1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Thái Tuấn, Vài Nét Thấy Người Phụ Nữ Việt (Viên Linh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      30-9-2018 | HỘI HOẠ

      Thái Tuấn, Vài Nét Thấy Người Phụ Nữ Việt

        VIÊN LINH
      Share File.php Share File
          

       


          Họa sĩ Thái Tuấn tự họa
          (1918 - 26.9.2007)

      Nhân dáng người phụ nữ nông thôn Việt Nam qua tranh của họa sĩ Thái Tuấn thường khiến người thưởng ngoạn như tôi có cái cảm tưởng mình có quen biết với người trong tranh, dù người đó là cô thiếu nữ mặc yếm vươn cao cả hai tay để đỡ trái dưa đỏ đội trên đầu, trong tấm "Quả dưa đỏ," hay người đó là thiếu phụ mặc váy đen, đầu chít khăn vuông, ngồi trên chiếc đòn gánh gác ngang hai cái bồ, cái khảm nghỉ chân giữa đường, trong tấm “Trạm nghỉ chân.” Làm sao để giải thích tường tận được đặc trưng thân mật này của Thái Tuấn?


      Trên toàn thể, tranh Thái Tuấn ít màu, rõ nét. Nếu có một quan niệm gọi là tổng thể, thì quan niệm ấy dùng để chỉ tranh Thái Tuấn là xác đáng nhất.


      Ông từng viết rằng người ta đọc thơ văn, nghe âm nhạc, thì phải đọc và nghe từ tốn, từ dòng trên xuống dòng dưới, từ nốt trước tới nốt sau, mới nắm bắt được câu văn, vần thơ, điệu nhạc, khác hẳn sự thưởng ngoạn một bức tranh. Với bức tranh, người ta chụp nó tất cả bằng cái nhìn đầu tiên, là thích hay không thích, rồi mới nói tới chuyện chi tiết. Với ý nghĩ ấy, người ta hiểu được rằng tạo không khí cho bức tranh quan trọng hơn là vẽ hoa lá cành, cũng như vẽ mây và ánh trăng quan trọng hơn là vẽ chính mặt trăng, Như trong câu “vẽ mây nẩy trăng.”



      Trước mặt người viết có mười tấm tranh Thái Tuấn vẽ phụ nữ, thì chín bức không vẽ mũi, chỉ có trong bức tranh vẽ bán diện người nữ, là có hình thể của chiếc mũi, hình thể chứ không phải đường nét, vì cái nền màu xanh của tấm tranh đã khiến cái khoảng trắng của khuôn mặt để lộ ra hình thể của cái mũi. Họa sĩ đã tránh tối đa việc vẽ đường nét. Ông còn viết rằng ông vẽ cả “sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam,” như những dòng chữ sau đây:

      “Vì tôi coi như bức này là bức tranh tôi vẫn ao ước. Ít màu, ít nét, Khoảng trống bao la. Để nhờ chiếc áo dài tuyệt đẹp nói hộ sự đoan trang về tâm hồn sự sâu sắc nên thơ của mọi người nữ Việt Nam. Chiếc áo dài của ta, lạ lắm. Khi người đàn bà mặc vào, lúc đi lúc đứng lúc ngồi, nằm, mọi đường nét của chiếc áo chuyển động tạo nên những đường nét khác nhau vô cùng duyên dáng. Chẳng cần phải vẽ thêm màu mè, hoa lá.” (Thái Tuấn, Orleans 2003, thư riêng cho Viên Linh)

      "Thái Tuấn đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á đông và kỹ thuật hội họa Âu châu để vẽ nên những tấm tranh của mình. [...] Tiến vào nền nghệ thuật mới, cuộc Triển lãm Hội họa Mùa Xuân Giáp thìn, 1964, do Văn Hóa Vụ tổ chức ở Nhà Hát Lớn Sài gòn là một cột mốc đáng kể. Có 583 họa phẩm sơn dầu do hơn 200 họa sĩ khắp nơi gửi về tham dự. Phòng tranh này đã gây được nhiều dự vang trong cuộc sống tinh thần của đất nước chính phần nào cũng là nhờ ở sự thúc đẩy của Hội đồng Giám khảo cuộc triển lãm, cổ xúy cho cái mới, hỗ trợ cho những tiếng nói trẻ táo bạo, với chủ tịch Hội đồng là Thái Tuấn và 4 thành viên khác trong Hội đồng.” (Huỳnh Hữu Ủy, Hai mươi năm Hội họa Miền Nam, 1954-1975, Khởi Hành 81, 7.2003). (1)


      Họa sĩ Thái Tuấn là một nghệ sĩ toàn diện mà tài năng không chỉ ở nghệ thuật tạo hình, ông còn làm thơ, viết tiểu luận, tổ chức các cuộc triển lãm lớn qui tụ nhân tài trong nước, nhất là nhân tài trong giới trẻ chưa có dịp xuất hiện; ông còn là người, qua nét vẽ của mình, đưa vẻ đẹp phương Đông giản dị hiển hiện và tồn tại trong tâm tưởng người thưởng ngoạn. Sau năm 1954 ông đã thúc đẩy nền hội họa Miền Nam tiến triển không ngừng, mà từ đó, khơi dậy sự sáng tạo tưng bừng, chỉ bốn năm sau, 1958, Miền Nam có hơn 50 cuộc triển lãm hội họa! Theo tổng kết của nhà biên khảo nghệ thuật tạo hình Huỳnh Hữu Ủy, năm sau có 300 bức họa được chọn (trong hàng ngàn bức) để trưng bày trong Phòng Triển Lãm Mùa Xuân Kỷ Hợi 1959). Đỉnh cao đáng kể nữa là năm 1962, Việt Nam lần đầu tiên đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm mời nghệ sĩ các nước tham dự, mệnh danh là "Đệ Nhất Triển Lãm Quốc Tế Mỹ Thuật” tại Sài gòn, diễn ra trong một tuần lễ tại Vườn Tao Đàn, có mặt nhiều nước như Pháp Đức Mỹ Hòa Lan, Thụy Sĩ, Á Căn Đình, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Á châu như Nhật Trung hoa Ấn Độ, Úc châu ... và nhiều nước khác. Trong lòng cuộc sinh hoạt nghệ thuật này, Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập, và đây là nhóm nghệ sĩ xung kích nổi bật nhất của Việt Nam trong thời hiện đại; ở đó người ta thấy những người sẽ trở thành các nghệ sĩ tên tuổi không phải của một thời, mà sau 1975, cho dù chính thể biến chuyển, họ vẫn tồn tại, vẫn được trọng vọng, dù ở hải ngoại hay ở trong nước.

       

      Các nghệ sĩ của Miền Nam trưởng thành sau thập niên '50 đã trở nên một hiện tượng rỡ ràng. Dù không muốn so sánh, người ta vẫn tự nhiên nhìn thấy sự so sánh. Vì sao ở hữu ngạn con sông cỏ cây phong cảnh tốt tươi, mà nơi tả ngạn là sự còi cụt khô cằn và ảm đạm? Điều giản dị và căn bản là là nghệ sĩ bên hữu ngạn đã được nuôi dưỡng bởi tinh thần sáng tạo, lối sống tự do, nội dung nhân bản, được đãi lọc trong ảnh hưởng của tinh hoa nghệ thuật thế giới, vì hữu ngạn mở cửa ra với thế giới, đón nhận cái hay cái đẹp của thế giới. Nơi nào cá tính bản chất con người được nẩy nở, được vun bồi, nơi ấy cuộc sống thăng hoa. Ngược lại phía tả ngạn “toàn là hoa cúc vạn thọ” như nhà thơ nhà bình luận Phan Khôi đã báo động từ thập niên '50 ở Hà Nội.



          Tuyển tập Tranh và Tiểu luận
           Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Cho tới ngày nay, nói tới Hội họa Việt Nam, khởi nguồn từ thế hệ thứ nhất sau khi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương được người Pháp thành lập ở Thăng Long - Hà Nội năm 1925, chúng ta nói đến những sinh viên họa sĩ khóa đầu tiên, những Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, sau đó là những tinh túy của thời tiền chiến, những Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ, Trần Văn Cẩn, ... Theo Nguyễn Hải Yến, bà nhắc đến “tứ quí Trí Lân Vân Cẩn". (2) Ở miền Nam thời dựng nước Cộng Hòa, chúng ta có Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tú Duyên, Văn Đen, và tiếp đó là một lớp sóng triều ào ạt: Nguyễn Trung, Đinh Cường, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Lê Tài Điển, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Bé Ký.


      Tranh Thái Tuấn một mình tách hẳn khỏi đám đông. Đó là những bảng màu nhạt lạnh, nhiều màu đen, xám, xanh rêu, xanh lục, mênh mông không gian, nếu khoảng trống là không gian. Ngoài phụ nữ nhất là phụ nữ miền Bắc, ông ưa vẽ đàn ông trong vai hề, hay vai diễn viên.


      Còn nhớ tôi bắt đầu thực sự quen ông là vào năm 1960, khi đang ở chùa Phú Thạnh. Ngôi chùa có mặt tiền mở ra đường Nguyễn Huỳnh Đức, mặt hông phía phải là con ngõ trổ ra đường Trương Tấn Bửu. Lúc đầu ở một mình, sau họa sĩ Nguyễn Trung chia một nửa căn nhà để làm xưởng vẽ, tôi cũng có vẽ một tấm tranh sơn dầu để ở xó nhà. Nguyễn Trung cũng để ở xó nhà một bức, màu bleue nhạt. Bức này đem dự Cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 1960 hay 61, và được trao Huy chương Bạc. Một hôm đang ở nhà thì Nguyễn Trung đi đâu về, dẫn theo họa sĩ Thái Tuấn. Thấy anh ngó tấm tranh với bảng màu nâu xẫm đỏ màu máu bầm, tôi khoe là tranh của tôi. Anh không có vẻ ngạc nhiên gì, nhưng chăm chú hơn. Vẽ tiếp đi nhé, anh bảo tôi.


      II.- Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công, ra đời ở Hà Nội ngày 19.9 năm 1918, vậy lúc gặp nhau lần đầu anh 42 tuổi, tôi 22, lúc anh và gia đình cư ngụ trong xóm Yên Đổ, tôi thuê nhà sau chùa Phú Thạnh vùng Trương Tấn Bửu. Thuở nhỏ anh được sống giữa vườn Bách Thảo Hà Nội nhờ người cha làm việc cho chính phủ, công việc liên hệ tới thiên nhiên. Khi chiến tranh bùng nổ, anh về quê ngoại ở Thanh Hóa. Năm 1954 ở Sài gòn sinh sống bằng nghề vẽ quảng cáo trang trí, phải hai năm sau mới nghiêng hẳn về nghệ thuật sơn dầu. Lần di cư thứ hai trong đời Thái Tuấn qua Pháp, định cư ở thành phố Orléans, nơi tôi đã tới thăm ông bà vào thập niên 90 bằng một chuyến tàu hỏa đi từ Paris nhân dịp từ California qua Âu châu ra mắt tập thơ Thủy Mộ Quan.


      Suốt thời gian quen biết, sau tháng tư 75, chúng tôi vẫn thường trao đổi thư từ, đôi khi thư anh kèm theo một tấm tranh vẽ trên giấy croquis, đôi khi là một bài thơ, thảng hoặc là một bài tiểu luận ngắn. Chỉ khi họa sĩ qua đời, ngày 26.9.2007 tại Sài gòn, tôi mới biết tên thật họa sĩ, Anton Nguyễn Xuân Công, thọ 90 tuổi.


            Thủ bút Thái Tuấn

      -- Orléans 19 Janvier 1989

      Thân ái gửi Viên Linh

      Nhận được thư sáng nay, thật vui mừng, bên này những người làm văn nghệ chỉ có rất ít, dăm bảy anh em quen cũ. Rất mừng anh ra thêm tờ tạp chí mới, lại là người lăn lộn với báo chí lâu năm, tôi tin tưởng mọi sự sẽ tốt đẹp. Báo chí ngày nay cần đến hình thức mới, anh lại nắm vững phần graphic thì sự đóng góp của tôi thêm phần dễ dàng. ... Tiểu sử thì chẳng có gì đáng kể, chỉ là một họa sĩ tự học lấy. Không thích trường phái nào.

      Cướp đoạt thiên nhiên làm của mình. Một Chút Mừng Vui, Một chút phiền muộn và rất nhiều mông muội.

       

      ... Viên Linh ơi!

      Tôi vừa ở V.N. về hôm 11.5.2002. ... Ngày giỗ Tổ Hùng Vương trong một quán nhậu. Nghe được câu thơ:

      Hùng Vương tựa gốc bồ đề

      Chờ xin giấy phép để về Phong Châu.

       

      Câu thơ không mới, đã có từ những năm trước (hai ba năm trước). Hôm đi Vĩnh Long có một cô nhờ tôi chuyển thư và số điện thoại cho ông, tôi kèm đây. Thái Tuấn

       

      -- Viên Linh thân,

      Gửi anh bài thơ tôi làm tặng bà xã tôi (đã bước vào cõi tiên 3 năm rồi). Và một bức tranh mới.

      Nhớ lại Tết gặp nhau thật vui. Chúng ta một lũ, không đủ khôn lanh chuyện đời. Trí óc theo mây theo gió cọi chuyện gì cũng là trò chơi bày đặt ra cho đỡ buồn thế thôi. Anh cứ thong dong mà chơi. Văn chương nghệ thuật cũng một trò chơi. Nên không lập thành Đảng. Cứ có tổ chức là hết chơi. Thái Tuấn

      GỬI EM


      Gửi mây mớ tóc của nàng

      gửi đôi mày đẹp cho hàng liễu xanh

      gửi bờ vai rất mong manh

      cho dòng suối nhỏ uốn quanh núi đồi

      gửi cho hoa thắm nụ cười

      gửi đôi mắt biếc, sáng ngời cho sao

      còn gì gửi nốt trời cao

      đêm qua nàng đã bước vào cõi tiên

      mùa đông 2002


      TỰ HỌA


      bức tranh mãi chưa xong

      hết hạ đã qua đông

      nhìn cánh rừng thay lá

      dài thêm bước phiêu bồng

      (đánh máy sau tấm tự họa màu)


      III. Lúc 4 giờ sáng thức dậy, nấu xong một ly cà phê expresso, lục mớ di cảo ra xem, tôi thấy bản sao cái catalogue khi người Pháp tổ chức triển lãm tranh cho anh ở La maison francaise tại Tòa Đại sứ Pháp ở thủ đô Washington, D.C. Phần tái bút Thái Tuấn gọi tôi bằng ông: “T.B. Cái tờ catalogue phê bình Tây nó phong cho mình là Maitre ông thấy có “xướng" không?”



      Lá thư chót tôi tìm được trong mớ giấy tờ anh gửi cho tôi thấy đề năm 2005. Cũng sung sướng tìm thấy 3 tấm tranh “original” tặng tôi.

      Trần truồng tự thuở nằm nôi

      Đến khi từ giã cuộc chơi vẫn truồng...

      (Thái Tuấn, 2005)


      Đó chỉ là hai câu trích trong bài thơ anh vịnh tấm tranh tố nữ, ký 2005, là 88 tuổi. Vì tấm tranh quá khổ cho một cái phong bì, và cái phong bì quá khổ đã bị vứt đâu mất, nên không rõ lúc làm bài thơ này anh ở đâu, hải ngoại hay Sài gòn. Chỉ biết hai năm sau, anh mất ở Sài gòn, ngày 26 tháng 9.2007. (Tài liệu từ Hồi Ký Viên Linh, chưa in).


      1. Xem thêm các sách biên khảo về nghệ thuật tạo hình Việt Nam của Huỳnh Hữu Ủy.

      2. Trí Lân Vân Cẩn là một “cụm từ” chỉ bốn nhà danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Đọc thêm: Nguyễn Hải Yến “Hội họa Hà Nội, Những kí ức còn lại,” Picture Art Foundation xuất bản, 2010,

      www.pictureartfoundation.org

      Viên Linh

      Nguồn: Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam
      Nxb Khởi Hành, Hoa Kỳ, 2017

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định

      - Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký

      - Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký

      - Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại

      - Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký

      - Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký

      - Văn Quang - Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp Khởi Hành 2009 Viên Linh Thông báo

      - Quách Thoại, Nhà Thơ Thời Dựng Nước Cộng Hòa Viên Linh Hồi ký

    3. Bài viết về họa sĩ Thái Tuấn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Thái Tuấn

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Thư Gửi Người Bạn Họa Sĩ Già Ở Orléans (Nguyễn Hưng Quốc)

      Thái Tuấn, Vài Nét Thấy Người Phụ Nữ Việt (Viên Linh)

      Thái Tuấn (Thụy Khuê)

      Vĩnh biệt họa sĩ, nhà phê bình Mỹ thuật Thái Tuấn (Trịnh Cung)

      Những ngày cuối cùng của họa sĩ Thái Tuấn (Hàm Anh)

      Phỏng vấn Thái Tuấn (Nguiễn Ngu Í)

      Tưởng niệm họa sĩ Thái Tuấn

       (cothommagazine.com/)

      Thái Tuấn Nghệ Sĩ (1918-2007)

       (Nguyễn Xuân Sơn)

      Thái Tuấn thiếu nữ, nét thơ trong họa phẩm

       (Luân Hoán)

      Họa Sĩ Thái Tuấn  (Mai Thảo)

      Họa Sĩ Thái Tuấn  (art2all.net)

      Sau phút cuối cùng! Tại nhà cố họa sĩ Thái Tuấn (1918 – 2007)  (Thái Kim Lan)

       

      Tác phẩm của Thái Tuấn

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Một nhà sưu tập tranh (Thái Tuấn)

      Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Thái Tuấn)

      Con thuyền giấy (Thái Tuấn)

      Gửi Em (Thái Tuấn)

      Buổi chiều đẹp (Thái Tuấn)

      Slide Show

       

      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Họa sĩ Lê Văn Miến (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tiểu sử Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (Ngô Kim Khôi)

      Những Kỷ Niệm Nơi Phòng Tranh Trương Vũ (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tranh Con Giống Của Nguyễn Tư Nghiêm (Thái Bá Vân)

      Họa Sĩ Trần Văn Thọ (Viet Art View)

      Tranh Lê Văn Xương lên sàn Bonhams (Lý Đợi)

      Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tranh, tiếng nói cuối cùng (Lê Chiều Giang)

      Nụ Cười Của Nàng Joconde (Liễu Trương)

      Nữ họa sĩ Ann Phong - Dấu Người Trên Đất (Ngu Yên)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)