1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cuốn Sách Nào Đã Ảnh Hưởng Nhiều Nhất Tới Tôi? (Viên Linh phỏng vấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      01-01-2013 | VĂN HỌC

      Cuốn Sách Nào Đã Ảnh Hưởng Nhiều Nhất Tới Tôi?

        VIÊN LINH phỏng vấn
      Share File.php Share File
          

       

      Thảo Trường, Võ Đình, Vĩnh Hảo, Thanh Thương Hoàng,

      Văn Quang, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Hữu Bào, Bùi Khiết,

      Nguyễn Văn Sâm, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh,

      Trần Long Hồ, Thế Dũng, Đỗ Tiến Đức, Lâm Chương,

      Xuân Vũ, Thu Nhi.


      Chúng tôi đã gửi tới các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, học giả, lá thư ngắn sau đây: "Để giúp Độc giả có thể biết nhiều hơn về các tác giả của Văn học Việt Nam, cũng như có thể tạo thêm thích thú cho người đọc sách báo văn học, Nguyệt san khởi Hành mở cuộc phỏng vấn kể từ số này, với chỉ một câu hỏi chính: "Cuôn sách nào đã ảnh hưởng (hay có một tác động nào đó) tới Anh / Chị nhiều nhất từ trước tới nay? Vui lòng cho biết trường hợp đọc cuốn sách đó."


      Sau khi câu hỏi được gửi đi, chúng tôi đã được nhiều nhà văn trả lời ngay. (Có một trường hợp đặc biệt: chúng tôi đã đặt một câu hỏi hơi khác cho nhà văn Thảo Trường, người đầu tiên tiếp xúc được; câu hỏi được nhắc lại trong bài).


      Nhân câu trả lời của các nhà văn, tuỳ từng trường hợp, chúng tôi sẽ khai triển thêm câu trả lời, hầu làm cuộc phỏng vấn thêm phong phú, và có ích. Chẳng hạn khi nhà văn Hoàng Hải Thủy nói đến cuốn Trường Đời của nhà văn tiền chiến Lê Văn Trương, chúng tôi đã viết một cột báo về tác phẩm này; hay chúng tôi đã đăng lại hai trích đoạn điển hình của Vũ Trọng Phụng do câu trả lời của nhà báo Thanh Thương Hoàng liên hệ tới cuốn Giông Tố.


      Nhân đây, chúng tôi mời Bạn Đọc tiếp tay: quí bạn có thể đặt thêm một hoặc hai câu hỏi cho một nhà văn nào đó bạn muốn hỏi. Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi đó cho nhà văn liên hệ. Bạn cũng có thể hỏi thêm các tác giả đã trả lời trong kỳ này, hay một tác giả nào khác. Mục đích nhắm tới: lập nhịp cầu trao đổi và tìm hiểu trong Sinh hoạt Văn chương, Đọc và Viết, tại Hải ngoại qua mặt báo này. Khởi Hành rất mong tạo được nhịp cầu này. Nhịp cầu chỉ lập được khi cả hai bên bờ cùng nối lại.


      VIÊN LINH


      Anh Thảo Trường, quyển sách nào đã làm thay đổi đời anh?



      THẢO TRƯỜNG



         Nhà văn Thảo Trường
      (1936-2010)

      Tôi nghĩ rằng tôi không bị quyển sách nào làm thay đổi cuộc đời của tôi. Và hình như cuộc đời tôi cũng không có gì gọi là bị thay đổi, hoặc là có thay đổi mà tôi không biết. Mọi điều xảy ra trong đời tôi, tôi đều thấy là có thể hiểu được Tôi không thấy có sự kiện nào "ghê gớm" cả.


      Từ lâu tôi đã tập cho mình bình thản trước những thay đổi của cuộc đời. Thời thế xảy ra như thế nào thì tôi củng cố gắng tự nhủ "để coi". Thí dụ như đang từ một sĩ quan cao cấp của Quân đội Cộng hòa, trở thành một tù binh khổ sai của cộng sản, bị đầy đọa đến tận cùng của khổ nhục, qua phút đầu sững sờ, tôi nhanh chóng trấn tĩnh ngay để tự lý giải rằng sự kiện ấy cũng... không có gì lạ!

      Tôi tự nghĩ chẳng ai tình nguyện đi ở tù, nhưng nếu lỡ đã bị chúng bắt bỏ tù thì tại sao mình không nhân "cơ hội" mà quan sát cái cuộc sống kinh hoàng này xem nó ghê gớm đến mức nào. Và tôi bắt đầu đi tìm "nhân vật tiểu thuyết" ở trong môi trường "sống chết" đó.


      Nói là "đi tìm" chứ thực ra chỉ là quan sát và suy nghĩ rồi cất nó vào trong "bộ nhớ". Thế cho nên mười bảy năm "sống trong cõi chết" cũng rất là dễ ợt". Và tôi, khi đã thoát ra khỏi cái "kiếp đọa đầy" ấy, sống một cuộc sống bình thường, thì tôi cũng không thấy có gì phải xúc động quá đáng. Tôi tiếp tục làm việc (viết tiểu thuyết) và đương nhiên là lại vẫn phải tiếp tục quan sát và suy nghĩ mọi chuyện xảy ra xung quanh mình. Việc làm thường nhật, không có gì thay đổi cả! Đời sống bình thường thì như thế.


      Cuộc sống trải qua, quan sát và suy nghĩ, là những chất liệu để tôi xây dựng tác phẩm,. nhưng những truyện hay, những bài thơ hay, những bài phê bình văn học sâu sắc... là những thứ giúp tôi rèn luyện bút pháp và bản lãnh sáng tác của mình. Theo thời gian, mỗi ngày mỗi tích lũy thêm những kinh nghiệm sống và những kinh nghiệm viết, để tác giả làm những tác phẩm ấp ủ theo ước vọng. Tôi không biết có phải những truyện, những thơ, những vở kịch, những pho tượng, những ca khúc... mà tôi nhớ mãi không quên, đi đâu nó cũng theo mình, đi tù nó cũng vào tù với mình, ra tù sang Mỹ nó cũng lưu vong với mình... có phải những cái đó là những "quyển sách" đã chi phối con người tôi và đã ảnh hưởng sâu đậm vào công việc sáng tác của tôi. Mà như thế thì nhiều lắm, kể ra e không xuể, sẽ vấp phải thiếu sót đáng trách đối với những tác phẩm và những tác giả mà mình chịu ơn.


      Thử kể ra một số những "quyển" phải kể như: Ca dao tục ngữ ở làng quê tôi thuở nhỏ. Đoạn Trường Tân Thanh, Tỳ Bà Hành, Lục Súc Tranh Công thuở ngồi ghế nhà trường. Những bài giảng Đường Thi của Cụ Giáo sư Trần Văn Hào ở Nam định. Tam Quốc Chí và những truyện "chưởng" của Kim Dung đọc ở Saigon. Thần Tháp RùaThành Cát Tư Hãn của giáo sư Vũ Khắc Khoan. Tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo. Trăm Năm Cô Đơn của Grabriel Marquez đọc ở trong tù. Những năm sống ở Mỹ thì loạt phim hoạt họa Mickey Mouse, coi đi coi lại, coi tới coi lui những "nhân vật" Tom & Jerry... Nhiều lắm, có thể kể hết được không. Dĩ nhiên không thể kể hết được. Có những tác giả hễ thấy tác phẩm của họ thì lập tức tôi phải xem, và đương nhiên những tác phẩm đó cũng ảnh hưởng vào mình.


      Phải trở lại từ đầu, không phải là "một" quyển sách nào đó làm thay đổi, mà là "nhiều quyển" nào đó đã... thay đổi đời tôi đến tận cùng ngõ ngách: từ trẻ trung náo động tới già cỗi đắn đo, từ khờ dại nông nối đến bình tĩnh chín chắn, từ những sáng tác dài lê thê tới những truyện ngắn, rất ngắn. Sống trong thời đại hiện nay, tôi thấy có một điều phải ghi nhớ: không làm mất thì giờ của kẻ khác, và một vấn đề rất lớn: làm được một việc nhỏ nào đó. Bây giờ cách làm tác phẩm của tôi có khác xưa và những quyển mới làm xong gần đây ở hải ngoại cũng có những khác biệt với những tác phẩm cũ. Như vậy thì đời tôi có những thay đổi mà mình không biết đấy chứ. Nhưng tôi không tìm ra đích danh "quyển sách" nào đã thay đổi tôi như thế.


      - Ở trong tù làm sao anh có cuốn truyện đó để đọc? Lúc ấy anh đang ở trại tù nào?


      Tôi đọc Trăm Năm Cô Đơn bản dịch Việt Ngữ ở trong trại tù Rừng Lá, do các bạn tù dúi cho, từ đâu và cách nào họ có sách thì tôi không rõ. Hồi đó tôi thấy lưu hành chuyền tay nhau nhiều quyển sách truyện rất hay, phần nhiều là truyện dịch, xuất bản ở Sài gòn, có nghĩa là ở ngoài không cấm. Có thể do gia đình tù thăm nuôi đem vào. Tù nhân chê sách của thư viện trại giam nhưng lại rất thích những quyển loại chuyền tay như thế này. Trăm Năm Cô Đơn rất dài, đọc "mệt nghỉ"

      (16.3.2002)



      VÕ ĐÌNH



         Họa sĩ Võ Đình
      (1933-2009)

      "Cuốn sách nào đã ảnh hưởng (hay có một tác động nào đó) tới anh (chị) nhiều nhất từ trước tới nay?"


      Hà, hà, câu hỏi làm mình nghĩ ngay đến những văn phẩm tuyệt hay được đọc khi đã trưởng thành. Đông, Tây, cổ, kim, văn phẩm giá trị có không biết bao nhiêu mà kể. Nếu câu hỏi là "Những cuốn sách nào, v.v..." có lẽ dễ trả lời hơn.


      Nhưng rồi, nghĩ cho cùng, sách hay cũng như thức ăn ngon. Ăn ngon thì khoái. Nhưng không phải cái khoái nào cũng ở mãi với mình. Còn sách "đã ảnh hưởng (hay có một tác động nào đó)" tới mình, lại như thức ăn, không nhất thiết là cao lương mỹ vị nhưng "thấm đậm" hơn. Đến một lúc nào đó trong đời, người ta rũ bỏ nhiều thứ vẫn trân quí lâu năm, và chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất. Tôi có dịp đọc đâu đó rằng trong chiến tranh Cao Ly (Triều Tiên), nhiều lính Mỹ trước khi chết thường chỉ thều thào hai tiếng: Mom! (Mẹ ơi!), và Milk! ([cho tôi tí] Sữa!)


      Cho nên, có thể nói rằng cuốn sách đã ảnh hưởng (hay có một tác động nào đó), tới tôi là cuốn Quốc văn Giáo khoa thư (QVGKT) và Luân Lý Giáo Khoa Thư (LLGKT). Những cuốn sách được học (học chứ không phải đọc) những năm còn là một chú bé chưa được phép mặc quần "tây" dài, đi giày (chỉ được mặc quần "sọt" (shorts), đi dép (sandales), hay đi... chân đất!


      Những bài trong sách đó, tôi còn nhớ lai rai. Chẳng hạn, chuyện "một người đi du lịch đã nhiều nơi", về đến quê nhà lại nói rằng "chôn quê hương đẹp hơn cả". Chẳng hạn bài ca dao: "Đêm đêm ra đứng bờ ao/ Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ, và v..."


      Thú vị vô cùng là cái con cò "đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao", bị bắt được có thể bị đem đi xáo măng, mà còn đòi cho được "Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con".


           Một trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, có bài nhà văn Võ Đình nhắc đến (tr. 28). Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận soạn (1935) (Nguồn: Khởi Hành)


      Có một số bài nữa, tôi không nhớ là trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư hay trong Luân Lý Giáo Khoa Thư. Văn xưa cũ, ước lệ, nhưng chuyện hay. Chẳng hạn, bài "Không nên chọc ghẹo người tàn tật". Chẳng hạn, chuyện người nọ đi trên đường lúc chạng vạng, thấy cục đá lớn, bèn hì hục khuân nó qua một bên, có người hỏi sao lại nhọc nhằn, trả lời là sợ có người trời tối đi vấp phảí!

      Chẳng hạn, chuyện người nọ giấu vàng trong mấy hộp trà, đem biếu xén quan lớn. Quan cảm thấy nặng, không chịu lấy, người ấy nói: "Không ai biết đâu".

      Quan bảo: "Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói là không ai biết?"

      Chẳng hạn, chuyện đậu đen, đậu trắng, chuyện cái lưỡi lợn, chuyện người thợ may (gặp khách hàng hạng người luồn cúi, ông may áo tà sau dài hơn tà trước...), chuyện ông Carnot vế thăm thầy cũ, vân vân.


      Trong mấy cuốn sách này còn có những minh họa trắng đen. Mỗi bức tranh đều có, trong một góc, ba chữ nhỏ CLD, mãi về sau có người cho biết là Cliché Dầu. Lớn lên mới thấy rằng những bức vẽ này thật khuôn sáo, vụng về, ngớ ngẩn. Nhưng thuở bé, mê lắm, ngắm mãi không chán.


      Sách Tàu, sách Tây, nhiều sách hay lắm. Văn phong huê dạng, bút pháp độc đáo, tình cảm tha thiết, tư tưởng cao siêu. Kho tàng văn chương vô tận. Nhưng, như có nói trên, sách hay, như thức ăn ngon. Ăn ngon thì khoái, thì sướng. Cũng có những thức ăn thật đơn sơ, đạm bạc, nhưng tiêu hóa đã lâu, món ăn đã thành máu trong người. Sách như Quốc Văn Giáo Khoa Thư, như Luân Lý Giáo Khoa Thư, là thức ăn đạm bạc đó.


      Ở quê tôi, Thừa Thiên, có thành ngữ: "Cơm với cá, như mạ với con". "Tiếng" Huế, mạ là mẹ! Với tôi, và tôi nghĩ, với những người cùng lứa tuổi, QVGKT, LLGKT là "cơm với cá" vậy.

      Florida, 4.2002



      VĨNH HẢO



         Nhà văn Vĩnh Hảo

      Câu hỏi thật bất ngờ và thú vị đối với tôi. Bất ngờ là hỏi cái điều tôi không bao giờ nghĩ tới; thú vị là nó buộc mình phải đi ngược lại quá khứ để tự tìm hiểu xem, có một tác phẩm nào thực sự ảnh hưởng đến mình. Cho tôi một ít thời gian để suy nghĩ nhé. tìm, tìm... hình như là chẳng có tác phẩm nào "ảnh hưởng tôi từ trước tới nay" cả.


      Để tôi nói rõ hơn một chút. Chữ "ảnh hưởng" mà Khởi Hành dùng cũng khá rộng, và khá nặng đối với một người cầm bút. Ảnh hưởng là ảnh hưởng lên cái gì? Tư tưởng? Đời sống thực tế? Khuynh hướng sáng tác? Văn phong? Cách bố cục truyện?... Tác phẩm mà có thể ảnh hưởng một người cầm bút "từ trước tới nay" thì phải là một tác phẩm lớn (ở nội dung-không phải ở kích thước, độ dày, hoặc có nhiều nhân vật) mà nhà văn hay nhà thơ bị ảnh hưởng ắt là phải có tác phẩm đó trên kệ sách hoặc nơi đầu giường. Tôi không biết những người khác có bì ảnh hưởng sâu đậm như thế đối với một tác phẩm nào đó không. Riêng tôi, xin trả lời không.


      Có thể Khởi Hành và những người cầm bút khác, hoặc độc giả khắp nơi cho rằng ít nhiều gì cũng phải "bị ảnh hưởng" thì tôi cũng không phản đối gì. Tôi chỉ muốn nói là nếu thực sự có một tác phẩm ảnh hưởng tôi từ trước tới nay thì khi được hỏi, tôi sẽ trả lời ngay, chẳng cần phải suy nghĩ hay hồi niệm lại quá khứ. Đàng này, phải suy nghĩ thật lâu lắc mà cũng chẳng thấy cái tên tác giả hay tựa sách, hay hình dạng cuốn sách nào hiện ra trong đầu cả! Thế thì trả lời không là đúng rồi.


      Nhưng tôi có thích, thích rất nhiều tác phẩm, mà khốn nỗi, đa phần là sách của các văn thi hào nước ngoài được dịch từ Anh/Pháp/Hoa sang Việt ngữ hoặc một số gần đây được cơ hội đọc thẳng bản Anh ngữ. Dĩ nhiên tôi cũng thích rất nhiều tác phẩm của văn thi nhân Việt-nam. Nhưng nói là "ảnh hưởng" thì hoặc là tôi trả lời không, hoặc là tôi không trả lời được. Xin dành câu trả lời cho những nhà biên khảo   phê bình văn học. Nếu những nhà phân tích phê bình văn học tìm thấy tôi bị ảnh hưởng ai, ảnh hưởng thế nào, vì lý do nào, trong trường hợp nào... thì xin mách bảo giùm cho. Còn nếu cho phép tôi cứ phát biểu linh tinh ngoài đề (nhưng ít nhiều có liên hệ với câu hỏi) thì xin trình bày trường hợp của tôi thế này:


      Ngoại trừ những tác phẩm quá tệ của những người biết viết, biết kể chuyện (mà không hề làm văn chương), hình như tác giả hay tác phẩm nào của văn thi nhân Việt nam tôi đều có đọc. Nếu không có tác phẩm của họ thì tôi cũng say mê đọc họ trên những tạp chí. Hồi còn ở Việt-nam thì tôi mê nhiều tác giả ngoại quốc (chẳng phải vọng ngoại đâu! Hồi đó ai cũng vậy mà! Người ta viết hay quá trời làm sao không mê được!) và có nhiều tác phẩm đã đọc đi đọc lại mấy lần. Tác phẩm "nội hóa" thì có những cuốn của Tự Lực Văn Đoàn, và một số khác của Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thiên Thư...


      Gần đây nhất ở hải ngoại, tôi có lưu ý hai tác phẩm: một là "Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà" của Trương Hiền Lương viết bằng Hoa ngữ, Trần Thịnh chuyển dịch sang Việt ngữ; hai là "Đi Về Nơi Hoang Dã" của Nhật Tuấn. Hai cuốn ấy không "ảnh hưởng" tôi, nhưng phải nói là tôi rất thích. Cuốn trước tôi đọc đến 3 lần. Cuốn sau thì chỉ mới đọc qua một lần thôi, chưa có thời giờ đọc lại, nhưng tác phẩm có "thấm" thế nào đó trong lòng khiến mình không quên được. Hai cuốn này, theo nhận xét của tôi, đúng thực là những tác phẩm văn chương đáng đọc và nên giữ nơi tủ sách, lâu lâu lấy ra đọc lại.


      Không biết tôi có nói sai không: tôi nghĩ rằng Việt-nam chưa có tác phẩm lớn hoặc tác giả lớn đến độ "ảnh hưởng" một người cầm bút "từ trước tới nay". Nếu miễn cưỡng mà chia chẻ ra từng khía cạnh của sự ảnh hưởng thì tôi có thể nói trong trường hợp cá biệt của tôi:


      - Tác phẩm, đời sống, tư tưởng của tôi chịu ảnh hưởng tinh thần Thiền của Phật giáo Đại thừa.

      - Tôi thích văn phong nhẹ nhàng, trong sáng của nhà văn Nhất Hạnh mà đồng thời cũng thích cái vẻ diễu cợt phiêu hốt của thi hào Bùi Giáng.

      - Tôi không hề để ý tới khuynh hướng sáng tác vị nghệ thuật hay vị nhân sinh; tuy vậy tôi không thích những tác phẩm có mặt mà như không, chẳng tác động gì đến con người hay cuộc đời cả... (chua thêm: có những tác phẩm như vậy không nhỉ? Nếu có, sao có thể gọi là 'tác phẩm' được nhỉ?)


      Lời cuối: tôi nghĩ rằng những người cầm bút khác cũng chỉ mê thích một vài tác giả, tác phẩm nào đó trong đời chứ không bị "ảnh hưởng" rề rề bởi một người cầm bút khác từ trước tới nay thì có lẽ anh/chị ấy vẫn đang làm người học trò tập làm văn để nộp bài cho thầy giáo chứ chẳng sáng tạo gì đâu. Sáng tạo là vượt qua. Vượt qua người trước, vượt qua những tác phẩm, vượt qua chính mình. (Xin chua thêm: vượt qua không có nghĩa là vượt hơn, mà chỉ có nghĩa là ra khỏi ảnh hưởng")




      THANH THƯƠNG HOÀNG



             Nhà báo
          Thanh Thương Hoàng

      Tôi chịu ảnh-hưởng nhiều nhất có lẽ là cuốn tiểu-thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.

      Tôi đã đọc cuốn này từ lúc còn nhỏ. Và sau này, mỗi khi đọc lại, tôi vẫn say sưa mê mải như đọc lần đầu.

      Theo tôi, đây là một cuốn tiểu- thuyết thể-hiện đầy đủ cả một thời-đại. Thảm kịch xã-hội với những đớn đau, bi thảm, tối tăm tệ hại nhất của con người đã được Vũ-Trọng-Phụng hiện- thực một cách tài tình sống động. Những nhân-vật chính của Giông Tố luôn ám ảnh tôi ngay từ ngày đầu mới viết văn, cho mãi tới ngày nay, nên tôi đã nhìn cuộc đời "tối" nhiều hơn "sáng". Cuốn tiểu-thuyết đầu tay của tôi Cánh Hoa Mùa Loạn (viết năm 1954, xuất-bản 1955 tại Saigon) ảnh- hưởng rất nhiều Giông Tố...


      Tôi chân thành nghĩ rằng, người cầm bút ở thời-đại này, nhất là với người Việt-nam, phải đau nỗi đau của Đất Nước, phải đau nỗi đau của Con Người.


      Trước đây, những Nguyễn Du, những Vũ-Trọng-Phụng đã đau đời đến quặn người, đến xé lòng. Đã lấy máu từ tim mình để viết những Đoạn Trường Tân Thanh, những Giông Tố... nhưng tới ngày hôm nay cái ác vẫn ngự-trị Thế- Giới và càng phình lớn hơn bao giờ.

      Vậy văn-chương liệu có đổi mới được đời, hay văn-chương chỉ là tiếng thở dài muôn đời?

      Tôi có bi-quan quá chăng?



      Văn QUANG



         Nhà văn Văn Quang

      Không thể nhớ rõ vào năm nào, nhưng chắc chắn vào khoảng thời gian 48-1949-50 gì đó tôi mới bắt đầu biết đọc những cuốn tiểu tuyết của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, cụ Lê Văn Trương, cụ Đồ Phồn... và đọc thơ của Hồ Dzếnh, Thế Lữ. Hồi đó chúng tôi còn ở nhà quê, những cuốn tiểu thuyết của anh cả tôi mua từ Hải Phòng, Thái Bình mang về xem xong bỏ đó. Tôi lén "mượn" đọc.


      Sau khi đã đọc hàng loạt những cuốn tiểu thuyết tình ái lãng mạn, bỗng tôi vớ được cuốn Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Đọc một vài trang tôi bị lôi cuốn ngay, thấy nó khác hẳn với những cuốn tiểu thuyết mà tôi đã đọc. Sinh động, "kỳ quái", thú vị và hình dung ngay ra những nhân vật ở trước mặt. Hồi đó tôi không hề hiểu rằng cụ Vũ Trọng Phụng mỉa mai cay độc lớp trưởng giả lố lăng và tố cáo những giả dối của cả một thời đại. Tôi cũng chẳng hề nghĩ nó thật hay giả. Chỉ biết rằng tôi rất thích thú với toàn bộ cuốn phóng sự tiểu thuyết đó.


      Thế là từ đó nó bám lấy tôi để bắt đầu nghĩ về một thể loại được gọi là tiểu thuyết phóng sự. Khi lớn lên, tôi đã có thì giờ tìm hiểu phân tích về nó. Nó thật và không thật, nó "láo" mà không láo, nó diễn tả đến đỉnh cao tất cả những gì cần viết và phải viết... Nó bao trùm trên mọi lãnh vực chứ không còn chỉ là sự mỉa mai cay độc trong một phạm vi nhỏ hẹp. Làm sao nó mang được cả hơi thở của thời đại, của lịch sử. Đó là điều tôi đã Và đang thực hiện (như trong NTHH và Lên Đời).


      Cho đến mãi sau này, đọc lại Số Đỏ, tôi vẫn thấy cụ Vũ Trọng Phụng còn mới lắm, còn đúng lắm. Tôi không bắt chước cụ nhưng rõ ràng là tôi chịu ảnh hưởng cách viết của cụ, có bắt chước cũng chẳng được. Vả lại mỗi người viết đều có phong cách của riêng mình, cho nên sau này dường như tôi cứ phải "tránh né" cụ, cái gì của tôi gần giống của cụ là tôi phải bỏ. Mỗi thời đại có những vấn đề riêng, đặc trưng riêng và mỗi người viết cũng có hoàn cảnh riêng. Có khi không nói được hết hoặc phải nói bằng cách này hay cách khác. Đó là trường hợp của tôi. Dù sao, sáng tạo được một nhân vật để đời cho tác phẩm của mình là điều rất nhiều nhà văn mong đợi. Có được một nhân vật như Xuân Tóc Đỏ, những lời nói đi vào tâm thức mọi người như cụ cố Hồng: "Biết rồi, khổ lắm nói mãi" hoặc như thằng nhóc con bà Phó Đoan: "Em chã, em chã" thì tuyệt vời. Ít có nhà văn nào làm được.

      Còn lâu mới bằng cụ Vũ Trọng Phụng.

      Sài Gòn 4. 2002



      PHẠM QUỐC BẢO



         Nhà văn Phạm Quốc Bảo

      Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất tới tôi, từ trước đến nay? và cho biết trường hợp đọc cuốn sách đó?


      Đại khái câu hỏi của Khởi Hành đặt ra, tôi tạm rút gọn lại như trên. Và nội dung thư của anh Viên Linh gởi, cho biết mục đích là mong qua các thổ lộ độc đáo của từng tác giả để nhờ đó "có thể tạo thêm thích thú cho người đọc sách báo văn học" Việt được phần nào chăng.


      Trường hợp cá biệt của tôi thì xin thổ lộ rằng đầu tiên hết, tôi được làm quen với bầu không khí văn hóa Việt qua giọng ngâm nga ca dao tục ngữ và giọng kể truyện cổ tích (thần thoại và huyền thoại) của mẹ tôi, thường mỗi buổi tối để ru anh chị em chúng tôi ngủ. Tiếp sau đó, Quốc văn Giáo khoa thư đã đưa tôi vào thế giới chữ Việt từ khi bắt đầu đi học. Rồi nhờ cái "Tổng thư viện" ở cạnh trường Chu Văn An cũ, ý niệm triết học về lịch sử xã hội của Ernest Renan đã giới thiệu tôi vào bầu không khí triết lý. Những mốc điểm tôi còn nhớ được như cái Đà Sống (Élan Vital) của Henry Bergson, Hiện Sinh của J.P. Sartre, Con người Phản kháng của Albert Camus và triết lý bi đát của Clement Rosset. Trong đó tôi thấm lâu cái chất lãng mạn của A. Camus trong cuốn Les Noces. Nhưng rồi cuốn La Naissance de la Tragedie của F.W. Nietzsche đã giúp tôi hả cơn say mê triết tây để quay sang với triết đông: Từ Kinh Phệ Đà, Áo Nghĩa Thư, đạo lý của Phật sang Tứ Thư Ngũ Kinh và Lão Trang.


      Liệt kê sơ lược như trên chỉ để mong quí vị có khái niệm tổng quát một hành trình học hỏi biến động cụ thể trong tâm tư của trường hợp cá nhân tôi, như tất cả tâm tư của chúng ta đó mà thôi. Đại khái là thế.


      Tuy nhiên, cái hành trình học hỏi này của tôi chỉ đủ sức chín mùi và trưởng thành khi tôi đọc đến cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh. Xóm Cầu Mới có nội dung diễn tả các nhân vật và cuộc sống của nhóm dân cư ngụ ở một xóm kẻ chợ nửa quê nửa tỉnh của bất cứ một vùng ven thành phố lớn nào tại Việt Nam, thuộc giai đoạn thập niên 1950 (theo như tôi nghĩ). Trong đó, tôi còn nhớ được những nét tiêu biểu như lối tỏ tình thơ mộng không bằng lời mà chỉ bằng cử động của đôi chân (mối tình chân).


      Xóm Cầu Mới ít nhất là tác động cho tôi:

      1. Như một nối kết liền lạc những đỉnh say mê của hành trình học hỏi mà tôi vừa nêu trên, trong tâm tư tôi.

      2. Gây cho tôi một xúc động mãnh liệt, thúc đẩy tôi thực sự làm quen với sáng tác văn chương.

      3. Luôn luôn nhắc nhở trong tôi rằng ai trong chúng ta cùng đều phát khởi nỗ lực sống từ trạng thái nghèo nàn, bất toàn để hướng thiện.

      4. Đừng bao giờ quên mục đích phục vụ cho đại đa số quần chúng, đại khối dân tộc, phần đông nhân loại, trên đà tiến triển.


      Nếu tôi nhớ không lầm, tôi đã đọc cuốn Xóm Cầu Mới đăng thành từng kỳ trên báo Ngày Nay vào mấy năm cuối thập niên 1950 tại Sài gòn. Mấy tháng trở lại đây tôi có dịp gặp anh Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam). Trong câu chuyện hàn huyên, anh có cho biết rằng anh đang xúc tiến gấp công việc tái bản toàn bộ cuốn Xóm Cầu Mới của thân phụ anh. Điều tiết lộ này khiến tôi rất vui mừng và ghi nhớ, bởi vì tôi muốn được đọc lại trọn vẹn cuốn truyện này.

      Quận Cam, 7 giờ rưỡi sáng Thứ Bảy, May 11. 2002



      NGUYỄN HỮU BÀO



        Nhà giáo
       Nguyễn Hữu Bào

      Tôi sinh ra đời vào mùa Hè năm 1936, làm nghề dạy học từ năm 1960. Ngoài thì giờ dạy học, tôi viết văn, làm thơ và soạn sách giáo-khoa.

      Thời thơ-ấu say-mê đọc loại Sách Hồng - những cuốn truyện dành cho tuổi thơ - tôi thích thú những cuốn như "Thầy Đội Nhất", "Để Của Bí Mật" của nhà văn Nhất Linh; "Ông Đồ Bể" của nhà văn Khái Hưng; "Hiền", "Cóc Và Ếch Tranh Hùng" của nhà văn Ngọc Giao; "Nói về Cái Đầu Tôi" của nhà văn Tô Hoài.


      Khi tập viết văn, tôi thích viết những truyện dành cho tuổi thơ. Trước năm 1975, ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí, chủ trương một tủ sách có tên là "Loại sách nhi đồng, tuổi thơ". Nhà sách Khai Trí xuất bản loại sách này nhằm cung-cấp món ăn tinh-thần, lành mạnh, bổ ích cho tuổi thơ. Giá phổ-thông 50đ một cuốn, chỉ bằng giá tiền một gói xôi ăn điểm tâm. Ngoài ra, nhà sách Khai Trí cũng muốn tránh cho trẻ em mua đọc những truyện nhảm nhí như "Chú Thoòng", "Chằng Tinh"... bán la-liệt trước cửa các trường Tiểu-học.


      Ông Chủ bút Khởi Hành muốn tôi thuật rõ trong trường hợp nào tôi bước vào công việc viết sách cho tuổi niên thiếu, nên tôi cố nhớ lại, như dưới đây.

      Cuốn truyện đầu tay của tôi có nhan đề Con Chim Sáo. Tôi mang bản thảo đến gặp ông Giám đốc nhà sách Khai Trí. Ông Giám đốc nhận bản thảo, hẹn tôi sau một tuần trở lại ông cho biết ý-kiến. Tôi biết lúc đó nhà sách Khai Trí mời các học-giả Nghiêm Toản, Thu Giang Nguyễn Duy Cần duyệt xét các bản thảo.


      Sau một tuần tôi đến. ông Giám- đốc Nguyễn Hùng Trương niềm nở tiếp tôi. ông nói: "Chúng tôi đồng-ý xuất- bản cuốn Con Chim Sáo của ông". Ông trả tiền bản quyền cuốn truyện 15,000đ. Giá vàng thời đó 22,000đ một lượng. Số tiền 15,000đ đối với tôi thời đó khá lớn. Ông Nguyễn Hùng Trương đã cho tôi hứng thú đầu tiên trong nghề viết văn.


      Những cuốn truyện tuổi thơ tôi viết tiếp theo, rất mừng cuốn nào cũng được nhà sách Khai Trí xuất bản. Sau cuốn Con Chim Sáo" là cuốn "Thám Tử Tí Hon", "Giọt Lệ Nhiệm Màu", "Nhật Ký Thanh-Bình", "Tiên Dược", "Cậu Bé Can-Đảm", "Ba Anh Em", "Bí-Mật Trong Hang Vạn Nhũ", "Tạo-Hóa Chí Công".


      May-mắn là những tác-phẩm kể trên hiện tôi có trong tay gần đủ bộ.

      Trong những lần tôi mang bản thảo đến gặp ông Khai Trí, có vài lần tôi hân-hạnh được hầu chuyện giáo-sư Nghiêm Toản. Lần nào tôi cũng thấy giáo-sư mặc đồ vest, tay giáo-sư thường cầm cây quạt giấy. Giáo-sư ân-cần, vui vẻ nói chuyện với tôi.


      Về thơ, thuở nhỏ tôi học thuộc lòng nhiều bài thơ của thi-sĩ Trần Trung Phương. Tôi cũng thích thú và thuộc lòng nhiều bài thơ trong thi phẩm "Lỡ Bước Sang Ngang" của thi-sĩ Nguyễn Bính.


      Văn-học Việt-nam thời-đại nào cũng có nhiều thi-sĩ nổi tiếng. Nhưng rất tiếc món ăn tinh-thần dành cho tuổi thơ thời nào cũng hiếm. Văn đã hiếm, thơ lại càng hiếm hơn nữa. Về thơ chỉ có thi-sĩ Trần Trung Phương dành nhiều thì giờ sáng-tác cho tuổi thơ. Thi-sĩ Tản Đà cũng có một số thơ dành cho thiếu nhi. Noi gương hai nhà thơ tiền-bối, tôi cũng dành nhiều thì giờ làm thơ cho trẻ em. Cuốn thơ đầu tay của tôi là "Thơ Tuổi Thơ". Thi tập này gồm 91 bài thơ dành cho học-sinh bậc Tiểu-học.


      Những bài "Học thuộc lòng" tôi học thời Tiểu-học, cho tôi nhiều hứng thú. Cho đến nay đã già nửa cuộc đời, tôi vẫn thuộc lòng những bài thơ học thời xa xưa. Thế mới biết tuổi ấu thơ như tờ giấy trắng. Hình ảnh in trên tờ giấy trắng sẽ còn mãi mãi suốt đời. Nghĩ như vậy, cung-cấp món ăn tinh-thần cho trẻ em tôi viết rất cẩn-thận. Khi viết, tôi cân nhấc từng chữ, từng câu.


      Tôi ước mong các nhà văn, nhà thơ chú ý đến tuổi thơ, cống-hiến món ăn tinh thần cho tuổi trẻ. Mong lắm thay!

      Westminster, 4.2002



      BÙI KHIẾT


      Vào đầu thập niên 1950, tôi được một bạn đọc cho mượn một chồng tiểu thuyết tiền chiến, trong đó có những cuốn - và đặc biệt một cuốn - đã ảnh hưởng nhiều tới sự suy nghĩ của tôi. Lúc đó chiến tranh Việt-Pháp đang đi dần tới một khúc ngoặt khác và Hà Nội nóng bỏng vì nắng hè và tin tức chiến sự. Tôi còn nhớ cuốn đó là cuốn "Bỉ Vỏ" của Nguyên Hồng do nhà xuất bản Đời Nay - Hà Nội ấn hành vào năm 1937.


      Bỉ Vỏ là truyện về cuộc đời tăm tối của một gái quê xinh đẹp tên là Bính, chẳng may có con hoang phải trốn bỏ gia đình lên Hải Phòng. Rồi cũng như Thúy Kiều của Nguyễn Du, cô Bính gặp phải sở khanh, chịu đựng một trận đòn ghen, để rồi Sở Cẩm tống vào "lục sì" và sau đó chịu thân phận của một cô gái mãi dâm. Rồi cũng như Từ Hải của Nguyễn Du, Năm Sài gòn, một dân tứ chiếng sống ngoài pháp luật đã gặp cô Bính như người tri kỷ, chuộc nàng về làm vợ. Tình tiết câu chuyện khuôn thước ít sáng tạo. Song cuộc đời bôn ba của Bính và của Năm Sài gòn đã được tôi hết sức chú ý vì là dân "chạy vỏ" sống cơ cực trong sự gian ác và hiểm nghèo.


      Khởi từ Bỉ Vỏ, tôi suy nghĩ về thế giới LƯU MANH. Và bắt đầu từ đó tìm hiểu Lưu manh. Trước hết là danh từ Lưu manh, rồi mở rộng dần sự suy tưởng về phân loại Lưu manh, ý hướng Lưu manh, thủ đoạn Lưu manh, Văn hoá Lưu manh, Chánh trị Lưu manh, và cuối cùng là phải phản ứng thế nào với bọn Lưu manh.


      Để hiểu Lưu manh là gì, tôi tìm đọc nhiều tác phẩm Văn chương Việt-Nam, nhất là các loại phóng sự, viết về các nhân vật Lưu manh. Có nhiều tác phẩm tôi đọc rồi quên dần. Nhưng các tác giả lớn, nổi danh như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang v.v. thì tôi khó quên.


      Ngô Tất Tố viết quyển "Tắt Đèn" vào năm 1939. Tất cả câu chuyện xoay quanh gia đình anh Dậu, một gia đình cùng khổ bị áp chế đủ điều. Bọn Lưu manh xuất hiện từ tên cai lệ, bọn hương lý đến kẻ trọc phú. Dậu đã sống trong địa ngục phải bán con, bán cả đàn chó. Tôi đã suy ngẫm về cái nhân vật Lưu manh và rất cảm phục về cái nhìn tinh tế của Ngô Tất Tố.


      Tam Lang thì đặc biệt hơn. Để thấy, để viết ông đã tự mình làm phu kéo xe. Tác phẩm "Tôi Kéo Xe" xuất bản năm 1935 đã cho tôi thấy rõ bản chất lưu manh của bọn cai xe. Nhưng tác phẩm gây ấn tượng lớn cho tôi sau Nguyên Hồng là cuốn "Giông Tố" của Vũ Trọng Phụng. Báo Khởi Hành số 67 tháng 5.2002 đã có ông Thanh Thương Hoàng đề cập tới tác phẩm này. Điều tôi muốn nói là nhân vật Nghị Hách quả là một loại Lưu manh điển hình, tham lam, ác độc, mưu mẹo và đóng kịch khá giỏi. Để hại người hắn có thể làm mọi cách bất nhân và tàn nhẫn nhất. Vào thời kỳ thực dân Pháp chống lại Chủ Nghĩa Cộng Sản một cách khắc nghiệt, để hại người hắn chỉ cần ném truyền đơn Cộng Sản giả mạo vô nhà, vô xóm rồi đi báo nhà chức trách. Kẻ bị hãm hại khó có thể thoát cảnh tù đầy.


      Tôi đã nhờ vào các tác phẩm trên tìm ra đống lưu manh, nhưng mỗi nhân vật, mỗi cảnh rời rạc đã khiến tôi tự thấy thiếu cái nhìn tổng hợp. Do đó, tôi phải đọc thêm, động não thêm để, đào sâu thêm về vấn đề Lưu manh. Tác phẩm "Thủy Hử" của Thi Nại Am đã cho tôi cả trăm tên Lưu manh, mỗi tên một bản chất đủ để tôi phân loại lưu manh, ý hướng lưu manh, thủ đoạn lưu manh và cách nào để triệt tiêu lưu manh.


      Về danh từ, Lưu manh nghĩa là gì? "Lưu" chỉ sự di động di chuyển. Dòng nước luân lưu. Dòng nước di chuyển. "Manh", âm cổ là "meng" có nghĩa là người dân. (Viễn phương chi nhân, văn Quân hành nhân chính, nguyện thụ nhất triền nhi vi manh = Người phương xa, nghe nhà Vua thi hành nhân chính, xin nhận một mảnh đất làm dân). Dần dần Lưu manh được hiểu là người không có chỗ ở nhất định, không nghề nghiệp. Người Nhật gọi là "lãng nhân".


      Tại các tô giới Thượng Hải vào cuối thế kỷ XIX thì hiểu chữ Lưu manh là dân không gia cư, không nghề nghiệp và thường làm việc bất lương. Chữ Lưu manh này chỉ bọn người bất lương cấp dưới. Ngày nay tại xứ ta hiếu rộng hơn. Lưu manh có thể là kẻ giầu có nhà cửa đẹp đẽ, có nghề nghiệp chuyên môn đàng hoàng, và có tư tưởng lẫn hành động bất lương. Lỗ Tấn cho rằng muốn biết nước mạnh hay yếu thì nhìn vào kẻ có học, có của, có nhiều phần tử lưu manh hay không? Lưu manh là một hiện tượng xấu xa của xã hội, tồn tại một cách khách quan và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử.


      Lưu manh cấp dưới, là lưu manh ít học, hành động theo bản năng, ăn cắp, cướp giật, bóp cấu ngực và hạ bộ phái nữ, trấn lột quần áo, phá làng phá xóm, ăn uống quịt tiền v.v...


      Lưu mang cấp trên, là lưu manh của kẻ có ăn học, hành động theo suy nghĩ. Bản chất bất lương. Làm và cố tình che dấu mọi dấu vết của hành động vô liêm sỉ. Những quốc gia yếu kém thường đông đảo phần tử lưu manh cấp trên. Diện mạo trông rất lương thiện, song bản chất rất xấu xa.


      Lưu manh cấp dưới xuất hiện rất nhiều nơi. Hang cùng ngõ tối. Nơi đĩ điếm. Nơi cờ bạc. Bến xe. Bến đò. Lưu manh cấp trên xuất hiện trên các địa bàn chánh trị, hành chánh và nghề nghiệp chuyên môn (kể cả tôn giáo). Về ý hướng lưu manh thì cả cấp trên lẫn cấp dưới đều có chung một đặc tính là muốn thủ đắc những lợi lộc của người khác. Lưu manh cấp dưới dùng bạo lực. Lưu manh cấp trên dùng thủ đoạn. Trong thủ đoạn có ngầm chứa bạo lực. Vì vậy lưu manh cấp trên rất nguy hại cho Cộng đồng, cho Quốc gia. Lưu manh này làm tan vỡ mọi cố gắng của người lương thiện.


      Ngoài ý hướng muốn độc quyền thủ đắc lợi lộc, Lưu manh cấp trên, cấp dưới đều thích xưng hùng xưng bá, thích hơn người. Thấy kẻ tài giỏi, ngược với quyền lợi của mình là phải tiêu diệt. Thấy người đức độ như cái gai trước mắt phải nhổ. Lưu manh là đám cỏ dại luôn luôn muốn vượt lên, chèn ép những cây có ích lợi.


      Lưu manh thường kết bè kết đảng. Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Kẻ đứng đầu thích làm đại ca, nhị ca (anh Hai) tam ca (anh Ba). Thích chỉ huy, thích bày mưu tính kế hại người.


      Vì tập đoàn lưu manh là một tập đoàn phạm pháp có tính chất chống đối lại Xã Hội, nên các thủ lãnh đại ca, nhị ca, tam ca thường lẩn trốn vào bóng tối. Sợ bị truy nã. Khi lộ diện thì chạy có cờ.


      Tổ chức của tập đoàn lưu manh là tổ chức yếu, gặp khi tan vỡ hoạn nạn thì cố chạy lấy bản thân, có khi tố cáo nhau hết mình.


      Có tập đoàn lưu manh nghĩ rằng anh em trong nhà cùng làm lưu manh thì ăn chắc. Thứ nhất là trật tự vai vế có sẵn Anh là anh. Em là em. Thứ hai là cùng huyết thống nên rất tin cẩn. Thứ ba là bảo vệ được bí mật. Thứ tư là hành động đồng nhất. Đồng loạt lừa bịp. Đồng loạt ném thư rơi, thư vu cáo. Đồng loạt rỉ tai, tung dư luận xấu. Đồng loạt tố cáo vu khống.


      Thực tế không phải vậy. Lưu manh là con chồn con cáo sống nhờ vào bóng đen bóng tối để ẩn thân hại người. Nếu lôi chúng ra ngoài ánh sáng như Bồ Tùng Linh thường kể trong bộ Liêu Trai Chí Dị, cáo chồn sẽ hiện nguyên hình mà chết.


      Từ Bỉ Vỏ, Những Ngày Thơ Ấu. Nguyên Hồng dẫn tôi vào thế giới đen. Những rung động nhân bản lẫn siêu hình tràn ngập trong tôi. Cái thiện và cái ác như hiệp khách và gian tế đấu trận thư hùng khốc liệt trên mái nhà, trên ngọn cây ngọn cỏ mà tôi bắt gặp trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Rồi Vũ Trọng Phụng mạnh bạo hơn mở mắt tôi bằng những tác phẩm với các tên nghe cô hồn hết chỗ nói. Như: "Kỹ Nghệ Lấy Tây", "Cơm Thầy Cơm Cô", "Lục Sì".


      Ở đó tôi đối diện với lưu manh và sửa soạn một chỗ đứng cho một tên lưu manh khi xuất hiện.


      Những ngày lưu lạc trên xứ người, tôi còn gặp tác giả Bá Dương trong tác phẩm "Người Trung Quốc Xấu Xí" (LTS: Nhà văn Nguyễn Hồi Thủ ở Paris đã dịch ra Việt ngữ). Ông là tiếng thở dài của lương tâm khi nhục nhằn xấu hổ viết về người Trung Quốc, về Văn Hóa Trung Quốc. Bi thảm nhất là hai anh Trung Quốc lưu lạc xứ người, làm ăn cạnh tranh bất chính. Một anh tức quá hỏi:

      - Tại sao anh lại đi làm cái việc tố cáo bậy bạ đê tiện đó?

      Anh kia tỉnh bơ trả lời, hầu như lương tâm của anh không có răng.

      - Cùng đi xây dựng cơ đổ. Tôi không tố cáo anh thì còn tố cáo ai bây giờ.


      À ra thế. Tin tức quốc nội cho biết, tên thủ lãnh Năm Cam có một chính sách là tố cáo vu cáo với nhà chức trách các đối thủ để mình độc quyền hành động khi các đối thủ chết hết. Hay thật, Lưu manh thật.


      Tôi nghĩ, trước kia Việt-Nam có trường Đại Học Văn Khoa [Facultés des Lettres, thường được hiểu là trường Đại Học của Văn Chương. Thực ra Triết học, Sử học, Địa lý, Khảo cổ là những môn khoa học chứ không thuần túy Văn chương. Vậy nên có tên là trường Đại học Nhân Văn thì rõ hơn]. Để dân tộc có tinh thần thực tiễn và khôn ngoan nên có một môn học gọi là Lưu Manh Học, khảo cứu sâu rộng về mọi khía cạnh của lưu manh trên toàn thế giới để người Sinh Viên thấy rõ vấn đề lưu manh và cách ứng sử lưu manh của các tổ chức, quốc gia thù nghịch. Khi hiểu rõ lưu manh sẽ tránh bước đầu ngây thơ, giúp Cộng đồng, Xã hội thanh lọc phần tử xấu, và một Xã-hội lương thiện sẽ là cơ bản cho sự phát triển của dân tộc.

      San Diego, 5.2002



      NGUYỄN VĂN SÂM



           Nhà văn
          Nguyễn Văn Sâm

      Thật ra khó mà biết được chính xác một quyển sách nào ảnh hưởng lên cuộc đời mình. Sách vở nó chằng chịt vào trong trí não ta với những tư tưởng quyển này chồng chất lên quyển kia. Với tôi ảnh hưởng quan trọng là một giai đoạn văn học ở Miền Nam từ 1945-1950.


      Tôi còn nhớ trước khi có sự xuất hiện ồ ạt của các nhà văn di cư từ Bắc vào Nam, tạo nên phong trào mới về cách viết truyện, làm thơ cũng như tạo cách suy nghĩ khác con đường có từ trước cho nhà văn và độc giả ở đây thì chúng tôi, những người sánh trưởng trong Nam đang chịu ảnh hưởng của các nhà văn tôi gọi là những nhà văn Kháng Chiến Nam Bộ. Đó là những Hồ Hữu Tường, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh, Dương Tử Giang, Việt Tha, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Tam ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Tấn, Khổng Dương (dầu ba người sau này sanh ra và lớn lên ở Miền Bắc, họ vào Nam sánh sống và gia nhập làng văn trong thập niên 40).


      Tôi biết đọc sách và hiểu nội dung của tác phẩm khi 11, 12 tuổi, năm 1951, 1952, lúc này các tác phẩm thuộc trào lưu Kháng Chiến Nam Bộ không còn xuất hiện nữa nhưng kết quả của nó vẫn còn. Trong "thùng sữa" đựng sách cũ của gia đình, không biết người nào trong họ nhà tôi để lại gần như một nửa những tác phẩm của các nhà xuất bản Chân Trời Mới, Nam Việt, Dân Tộc, Đại Chúng, Tiếng Chuông, Tân Việt Nam. Tôi trốn thực tế nghèo khó của gia đình mình bằng cách ngoài những giờ phải bán thuốc lá lẻ trên đường, chui đầu trong một góc nhà đọc ngấu nghiến các truyện xã hội hiện thực phơi bày bất công và tình đời ô trọc của Lý Văn Sâm, Phi Vân và say mê các hình ảnh lý tưởng cũng như những sinh hoạt tươi vui đầy nhân tính trong các truyện của Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh, Hồ Hữu Tường...


      Và tôi chịu ảnh hưởng của họ, tất cả những nhà văn này. Tôi oán ghét bất công, muốn phá bỏ những bất bình đẳng khi mình lớn lên. Tôi muốn chống lại cái xã hội thối nát mình đang sống. Sau này một vài người bạn của thời sinh viên thường nói rằng "lúc đó anh có khuynh hướng là người thiên tả".

      Thiên tả hay khuynhh hữu tôi không chú ý lắm, chỉ biết mình không chịu nỗi sự áp bức, những điều bất nhân do bọn nhà giàu như điền chủ, cai tổng, hương quản giáng lên đầu những người dân nghèo, tá điền, tá thổ.


      Ghét, nhưng chưa biết làm cách nào để giải quyết những nguyên nhân sanh ra các tệ nạn này. Vài năm sau đó trong khi cắp sách đến trường, tôi thấy nhiều người cùng học bỏ đi bưng, họ thoát ly. Tôi không làm được chuyện đó. Có thể mình nhát, có thể tánh mình không hợp. Xét mình không phải là người hành động. Tôi sợ những thay đổi của cuộc sống với những người bạn mới và những hoạt động mới. Tóm lại, kiểm điểm lòng mình tôi thấy mình là người không có máu phiêu lưu, sợ chém giết và sợ chết chóc, thích đắm chìm trong tác phẩm hơn là thích hành động và chường mặt ra đời. Và tôi cứ đi học như bao nhiêu người khác, đời đưa đẩy đi dạy, tôi quên đi khía cạnh thực tế do những tác phẩm vừa kể mà chỉ chú ý đó là những tác phẩm thuần túy như các quyển thi tập, tập truyện khác chung quanh. Tôi đọc lại chúng để biết những suy nghĩ của một thời đại, những vấn đề của một thời đại hơn là tự mình mặc lấy chiếc áo nhiệm vụ phải giải quyết vấn đề quan trọng của một thời đại do những quyển sách đó trình bày.


      Dần dần với thời gian, cuộc sống bên ngoài đổi thay. Những vấn đề đặt ra của những tác phẩm Kháng Chiến Nam Bộ tự nhiên được giải quyết, những chuyện tá điền, những hình ảnh người phu xe nghèo khổ bị bóc lột không còn là hình ảnh tiêu biểu của xã hội trước mặt tôi nữa, chúng, nếu còn thì cũng như nắng tà dương trên đường rút lui vào dĩ vãng. Lý tưởng đánh Pháp để đem về độc lập cho Việt Nam cũng không còn. Chuyện quan trọng bây giờ là cuộc chiến tương tàn quốc cộng.


      Đời làm thầy giáo cho tôi cơ hội nhiều hơn đi vào sách vở thực sự. Tôi khảo sát lại Văn Chương Nam Bộ không còn với tinh thần nóng hổi của người trai mới lớn nóng mặt vì những bất bình. Tôi coi đó là chuyện văn chưong. Và thấy mình có nhiệm vụ khác, giới thiệu giai đoạn văn chương bị bỏ quên này, một bên vô tình một bên cố ý, cho mọi người. Tôi bỏ ra nguyên đời mình sưu tập các tác phẩm của giai đoạn này. Chuyện binh lửa, chuyện vượt biên, chuyện đốt sách của một thời khiến sự sưu tầm càng ngày càng khó. Những nhà văn Kháng Chiến Nam Bộ chính họ cũng không giữ được tác phẩm mình, nên cũng không giúp được gì cho người sưu tập. Tôi chỉ làm quen được một số những nhà văn của thời đại này. Phi Vân dễ thương, nhún nhường, nói rằng sau Đồng Quê, Dân Quê, Tình Quê, thấy rằng mình không viết được nữa. Bối cảnh nhà quê sau này không còn phù hợp nữa. Sơn Khanh lý trí, cẩn thận từng chữ một trong tác phẩm, cố gắng in truyện dài còn xót lại trước đây thì tác phẩm cũng bị chìm như hòn đá ném vào mặt hồ, mất hút, bặt tăm.


      Cuộc hôn nhân chính trị vội vã cửa một nhà văn và một tướng lãnh khiến ông tù tội sau này, mất nhiều sức khoẻ, không đối đầu được với cuộc sống ở quê người. Thẩm Thệ Hà già yếu, thiếu thốn, chuyện văn chương như một chuyện xa xôi từ bao kiếp trước. Lý Văn Sâm có nhiều lửa nhiệt tình sau khi về lại Sài gòn, bao lần hăm hở cầm bút viết lại nhưng đều không viết được gì so với chính mình nửa thế kỷ trước. Hồ Hữu Tường vẫn chạy theo lý thuyết siêu văn chương của mình, lập thuyết bằng tác phẩm, say mê giải thích, hướng dẫn kẻ hậu bối, nhưng nói chung ông bị "tụt hậu" so với tư trào văn nghệ chung cho cả Miền Nam. Bùi Nam Tử, Hoàng Tấn, một người ở Sài gòn, một người từ Hà nội vào theo chân đoàn quân tiếp quản, cả hai hiện đều quá già yếu nghèo khổ, bệnh hoạn, đang sống trong sự quên lãng của đời.


      Những quyển sách của họ đã ảnh hưởng lên sự suy nghĩ và ảnh hưởng lên chính sự quyết định cầm bút của tôi. Viết về quê hương, viết về bất công với bất cứ hình thức nào. Nhưng dĩ nhiên càng ngày cách viết của người ta càng khác đi.


      Cùng cơ bản một vấn đề bất công xã hội mà Hồ Biểu Chánh viết khác, Ngô Tất Tố viết khác, Vũ Trọng Phụng viết khác, Phi Vân viết khác, các nhà văn hải ngoại bây giờ viết khác, những người trong nước viết khác. Sự tiến bộ nằm ở đây, cá biệt nằm ở đây.


      Dầu sao nhà văn không thoát khỏi từ trường ảnh hưởng của những người đi trước mình. ảnh hưởng mỗi người chịu tác dụng một cách và kết quả tinh hoa phát tiết mỗi người mỗi cách.


      Cám ơn Tạp Chí Khởi Hành đã đặt vấn đề cho tôi có dịp nói về chuyện này.

      Houston, 5.2002



      TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH



         Giáo sư
      Nguyễn Xuân Vinh

      Đầu năm 1982, tôi được Đại Học Washington ở Seattle mời tới thuyết trình về Quỹ đạo tối ưu, và nhân dịp đó anh Thanh Nam của Báo Đất Mới đã hỏi tôi là thích đọc cuốn truyện nào nhất. Tôi đã trả lời là tôi rất thích cuốn Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn. Ý nghĩ đó chợt đến với tôi vì tôi đã có dịp gặp cả Đỗ Tốn và Thanh Nam hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn chừng vài tháng vào cuối năm 1957 khi chờ đợi nghị định bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Không Quân và lúc đó tạm thời giữ chức vụ Trưởng phòng Báo chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, kiêm nhiệm chủ bút hai tờ báo Quân ĐộiPhụng Sự mà các anh đều ở trong ban biên tập. Giờ đây để trả lời câu hỏi của Khởi Hành"cuốn sách nào về văn học đã ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất từ trước tới nay" tôi xin được kể thêm ra vài cuốn sách cả Pháp lẫn Việt.


      Thuở nhỏ tôi chỉ được đọc sách Pháp, mới đầu là cuốn Lettres de mon Moulin của Alphonse Daudet vì có ghi ở trong chương trình học. Sau đó tôi đọc tiếp cuốn Le Petit Chose của ông. Hồi học ở Pháp tôi đã lái xe mô-tô đi khắp vùng Provence và tới thăm chiếc cối xay là nơi tác giả đã viết những lá thư hay tuyệt vời, sau này được giảng dậy trong chương trình trung học. Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn Tâm Hồn Cao Thượng ông Hà Mai Anh dịch từ cuốn Grands Coeurs của nhà văn Ý Edmond De Amicis. Đó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi.


      Sau này, khi đã đọc những cuốn Hồn Bướm Mơ TiênTiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng và Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, thì tôi nhận thức được rằng chúng ta có thể dùng tiếng Việt để tạo dựng nên những tác phẩm văn chương sánh ngang được với những tác phẩm lớn của các quốc gia khác trên thế giới. Với lòng tin vào sự phong phú của tiếng Việt, tôi đã yên tâm viết văn và làm thơ từ năm 1950 khi được mời vào nhóm Thế Kỷ ở Hà Nội của các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong và Tạ Tỵ.


      Tôi muốn chia sẻ với độc giả Khởi Hành một kỷ niệm đã tới với tôi khi đọc cuốn truyện dịch Tâm Hồn Cao Thượng của nhà giáo Hà Mai Anh. Tác giả cuốn sách nguyên bản là Edmond De Amicis đã kể lại, như là một tập nhật ký, trọn một niên học của một cậu bé tên là An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên Ý Đại Lợi.


      Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xẩy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thắm đậm tình người. Ở cuối mỗi câu chuyện người dịch lại có thêm những chú thích và giải nghĩa để giúp thêm cho học sinh Việt dễ dàng thấm nhuần ý nghĩa của bài văn. Thuở nhỏ tôi đã đọc cuốn sách một cách thích thú và lúc lớn lên, sau khi đọc cả bản dịch sang tiếng Pháp của ông A Piazzi, tôi đã dùng thơ ngũ ngôn để viết một tập nhật ký của một em học sinh Việt Nam trong suốt một niên học ở bậc tiểu học cũng giống như cậu bé An-Di ở trong sách của ông De Amicis. Cuốn truyện thơ lấy đề là Tuổi Thơ, tôi viết tay chỉ có một bản, được truyền giữa đám bạn cùng là dân khoa học, và cảm hóa được anh Ngô Quốc Quýnh, nay là Giáo sư-Tiến sĩ dậy môn vật lý ở Trường Đại Học Tổng Hợp ở Hà Nội để anh viết một bài cảm đề, qua nhiều năm tháng tôi còn nhớ mấy câu cuối:


      Sợ một mai đây, tựa nắng hồng,

      Ngày tàn héo hắt, chếch bên song.

      Tuổi Thơ ghi để vài trang nhỏ,

      Gửi lại nơi đây một tấm lòng.


      Trước khi đi Pháp du học tôi trao cho anh Bùi Xuân Uyên và sau này được biết anh có trích đăng vài bài trên Báo Thế Kỷ còn ngoài ra bản thảo độc nhất nay ở trong tay ai thì tôi không biết. Mới đây ngồi nói chuyện với giáo sư Hà Mai Phương là thứ nam của cụ Hà Mai Anh thì được anh cho biết là anh cùng bào huynh là cựu đại tá Hà Mai Việt, cũng là một người bạn của tôi, có dự án cho in lại cuốn Tâm Hồn Cao Thượng và lần này có thêm tiểu sử của nhà giáo cùng những kỷ niệm viết bởi thân hữu và môn sinh. Riêng tôi, sẽ là một điều hân hạnh cho tôi nếu có dịp đóng góp vào ấn phẩm này để vinh danh công nghiệp của một nhà giáo đã dịch thuật và giới thiệu nhiều tác phẩm ngoại quốc tới giới trẻ Việt Nam ở thế hệ tôi.



      TRẦN LONG HỒ



         Nhà văn Trần Long Hồ

      Cuốn sách nào đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, tôi xin trả lời ngay: "Cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử".


      Đây là một cuốn sách, đương nhiên như vậy, nhưng đồng thời, hình như, không phải như thế. Đây là một cuốn sách, về mặt hình thức, nó giống như hàng triệu cuốn sách khác, cũng có bìa, gáy, và những chữ. Nhưng về mặt nội dung, người ta hay gọi nó là một cuốn kinh. Tôi cho rằng, nó không chỉ là một cuốn sách, mà, chính thật nó là một bảo vật vô giá trong kho tàng tri thức của nhân loại.


      Trong Lão học, Đạo Đức Kinh là cuốn sách chỉ đạo, ngoài ra, khoảng hơn trăm năm sau còn có cuốn Liệt Tử Xung Hư Kinh của Liệt Tử (người ta không rõ năm sinh và năm mất) và độ hai trăm năm sau là cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử (369-298 trước Công nguyên).


      Lão Tử, họ Lí, tên là Nhĩ, tự là Đam (theo Sử Ký của Tư Mã Thiên), sinh vào khoảng 570 năm trước công nguyên, trước Đức Khổng Tử (sinh năm 551 trước CN) vào khoảng mười chín tuổi, và lớn hơn Đức Phật Thích Ca (sinh năm 563 trước CN) khoảng bảy tuổi. Lão Tử người làng Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở. Cuộc đời Lão Tử có ghi trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Liệt truyện, thiên 63.


      Lão Tử sống khoảng tám mươi tuổi, đến cuối đời, ngài lẳng lặng qua hẻm núi Hàm Cốc, đi về phía Tây để tuyệt tích. Vị quan trấn ải Hàm Cốc là Doãn Hỷ (Yin Hsi), biết được, bèn chặn Lão Tử ở cửa ải . Doãn Hỷ yêu cầu Lão Tử phải viết lại những gì mà ngài đã chỉ dạy cho đời. Nếu ngài không viết, ông không cho ngài qua ải. Cuối cùng, Lão Tử viết để lại khoảng hơn 5000 (năm ngàn) chữ. Doãn Hỷ cho người khắc lại trên thẻ tre, đó là cuốn Đạo Đức Kinh để lại cho hậu thế. Sau đó, Lão Tử đi về phía Tây. Từ đó, không còn ai biết về ngài nữa. Có sách chép rằng, sau đó Doãn Hỷ cũng theo Lão Tử đi ở ẩn.


      Vì lý do Đạo Đức Kinh được ghi lại trên các thẻ tre, và bản thân Lão Tử, trong lúc sinh thời không có học trò, cho nên, đời sau, những tông đồ của Lão giáo đã gặp nhiều khó khăn khi sao chép lại Đạo Đức Kinh, hay ghi lại thân thế của Lão Tử. Cho tới bây giờ, hơn hai ngàn năm trăm năm sau, nhiều tác giả vẫn còn tranh cãi về nguyên bản của Đạo Đức Kinh.


      Bình sinh Lão Tử chẳng những không có học trò mà Ngài cũng không hề nói về bản thân mình. Vì thế, cuộc đời Lão Tử và cuốn Đạo Đức Kinh phải cưu mang nhiều huyền thoại.


      Toàn bộ cuốn kinh chỉ có khoảng năm ngàn hai mươi chữ. Lời lẽ ngắn gọn và khúc chiết. Ở nhiều chỗ, các câu đối chữ. đối ý, và có vần với nhau như thơ. Số chữ rất ít mà nội dung lại bao gồm mọi vấn đề, từ khai thiên lập địa, của vũ trụ cho chí đến con người. Cho nên ý nghĩa trong kinh rất tinh túy và cô đọng. Từng chữ, đều có từng ý nghĩa riêng. Thay đổí một chữ, thậm chí xê dịch hay đảo lộn thứ tự của chữ, là đổi thay ý nghĩa thật lớn lao. Đạo Đức Kinh là một khối tinh túy ròng. Mỗi chữ là một lằn sét, một tiếng sấm. Mỗi câu là cả một đền đài. Tinh thần Đạo Đức Kinh mềm mại và dịu dàng nhưng lại tinh khiết và cứng rắn.


      Nguyên bản cuốn kinh gồm những chữ và câu được khắc trên nhiều thẻ tre. Cuốn sách này không có dấu chấm và phết. Tùy theo cách ngắt câu mà những người sau đã thêm các dấu chấm phết vào. Mỗi khi xê dịch các dấu này, nghĩa thay đổi rất nhiều. Xê dịch một dấu có thể gây núi đổi, sông dời. Mất đi một câu có thể gây sụp đổ đền đài hay dời non lấp biển.


      Về nội dung, Đạo Đức Kinh có 81 chương. Bản gốc vốn thất truyền từ lâu; được dịch ra rất nhiều thứ tiếng ở rất nhiều quốc gia. Hầu hết các bản dịch đều dựa trên bản hiệu đính của Vương Bật (người Sơn Dương, nước Ngụy, đời Tam Quốc, sinh năm 226 và mất năm 249 sau công nguyên, thọ 24 tuổi). Bản này chia ĐĐK ra làm hai phần. Phần đầu, Đạo, có 37 chương. Phần sau, Đức, có 44 chương.


      Ở Việt Nam có nhiều bản dịch của nhiều tác giả khác nhau như Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tôn Nhan, Đinh Sĩ Trang, Huỳnh Kim Quang, Trần Công Tiến,... Bản dịch nào cũng có phần hay riêng, nhưng tựu trung, bản của tác giả Nghiêm Toản được trình bày rõ ràng và đầy đủ hơn cả.


      Đạo Đức Kinh ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

      Tôi bắt đầu tìm hiểu về Đạo Đức Kinh vào khoảng tuổi bốn mươi, sau khi đã lân la qua nhiều sách của các tôn giáo khác. Thật sự, tôi có biết về Lão Tử và Đạo Đức Kinh khi còn rất trẻ, nhưng lúc đó tôi bị ảnh hưởng của một số trong những bậc cha anh, nghĩ không đúng về Lão Tử. Giống như, tôi gặp Thầy mà không biết, lúc đó, tôi tựa như người có mắt không tròng và có đầu không não. Tôi đã bỏ qua, không nhận Thầy. Cho đến khi trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, một hôm, tôi tìm lại một cuốn trong số sách cũ của mình, đó là Đạo Đức Kinh, bản dịch của tác giả Nghiêm Toản.


      Khi đọc qua chương đầu, tôi biết rằng bản thân mình đã đặt chân vào bước đầu tiên của Đạo. Đồng thời, tôi cũng biết rằng, cuộc đời tôi đã được xác định. Tôi biết rằng, tôi đã tìm được Thầy. Người đó là Lão Tử.


      Càng đọc, tôi càng cảm thấy, tôi được dần dần tái sinh. Tôi cảm nhận rằng, ở vào tuổi bốn mươi tôi lại được sinh ra. Đạo Đức Kinh đã cho tôi lớn dần lên, mắt tôi sáng hơn, tai tôi thính hơn, não tôi tinh anh hơn. Tôi nhìn cuộc đời sáng tỏ hơn.

      Trong văn chương, ĐĐK ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.


      Về văn, hầu hết những truyện ngắn trong hai tập Ông Kỳ LânSư Phụ, cũng như truyện Thái Sư đã đăng trên Khởi Hành, đều được xây dựng trên nền tảng các chương của ĐĐK. Tôi đã có nhiều dự định về văn chương liên hệ đến cuốn kinh, nhưng chỉ ngại rằng, công việc bận rộn, thời gian eo hẹp, phần đời còn lại không còn kịp để thực hiện hết mộng ước của đời mình.


      Về thơ, tôi vốn bước vào thơ trước khi dấn thân vào văn. Tôi đã sống với thơ từ khi còn lứa tuổi trung học, nhưng bao nhiêu thơ của tôi đều bi ném vào sọt rác. Tất cả những bài thơ của tôi, như những đứa con đều nằm trong dạng bào thai. Có những bài ở dạng thai nhi một vài năm hay có khi đến vài chục năm. Lý do, tôi không vừa ý về thơ của mình cho nên chúng đã không bao giờ được sinh ra. Cho đến những năm gần đây, Đạo Đức Kinh đã khiến cho chúng được ra đời vậy. Những bài thơ của tôi (bút hiệu Trần Thảo Lư) đăng trên báo trong thời gian gần đây thường có ghi ngày tháng ở cuối bài, đó là ngày chúng được tượng hình chứ không phải ngày chúng được sinh ra.


      Tôi thích như vậy và cho tôi xin được như vậy. Chẳng hạn như bài "Đêm trên mũi Nghinh Phong" có ghi là "Vũng Tàu, mũi Nghinh Phong, 1970", đó là năm mà bài thơ được tượng hình chứ không phải năm mà bài thơ được sinh ra. Tôi mạn phép xin ban chủ biên Khởi Hành cho đăng bài thơ này trong kỳ báo có đăng bài trả lời này.


      Cám ơn quí vị đã đọc bài trả lời của tôi và cám ơn nhà thơ Viên Linh cũng như các vị trong ban biên tập Khởi Hành.



      THẾ DŨNG


      Cuốn sách nào làm thay đổi đời tôi ư? Tôi đã đọc những gì? Còn nhớ, từ lúc học lớp 2 (khi 8 tuổi) tôi đã đọc Hoa Diếp Dại của Phùng Quán Anh, Rừng Thẳm Tuyết Dày (của một nhà văn Trung Quốc, tôi không còn nhớ tên tác giả), Ba mươi Năm Đời Ta Có Đảng của Tố Hữu, Truyện Kiều của Nguyễn Du...

      Hết lớp Ba cũng là khi tôi đọc xong 13 tập Tam Quốc Diễn Nghĩa, 11 tập Đông Chu Liệt Quốc, Những Người Khốn Khổ (của Victor Hugo) và rất nhiều số Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học của Viện Văn Học Việt Nam (hồi đó còn do Giáo sư Đặng Thái Mai làm Viện trưởng). Hết lớp Năm tôi đọc hết 3 tập Thủy Hử của Thi Nại Am. Tóm lại, ngay từ thời thơ ấu ngoài những cuốn dành cho tuổi thiếu nhi được đọc công khai, tôi đã lặng lẽ kiểm duyệt toàn bộ cái hòm sách bí mật dành cho người lớn của bố tôi. Những năm tháng sau đó tôi gặp những cuốn sách như Thép Đã Tôi Thế Đấy, Đội Cận Vệ Thanh Niên, Đỏ và Đen (của Stendhal)... Rồi tôi đọc văn thơ Nga, Đức, Tàu, đặc biệt văn chương Việt Nam đương đại và văn chương Nga Xô Viết tôi đọc "hơi bị" nhiều.


      Năm 17 tuổi, trước khi đi bộ đội, tôi đã thi đỗ vào Đại Học Sư Phạm I Hà Nội và rất thích đọc Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng, Sử ký Tư Mã Thiên, Tuổi trẻ Các Mác, Tuổi trẻ Lê Nín, Cửa Mở của Việt Phương.


      Sau năm 1975, nhờ có bà cô làm ở phòng nghiên cứu của Thư Viện Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội, tôi được đọc một loạt thơ, tiểu thuyết, biên khảo và nghiên cứu của các nhà văn và dịch giả Miền Nam như: Tiếng Hát Lên Trời, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, Giải Khăn Xô Cho Huế của Nhã Ca, 10 Chân Dung Văn Nghệ của Tạ Tỵ, Con Đường Sáng Tạo, Biên khảo của Nguyễn Hữu Hiệu, Vĩnh Biệt Tình Em (Boris Pasternak, bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu), sách dịch của Trần Phong Giao, kịch Vũ Khắc Khoan, thơ Vũ Hoàng Chương. Từ đó, cái nhìn riêng của tôi về toàn cảnh văn chương Việt Nam bắt đầu thay đổi. Vì vậy, ngay cả cuốn Những Tên Biệt Kích Trong Văn Chương Miền Nam của Nguyễn Văn Mười có lẽ cũng đã không tác động vào tôi như mong muốn của những người sản xuất ra nó.


      Đặc biệt, năm 1980, tôi say mê đọc Đầu Xanh Tuổi Trẻ của Dotstoievski (hình như qua bản dịch của Mặc Đỗ?) Lá Cỏ của Walt Whitman (qua bản dịch của Vũ Cận), Thơ Tagor (qua bản dịch của Đào Xuân Quý). Từ tháng tư năm 1989, do sống ở Berlin nên sau ngày 3.10.1990, tôi đã bỗng nhiên mà trở thành "cư dân nước ngoài" của Cộng hòa Liên bang Đức một cách tình cờ rất là định mệnh. Thế là tôi lại càng có nhiều hạnh ngộ với sách vở. Tôi đọc hầu như gần hết các nhà văn nhà thơ ra đi từ miền Nam, miền Bắc hiện đang sống ở Hải ngoại như Tô Thuỳ Yên, Vũ Thư Hiên, Viên Lính, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tà Cúc, Mai Vi Phúc, Mai Thảo, Khế Iêm, Nguyễn Sĩ Tế, Võ Phiến, Khoa Hữu, Trần Hoài Thư, Đặng Tiến, Cao Đông Khánh, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Hồi Thủ, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Chí Thiện v.v. và quan niệm của tôi về phẩm và lượng của văn chương Việt Nam đã khác trước.


      Tuy sống ở nước ngoài, tôi vẫn theo dõi và đọc được một số tác giả đã có tiếng hoặc mới nổi lên ở trong nước. Sau đó là thời kỳ tôi đọc một vài tác giả đương đại có tiếng của Âu châu qua bản tiếng Đức. Như vậy, sự đọc sách của tôi cũng có những giai đoạn, những thời điểm như bản lề, như cột mốc, như những khúc ngoặt hệ trọng. Chẳng hạn: Từ khi tôi biết đọc cho tới 30 tháng 4 năm 1975- Từ năm 1976 đến tháng 4 năm 1989- Và từ năm 1990 đến nay.

      Tuy đã kiểm nghiệm sự đọc của mình khi đang ở tuổi 49 nhưng tôi vẫn không thể tìm ra một cuốn sách của ai đó đã làm thay đổi đời mình. Tôi nghiệm ra rằng, cứ mỗi một chu kỳ 9 năm trong đời mình, tôi lại gặp được một vài cuốn sách mà ở thời đoạn ấy đã làm cho thần trí tôi sự thăng hoa, thăng tiến nào đó. Còn một cuốn sách làm thay đổi đời tôi? Có lẽ, số phận tôi không có cơ may gặp được điều kỳ diệu duy nhất ấy.


      Nhưng, những cuốn sách làm thay đổi một vài quan niệm của tôi, làm thay đổi đời tôi dần dà, ẩn mật một cách không gì cưỡng nổi thì chắc chắn là có. Nhưng, không phải chỉ là một cuốn. Trí nhớ và tâm linh tôi báo động như thế. Nếu không sớm gặp được những cuốn sách như Kinh Dịch (bản dịch của Ngô Tất Tố), Đạo Đức Kinh (bản dịch của Hạo nhiên Nghiêm Toản), Dịch Học Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần, các trang viết của Dostoievski, của García Marquez, các công trình khoa học của Albert Einstein, các công trình về Phân Tâm học, về Tâm- Sinh lý học bản thể của Freud và của Carl Gustav Jung, v.v... thì có lẽ tôi sẽ không có cơ hội vấp phải lời phỏng vấn này.


      May sao! Khi câu trả lời đang có nguy cơ bị lạc đề một cách bất nhã, tôi bất chợt phát hiện rằng: quả thật có một cuốn sách luôn luôn làm thay đổi đời tôi: Cuốn sách đó mang tên Những Sự Thật Đã, Đang Và Sẽ Sinh Thành Thịnh Hủy (đó là sự thật nằm sâu trong tất cả các cuốn sách mà tôi đọc được). Tác giả của nó có tên là Tạo Hóa.

      Berlin, 4.02



      ĐỖ TIẾN ĐỨC



          Nhà văn Đỗ Tiến Đức

      Nghĩ cho cùng thì với tôi, cuốn sách gọi là "ảnh hưởng" tới tôi nhiều nhất là cuốn truyện kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách. Tuy nói là bị ảnh hưởng đấy, nhưng giờ đây tôi chẳng biết tác giả của nó là ai, chẳng nhớ cốt truyện, một câu văn.


      Tôi chỉ còn tên của một trong những nhân vật chính của cuốn sách đó là Vân Đằng Giao, một chàng hiệp khách xuất quỉ nhập thần này được khá nhiều nữ hiệp khách xinh đẹp mê.


      Hồi đó, vào năm 1952, tôi cũng mê nữa.

      Thế rồi, tôi đậu vào lớp đệ thất trường Nguyễn Trãi. Giờ Việt Văn đầu tiên, thầy Lan ra đề luận văn, mang về nhà làm, đại ý "Em hãy viết về người ông (nội hay ngoại) của em. Tôi viết dài mấy trang. Khi trả bài, thầy Lan nhìn tôi nói:

      "Em gửi tới nhà báo đi, họ đăng đấy".


      Tưởng thầy khen, tôi hăm hở mang ngay tới tòa báo Dân Chủ ở gần trường. Nhưng ký tên gì đây? Tôi bèn ký là Đằng Giao.


      Tuần sau, tôi sung sướng thấy bài luận văn đó được đăng lên mục "Thanh Niên Học Sinh" của báo Dân Chủ. Tôi mang tờ báo tới khoe thầy. Nhìn đôi mắt thầy cau lại đầy vẻ ngỡ ngàng, và cái miệng hơi bĩu xuống. Lúc đó tôi mới chợt hiểu ra rằng vì tôi làm bài luận chẳng giống ai nên thầy mỉa mai mà tôi cứ tướng thầy khen.


      Vài tuần sau, cũng trên báo Dân Chủ, nơi phụ trang Thanh Niên Học Sinh, tôi đọc được trong mục "Nhắn tin", người phụ trách là ông Hồ Hán Sơn, nhắn tôi gửi bài mới cho báo, và thêm vài ba câu khích lệ tôi. Tôi hứng chí, viết tiếp.


      Bài tôi được báo Dân Chủ đăng lia chia. Rồi gửi cho báo khác. Rồi dự thi truyện ngắn báo Giang Sơn ở Hà Nội, báo Nhân Loại ở Sài gòn. Những bài báo này được truyền trong các lớp đệ thất, trong đó có Đặng Trí Hoàn (tức Hà Huyền Chi) và Dương Kiền...


      Di cư vào Sài gòn, tôi đi làm báo Trời Nam, viết cho tờ Thẩm Mỹ.

      Sau này, tôi tặng bút hiệu Đằng Giao cho người bạn thân của tôi trong trại Học sinh Di cư Phú Thọ, và bắt đầu từ cuốn Má Hồng, viết năm l965, đăng trên tạp chí Bách Khoa, tôi ký tên thật là Đỗ Tiến Đức. [LTS: 1. Người bạn nhà văn Đỗ Tiến Đức nói ở đây, sau không dùng bút hiệu Đằng Giao để viết văn, mà để vẽ. Đó là họa sĩ Đằng Giao, con rể nhà văn Chu Tử. Hiện Đằng Giao là một họa sĩ sơn mài nổi tiếng ở Sài Gòn. 2. Vào khoảng 1952 tại Hà Nội có phong trào viết và đọc truyện kiếm hiệp in từng tập mỏng 16 trang, ra đều đặn hết tập này đến tập khác, có khi hàng chục tập mới hết một cuốn truyện vài trăm trang. Cùng với Bồng Lai Hiệp Khách (nhà thơ Trần Thúc Vũ cho biết tác giả là Lý Ngọc Hưng) còn có Long Hình Quái Khách - cũng của Lý Ngọc Hưng - hay loại truyện "trinh thám phiêu lưu mạo hiểm kỳ tình" như Người Nhạn Trắng, Đoan Hùng Lệ Hằng, v.v...




      LÂM CHƯƠNG



         Nhà văn Lâm Chương

      Với câu hỏi này, nếu trả lời vắn tắt thì chỉ vài hàng là đủ. Nhưng giải thích tại sao, và ảnh hưởng thế nào thì dài dòng lắm.

      Những năm tiểu học, tôi mê truyện Tàu. Đọc Tây Du, mê Tề Thiên Đại Thánh. Đọc Phong Thần, mê Dương Tiễn, Na Tra. Đọc Thuyết Đường, mê Lý Ngươn Bá, Võ Văn Thành Đô. Bọn nhỏ chúng tôi gặp nhau, nói về những nhân vật truyện Tàu không chán. Tôi mong mình mau lớn để làm anh hùng chọc trời khuấy nước. Đó là kỷ niệm đẹp một thời tuổi nhỏ.

      Năm đệ thất, đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, tôi ứa nước mắt vì chuyện tình bi lụy của cô Lan. Tôi tưởng đây là quyển sách hay nhất. Sang năm đệ tứ, đọc lại Hồn Bướm Mơ Tiên, tôi bỗng thấy nhạt phèo và ngạc nhiên tại sao mình có thể khóc với một chuyện tình đầy tính cách giả tạo như thế? Dù viết là bịa chuyện, nhưng bịa không khéo sẽ gây trong lòng người đọc ấn tượng không hay về tài năng tác giả. Có lẽ do thành kiến ấy, nên về sau tôi không thích bất cứ tác phẩm nào của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.


      Cũng trong năm đệ tứ, có lần tôi đi coi xi nê. Cái thời xa xưa, trước khi coi phim, khán giả còn phải làm thủ tục đứng dậy chào cờ và nghe bài hát suy tôn Ngô Tổng Thống. Buổi chiếu phim, thường mở đầu bằng hình ảnh thời sự và khoa học. Phim khoa học tôi coi lần ấy, chiếu cảnh những người đàn bà trên giường đẻ. Đẻ đủ kiểu. Đẻ khó, đẻ ngược, đẻ xuôi, đẻ phải mổ bụng để lấy hài nhi ra. Tôi thật kinh hoàng khi nhìn thấy bộ phận sinh dục của người đàn bà kỳ dị trong khi sinh nở, không đẹp như tôi tưởng. Thế là tôi bị liệt dương cả mấy tháng trời. Tôi không còn cảm thấy hứng thú, không nghĩ đến tình yêu trai gái nữa. Nhìn vào con gái, tôi chỉ thấy tội nghiệp, và thương họ như thương mẹ của mình.


      Ấn tượng mạnh mẽ về chuyện sinh đẻ chưa phai, tôi đọc Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của Georghiu. Tôi sợ cái thời đại văn minh cơ khí, và những bi thảm mà con người phải chịu đựng trong thời kỳ chiến tranh. Đau khổ, đọa đày, chết chóc. Tất cả đều phi lý. Tôi đâm ra chán đời, vi vu trong đầu nỗi chết.

      Trong thời gian này, tôi thường bị bọn du đãng bắt nạt. Đang lúc chán đời, tôi lận dao trong người đi tìm lại mấy thằng đã từng bắt nạt tôi, dự định sẽ đâm chết bọn chúng, rồi tự tử luôn. Cũng may, tôi tìm không gặp nên tôi còn sống đến ngày nay. Bây giờ, nghĩ lại, nếu ngày ấy tôi gặp lại bọn du đãng, chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể tôi chưa kịp làm gì, thì đã bị du đãng chém tôi chết rồi.


      Một cuốn phim và một quyển sách có tác động dữ dội vào tâm hồn tôi, làm tôi buồn rầu, chán đời đến nỗi không thiết sống là như thế.


      Tuổi trẻ dễ xúc động, nhưng cũng rất mau quên. Tâm hồn, và đời sống tôi trở lại bình thường không lâu sau đó. Mãi đến khi vào lính, đọc Sử Ký Tư Mã Thiên, tôi lấy làm thích thú. Từ đó trở đi, tôi đọc đi đọc lại Sử Ký Tư Mã Thiên không biết bao nhiêu lần.


      Ngoài Sử Ký Tư Mã Thiên, tôi cũng rất thích đọc Kinh Thánh. Không phải vì sùng đạo hay tìm hiểu giáo lý, bởi tôi không theo đạo Thiên Chúa. Tôi chỉ thích cái lối hành văn lạ lùng, và những tư tưởng làm cho tôi luôn luôn bị bất ngờ. Thử lật bất cứ một trang nào trong Kinh Thánh. Trang 1596, chương Diệu Ca:


      Chân em tuyệt đẹp trong những chiếc hài! Hỡi công nương!

      Đường cong cặp đùi những chiếc vòng,

      công trình do tay khéo léo.

      Rốn em tròn xoay như chung.

      Sao cho đừng thiếu rượu nồng!

      Bụng em, một đống miến mì, có huệ rào quanh.

      Đôi nhũ hoa như cặp nai tơ,

      con sinh đôi của linh dương mẹ.

      Cổ em như tháp ngà.

      Mắt em là những hồ nước Khesbôn, bên cổng Bat-Rabbim.

      Mũi em như Tháp Liban, dõi về phía Đama.

      Đầu em cao cả vóc người như núi Karmel.

      Bím tóc trên đầu như nhung gấm.

      Một hoàng đế bị xích lại bởi suối tóc huyền

      Em đẹp biết bao và kiều diễm dường nào,

      yêu yêu ơi, quí nương ơi!

      Này dáng của em giống tợ chà là.

      Nhũ hoa như chùm quả.

      Anh nói: ta phải leo lên chà là mà chụp lấy chùm trái.

      Ước gì nhũ hoa của em như những chùm nho,

      và hương vị mũi em như mùi táo.

      Miệng em như rượu hảo hạng.


      Có thể nói Kinh ThánhSử Ký Tư Mã Thiên là hai quyển sách đeo đẳng theo tôi bền bĩ nhất, đọc không bao giờ chán.


      Mấy năm nay, những khi rỗi rảnh tôi hay viết truyện.

      Một hôm, có người nhận xét lối hành văn của tôi có mang hơi hướm của Tư Mã Thiên. Tôi thật không ngờ rằng vì yêu thích mà bị ảnh hưởng hồi nào không hay. Nếu không có người nhận xét còn lâu tôi mới biết mình bị ảnh hưởng người khác.


      Viết tới đây, chợt nhớ tới nhà văn Vĩnh Hảo trả lời cho câu phỏng vấn trên Khởi Hành số 67, tháng 5.02. Trong lời cuối, ông viết: "Tôi nghĩ rằng những người cần bút khác cũng chỉ mê thích một vài tác giả, tác phẩm nào đó trong đời, chứ không bị "ảnh hưởng " rề rề bởi một người cầm bút khác từ trước tới nay thì có lẽ anh/chị ấy vẫn đang làm người học trò tập làm văn để nộp bài cho thầy giáo chứ chẳng sáng tạo gì đâu. Sáng tạo là vượt qua. Vượt qua người trước, vượt qua những tác phẩm, vượt qua chính mình. (Xin chua thêm: vượt qua không có nghĩa là vượt hơn, mà chỉ có nghĩa là ra khỏi ảnh hưởng)".


      Nếu theo cách nghĩ của nhà văn Vĩnh Hảo, thì tôi đang làm người học trò tập làm văn để nộp bài cho thầy giáo chứ chẳng sáng tạo gì đâu. Thật thế, từ trước tới nay tôi chưa một lần dám nhận mình là nhà văn. Tôi chỉ là người kể chuyện (mà không hề làm văn chương).


      Cũng theo nhà văn Vĩnh Hảo, những tác phẩm có mặt mà như không, chẳng có tác động gì đến con người hay cuộc đời cả... (chua thêm: có những tác phẩm như vậy không nhỉ? Nếu có, sao có thể gọi là "tác phẩm" được nhỉ?) Ngoài những quyển Kinh của các tôn giáo, có lẽ xưa nay chưa từng có hoặc có rất ít những quyển sách nào tác động mạnh mẽ đến con người hay cuộc đời. Như vậy, có thể liệt những quyển Kinh vào hàng tác phẩm, còn lại những quyển sách khác trên thế giới, khó tìm được quyển nào xứng đáng để gọi là tác phẩm. Buồn thay!

      Boston, 7.2002



      XUÂN VŨ



         Nhà văn Xuân Vũ
       (1930 - 2004)

      Sắc đẹp, uy quyền đều hủy diệt

      Thế gian còn lại chữ mà thôi (XV)


      Gởi bạn VIÊN LINH: Xin cảm ơn trước cái đã. Vì còn nhớ nhau qua bao cuộc phong ba. Mới đây mà đã 30 năm, tôi mới gặp lại bạn trên... giấy. Và chỉ nghe tiếng mà chẳng thấy hình. * Thời gian có ủng hộ chúng ta hay không thì không rõ, nhưng cuốn sách ảnh hưởng nhất mà bạn hỏi (trong cuộc phỏng vấn) đó, xin trả lời ngay là Truyện Tây Du do Trần Phong Sắc dịch. Tôi đọc bộ truyện này hồi mới đọc được chữ quốc ngữ, rời trường xóm đi vào trường làng. Những vị thầy dạy tôi đã qua đời hết, những bạn học thì tản lạc không biết nơi nào, nhưng bộ truyện còn mãi trong đầu tôi, nay đã 72 tuổi.


      Nếu tôi không lầm thì đó là bản in của nhà IN Phạm Văn Thìn(h) khổ dài gấp đôi ngang, mỗi quyển chừng 50, 60 trang. Toàn bộ tới 16 quyển. Vậy mà thằng học trò trường làng dám đọc hết trọn bộ.


      Thời đó ít ai ngó tới sách vở mà chỉ lo cặm cụi cày cuốc. Riêng nhà ông Sáu tôi, một nhà nông làm ruộng nhiều, có trâu vài ba đôi, thì có sắm truyện. Truyện thì ông cất trong rương xe, một loại tủ sắt, bằng gỗ chắc vô biên. Ông để bộ truyện trong đó và không có ai mượn được. Vậy mà tôi mượn được. Số là ông có người con út thứ 9 đi học cùng trường với tôi tên là Bùi Văn Vĩnh.


      Bữa nọ đi ngang chợ thấy có gánh hát Bầu Bòn (hay Tân Thinh tôi quên) dựng bảng quảng cáo tuồng "Tam Tạng đi thỉnh Kinh", chú Vĩnh bèn nói với tôi: "Tao biết truyện này rồi!" - và hỏi tôi: "Mày có xem truyện không?" Tôi gật đầu.


      Trời đất ơi! Cours enfantin mà đọc 16 quyển truyện? Quả là điếc không sợ súng. Thế là bữa hôm đó, tôi còn nhớ, trời mưa mới tạnh, đi từ chợ về nhà, bùn đất dính đầy quần áo. Chú Vĩnh biểu tôi ghé nhà chú lấy truyện đưa cho, nhưng còn dặn không được đưa ai mượn! Chú bảo tôi đứng ngoài hè. Chú sợ ông Sáu tôi thấy thì bị đòn. Ông Sáu là em rể ông nội tôi. Tánh không chịu mượn đồ gì của ai, và cũng không thích cho ai mượn đồ gì của ông. Thế mà chú Vĩnh dám lén lấy truyện cho tôi mượn.


      Sau này tôi mới biết chú lén lấy chìa khóa của bà Sáu mở rương ra, lấy truyện với kiểu đó. Chú cho tôi mượn và trả đủ 16 quyển. Truyện Tây Du. 5, 6 năm qua tôi gởi thơ về hỏi chú Bộ truyện có còn không? Chứ trả lời là "Tây đốt nhà hai lần, truyện nào mà còn được?" thế là bộ truyện Vỡ lòng của tôi đã ra tro lâu rồi. Nhưng chuyện thì còn lại trong đầu chớ không có ra tro.


      Ảnh hưởng gì tới tôi? Thì tôi không thể nói được. Nhưng khi lên Trung học, tôi học một ông thầy dạy "Annamite" bằng tiếng Pháp. Ông cắt nghĩa Chinh Phụ Ngâm, Kiều, Lục Vân Tiên bằng tiếng Pháp. Có hiểu quái gì nhưng vẫn ngồi nghe hết giờ, mỗi tuần 1 giờ. Và khi thầy hỏi "Chúng mày có hiểu không?" thì cả lớp đều đồng thanh đáp: "Hiểu!" Một bữa nọ giảng Lục Vân Tiên sắp hết giờ, ông cũng hỏi kiểu đó. Thì có thằng hỏi: "Một bếp mà chen hai lò" nghĩa là gì? Thì thầy cắt nghĩa rất dễ. Một thằng khác lại hỏi: "So dần dây Vũ dây Văn" là sao? Ông cũmg giải nghĩa dễ dàng đó là âm nhạc. Một thằng lại hỏi: Trong Kiều có câu "Trong như tiếng hạc bay qua" xin thầy cho biết "con hạc" là con gì? Một thằng khác lại hỏi: Trong Lục Vân Tiên có câu: "Nực cười hai chữ nhơn tình éo le", nực cười nghĩa là gì? Vài thằng nữa cũng đua nhau hỏi. Ông thầy phát quạu, gắt: "Tụi bây qua Tây mà hỏi!" Thế là cả lớp im luôn từ đó tới sau không thằng nào dám hỏi nữa.


      Tôi cũng định bụng sẽ hỏi "nhân vật Bát Giái" có thật không, nhưng sợ ổng bảo "qua Tây mà hỏi" thì bỏ mạng nên thôi. Về sau tôi nghe chú tôi giảng nghĩa về Tây Du như sau:


      Tôn Hành Giả, Sa Tăng, Bát Giái là tượng trưng cho ba cái tánh thường có của một con người, chớ không phải là ba người: Tôn Hành Giả tượng trưng cho sự ngay thẳng trung trực. Sa Tăng: ba phải. Bát Giái: sự ham hố vật chất, không kể lẽ phải. Ba tánh đó thường có trong một con người. Tính ngay thẳng trung trực thì ai cũng có. Nhân chi sơ tánh bổn thiện mà! Nhưng rồi cuộc sống, hoàn cảnh làm cho cái tánh ấy bị lấn áp hoặc mất luôn. Như ở Hành Giả thì có nhiều lúc bị lấn áp nhưng tính đó không mất.


      Thí dụ: như nhiều lần THG, nhờ con mắt lửa tròng vàng mà nhìn ra yêu quái biến dạng để gạt Tam Tạng: Hình con gái bị trói, hình chùa Phật (giả ). Hành Giả nói thẳng đó là yêu quái, nhưng Tam Tạng không tin. THG can không được thì thôi chớ không có cách gì làm cho Tam Tạng xa lánh. Như một lần nọ có một con yêu quái hóa ra một cô gái đẹp bị treo trên cành cây, than khóc ỏm tỏi. THG bảo đó là con yêu, nhưng Tam Tạng không nghe, bảo Bát Giái cứu. Bát Giái thấy con bé xinh quá, lại được thầy cho phép, nên kê lưng heo vào cõng thì cô gái nặng như quả núi, suýt đè Bát Giái nhẹp ruột, chừng đó Tam Tạng mới tin, nhưng chuyện đã rồi. May mà không sao.


      Còn Sa Tăng thì lúc nào cũng ngậm miệng hoặc ai nói gì nghe cũng đúng cả. Ta thường gọi là tánh ba phải.

      Tôi đọc ở ngoài đời và trong trường cũng khá bộn sách nhưng không nhớ kỹ bằng nhớ truyện Tây Du. Nhân vật nào trong truyện này tôi cũng nhớ như in không hiểu tại sao, có lẽ là vì đọc đầu tiên. Hoặc là truyện quá hay. Đọc rồi không quên được chăng?


      Tôi nghe ông Thầy (nói ở trên) bảo rằng "truyện tưởng tượng mà như Tây Du thì Jules Vernes không thể nào sánh được. Thi Nại Am viết chuyện ở mặt đất, xứ Phật, trên Trời, y như có thật không ai có thể bịa đặt hơn truyện Tây Du". Tôi không có đọc Jules Vernes nhưng tin lời thầy bảo.


      Bây giờ già rồi tôi vẫn còn cho là: chuyện dã tưởng, tôi chưa đọc chuyện nào hay bằng Tây Du. Truyện hay thì phải kể lại được như tác giả viết, có khi còn thêm thắt cho hợp với hoàn cảnh nọ kia. Riêng tôi thì kho tàng Văn hóa của tôi là truyện Tàu. Tôi đọc hết một kệ sách của ông cố tôi (ông nội của Tía tôi) gồm cả trăm bộ, cả xóm lôi đi về nhà đọc rồi làm của luôn, riêng tôi lấy cũng được 5, 7 bộ.


      Đọc cứ 10 trang thì được ông tôi trả công 2 xu. Mấy người học trường làng (có 2 người thôi) muốn có xu ăn bánh thì đến đọc. Bất cứ lúc nào, Ông ngủ hay thức, bất cứ truyện nào. ông thuộc hết, đọc nhảy trang là ông biết ngay.


      Như thế đó, khi đọc hết truyện Tây Du của ông Sáu (rể của ông cố tôi) tôi mò tới cái kệ truyện Tàu đó, mê Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Tiết Nhơn Quí chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Anh Hùng náo Tam Môn Giai, Vạn Huê Lầu, Nhạc Phi... không thể nào nhớ hết tên truyện tôi đã đọc.


      Và bây giờ tôi vẫn đọc Tam Quốc (hồi xưa vì Tam Quốc không có đánh phép nên không đọc) và vẫn mê hơn bất cứ truyện tân thời nào tôi đọc.


      Nhất là về cách xây dựng nhân vật.

      Nhân vật nào hay bằng Bát Giái, Tôn Hành Giả, Trương Phi, Quan Công, Nhạc Phi, Tần Cối. Bây giờ không có ai trên thế giới sánh bằng Thi Nại Am, La Quán Trung và những tác giả khác. Tôi thấy nước Tàu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc trong đời sống văn hóa của ta hơn bất cứ nước nào. Riêng đối với tôi thì quá rõ.


      Anh Viên Linh thân mến,

      Lâu quá mới gặp lại Khởi Hành xưa ở Sài Gòn mà tôi có thời cộng tác. Nay lại gặp Khởi Hành ở đây thật tha hương ngộ cố tri. Tôi vẫn còn ham viết và cứ viết hoài tới đâu tới. Nghĩ mà tội nghiệp cho Nguyễn Tuân dân ghiền nước cay mà không có rượu uống. Và bây giờ mới nhớ Quang Dũng với bộ ria mép hóm hỉnh. Ở gần nhau 3 năm mà không hiểu nhau bằng cách xa ngàn dặm. Ngày tôi về được Hà Nội sẽ mua một chai rượu Cointreau (thứ rượu bạn đãi dân tị nạn đi Mỹ hôm ở Phòng khách Đài Mẹ Việt Nam, nhớ không ?) đem đổ lên mộ Nguyễn Tuân. Cho ông bõ những lúc pha chế rượu trắng bằng trái mơ rừng... *



      THU NHI



         Nhà thơ Thu Nhi
         (Thích Nữ Huệ Tâm)

      Câu hỏi: "Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước đến nay và cho biết trường họp đọc cuốn sách đó" làm cho tôi phải hồi tưởng, lục lại trí nhớ tìm trong các tác phẩm đã đọc từ nhiều chục năm qua xem cuốn nào ảnh hưởng mình và ảnh hưởng ở phương diện nào. Nghĩ hoài mà không thấy rõ nét lắm. Thôi thì... tôi xin kể những thơ văn in đậm trong tâm hồn tôi - từ thuở ấu thơ và nhớ mãi đến bây giờ.


      Là đứa con út trong gia đình có 10 anh chị em nên khi tôi ra đời thì nhiều anh chị tôi đã lớn, người chị trẻ nhất cũng hơn tôi 9 tuổi. Ba Má tôi cho các anh chị tôi ở căn nhà bên cạnh; riêng tôi được sống trong ngôi nhà chính với song thân. Ba tôi đích thân dạy tôi từ chữ nghĩa cho đến đạo lý chứ không giao phó cho các anh chị tôi (nếu tôi không vô phước mất Cha và biền biệt xa các anh chị lớn từ lúc lên mười thì ngày nay có lẽ tôi không dốt như vầy).


      Lúc còn quá nhỏ, chưa đi học mà Ba tôi đã dạy tôi thuộc mấy bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan để mỗi lần có bạn của Ba tôi đến nhà chơi là tôi bị kêu ra đứng vòng tay đọc cho các cụ nghe mà nhận những bàn tay thương yêu xoa đầu vuốt tóc.


      Riêng má tôi, vào những buổi xế trưa rảnh rang ưa nằm trên bộ ván trắc cạnh cửa sổ góc phòng ăn, bà đọc to từ Truyện Kiều, đến Chinh Phụ Ngâm rồi Tần Cung Oán... Qua nhiều ngày tháng những câu thơ này đi vào tâm trí và tôi thuộc nhiều đoạn lúc nào không hay. Vì vậy mà một buổi chiều tháng 3 năm 98, Giáo sư Đào Mộng Nam nói chuyện về thơ Hồ Xuân Hương tại Trung Tâm VAALA, ông mời tôi đến góp lời góp ý khoảng 15 phút.


      Vào đề, tôi thật tình thưa rằng: "Ngày xưa, từ giữa thập niên 20 đến giữa thập niên 40, ba tôi rất nghiêm khắc với các con, Người kiểm soát sách báo gắt gao không cho các chị tôi đọc tiểu thuyết lãng mạn. Đầu thập niên 40 mà tôi nghe ba tôi nói: 'Đàn ông chớ đọc Phan Trần, con gái chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều'. Nhưng khi tôi học tới lớp dự bị (lớp hai sau này) biết đọc chữ rồi là tha hồ lôi sách ở tủ kính cất trong phòng ba tôi ra đọc, từ thi ca kim cổ đến Văn Đàn Bảo Giám; hết cuốn này sang cuốn khác vì vậy tôi thuộc một số thơ Hồ Xuân Hương từ đó..." Làm cho các thính giả bật cười mà người cười to nhất là nhà báo Lê Đình Điểu.


      Xin lỗi, kể lể dông dài mất thì giờ của quý đọc giả. Tôi xin trở lại trả lời trọng tâm câu hỏi:

      Thuở nhỏ được nghe và đọc nhiều văn thơ chọn lọc nên tác phẩm của cụ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Bà Đoàn Thị Điểm in đậm nét trong tâm hồn non nớt của tôi nên có thể có một chút ảnh hưởng về văn chương, riêng về mặt quan niệm sống có thể phát triển lúc học mấy bài hát nói của cụ Nguyễn Công Trứ, nhất là mấy câu:


      ...Thị tại môn tiền náo

      Nguyệt lai môn hạ nhàn...

      Khi hỷ lạc khi ái ố lúc sầu bi

      Chứa chi lắm một bầu nhân dục...

      ... Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc

      Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thòi nhàn...


      hoặc lúc thất thế, sống trong cảnh lưu đày, nghèo khổ vẫn vui vẻ, qua mấy câu:


      ...Ngày tới tối vỗ bụng rau bình bịch,

      người quân tử ăn chẳng cầu no.

      Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho,

      đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ...


      Tuổi hoa niên ảnh hưởng quan niệm sống như vậy cọng thêm những bài Phật Pháp được học trong gia đình Phật Tử nên từ đó tôi luôn luôn nhắc mình phải đặt bản ngã (cái Tôi) của mình càng thấp, càng nhỏ càng tốt và lúc nào cũng tri túc (biết đủ) để có cuộc sống bình dị, an vui.


      Tôi cũng thuộc loại người... dại, như câu thơ Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ... của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

      Không hiểu bản tính tôi vốn đã ưa chỗ thanh tịnh hay vì ảnh hưởng bài thơ này mà tôi không muốn đến chỗ đông đảo huyên náo chút nào. Không muốn mà đôi lúc phải miễn cưỡng tới. Bây giờ tôi đã đi tu nên có lý do chính đáng để từ chối các cuộc họp mặt từ chối các chức vụ trong Hội Thân Hữu tỉnh nhà và Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Hải Ngoại đề mong được sống hoàn toàn trong tịch tĩnh.


      Viên Linh phỏng vấn

      (Khởi Hành các số 67=>72, Tháng 5=>10.2002)

      * Trăm Năm Cô Đơn là nhan đề Việt ngữ truyện One Hundred Years of Solitude (Cien anos de soledad) của văn hào Gabriel García Máquez.

      Márquez người nước Columbia, xuất bản cuốn này năm 1967, được trao tặng giải Nobel Văn chương năm 1982.


      * Năm 1969, Hồi ký Đường Đi Không Đến - tác phẩm đầu tay của nhà văn Xuân Vũ ở Miền Nam - được đăng hàng ngày trên trang 3 Nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, lúc ấy do Lê Đình Thạch làm Chủ nhiệm, Phan Lạc Phúc Chủ bút, Viên Linh Thư ký Toà soạn.

      Xuân Vũ sinh năm 1930 tại quê hương Nguyễn Đình Chiểu, tên khai sinh Bùi Quang Triết, đi Kháng chiến chống Pháp năm 1945, tập kết ra Bắc năm 1955, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam (Hà Nội), làm việc tại tuần báo Văn Nghệ, Hà Nội, vượt Trường Sơn trở về với Tổ Quốc năm 1968 trong Chương trình Chiêu Hồi, sau đó cộng tác với Nhật báo Tiền Tuyến bằng cách viết Đường Đi Không Đến, đăng hàng ngày trên trang 3 Nhật báo này trước khi in thành sách, (và được trao Giải Văn học Nghệ Thuật Toàn quốc - danh xưng hồi ấy- năm 1972). Cùng Viên Linh trong Ban Biên Tập Đài Mẹ Việt Nam, năm 1974. (VL đã giải ngũ cuối 1972, đầu 1973 và vào Ban Biên Tập Đài này ít lâu sau đó).

      Trong số các nhà văn thuộc Ban Biên tập Đài Mẹ Việt Nam, làm việc thường trực 8 tiếng một ngày, có 3 người: Viên Linh, Xuân Vũ, Chàng Phi; những người khác là Thượng tá Tám Hà, Vũ Thượng Tiến, Lê H..., và cô Hằng. Cộng tác nhận thù lao từng bài, mỗi tuần một bài có nhiều người, trong có Võ Phiến, Du Tử Lê (sau thay bằng Tuý Hồng), Lê Tất Điều,... [Cũng xin đừng nhầm lẫn Đài Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc với Đài Mẹ Việt Nam].

      Tháng 4.1975, sau khi cùng lên tàu American Challenger, Xuân Vũ và bổn báo Chủ nhiệm từ đó chưa từng gặp lại, cho tới bài viết này. Ông cho xuất bản rất nhiều tác phẩm mới từ ngày sống lưu vong, có thể kể một số ít: Xương Trắng Trường Sơn, Đến Mà Không Đến, Đồng Bằng Gai Góc, Mạng Người Lá Rụng, Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết, tất cả là hồi ký; truyện có Kẻ Sống Sót, Thiên Đàng Treo, Con Người Vốn Quí Nhất, Ngọn Rạch Bằng Lăng...


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định

      - Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ

      - Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định

      - Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký

      - Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký

      - Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại

      - Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký

      - Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)