang là cái phần đắm chìm, mơ màng và phảng phất nhất. Đêm trên hành lang, tiếng chân anh vang động hơn. Đi trên một hành lang, đã thường hằng trong tôi là cái cảm tưởng đi trên một phím dương cầm. Và ngọn đèn đêm kia đổ xuống bóng người cô đơn trở về, ngọn đèn đó chính là con mắt ráo hoành của đêm thao thức không cùng mở lớn.


      Tuần lễ vừa qua; để thay đổi một không khí, thấy khác một vùng trời, đến ở mấy ngày tại một khách sạn miền núi, khi rời khách sạn, cái hình ảnh duy nhất còn lại trong tôi vẫn là cái hình ảnh thăm thẳm ấy của một hành lang. Đó là một lối đi rất dài và rất rộng, như một con sông chảy giữa những bờ tường. Lên khỏi cầu thang, sau những cột gỗ nghiêm nặng, cái thế giới ngưng đọng tịch mịch thình lình hiện ra trước tầm mắt. Những bước chân tôi cũng thình lình bặt tiếng. Một tấm thảm dầy đã thu hút hết mọi tiếng động. Không khí ở đây lạnh buốt. Hành lang nằm giữa lòng một kiến trúc nhiều tầng bát ngát. Ở đây là đêm và ngày không nhận định, sáng và trưa cùng mơ hồ, cái tranh tối và tranh sáng trộn lẫn, tối và sáng cùng vô tính như nhau. Thoạt đầu tôi không phân định được gì. Hành lang nào cũng thế. Phút thứ nhất nó chỉ là một hình thể trống trơn và vô nghĩa. Hai bên, những căn buồng đóng kín. Hành lang chạy ở ngoài, xa lạ với mọi cuộc sống bên trong. Nhưng từng phút rồi từng phút những cái ngưng đọng, những cái vô hình, những cái phảng phất đã quanh tôi dần dần vây kín. Bằng một nghìn con mắt yên lặng nhìn người. Tôi bàng hoàng. Tôi im lặng theo. Và tôi không nhầm được nữa. Tất cả đã tới đây, tất cả còn nguyên vẹn. Thứ hơi lạnh chạy dài trên suốt khắp mặt thảm chính là cái hơi thở của nhiều mùa đã được chuyên chở tới chốn này. Và trong hơi thở ấy, có cỏ, có sương, có rừng có núi. Những chiều mưa làm nhòa nhạt mọi khung kính, núi rét mướt đứng. Những đêm mùa đông, thông một triệu gốc lạnh, lời thác cũng buồn rầu. Những buổi trưa mùa thu, một cánh bướm bay lạc trong nắng, dưới thật xa thung lũng. Những tinh sương kín đặc sương mù, rừng mang linh hồn biển, và trên những con đường nhỏ của rừng, lá từng từng rơi xuống, lá dệt thành một tấm thảm dầy, ở đó không một dấu chân nào đi qua.


      Không biết bằng một hình thái chuyên chở nào, từ những con thuyền, từ những giòng suối nào, tất cả đã tới đây. Tất cả. Những mầu của trời, những hình của đất. Ở một góc tối kia, tôi đang nhìn thấy chúng. Nhìn thấy cái khuất đi của giải mây vừa mất sau một triền núi, cái hiện ra của những đỉnh thông chợt chói lọi mặt trời, cái thoang thoáng của một cánh chim trên nền lá xanh lam, và đêm cái điểm ướt át lung linh của một vì sao trên một nhũ đá. Hành lang này của một khách sạn miền núi đã đón nhận hết mọi ảnh tượng thiên nhiên vào cái bình kỳ diệu của nó như mọi hành lang khách sạn thành phố đã lưu giữ những dấu tích muôn mặt của đời sống phố phường. Tất cả đã tới đây. Không nhìn thấy chúng chỉ thấy chúng đi qua và mất hút. Nhìn thấy chúng, mới thấy chúng còn nguyên vẹn đó. Và tôi đã nhìn, đã nghe thấy. Tiếng một hòn đá cách biệt lăn trên một đầu dốc vắng. Tiếng một đài hoa cựa mình, một nhánh lá thở dài, những tâm sự thì thầm của cỏ, những dấu chân của một con vật chạy luồn, và đuổi theo nó là cái tiếng động khô gọn của một cành khô vừa gẫy.


      Tôi không tưởng tượng đâu. Hoặc là có, tưởng tượng tôi, từ chỗ đứng một hành lang, chắc chắn phải thật hơn gấp nghìn lần sự thật. Nếu ngôi nhà là biểu tượng cho toàn thể cuộc đời, hành lang chính là nơi cuộc đời ta đi qua, và để lại những dấu tích muôn nghìn của nó. Hành lang với tôi là cái dẫn tới, dẫu chỉ khoảnh khắc. Hành lang là cái mở ra dẫu chỉ rất nửa vời. Lên hết một cầu thang, trở về phòng mình, cái lỗi đi dài thẳm ấy là ranh giới của cái Riêng và cái Chung, chính là một trạm hẹn, một gặp gỡ. Định mệnh người không thành tựu hay tan nát đều ở đó. Nhưng từ đó mà những định mệnh khởi đầu. Người bệnh nhân trên xe lăn lăn giữa hành lang, ở giữa hai bờ sống chết. Án tử hình vào phòng hơi ngạt, và hành lang là hình ảnh của sự thật cuối cùng.


      Tôi rời khỏi cái khách sạn miền núi một buổi sáng mưa phùn. Căn phòng tôi đã đến ở, phút bỏ đi không một chút lưu luyến. Người bồi phòng đã vào, làm mới chăn đệm cho một người khách trọ khác. Người ta đã mở hết mọi khung cửa. Ánh sáng lùa vào, đánh tạt đi hết mọi dấu vết đêm qua. Nhưng bước ra ngoài hành lang, những thước không khí của ngưng đoạn lạ lùng vẫn vây bọc lấy tôi như cũ. Vẫn cái tranh tối tranh sáng thấp thoáng những bóng hình động ảnh. Những mùa thu này vẫn nằm ở một xó góc kia. Những hình núi và những bóng rừng ngoài kia vẫn đầy, trên những thuyền hoa đó. Tất cả đã được chuyên chở tới đây. Hành lang là một lòng giếng. Tất cả còn nguyên vẹn. Tấm thảm dầy không vang lên một tiếng chân nào khi tôi bước xuống cầu thang. Vậy mà đi khỏi khách sạn một quãng xa lúc nhìn trở lại, những con mắt của yên lặng và bóng tối từ trên một hành lang mang hình ảnh một lối đời ở đó có những gặp gỡ và những dấu tích để lại của cái tôi muốn gọi tên và những định mệnh tình cờ, những định mệnh khoảnh khắc, còn đăm đăm còn im lặng nhìn theo.


      (KH 18)



      Quán Bệnh


      Ánh đèn tranh tối tranh sáng gợi nhớ lại những xó góc tỏ tình kín khuất của những vũ trường hồi sàn nhẩy còn toàn thịnh, với bầy vũ nữ yêu tinh mang đầy tay những bùa ngải mê ngất lượn lờ giữa những hàng ghế, và thành phố về đêm chưa giới nghiêm. Ở đây, thanh tịnh và trang nghiêm, trầm tư và mơ màng, không có một bóng vũ nữ nào. Cũng không, tuyệt nhiên không, những bàn tay lơi lả lợi dụng bóng tối và kiếm tìm trong bóng tối. Trạng thái đèn lửa chập chờn sáng tối ở đây chừng như chỉ có, vì, và cho một mục đích duy nhất: nhận chìm đi những hình ảnh, cho nổi bật những hình bóng, đánh nhòa những bề mặt rạng rỡ cho phảng phất một chiều sâu buồn rầu, nỗ lực tạo dựng bằng được một thứ không khí chìm đắm bất thường không đối tượng. Đêm tháng tám bên ngoài bát ngát sao. Trong những lùm cây xôn xao, gió múa những thuyền đầy. Hè phố bên kia, dưới một khung ánh sáng hình tròn, một bầy trẻ nhỏ nhảy dây. Và la hét. Và đùa nghịch. Trong này, khác hẳn. Tôi lắng tai nghe, tịnh không thấy nổi lên một tiếng cười nào. Chỉ thiếu những ngọn nến lung linh, và những lời kinh cầu, anh có thể lầm nơi chốn nầy với một giáo đường thu nhỏ. Và thần thánh ở đây chỉ là một số người trẻ tuổi kỳ lạ. Đám người trẻ tuổi này, ngồi chụm đầu thành từng chùm sầu hay từng nhành đau, hay xếp hàng, vai sát vai, suốt dọc hai chiều tường, tới đây tự lúc nào không hay, nhưng hết thảy đã tới, kín đặc trên những hàng ghế, hết thảy đã biến thành những pho tượng. Không một người nào nói thừa. Không ai nhìn ai. Kẻ bên ta một đời xa lạ. Không ai nói với ai một lời nào. Tha nhân là địa ngục. Bằng những mái tóc cúi thấp, bằng những vai gầy nghiêng nghiêng, bằng những tròng mắt lim dim, bằng những cặp chân duỗi dài, mỏi nhọc, rất hư vô và rất bóng hình, đám người trẻ tuổi của thế kỷ hoa hồng này, ngồi đó, im sững và bất động, nhạt nhòa dưới một trận mưa không tiếng và vô hình lướt thướt. Như thế thật lâu. Thật lâu. Rồi cuối đáy căn phòng, một phiến tường đột ngột sáng rực. Trước phiến tường, người trẻ tuổi cuối cùng của bầy người trẻ tuổi thình lình xuất hiện. Cái nhánh cây thanh xuân buồn đau thê thảm này ôm trước ngực một cây đàn lớn. Những ngón tay gầy nhấn buông vài phím. Một phút mặc niệm. Và bài hát tang chế bắt đầu với những lời dẫn nhập kỳ dị.


      Tôi lắng tai, cố gắng theo dõi, nhưng chịu không tài nào thấu hiểu được ý nghĩa lẽn dẫn nhập cho ca khúc sắp hát, đang được, cái nhành đau, cái khối sầu cuối đáy phòng kia đọc kính cẩn và run rẩy từng lời như những lời kinh. Cái cõi ngôn ngữ quái đản ấy là những chùm gai không hình thù lãng đãng trôi trên một biển sương mù. Tôi sắp hát cho đời nghe đây, một ca khúc tuổi trẻ, người hát nói. Nhạc chúng ta, đau, sầu và đen. Đi tới một cuối đường kia, ta bắt gặp cuộc tình không bao giờ thấy mặt. Chúng con đã trở về đây, giữa lòng quê hương tan nát, hỡi cha, hỡi mẹ, hỡi anh, hỡi chị, hỡi em, chúng ta đen, chúng ta đau, chúng ta sầu, và mười ngón tay gầy hãy đưa lên, làm mặt trời, che cho kín khắp phiên buồn mười sáu. Đại khái như thế. Vô nghĩa, mê loạn, đồng thiếp và mộng du như thế, lời dẫn nhập kỳ dị. Rồi người hát bắt đầu đánh đàn và hát. Anh ta hát, thật mê đắm, thật sai, thật vở, thật đau đớn và tội tình hát. Những lời dẫn nhập quái gở vô nghĩa mất tích vào bóng tối, những lời hát đứt rời rơi rụng lả tả xuống mặt đàn. Điều kỳ quái nhất là xem chừng chuyện đó cũng chẳng hề gì. Người hát hát cho riêng mình nghe. Những người đến nghe, không nghe người đang hát. Dưới trận mưa không tiếng, vô hình, những khối sầu tuổi trẻ, những “phiên buồn không tên” vẫn ngồi đó, bất động, như từng pho tượng lạnh. Không có can đảm đợi chờ đến bài hát thứ hai, tôi trả tiền, đứng lên và đi ra.


      Như những loài nấm dại, như từng hòn hoang đảo, như “những ga sầu vĩ đại của đêm đen,” tôi mượn một danh từ của Chế Lan viên, những quán nhạc, những phòng trà tuổi trẻ, đang mọc lên, ngày một nhiều giữa thành phố chúng ta. Mỗi buổi chiều, khi trời tím lại sau những tòa nhà chọc trời, tiếng súng ngoài xa vọng về, và hỏa châu sáng trên những địa hình ven đô thành phố, hàng nghìn người trẻ tuổi chúng ta đã tới đó, ngủ tiếp giấc ngủ chiều ma quỷ. Xã hội này thù nghịch. Thời đại này bất toàn. Hiện tại này xa lạ và tương lai kia mịt mùng. Đường tuổi trẻ lầy lội. Trời tuổi trẻ mưa bay. Và những người trẻ tuổi của chúng ta đã tới gặp nhau, như những cánh rơi vỗ đập rã rời trong một hầm đá tối thẳm. Họ mới mười bảy thôi. Nhưng đài trán đã nhăn, chân trời đã mỏi, tròng mắt đã tối, hoài nghi đã là. Họ mới mười tám thôi. Nhưng ngón tay đã gầy, khối sầu đã lớn, chủ nhật đã buồn, chăn chiếu đã lạnh. Họ mới hai mươi thôi. Nhưng tóc thôi đựng gió, miệng chẳng nụ cười, hồn không ánh sáng. Và họ tới ngồi đó, trong những quán nhạc kia, những quán nhạc như nơi trú ẩn cuối cùng, nhận những ca khúc sầu thảm lướt thướt làm tiếng nói của mình, chìm đắm, nhạt nhòa, trong một trầm tư không đối tượng.


      Cảnh tượng bầy người trẻ tuổi cúi đầu thành những pho tượng lạnh, chìm đắm, bất động, tôi gặp trong một quán nhạc điển hình cho sinh hoạt tuổi trẻ kia còn đuổi theo tôi ra tới ngoài đường. Không khí bệnh hoạn, thiêm thiếp, đen như đêm, xanh như lá ở đó khiến tôi liên tưởng tới cảnh tượng khác, lần vào thăm một người bạn đau nằm trong một bệnh viện. Cũng thế. Trong những căn buồng đánh số, giữa mùng màn trắng toát, những cuộc đời nhọc mỏi lim dim. Không ai nhìn ai. Ngôn ngữ là thừa. Không một ai nói với ai lời nào. “Tha nhân là địa ngục.” Nước biển trên đình màn, từng giọt và từng giọt. Trong trưa nắng đã nghe tiếng chiều tan. Mới sớm mai mà trong vườn đời kia đã rụng nhành hoa đỏ. Bệnh viện ấy và quán nhạc kia đều cùng một thế giới. Các thế giới lặng lờ của những người nằm bệnh. Có khác là ở một nơi, người đau nằm trên giường, ống thuốc cắm trên tay. Và một nơi, những người đau ngồi lặng, yếu đau bằng âm nhạc. Khác nữa, một đằng, người đau thật có bệnh, và một đằng, chỉ là bệnh tưởng đau.


      Có phải nói với một lớp người tuổi trẻ của chúng ta rằng những cuộc sống bông hoa phải được trồng cấy dưới mặt trời, rằng nếu một khởi hành chưa tới, khởi hành ấy thiết yếu phải có, và tuổi trẻ nào cũng mang trong nó một kho tàng châu ngọc là cái sức phản chống mãnh liệt, bởi vì tuổi trẻ như thế, nó dũng cảm lên đài khi tiếng cồng kinh dị nổi lên? Tôi nghĩ là phải có. Phải nói. Giã từ những lớp chiếu chăn ẩm lạnh, ra khỏi mọi trạng thái chìm đắm, thoát khỏi một hầm đá tối, thức tỉnh khỏi giấc ngủ buổi chiều ma quỷ, hành động tự cứu và tự thành của một người trẻ tuổi là phải làm sao ở xa những trận mưa cường toan đang đổ xuống đời mình. Thế kỷ này, xã hội này, thời đai này có thể mang những bộ mặt thù nghịch, nhưng nhất định thế giới của một người trẻ tuổi không phải là cái tranh tối tranh sáng chợp chờn, u uất của quán nhạc kia, ở đó không có gì hơn là những lời dẫn nhập quái đản cho một loại ca khúc phản bội lại cái thực chất, cái tâm hồn đích thực của tuổi trẻ. Tôi muốn nghĩ và muốn tin rằng một buổi chiều kia, trong quán nhạc ấy, người nhạc sỹ trẻ tuổi ôm đàn hát khúc hát dành cho cõi chết, sẽ ném cây đàn đau và những lời hát bệnh và đi ra. Cuộc đời ngoài kia không sáng hồng mộng tưởng đâu. Nhưng trong đêm, tuổi trẻ sẽ trang nghiêm đốt lên với nhau một ánh lửa nhận đường. Chính ánh lửa nhận đường ấy là vì sao bản mệnh của anh. Từ vì sao nhận đường này, anh sẽ đi tới, sẽ bắt gặp những trời sao khác.


      (KH 19)



      Mặt Phẳng


      Người thành phố chúng ta, hồi tưởng lại những ngày chính biến sôi động đưa tới hình thành chính thể mới còn nhớ mãi cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt tức tối thình lình lại án ngữ. Khi một loạt những chùm tượng lính biểu trưng cho từng binh chủng, chỉ sau một đêm đã đồng loạt mọc, kín khắp cả bùng binh và những công trường. Nhễ nhại dưới nắng, uy nghi trên cỏ, ngất ngưởng trong cây, những công trình điêu khắc ấy, nói chung những ngày đầu có phần nào đã bị những cặp mắt qua đường ngắm nhìn như những gò đống kim khí kềnh càng chướng nghịch. Hiện hữu đột ngột của tượng có phần nào hủy hoại đi cái đẹp cân đối dịu dàng đã quen thuộc nhiều ngày của những khoảng trống cũ. Cảm giác bất thiện cảm với tượng bấy giờ có. Có thực. Không phải vì những hình dáng dũng cảm của tuyến đầu và của tiền đồn ấy không xứng đáng phô bày trước tầm mắt và kiến trúc phố phường. Trái lại. Trong mỗi gia đình Việt Nam, đều đã có những mái đầu ra trận. Cuối một con đường độc đạo, dưới một nóc lô cốt biên thùy, bằng tao ngộ chiến giữa rừng, bằng phục kích trong đêm, bằng chuyển quân dưới nắng, từng ngày từng giờ đều có những người lính trẻ của chúng ta ngã xuống. Ngã xuống, cho những người khác sống. Với thủ đô an toàn, vì có những vòng đai phòng ngự thịt xương vây bọc, sự có mặt của tượng là một cần thiết. Mang một tác dụng tốt, một nhắc nhở cần. Nhắc nhở đất nước chúng ta vẫn lửa đạn kín trùm. Và người hậu phương nhìn tượng và thấy tượng, không thể lãng quên rằng một phía Việt Nam có thể đã an toàn, vẫn mười phía khác của Việt Nam là chiến hào và mặt trận. Ghi lại cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt thình lình bị án ngữ bởi vậy chỉ là nói đến cái hiện tượng của một thói quen bị xô chuyển mà thôi. Đời sống và tâm hồn người như thế. Một kết thành thường trực của những thói quen. Trong cái mớ những thói quen đúc lại thành khuôn, gấp lại thành nếp, có những thói quen rất tốt lành, có những thói quen cực kỳ nguy hại.


      Một buổi sáng của tuần lễ này, đi ngang qua con đường Tôn Thất Thiệp, tôi đã đứng lại, khoảng nửa giờ, trước một ngôi nhà bị pháo kích sau lúc không giờ của đêm hôm trước. Sau một thời gian tương đối im tỉnh, không phận thành phố và giấc ngủ của những người trong chín quận luôn mấy đêm liền lại bị dấy động bởi những tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Địch tạm nghỉ mà thôi, Địch chưa ngừng khủng bố. Trong những sình lầy tối tăm của những ven đô chưa kiểm soát, suốt bấy lâu im hơi mà kỳ thực là phá hoại vẫn chờ rình. Khủng bố tạm nín thinh vài tháng, mấy đêm nay lại xuất đầu lộ diện. Cuộc chiến không phòng tuyến vẫn giữ nguyên hình thái cũ. Nó yên một nơi này. Để động một nơi khác. Quy luật và hình thái bất biến của xâm nhập cài răng lược là như vậy. Và thành phố lại đã trở thành mục tiêu đầu mùa cho những đường lửa hỏa tiển rớt xuống phố phường thủ đô những tan nát và những kinh hoàng qua không gian. Ngôi nhà tôi dừng lại trước nó, một trái hỏa tiễn đã xuyên từ mái xuống. Và nổ. Và phá. Gạch ngói tan nát mang hình thể rùng rợn của một vết thương lớn. Một chiếc cầu thang sập. Những trần nhà tan tành . Những kèo gỗ cụt đầu lủng lẳng treo bên cạnh những lòng máng gẫy gập. Sức hủy phá kinh hoàng biến những mảnh vỡ thành mũi nhọn, những mảnh vỡ ấy ném khắp bốn phía làm rụng những khung kính, làm nứt những vỉ tường của nhà cửa chung quanh. Người trong phố kể cho tôi hay là đã có những người bị thương đêm qua xe hú còi mở hết tốc lực chở vào bịnh viện.


      Một nửa giờ đứng lại trước ngôi nhà bị pháo kích, tôi đã thấy bên cạnh tôi, một số người qua đường cũng đứng lại theo. Hợp thành một tốp người hiếu kỳ trên hè đường và dưới ngày rực rỡ chúng tôi ngắm nhìn cái cảnh tượng phá hoại ghê khiếp còn phơi bầy nguyên vẹn trước mắt, đã bàn tán thật hăng hái sôi nổi đến cái sức ép của không khí vô hình gây thành sức công phá mãnh liệt khôn lường, kể lẫn cho nhau nghe những ngôi nhà đổ và những người chết khác của trận pháo kích đêm qua. Giờ chúng tôi đứng nói chuyện trước ngôi nhà đổ, cũng là giờ hấp hối của những người đang quằn quại trên bàn giải phẫu, giờ mà một gia đình này hay một gia đình kia không còn nữa, một đời sống này đã mất, một hạnh phúc nọ không còn, giờ của những chiếc xe tang lăn bánh từ từ đưa những tử thi tới những lòng huyệt.Và những tấm khăn xô lại buộc lên những mái tóc. Và những tiếng khóc đã thay cho những tiếng cười. Và những khổ đau mới và những bất hạnh mới lại đã chảy lan thành hằng hà nước mắt. Điều lạ lùng mà tôi nhận thấy ở chính tôi và những người cùng đứng lại trước ngôi nhà bị pháo kích như tôi là thảm trạng bởi tái diễn nhiều lần, có như là một cảnh tượng đã quá chừng quen mắt. Ngôi nhà bị phá đổ. Rồi ngôi nhà sẽ được xây dựng lại. Như cũ. Những người đã bị thương và đã chết đêm qua chỉ là những con số mới cộng thêm vào những thương vong chồng chất đã trăm nghìn. Tiếp nhận bất hạnh đã thành một thói quen. Phản ứng trước bất hạnh bởi vậy, từ xúc động, từ đau đớn phẫn nộ đã trở thành thản nhiên và bình tĩnh. Tôi không còn nhìn thấy một khuôn mặt bàng hoàng. Tôi không còn ngó thấy một tròng mắt căm phẫn. Thói quen, cuối cùng đã giết chết mọi phản ứng. Và cuối cùng là, người ta đã thản nhiên. Trước thảm kịch. Trước tội ác và trước một bất hạnh.


      Sự thản nhiên, trên một ý nghĩ nào, là một dấu hiệu tốt đẹp của trưởng thành. Sống giữa những bất hạnh liên tục và trùm đầu bây giờ , đòi hỏi ở từng người một thái độ trầm tĩnh. Và những xúc động quá khích có khi chỉ là những biểu tỏ xao xuyến của những thần trí dễ dàng bị lay chuyển và bị giao động. Nhưng điều đáng lo ngại là một số thói quen nguy hại đang đẩy dần từng người chúng ta đến một thản nhiên nguy hại, chừng nào đứng trước một bất hạnh, chúng ta hết thấy đau đớn. Chừng nào đứng trước một tội ác, chúng ta hết thấy phẫn nộ, chừng nào đứng trước bạo động, phá hoại, bất công, đàn áp, trước những cái tốt bị những cái xấu hủy diệt, mà chúng ta không còn xúc động không còn phản ứng, thì khi đó, anh có thể tin là giờ tận thế của con người và của nhân loại đã bắt đầu.


      (KH số 50)



      Một Cảnh Tượng Kỳ Ảo


      Anh Đinh Hùng, tôi nhớ năm ngoái cũng vào tháng này, để đánh dấu ngày giỗ đầu cái chết của anh, nhà xuất bản Văn ở số 38 đường Phạm Ngũ Lão Saigon, (chủ nhân là anh Nguyễn Đình Vượng, người đã mở đầu cho nhà xuất bản Văn bằng Người Đao Phủ Thành Đại La của anh) cho in lại Mê Hồn Ca. Tái bản mang ý nghĩa truy điệu thi sỹ này, đáng lẽ phải có, bằng văn tôi, một bài vào tập. Mê Hồn Ca được phát hành sau đó. Nhà Văn đành xin lỗi những người đọc thơ anh, bởi bài vào tập đã báo trước, cuối cùng không có. Tôi không viết được nó. Mặc dầu đã định. Đã muốn. Hết lòng. Không viết nổi vài hàng dẫn nhập cho một tập thơ đến nay tôi vẫn thành thực xem như một trong những đỉnh cao của thi ca tiền chiến, không nói được lời nào về một người, người đó là một nhà thơ sinh thời là bạn, là điều đến nay vẫn còn làm tôi hết sức ngạc nhiên. Không thực hiện được một bài viết tưởng đã có hàng trăm ý nghĩ trong đầu, tôi tìm hiểu nguyên nhân, chỉ có thể đi đến kết luận này: với tôi, Mê Hồn Ca vẫn đích thực là cái thế giới mê hồn kỳ lạ của riêng anh. Và nếu hiểu thơ của một người, cũng phải như hiểu một sự vật, một đời sống, nghĩa là thấu triệt được những quy luật cấu thành biện chứng của sự vật và đời sống, thì cái chân tướng của Mê Hồn Ca lung thoát, mơ hồ, tôi không nhìn thấy được cái từ đâu mà thành, bởi đâu mà có. Văn học sử Việt Nam sau này tất yếu sẽ phải làm thay tôi việc đó. Tôi nói tất yếu. Cõi thơ, tiếng thơ, một ngôn ngữ thơ mang tên Đinh Hùng, đích thực vẫn còn hay sẽ mất với những liên hệ chặt chẽ với thơ của cả một thời kỳ, một thời đại. Thơ anh là thơ của một người. Còn là thơ của một thời.


      Thơ Việt Nam bây giờ chuyển lưu sang một trời thơ khác, chứng minh điều đó. Nhận cho thơ Đinh Hùng như một động lực đưa tới một hóa thân, một tiến trình mới của thơ, thì cũng cứ vẫn phải công nhận thêm một điều này: thơ anh nếu có khép đóng lại một giòng thơ thì cũng chính từ khép đóng này mà thơ đã mở đi những giòng thơ khác.


      Anh Đinh Hùng, tôi kể lại anh nghe chuyện nhỏ này. Nghĩ nó, tuy cũng trà dư tửu hậu mà thôi, có chiếu sáng cho tôi phần nào về một vài bình diện thi sỹ. Một buổi chiều tuần trước, tôi cùng Thạch Chương và Thanh Tâm Tuyền đến chơi một người bạn. Ở đây, chúng tôi tình cờ gặp lại nhà thơ Bùi Giáng. Với tôi, cõi thơ Bùi Giáng là một trong những cõi thơ bát ngát nhất hiện nay của thơ ta. Thơ Bùi Giáng là một vực thẳm không cùng. Một cánh rừng dầy đặc.


      Nó òa tới, làm nhạt nhòa Xuân Diệu. Nó vụt qua làm mất biến Xuân Xanh. Dẫm đạp lên mọi thể loại ngôn ngữ tĩnh tại, sáng hồng, đôn hậu, toàn vẹn, đã xong, thơ Bùi Giáng là cái tang trống kinh dị treo căng trên hai đầu cọc nhị trùng: từ một băng hoại tận cùng tới một thăng hoa chói lọi. Thơ nguy nga như thế mà con người bệnh quá. Mỏi nhọc, già yếu, Bùi Giáng ngồi đó, bóng chiều lãng đãng, như hình như bóng, mang trên hình hài âm u cái hiện tượng dị thường của một cõi ngôn ngữ khi bình lặng thì thiêm thiếp, hư không, khi dấy động là dấy động bàng hoàng một trời giông bão. Chừng như tôi điên, một năm vài tháng, Bùi Giáng nói. Thế nhưng khổ nhất cho Bùi Giáng lại là lúc tỉnh. Tỉnh thức, ra khỏi những quằn quại nghẹn ngào, những nhức nhối đốt lửa, Bùi Giáng mới biết là có thật nhiều điều, dầu biết phải nói, chẳng nên nói ra bằng giấy trắng mực đen. Nhưng rồi những cơn lốc kinh hoàng hệt như những cơn say sượng sần mê ngất chụp bắt lấy. Và khi đó thi sỹ lại nói hết. Nói hết những niềm quái dị, những nỗi hoang vu bất chợt sáng ngời, bằng một Ánh Sáng Lạ, trong tâm linh và tiềm thức. Tôi nhớ chiều hôm đó, Thanh Tâm Tuyền, yêu mến Bùi Giáng lắm, đã giải thích cái trạng thái bất bình thường nơi Bùi Giáng như một hòa nhập quá thể say đắm, quá thể trầm trọng với ngôn ngữ. Rằng đó là tại vì anh coi trọng ngôn ngữ quá. Rằng anh muốn phá tan ngôn ngữ còn muốn phá tan chính Cuốn Sách là cái biểu tượng cái thể tích thường hằng được chấp nhận cho ngôn ngữ, cho thơ.


      Anh Đinh Hùng, cái “ca” đặc biệt của Bùi Giáng trở lại trong trí tưởng tôi lúc này tôi nói chuyện với anh về những cõi ngôn ngữ dị thường ấy là những cõi ngôn ngữ thi sỹ. Nếu Breton định nghĩa cái đẹp như một bàng hoàng, bàng hoàng đó đã sấm sét, đã địa chần bao nhiêu năm dưới trời siêu thực, và nếu ngôn ngữ ở Bùi Giáng là những lượng chất nổ thả dần bằng những ngón tay thơ rất đỗi dịu dàng vào cái tôi nhìn thấy rõ nhất ở Bùi Giáng là một cõi tâm linh mê ngất – chúng ta đã thấy nhưng không thể tan tành và toàn vẹn bằng, ở cõi thơ trái điên và mật đắng của Hàn Mặc Tử - tôi muốn nhìn thơ anh, như nỗ lực một đời của ước muốn đến với cái phía bên kia đã mất của thực tại. Đó là cái nỗ lực cài đính trang trọng lên một nền trời những vì sao đã rụng. Sự vật tất yếu nằm trong vận động của một sinh thành và một hủy diệt. Quy luật ấy, đích thực anh đã không chịu chấp nhận nó. Đã muốn phản chống lại bằng thơ. “Khi miếu đường kia phá đổ rồi. Ta đi về những hướng sao rơi.” Trời thơ anh nằm gọn trong mười bốn chữ đó. Giữa một thời đại ào ạt vươn tới những biển vàng chưa gặp. bây giờ người ta đã nghĩ đến những ngọn cỏ đường cho năm 2000, vẫn có những nhà bác học nghiêm túc phủi đi những bụi phấn trên một đồ vật chôn vùi cũ bằng đất nung. Cho sáng rỡ trở lại cái nghệ thuật tạo tác của một hơi lửa tiền sử. Anh là một trong những nhà bác học đó. Vần đề tưởng rằng lớn lao và ngột ngạt nhất của thi ca là ngôn ngữ không đặt ra với Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử tiên thiên tuy cũng là một nỗ lực biểu hiệu tới tận cùng một định mệnh ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ với Đinh Hùng đôn hậu, ngoan ngoãn. Nó chỉ là một phương tiện. Cái phương tiện dẫn đi. Cái phương tiện chở về.


      Vào thơ anh trước hết tôi nhìn thấy một vũ trụ một thế giới không tiếng động, không ánh sáng. Nó là một cánh rừng chết. Im phắc. Rất đen và rất đêm. Rồi lửa thơ ngang đầu, thi sỹ đi tới. Thi sỹ vào. Đánh thức những bằn bặt. Lay tỉnh những thiêm thiếp. Gõ cửa những chôn vùi. Như một ngọn đèn pha trên một con đường tối, ánh sáng lướt. Những sự vật hiện. Nhặt những “sao rơi” anh đang cài đính từng chùm một, lên một nền trời đã nghìn triệu năm tắt nghỉ mọi cuộc đời tinh tú. Người ta bảo thơ Đinh Hùng là một thất bại trong ý hướng tạo dựng và làm sống lại một thế giới đã vĩnh viễn tịch mịch. Người ta nói Đinh Hùng không làm sao đón được đời sống vào vũ trụ mình giản đơn là bởi vì cái vũ trụ đó không có. Tôi muốn nghĩ khác.


      Tôi muốn nghĩ khác. Tri thức và trầm tư cho một bản thể rực rỡ như Đinh Hùng, ít nhất cũng là đã mở được những cửa ngõ hòa nhập dư thừa vào hằng cữu và tạo vật, hiểu được thế nào là chân thân kia của một hạt cát sông Hằng, tri thức đó nhất định không đến nỗi rơi ngã vào ảo tưởng mù lòa về những cái đã chết, đã mất, phải làm cho sống lại. Bởi không thể. Cài đính trang trọng những nhành sao rụng lên một nền trời kia, ở Đinh Hùng chỉ là đốt lửa đêm cho cuộc đời nhìn thấy cái mặt sấp kia của một đồng tiền. Cái mặt không reo không nhẩy. Cái phía đã im phắc. Đã bất động. Đã thành tượng.


      Thành tựu của thơ Đinh Hùng ở nơi anh được những vì sao rụng trên mặt cỏ hằng cữu. Và không, khi nào “miếu đường” không phá đổ được miếu đường còn đứng đó, cản ngăn đường ngưng về một hướng sao rơi. Thơ ở một phía khác thơ Đinh Hùng, thơ ngợi ca đời sống, thơ đầm ấm hơi thở, thơ tươi tắn máu hồng, thơ trái tim trên tay, thơ như một thâm nhập tràn đầy và dữ dội của ngôn ngữ, thơ trên mỗi tảng đá, mỗi ngọn cỏ, để lại cái dấu khắc đau đáu tươi mầu của hiện hữu và tri thức người, khác ở nơi nó không vấp phải một miếu đường nào. Sao cũng rơi trên chúng ta đấy chứ. Nhưng sao rơi gần. Với Đinh Hùng, đã cách một miếu đường thực tại, sao còn nghìn dặm.


      Thả hòn đá xuống một lòng giếng thẳm, vang vọng mất biến. Ném ngôn ngữ đi quá xa tới những vùng trời biệt tích ngoài mình, ngôn ngữ biệt tích luôn. Mê Hồn Ca tuyệt nhiên không đắm say cái ý tưởng mù lòa làm sống lại những đồ vất đất nung được tạo tác ngày nào bằng hơi lửa tiền sử. Chỉ Đinh Hùng muốn dẫn chúng ta tới đó. Tới những cõi chôn vùi. Tới những trời hủy hoại. Tới một lối đi xưa. Tới một cửa đền cũ. Cái khác là chúng ta đã tới và đã trở về. Riêng Đinh Hùng ở lại.


      Anh Đinh Hùng, bây giờ thì với anh miếu đường kia đã đích thực phá đổ. Tôi nhìn thấy trời thơ anh sáng dần. Thi sỹ đã tới. Trên một nền trời kia, từ một bàn tay ấy, những vì sao đang được khoan hòa và trang trọng đính cài lên. Cảnh tượng này đối với tôi và với thơ, đã dư thừa một cảnh tượng kỳ ảo.


      (KH số 17)



      Hoạt Cảnh


      Một buổi tối, từ một tiệm ăn ở đường Lê Lợi đi ra, tôi đã đứng lại với một người bạn ngoại quốc, một lát, trước cái bồn nước của bùng binh Nguyễn Huệ. Hôm đó là một buổi tối thật đẹp trời. Sao dãi lân tinh trên đầu chúng tôi. Từ ngoài bến Bạch Đằng, không khí thoáng mát thênh thang chở tới những con thuyền đầy của gió. Một bầy trẻ nhỏ đứng vây thành một vòng đai đặc kín lấy cái bồn hình tròn, ở giữa là những cây nước chảy ngược chiều, nở tung thành phơi phới một trận mưa hoa. Từ mấy tháng nay, phía sau lưng pho tượng hai người lính thủy quân lục chiến cao ngất cầm súng hướng về mặt tiền tòa nhà Quốc Hội, những người làm công tác vẽ những đường son và kẻ những nét lông mày mỹ lệ cho khuôn mặt thành phố, đã cho nước chảy ngược lên trời ở bùng binh này. Nước nở hoa. Nước khiêu vũ. Và cái hoạt cảnh ngoạn mục tối tối, chiều chiều, đã cuốn hút được cái nhìn mê thích của hàng nghìn em nhỏ. Người lớn nữa. Người lớn cũng thích. Những buổi sáng Chủ Nhật, đi qua khu ngã tư này, tôi đã nhìn thấy những người lính trẻ của chúng ta, những người lính sáng láng, đĩnh ngộ, về từ Quang Trung, về từ Thủ Đức, dắt tay người yêu, ngắm nhìn nước múa. Nhiều đêm mưa, tôi còn thấy, tuy đám người lớn tuổi đã bỏ đi nhưng bầy trẻ nhỏ thì vẫn còn đứng lại. Những mái tóc lên sáu lướt thướt. Những cặp mắt thỏ non mở lớn. Đám nhi đồng thành phố chịu trận mưa rào, đứng đó, nắm chặt tay nhau, nhìn nước ngược chiều, khiêu vũ giữa không gian.


      Người bạn ngoại quốc khi nghe tôi thuật lại là chiều chiều, khi nắng Saigon đã nhạt trên nóc những tòa nhà chọc trời, bao giờ cũng có một đám đông thuộc đủ mọi lứa tuổi của chúng ta đến ngắm nhìn cái cảnh tượng nước chảy ngược chiều như vậy, đã lấy làm ngạc nhiên lắm. Thành phố anh có không biết bao nhiêu cảnh tượng ngoạn mục gấp nghìn lần hơn nữa, anh ta nói. Những cây hoa nước này tầm thường, có đẹp nhưng đẹp chẳng bao nhiêu, anh ta nói, thế mà trẻ nhỏ và người lớn ở đây đã lấy làm thích thú lắm sao?


      Xong câu hỏi, người bạn khác biệt với tôi một vùng trời sinh trưởng đã bỏ đi, để mình tôi đứng lại. Tôi đứng lại, tôi nhìn, một lần nữa cái hoạt cảnh của nước chảy ngược giữa bùng binh kia sở dĩ chiều nào cũng có hàng trăm người tới ngắm, bởi vì chúng là hình ảnh khao khát, biểu tượng của một chờ đợi. Hoạt cảnh của nước múa là một cảnh tượng thái bình. Và dân tộc chúng ta, từ hai mươi năm nay, đã chỉ nhìn thấy những hoạt cảnh khác. Phải, từ hai mươi năm nay, trẻ nhỏ, người lớn, nhi đồng tóc xanh và phụ lão tóc bạc của chúng ta, đã chỉ được nhìn thấy những hoạt cảnh rùng rợn. Tôi cũng vậy. Quá khứ và hồi tưởng tôi, từ hai mươi năm, trong muôn vàn cảnh tượng, chỉ toàn khắp, chỉ kín trùm những cảnh tượng chiến tranh, mà không hề có ghi lại được, dù là thấp thoáng, dù là khoảnh khắc, một cnahr tượng hòa bình. Tôi đứng nhìn nước múa. Và tôi đã nhớ lại. Hết thảy. Trong một lần. Nhớ lại, trước hết là cái cảnh tượng của Hà Nộ lúc thiên đô. Cây sập sau lưng. Nhà cháy bốn phía. Chiến lũy dựng trên những đường phố. Giao thông hào đào trong những lòng nhà. Trên những con đường mở ra năm cửa ô, những bầy người thất đảm kéo nhau đi, với những ngày tháng núi rừng điêu linh đợi chờ trước mặt. Ra khỏi thành phố, những cảnh tượng hải hùng đồng loạt của chiến thời mưa bão, phơi bầy kín đặc theo từng dấu chân. Những cây cầu đổ gục chết chìm theo những giòng sông là mộ. Những con đường đào. Ụ đất cao ngất. Hầm hố chữ chi. Cầu khỉ chênh vênh vắt qua những vực thẳm choáng váng. Những phiến kính vỡ nức nở, óng ánh nằm trong cỏ hoang ngút ngàn trên những thành phố tiêu thổ tôi đã đi qua. Những bực thềm rêu phong, những vườn hoang và những bờ dậu đổ, những bức tường tàn tật và những thân cây cụt đầu, ở những thị trấn bên đường tôi đã dừng chân lại. Nói đến hai mươi năm, hai mươi năm đau khổ vô chừng, nói làm sao cho hết. Những dấu tích cũ hủy hoại tan nát, lỗ chỗ trên toàn khắp hình hài và tâm thể ba miền đất nước, là bấy nhiêu hoạt cảnh quái đản của một trường kịch tối đen của chúng ta đã nhìn ngắm, như thể suốt hai mươi năm trời, chưa cần nói đến những người chết. Đừng nói vội đến những quan tài, đến những lòng huyệt, cái chiều dầy của những tờ khai tử, cả chiều cao của những tử thi. Hãy chỉ nói đến những xóm làng, những con đường, những thủa vườn, những cây cầu, những vi tường, những sự vật và những tĩnh vật mang tên Việt Nam, những hoạt cảnh phơi bầy trước tròng mắt mê hoảng của chúng ta, hết thảy chỉ là những hoạt cảnh khốc liệt an nát, của một cơn mộng dữ kéo dài chưa dứt.


      Anh bạn ngoại quốc, tôi nghĩ anh đã hiểu tại sao, những vòi nước chảy ngược trên bùng binh kia, những vòi nước tầm thường chỉ mới là một chút đỉnh biểu tượng cho một cảnh tượng hội hè và một không khí thanh bình đã những tàn nắng và những đêm sao của Saigon thu hút được một đám đông cả những người lớn cả những trẻ thơ chúng tôi như vậy. Hai mươi năm nay, tên quê hương của lục bát, xứ sở của ca dao, vòm trời của đũa son và của ngôn ngữ năm dấu, tai chúng tôi đã đầy chật những tiếng nổ, mắt chúng tôi đã nghẹn ứ những hình ảnh rợn người. Chúng tôi thèm khát những tiếng động khác, bình yên hơn. Như tiếng chim trên mái nhà một ban mai thức dậy, tiếng suối lăn trong đá, tiếng gió trong cây, tiếng cười trong nắng. Chúng tôi đợi chờ những kình ảnh khác, yên tâm hơn. Như hình ảnh của cỏ non trong vườn, biển trăng ngoài đồng, đứa trẻ trong nôi, và như lời một bài hát mới: “giây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự.” Hòa bình mới có được, thành phố này sẽ hết đi cái cảnh tượng biển người. Thôn dã Việt Nam mất an ninh, hàng triệu người của làng xóm và ruộng đồng đã phải tới đây. Chuông vàng hòa bình mà dóng lên, họ sẽ trở về. Với ngõ. Với hoa. Với đất. Với cỏ. Hai mươi năm nay, người dân quê Bắc Ninh mỗi mùa xuân còn tưởng nhớ một dáng đu bay và người Nam Định tương tư cái hình ảnh cao vút của một cây nêu Nguyên Đán, và người Châu Đốc thì thiếu cái tràn đầy của Cửu Long bát ngát và người của Thừa Thiên đi tới đâu, cũng không xa được bóng nước Ngự Bình. Hòa bình mà có được, tôi cũng sẽ trở về. Nằm dưới mái hiên cũ. Nhìn lên hình cây xưa. Thăm một con thuyền nhỏ, viếng thăm lại những bến bờ thơ ấu. Buổi chiều tôi sẽ ra đứng đó, trên cây cầu gẫy bấy giờ chắc đã được vớt lên cho hai nhịp nối liền qua một giòng sông. Gió chiều từ biển xa thổi vào. Hết bóng những máy bay phản lực gần rú tan nát, không gian thôi tiếng súng chỉ còn êm ả tiếng sáo diều bất tận; và những ngọn cỏ không xém nữa, và những cành cây không khô nữa, sẽ mọc rất xanh thành một cảnh tượng xanh lam. Vì khi đó, sao sẽ sáng hơn trên một nền trời mới. Và đêm thôi giới nghiêm, đêm dài đủ cho những giấc mộng dịu dàng.


      Cho tới những giờ phút này, Việt Nam còn đánh trận. Từng người, từng người còn những đường lửa và những ngõ khói đi tới. Giây thép gai vẫn rào quanh đồn phòng ngự. Những nghiêng hết định mệnh vào chiến tranh, mà cái khả năng tâm hồn và đời sống dành cho hòa bình tương lai, khả năng đó xanh ngắt trong ta, vẫn còn là một kho tàng nguyên vẹn. Tôi nghĩ cái kho tàng còn nguyên vẹn này là điều kiện bảo đảm rực rỡ và yên tâm nhất cho hòa nhập rộng lớn của chúng ta vào đời sống khi đời sống có hòa bình. Phía bên kia, không phải như vậy. Chỉ ở phía bên này, chúng ta có được hành lý cho cuộc hành trình ngày mai.


      (KH số 24)



      Mưa Đêm


      Trận mưa đầu mùa nào cũng dấy lên bất chợt, về đêm. Trong tĩnh mịch hoàn toàn. Lúc khuya nghiêng về sáng. Mưa đổ. Giữa chiêm bao chập chờn chưa dứt mộng. Mưa bay. Trên bằn bặt giấc thiếp lãng quên đời. Qua những ga sao và những trạm trời, chuyến xe mưa lăn bánh sầu của một nghìn hạt lệ, chở theo nó những tầng cao và những không gian, thường, bằng đêm, đến với cái bến đất này như vậy. Êm ái mà bàng hoàng. Dịu dàng mà kinh động. Từ một đáy vực, bỗng ào ạt kín trùm lên giấc ngủ ta.


      Khởi dấy này, như mọi hiện tượng khởi dấy khác là một giọt sương hoa nửa năm tròn trong quy luật thường hằng của tạo vật. Bởi ngày là của những thể hiện. Trên một bề mặt. Đêm mới là của những báo tin, những đánh thức, thành hình. Từ một chiều sâu. Cấu thành của một giao hợp, bắt đầu nào của đời người cũng thế. Không giữa một trưa vàng. Mà từ một đêm kia. Đóa hải đường thức ngủ và nhành thược dược mơ màng thụy vũ trong cái cõi thơ lạnh và khuya cực điểm ấy của Nguyễn Gia Thiều cũng là cái rùng mình lướt thướt kỳ ảo của một trận mưa đêm. Một trận mưa đêm đánh thức. Làm mới. Cho héo hon kia bỗng sáng lóa mặt trời.


      Tĩnh thức trong đêm, bằng đánh thức của mưa, giác quan còn hoài nghi thoạt kỳ thủy là cái gợn gợn mơ hồ của một đụng chạm phảng phất. Như có. Như không. Như mới đó mà. Như vừa biến mất. Giọt thứ nhất, nhấn chỉ nửa vời. Và bỏ lửng. Giọt thứ hai thêm một chút thăm dò. Một giọt phân vân, một giọt lưỡng lự, đã những giọt vàng nghìn triệu mưa theo. Nằm nghiêng tai, nghe những chân mưa hững hững hờ hờ rồi trùng điệp tới, cảm giác kỳ thú nhất là thay vì một im lặng nào trước đó một giây, mưa đã làm thành một im lặng mới. Mênh mông. Thứ im lặng vẫn nghe thấy nơi phía sau của một nhịp động đều. Như tiếng động nào cũng rơi trên một cái nên im lặng. Rồi mưa. Tật lớn. Lấn chen. Cuống quýt. Thành tràn ngập tường. Thành lênh láng mái. Thành rũ rượi lá. Thành lướt thướt đường. Suối chảy trong nhà. Biển đầy quanh gối. Người xem như đã chịu trận là lúc trời xem chừng càng làm dữ hơn lên. Cái nền im lặng mất biến, trôi băng đi. Và lúc đó, mưa rất tươi, mưa rất hồng, đã nhịp trống rừng trong ta dậy dậy.


      Mưa sinh động, mưa nhiều bộ mặt. Chỉ những trận mưa nhỏ nhỏ mới buồn. Thứ mưa chưa đỉ làm mờ một ánh mắt. Thứ mưa thiếu tháng, gầy và xanh, không đánh ngã nổi những hạt bùi trên một khung kính. Đó là thứ mưa đàn bà, thứ mưa thở dài, khiến hồn người vì thế phải mưa theo, bằng thả ra giữa lất phất trời, những hạt lệ tâm sự. Bằng đọc lại những tờ thư cũ. Mưa thật lớn, cái trận dạt dào không cúi đầu thương. Mà trán cao, mặt ngửa, ngực bồng, mưa hát. Mưa tới tận cùng sức mưa mưa được, bao giờ cũng là cái trạng thái sảng khoái vạm vỡ không cùng của một tràn ngập hân hoan.


      Kỷ niệm tôi có đổ xuống, bay qua, đọng lại, không biết bao nhiêu lần mưa Hà Nội. Những trận mưa vừa, lẫn giữa mùa nước. Những trận mưa phùn, thì thầm không dứt. Những trận mưa chiều, lẩn vào bóng tối. Ra trước điện đường. Đọng trên vành mũ. Những mưa đêm, mọi cửa ngõ hồn đón hết mưa vào một nghìn chân tóc, tới sáng rồi còn cái lưới mưa đan. Mưa Hà Nội của một tuổi còn lãng mạn, rỏ luôn từng giọt trong tách cà phê. Không đậu xuống máu nhà mà đậu trong lòng. Đã có được cái chiều ngang tưởng tượng của một bức mành, còn có được cái đường cong mơ mộng của một đời dương liễu. Mưa nghiêng trên Hàng Đào. Mưa trôi vào Hàng Quạt. Chụp mũ ngọc trên ngọn cỏ đầu ô Quan Chưởng. Đem Hồng Hà lên trắng xóa dốc Long Biên. Nhạt nhòa Hồ Tây, mịt mùng Yên Phụ, mưa Hà Nội bay. Sang từ Gia Lâm, rất ướt át những toa tầu chở hàng, tới từ ga, Hàng Cỏ, rượt theo những đường sắt, mưa Hà Nội đẹp. Đi thành bảy chữ trong thơ Trần Huyền Trân. Rượu rồi nâng cổ áo lên cao. Chở núi rừng về, bằng Huy Cận nhớ bạn. Mưa Hà Nội chuyển lưu theo một nhịp mùa, nhưng thực phẩm anh ăn, mùa nào mưa nấy. Nhưng lớn, nhỏ kiểu nào, thì người Hà Nội cũng không bao giờ quên được những trận mưa xuân. Một giọt kia trên một nhánh thủy tiên mới gọt, một hạt này trên một lộc đào vừa hé cánh. Thành phố là một sàn nhẩy cho mưa tháng giêng khiêu vũ một mình. Múa, uốn và lượn. Một hạt ngọc ném đi, rất tròn, lại thu về thành những đường tơ thẳng vút. Đùa nghịch trong không khí, bay ngược lên cao trời, những cánh bướm và những tà áo uyển chuyển ấy là cái hình dáng rất âm nhạc của mưa xuân Hà Nội. Thứ mưa làm cho một cô gái Hàng Bạc muốn mặc ái nhung. Ra đường. Tho áo nuột nà còn óng ánh thêm một lần kim tuyến.


      Trận mưa lớn đêm qua có phải là trận mưa vào mùa đấy không? Có lẽ. Vì tôi đã thức dậy đêm qua với một cảm giác rất mùa. Và bởi vì tiếng mưa tôi nghe, còn nghe thấy rất xa, trên một bến bờ im lặng.


      (KH số 7)



      Những Ngày Cuối Năm


      NHỮNG ngày cuối năm, cõi tâm thức thường ngày bình lặng lại bất chợt dấy động xao xuyến vô cớ, với tôi, chừng như cuối năm nào cũng vậy. Cái chông chênh của thời tiết chuyển mùa, một giọt nắng tàn, một hơi gió thoảng, một tiếng động nhỏ, rất cao, ngoài trời, hạt im lặng thình lình trong suốt, từ một sợi đến một chớp mắt, hết thảy những sự việc nhỏ tầm thường, vô nghĩa ấy của một thường nhật bằng phẳng không chuyện, tới những ngày cuối năm bất chợt gợn gợn trước mắt, xôn xao trong trí, xao xuyến trong hồn thành ý nghĩa khác. Và riêng. Tâm trạng lạ thường này mỗi tháng chạp với tôi là một lần có, như sự trở ngại của gió mùa, một đợt gió mùa khô săn, dịu dàng và buồn bã. Trong tôi, một kẻ gây rối nào đó đã thức dậy, mơ hồ với tôi về liên hệ giữa mình và cuối năm như thế mà không bao giờ đích thực tìm hiểu ra nguyên nhân. Chỉ chứng như nhịp đời tới. Đọan đường cuối chót mải miết, xô chen hơn. Và con sóng lớn dậy bất thường của nó, đã đẩy dạt tôi xa thêm chút nữa trên một đường đê. Chỉ chừng như những tờ lịch mỏng dần, cái vít kim đóng gáy lịch chìm lặng trong một chiều dày của giấy đã hiện rõ, có mang trong nó ý nghĩa một ngậm ngùi. Và còn hình như cái khoảng trống lớn là năm mới phía bên kia, khoảng trống đó lồng lộng gió sáng, dào dạt mưa chiều, tôi là kẻ lữ hành ngại ngùng tới gặp, chỉ muốn quẩn quanh trong cái bình năm cũ quen thuộc.


      TÔI sửa soạn rời khỏi một tòa báo. Lúc này là bảy giờ. Đèn đã tắt. Quạt trần trên đầu đã ngừng quay. Một bài viết nữa trong cái Số Nhiều thờ ơ quên lãng của những bài viết trong năm, lay lắt từng trang, miễn cưỡng từng hàng, cuối cùng cũng được viết xong. Tôi đẩy mấy trang giấy có văn chương và hình tích một đời ra đầu bàn, chỗ nhất định của bản thảo cho người tùy phái một tờ báo ngày sáng mai tới lấy. Buổi chiều cuối năm xuống ở phía sau lưng, đang rất lặng lẽ đặt cái bàn chân mênh mông vô hình của chiều lên một thành cửa sổ. Căn phòng tòa soạn tối lại. Tiếng gầm gừ của những cỗ máy đen nặng từ nhà in phía dưới đều nhịp vang lên. Đầu óc trống rỗng, tâm thể u uất, tôi châm một điếu thuốc lá, cố gợi lên bằng thần kinh nhòa trùng của mình, một vài hình ảnh, để sống với chúng. Sống với một vài tiếng động. Sống với một vài hình ảnh. Tròng mắt choáng váng thả xuống cái điểm lửa sáng lên trong cách biệt tối thẳm của một điếu thuốc, với một ý nghĩ về cuối năm xám ngắt trong đầu, tôi nhìn thấy trước hết một quầy hàng.


      ĐÓ là cái quầy hàng của một người mại bản Phúc Kiến trong một tiệm chuyên chở hàng hóa Trung Hoa trong đường Khổng Tử ở Chợ Lớn. Nhiều năm trước đây, tôi đã ngày ngày đưa một chiếc xe vận tải bảy tấn tới cửa tiệm này, nhận hàng, đưa hàng ra giao cho những đại lý của tiệm ở mấy tỉnh miền Nam Trung phần. Cửa tiệm buổi sáng nhộn nhịp, hàng hóa chất đống, ra vào không ngớt. Tới buổi chiều một chuyến xe đã chở hết hàng lên đường, kho hàng trần trụi mênh mông, chỉ còn người mại bản Phúc Kiến ngồi một mình sau quầy với một cuốn sổ lớn. Cái quầy cao, vây bọc lấy người ngồi bên trong như một hòn đảo. Chiều Chợ Lớn vào những giờ phút phai tàn của sinh hoạt cũng hắt hiu, xa vắng như một buổi chiều thôn quê. Một cái quán giữa đồng. Một quán chợ không người. Những rác rưởi lăn lóc. Những chó mèo lang thang. Nắng chiều thoi thóp. Gió lộng trên bờ đê. Trời cao vút, mất hút. Cảnh tượng thê lương dàn rộng, lặn lặn, chìm chìm đó, tôi cũng thấy, với người mại bản Tầu biệt xứ ngồi cô đơn sau một quầy hàng. Mỗi chiều, y tính sổ một lần. Máy tính lách tách. Sổ lật từng tờ. Những con tính trừ phân minh. Những con tính cộng chính xác. Bóng tối xuống dần. Kho hàng u minh. Chỗ ngồi cách biệt. Nhưng mà người mại bản Phúc Kiến thì hình như không còn nhận thức nào khác về đời sống đã chiều, về của tiệm đã vắng, về bóng tối đã lắng, về không khí đã lạnh, ngoài những con số trên cái bàn tính lách tách nhẩy nhót không ngừng.


      CHIỀU nay, ngồi một mình trong một tòa báo, với điểm thuốc lá làm điểm tựa cho một thần trí thảng thốt, tôi thả từng ngụm, bóng tối của một tà dương cuối năm xuống hồn mình, cũng đang bắt gặp tôi với một bàn tính, một cuốn sổ. Như người mại bản Trung Hoa sau cái quầy hàng ở đường Khổng Tử kia. Sống, trên một phương diện tích cực nào của sống, là tích lũy những kinh nghiệm, tập hợp những dữ kiện, trong đêm tối đốt lên một ánh lửa nhận đường, trong sớm mai lựa chọn một phút khởi hành tốt đẹp đặt bước chân tới chính xác bằng giảo nghiệm lại những bước chân cũ và những đoạn đường đã đi qua. Tôi biết vậy. Tôi muốn tính sẽ chiều nay, cho mình, cho đời, cho cái riêng của tôi, cho cái chung của người, bằng toán học tích cực đó của một thái độ nghiêm chỉnh và đi tới. Nhưng ngày đã chiều, lưới ngày đã tím, một năm nữa của đời đang tàn, thời gian mù sương, và cho một đáp số vui, những con số mầu hồng chiều nay không có. Những hình ảnh khác hiện lên. Mỗi cuối năm đều trơ trọi như một cây rạ chết cứng giữa cánh đồng rộng, mỗi tháng chạp đều có cái tiếng sóng trầm trầm của hư vô lãng đãng vỗ đập vào những bờ bãi thần trí chập chờn. Và mỗi buổi chiều, mỗi buổi chiều cuối năm, tôi đều chỉ nghe chỉ nhìn thấy như một thả giọt không tiếng vào một cái đáy không cùng, không cùng và mất hút.


      DỤI tắt điều thuốc lá, bởi tâm thức phóng túng không thể có một điểm tựa nào hết, bỏ lại những tờ bản thảo trên một đầu bàn, khoác tay một tháng chạp ưu phiền, tôi đi xuống cầu thang. Tầng dưới. Đèn vàng vọt trên những cỗ máy đen nặng. Máy gầm gừ từng nhịp. Giấy lăn theo từng tờ. Máy đẩy giấy quay nhanh, cho từng giòng chữ hiện. Bóng tối xuống đời sống, chiều đi vào văn chương. Thung lũng thời gian cỏ dại ngút ngàn lại đan khơi đào thêm một cái vũng cuối năm xao xuyến. Lách mình trên một lối đi nhỏ chật, dưới ánh đèn chiều vàng vọt đuổi theo, tôi mở cửa ra đường. Chiều thành phố không có một phiến lá nào rụng xuống. Nhưng lá rụng đầy trong rừng hồn người. Tôi đứng trên hè đường. Nhìn trời. Trời vô tình trên những mái nhà. Gió cuối năm đâu đó, trên những khoảng trống mênh mông đang lồng lộng thổi. Mưa cuối năm đâu đó, đang bay nghiêng vào đời. Lạnh cuối năm đâu đó, đang từ đất dâng lên. Tôi nhìn khuôn mặt những người đi đường,. Những khuôn mặt chiều cuối năm này, còn xa lạ đăm chiêu, khép kín, mù sương, chập chờn, cách biệt hơn những buổi chiều hôm trước. Tôi nghĩ lát nữa, chờ một ánh đèn xanh cho phép qua đường, tôi sẽ đi tìm mấy người bạn. Làm như Trần Huyền Trân. Rượu rồi nâng cổ áo lên cao. Chờ một vì sao lên. Sống tiếp với đời bằng một tâm tư từ một bình diện khác.


      (Khởi Hành số 36)

      Mai Thảo

      Thư Quán Bản Thảo số 62, Tháng 12-2014
      Chủ đề KHỞI HÀNH VÀ TÔI

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh Trần Văn Nam Nhận định

      - Tình Quê Tường Thuật Và Tình Quê Thăng Hoa Trong Thi Ca (Qua Thơ Đạm Thạch) Trần Văn Nam Nhận định

      - Giang Hữu Tuyên, Nhà Thơ Hải Quân Nhưng Tâm Hồn Hướng Về Châu Thổ Trần Văn Nam Nhận định

      - Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc Trần Văn Nam Nhận định

      - Trường ca khi ở trên tầng bình lưu Trần Văn Nam Thơ

      - Hà Nguyên Du đi giữa Duy Mỹ của Thơ Cũ và rất Hiện Đại của Thơ Tân Hình Thức Trần Văn Nam Nhận định

      - Với nhà văn Mặc Đỗ, ta biết thêm vài điều qua cuốn sách mới nhất của ông Trần Văn Nam Nhận định

      - Nhà Văn Lữ Quỳnh Viết Truyện Phản Chiến Ở Vị Trí Và Bối Cảnh Nào? Trần Văn Nam Nhận định

      - Dẫn Lược Từng Chương Tiểu Thuyết Danh Tiếng của Thomas Hardy Trần Văn Nam Giới thiệu

      - Chất Thơ Do Cảm Nhận Vài Kiến Thức Về Tư Tưởng Của Kant Và Hegel Trần Văn Nam Nhận định

    3. Bài Viết về nhà văn Mai Thảo (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Mai Thảo

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Mai Thảo và Bút Pháp (Doãn Cẩm Liên)

      Vài Ghi Nhận Về Mai Thảo (Nguyễn Hưng Quốc)

      Miên Trường (Hồ Đình Nghiêm)

      Phỏng vấn nhà văn Mai Thảo (Nguiễn Ng. Í)

      Với Nhà Văn Mai Thảo: Thơ Như Đường Gươm Múa Lượn... (Trần Văn Nam)

      Mai Thảo (Học Xá)

      Mai Thảo người kể chuyện bằng văn (Trần Thanh Hiệp)

      Mai Thảo (Hợp Lưu)

      Hành Trình Đến Tự Do Nhà Văn Thuyền Nhân Mai Thảo (Ngô Thế Vinh)

      Nói Chuyện Với Nhà Văn Mai Thảo

       (Thụy Khuê & Trần Vũ)

      Vài ghi nhận về Mai Thảo (Nguyễn Hưng Quốc, Tiền Vệ)

      Gối đầu lên chữ nghĩa (Hoàng Khởi Phong, Talawas)

       

      Tác phẩm của Mai Thảo

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Màu lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa (Mai Thảo)

      Những Ca Khúc Tiền Chiến (Mai Thảo)

      Ngôi Sao Hàn Thuyên (Mai Thảo)

      Nhật Tiến Vẫn Đứng Ở Ngoài Nắng (Mai Thảo)

      Tiếng hát Thái Thanh (Mai Thảo)

      Mặc Đỗ Quy Ẩn (diendantheky.net)

      Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời

      (sangtao.org)

      Nhân Cách Bình Nguyên Lộc  

      (diendantheky.net)

      Chuyến tàu trên sông Hồng, Mưa núi,

      Thơ: Ta thấy hình ta những miếu đền

      (Talawas)

      Tác phâm trên mạng:

      - vantuyen.net   -  sangtao.free.fr

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)

      Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Thái Kim Lan)

      Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm (Nguyễn Khánh Văn)

      Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger... khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ' (Huyền Trân)

      Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young (Đinh Quang Anh Thái)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  Bùi Kỷ,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)